Các hiệp ước, hiệp định lịch sử giữa Việt Nam với Pháp và Mỹ (1787 - 1973)

Các hiệp ước, hiệp định lịch sử giữa Việt Nam với Pháp và Mỹ (1787 - 1973)

22/07/2024

Các hiệp ước, hiệp định lịch sử giữa Việt Nam với Pháp và Mỹ (1787-1973)

GS.TS. Nguyễn Văn Khánh (Chủ biên) ; TS. Bùi Thị Hà ; TS. Lê Văn Phong ;

Nhà xuất bản Khoa học xã hội ; MaiHabook ; Viện Sử học ;

2024

26 Lý Thường Kiệt, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

407

Lịch sử là một chuỗi các sự kiện có mối liên hệ, tác động, chi phối lẫn nhau, đôi khi một diễn biến/hoạt động nhỏ cũng có thể thay đổi vận mệnh của một quốc gia. Trên trường quốc tế, những hiệp ước và hiệp định chính trị là thứ có thể đem lại lợi ích hoặc cũng có thể là rủi ro cho một hoặc nhiều quốc gia liên quan. Nhìn lại lịch sử Việt Nam thời kỳ đương đầu với sự bành trướng, cai trị của thực dân Pháp cũng như công cuộc kháng chiến chống Mỹ, có thể thấy rõ tầm quan trọng cũng như tính quyết định của các hiệp ước và hiệp định. Những lần ký kết mang tính lịch sử ấy sẽ có điều gì cần bàn luận? Bối cảnh và bài học lịch sử nào sẽ được rút ra?

Để trả lời cho những câu hỏi trên, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày ký Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam (21/7/1954 - 21/7/2024), Nhà xuất bản Khoa học xã hội đã phối hợp với tập thể tác giả và MaiHaBooks cho ra đời cuốn sách 407 trang, khổ 16 x 24 cm: “Các hiệp ước,  hiệp định lịch sử giữa Việt Nam với Pháp và Mỹ (1787 - 1973)”.

Tập thể tác giả của cuốn sách gồm GS.TS. Nguyễn Văn Khánh (Chủ biên), TS. Bùi Thị Hà, TS. Lê Văn Phong hiện công tác tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Viện Sử học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đã nghiên cứu, biên soạn một cách có hệ thống theo chiều lịch đại các hiệp ước, hiệp định theo thời gian từ Hiệp ước Versailles được ký vào cuối thế kỷ XVIII, đến các hiệp ước ký giữa Pháp với triều đình Nguyễn vào nửa sau thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX. Cuối cùng là các hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với Pháp và Mỹ vào năm 1954 và 1973. Đối với từng hiệp ước, hiệp định các tác giả cũng làm rõ bối cảnh lịch sử, quá trình chuẩn bị và thảo luận, đấu tranh và đàm phán để đi đến ký kết, nội dung cơ bản của hiệp ước và cuối cùng là ý nghĩa của từng hiệp ước/hiệp định đối với công cuộc đấu tranh giải phóng và giữ nước, bảo vệ và khôi phục nền độc lập dân tộc, cũng như những tác động đối với tiến trình phát triển lịch sử của Việt Nam.

Bên cạnh những nội dung trên, cuốn sách cũng cung cấp đến bạn đọc toàn bộ văn bản các hiệp ước, hiệp định bằng cả tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Anh, từ các nguồn lưu trữ tin cậy của Việt Nam, Liên hợp quốc và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ; cùng với đó là tổng hợp tranh ảnh về các cuộc đàm phán và ký kết hiệp ước, hiệp định giữa đại diện của Việt Nam với đại diện của chính quyền Pháp và Mỹ. Từ đây, quý độc giả có thể tiện cho việc tra cứu và so sánh khi tìm hiểu và nghiên cứu về các hiệp ước, hiệp định này.

Nguồn Nhà xuất bản Khoa học xã hội