Con đường tơ lụa kỹ thuật số của Trung Quốc và hàm ý chính sách cho Việt Nam (sách chuyên khảo)

Con đường tơ lụa kỹ thuật số của Trung Quốc và hàm ý chính sách cho Việt Nam (sách chuyên khảo)

24/09/2024

Con đường tơ lụa kỹ thuật số của Trung Quốc và hàm ý chính sách cho Việt Nam

TS. Chu Phương Quỳnh (chủ biên) ; PGS.TS. Chu Đức Dũng ; PGS.TS. Phạm Thái Quốc ; TS. Phạm Sỹ Thành ; TS. Nghiêm Tuấn Hùng ; ThS. Nguyễn Thị Hồng Nga ; ThS. Nguyễn Đình Ngân ; ThS. Nguyễn Trần Minh Trí ; Ngô Phương Lan ; Nguyễn Thị Thúy ;

Viện Kinh tế và Chính trị thế giới ; Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam ; Nhà xuất bản Khoa học xã hội ;

2023

Thư viện KHXH, số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội

319

Con đường tơ lụa, kỹ thuật số, Trung Quốc, Việt Nam

Ngay từ nhiệm kỳ đầu tiên năm 2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chú trọng phát triển kinh tế số và ngày càng khẳng định đây là con đường duy nhất có thể giúp đất nước này vươn lên trong cuộc cạnh tranh chiến lược với Mỹ và các nước phương Tây là tự chủ về công nghệ.

Con đường tơ lụa kỹ thuật số (DSR), một thành tố của sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) được Trung Quốc công bố sau cùng (tháng 3/2015) trong tài liệu chính thức “Tầm nhìn và hành động để xây dựng con đường tơ lụa kinh tế và con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI”, nhưng DSR lại thu hút sự chú ý hơn cả, DSR được coi là chất xúc tác khiến cho hai thành tố còn lại của BRI bao gồm: Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI và Con đường tơ lụa kinh tế thành công…

Để giúp bạn đọc có thêm tư liệu về vấn đề này, tháng 12/2023, Nhà Xuất bản Khoa học xã hội đã phát hành cuốn sách “Con đường tơ lụa kỹ thuật số của Trung Quốc và hàm ý chính sách cho Việt Nam”. Ấn phẩm là kết quả của đề tài nghiên cứu cấp Bộ cùng tên của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam do Viện Kinh tế và Chính trị thế giới chủ trì, TS. Chu Phương Quỳnh làm chủ nhiệm.

Tại Lời nói đầu của cuốn sách, TS. Chu Phương Quỳnh cho biết, nội dung của cuốn sách hướng tới đánh giá những tác động của DSR đến Mỹ, Nhật Bản, các nước Đông Nam Á, Châu Âu và phản ứng của các nhóm nước này đối với DSR, bởi đây là các nhóm nước chịu tác động rõ ràng nhất của DSR.

Ngoài phần Lời nói đầu và Kết luận, nội dung cuốn sách được chia thành 3 chương:

Chương 1: Sự hình hành và phát triển của con đường tơ lụa kỹ thuật số

Chương 2: Tác động và phản ứng của các nước đối với con đường tơ lụa kỹ thuật số

Chương 3: Triển vọng của con đường tơ lụa kỹ thuật số và hàm ý chính sách cho Việt Nam

Theo đó, các tác giả nhận định DSR là một nỗ lực toàn diện và đầy tham vọng của Trung Quốc, bản chất của DSR là gia tăng chủ quyền không gian mạng, kiểm soát an ninh mạng và là phương tiện để Trung Quốc phổ cập khái niệm này vượt ra khỏi biên giới – điều mà Mỹ gọi là xuất khẩu “chủ nghĩa độc tài số”, chiến lược chủ đạo của DSR là tăng tính tự cường của ngành công nghiệp trong nước và đưa các doanh nghiệp Trung Quốc ra toàn cầu; Định hình quản trị mạng toàn cầu theo đặc điểm của Trung Quốc.

Bên cạnh việc giúp các nước đang phát triển giải quyết một số lỗ hổng trong tiếp cận 5G, nâng cấp các thiết bị kỹ thuật số với giá cả phải chăng và hỗ trợ xây dựng các thành phố thông minh thì DSR cũng tiềm ẩn nhiều rủi so như: làm rò rỉ các thông tin cá nhân; các quốc gia tiếp nhận có nguy cơ bị phụ thuộc vào công nghệ và thiết bị của Trung Quốc; có sự đe dọa về an ninh; thách thức sự thống trị và sức mạnh của đồng USD, góp phần phổ biến các tiêu chuẩn của Trung Quốc. Điều này đi kèm với các phản ứng  của các nước đối với DSR và được chia thành 2 nhóm cụ thể là: nhóm các nước ủng hộ DSR (thường là các quốc gia đang phát triển) có nền quản trị kém, có nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng số lớn, ưu tiên các lợi ích kinh tế hơn là các rủi ro từ DSR (bao gồm các quốc gia thuộc Đông Nam Á, Châu Phi và một số nước nhỏ ở Châu Âu). Nhóm các nước phản đối DSR thường là những nước phát triển, có nền quản trị tốt, ưu tiên an ninh quốc phòng hơn là lợi ích kinh tế từ DSR và cam kết với quyền tự do internet (gồm các quốc gia như Mỹ, Ấn Độ và các nước lớn ở Châu Âu).

Các tác giả cũng cho rằng triển vọng DSR trong những năm sắp tới là khó dự đoán bởi ngày càng có nhiều nước lo ngại mô hình chủ quyền mạng của Trung Quốc; niềm tin đối với các sản phẩm và dịch vụ công nghệ mang nhãn hiệu Trung Quốc đang lung lay; Đảng Cộng sản Trung Quốc đang tiến hành một cuộc “đàn áp công nghệ” chưa từng có đối với các công ty công nghệ khiến cho nhiều công ty phải chịu những khoản lỗ lớn hoặc thậm chí đóng cửa; Mỹ coi Trung Quốc là “thách thức an ninh lớn nhất” và có thể chặn các công ty Trung Quốc có được bán dẫn hoặc chip từ bất cứ nơi nào trên thế giới, chỉ cần xác định có lo ngại về an ninh quốc gia. Điều này buộc Trung Quốc phải đẩy nhanh tiến trình “tự lực cánh sinh” trong phát triển ngành công nghiệp chip, hoàn toàn sử dụng nguồn cung ứng trong nước dù đắt đỏ hơn. Vì thế, cuộc cạnh tranh địa kỹ thuật số này có thể dẫn tới khả năng sẽ phân mảnh thị trường thế giới thành hai hệ thống: (1). Theo tiêu chuẩn Trung Quốc; (2). Theo tiêu chuẩn của phương Tây – Mỹ.

Dựa trên những phân tích kể trên, nhóm tác giả khuyến nghị, Việt Nam cần nhanh chóng tự chủ về công nghệ hoặc ít nhất giảm sự phụ thuộc vào công nghệ Trung Quốc; Xây dựng chương trình hành động chung của khối ASEAN về công nghệ và kỹ thuật số để hạn chế những tác động tiêu cực từ sức ép phải “chọn phe” dựa trên quan điểm: Việt Nam không phản đối DSR, để ngỏ khả năng tham gia DSR trong một số lĩnh vực chọn lọc. Đồng thời hành xử thận trọng để không đối đầu trực tiếp với Trung Quốc trong lĩnh vực này.

Có thể khẳng định cuốn sách là công trình nghiên cứu công phu nghiêm túc được tác giả tham khảo, phân tích và tổng hợp dựa các nguồn tư liệu uy tín. Với những nội dung được phân tích sắc sảo, hy vọng cuốn sách sẽ cung cấp nguồn thông tin tham khảo bổ ích cho độc giả, những người quan tâm tới vấn đề này.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc./.

Thời Trân