Báo chí của người Hoa tại Sài Gòn (1955-1975)

Báo chí của người Hoa tại Sài Gòn (1955-1975)

18/08/2024

TS. Phạm Ngọc Hường ;

2024

Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, 49 Nguyễn Thị Minh Khai, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh.

210

TS. Phạm Ngọc Hường

Người Hoa là một dân tộc trong đại gia đình 54 dân tộc anh em của Việt Nam. Trong lịch sử cũng như hiện tại, họ đã có nhiều đóng góp về mọi mặt đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực báo chí. Việc tìm hiểu báo chí của người Hoa giai đoạn 1955 - 1975, không chỉ bổ sung cho nghiên cứu lịch sử báo chí, mà nó có ý nghĩa lớn hơn, đó là làm rõ thêm vị thế kinh tế xã hội của người Hoa giai đoạn này, cũng như cho thấy đặc tính dân tộc của người Hoa, với tư cách là một dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Qua đó có thêm những bài học về chính sách dân tộc. Hơn nữa, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, yếu tố dân tộc càng được coi trọng, là nguồn lực mạnh mẽ cho sự phát triển chung của cả nước. Để giải quyết được vấn đề dân tộc và đưa ra những chính sách phù hợp cho sự phát triển thì cần phải giải quyết vấn đề dân tộc trên mọi phương diện, từ lịch sử đến hiện tại, từ chính trị đến kinh tế, văn hóa, xã hội... Trong suốt chiều dài lịch sử, người Hoa đã là cư dân sống ổn định và phát triển tại Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, song trong giới khoa học và cả thực tế còn nhiều ý kiến khác nhau về thành phần dân tộc, tên gọi, vị trí thiểu số... Chính vì vậy cần nhiều công trình, đề tài nghiên cứu về người Hoa hơn nữa từ yếu tố lịch sử đến hiện tại để thấy rõ tác động của người Hoa đối với sự phát triển xã hội và vấn đề quản lý xã hội. Từ đó đưa ra những chính sách phù hợp, đảm bảo cho sự bình đẳng, phát triển của người Hoa.

Ấn phẩm Báo chí của người Hoa tại Sài Gòn 1955-1975 là kết quả của đề tài nghiên cứu cấp cơ sở do Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ chủ trì, TS. Phạm Ngọc Hường thực hiện vào năm 2022. Đề tài tổng hợp, hệ thống và nghiên cứu trên hai phương diện: chính sách của chính quyền Sài Gòn đối với hoạt động báo chí của người Hoa và các hoạt động của ngành báo chí Hoa ngữ, từ nội dung phản ánh đến hình thức thể hiện trong giai đoạn 1955 - 1975. Qua đó làm rõ hoạt động báo chí của người Hoa nói riêng trong hoạt động báo chí của Việt Nam nói chung, góp phần bổ sung thêm mảng khuyết về báo chí của Việt Nam trong lịch sử. Cuốn sách bao gồm các nội dung chính sau:

+ Quá trình định cư và phát triển của người Hoa tại Sài Gòn;

+ Báo chí của người Hoa tại Sài Gòn đến trước năm 1955: Dưới thời Pháp thuộc, chính quyền thuộc địa đã đưa ra nhiều quy định như các tờ báo xuất bản đều phải do người Pháp đứng chủ bút; tất cả các tờ báo xuất bản bằng một ngôn ngữ khác tiếng Pháp đều phải có sự cho phép trước của Toàn quyền... Giai đoạn này ở Sài Gòn có khoảng hai chục tờ báo Hoa ngữ được thành lập, nhưng không phải tờ báo nào cũng có hoạt động lâu dài, do tình hình kinh tế, chính trị bất ổn nên nhiều tờ vừa ra đời đã dừng xuất bản. Báo phân chia theo nhiều đảng phái khác nhau. Có thể nói, các tờ báo đã cung cấp được mọi thông tin trong đời sống xã hội của người Hoa nói riêng và người dân Sài Gòn nói chung...;

+ Báo chí của người Hoa giai đoạn 1955-1963: Giai đoạn này, chính quyền Sài Gòn đưa ra nhiều quy định, sắc lệnh khác nhau để quản lý báo chí Hoa ngữ, như: cấm nhập, lưu hành hoặc tàng trữ mọi ấn loát phẩm ngoại quốc nhập cảng vào Việt Nam, điều đó đã ảnh hưởng đến việc thu thập các thông tin thời sự quốc tế để đưa lên mặt báo. Qua những năm 1960, chính quyền lại đưa ra chính sách thu hẹp báo chí Hoa ngữ và buộc các tờ báo Hoa ngữ phải đăng tải song ngữ Việt - Hoa để chính quyền dễ bề kiểm soát, điều này đã gây ảnh hưởng đến các tờ báo cả về phương diện nhân sự, tài chính đến tôn chỉ hoạt động của báo Hoa ngữ. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng nhiều tờ báo Hoa ngữ mới vẫn liên tục ra đời. Nhiều tờ báo nổi bật lên về quy mô cũng như số lượng xuất bản, tiêu thụ. Nội dung đăng tải vẫn chủ yếu là các tin tức quan trọng trong nước và quốc tế, đưa tin về mọi mặt đời sống, xã hội của người Sài Gòn;

+ Báo chí của người Hoa giai đoạn 1964-1975: Chính sách của chính quyền Sài Gòn đối với báo chí Hoa ngữ giai đoạn này vẫn tiếp tục thu hẹp ngành báo chí, nhằm làm tăng sự đồng hóa, giảm sự ảnh hưởng của báo Hoa ngữ đối với sự phát triển của cộng đồng người Hoa. Giai đoạn 1964 - 1975 là giai đoạn phát triển mạnh nhất trong sự nghiệp báo chí Hoa ngữ ở Sài Gòn. Nhiều tờ báo phát triển có quy mô, có ảnh hưởng lớn trong báo giới Hoa ngữ. Nhiều tờ phát triển cả về nội dung và hình thức, số lượng xuất bản lớn, trình độ ngôn ngữ cao thể hiện trong từng bài viết, nhận được sự ca ngợi của báo giới trong và ngoài nước. Nội dung đăng tải phong phú đa dạng, đưa tin mọi mặt đời sống văn hóa, giáo dục, kinh tế, xã hội... đáp ứng được nhu cầu đọc của cộng đồng người Hoa ở Sài Gòn nói riêng và Nam Bộ nói chung.

Có thể nói, báo chí người Hoa đã đóng vai trò lớn trong việc thúc đẩy sự phát triển của xã hội, nâng cao trình độ dân trí trong cộng đồng người Hoa ở Sài Gòn. Báo chí Hoa ngữ đã đóng vai trò là tác nhân điều chỉnh xã hội và duy trì ổn định xã hội trong cộng đồng người Hoa ở Sài Gòn.

Cuốn sách là công trình nghiên cứu nghiêm túc, phân tích, tổng hợp tài liệu từ Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II về các chính sách cũng như những quy định về hoạt động báo chí của chính quyền Sài Gòn đối với báo chí Hoa ngữ của người Hoa tại Sài Gòn trong giai đoạn 1955 - 1975. Với những nội dung được nghiên cứu, hy vọng cuốn sách sẽ cung cấp nguồn thông tin bổ ích cho độc giả, những người quan tâm tới vấn đề báo chí và tộc người Hoa ở Việt Nam.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!