Trên dải đất hình chữ S, Thanh Hóa là địa phương sở hữu nhiều làng nghề với sự phân bố ở đều khắp các huyện trong tỉnh. Theo số liệu thống kê năm 2020, Thanh Hóa hiện có 175 làng nghề và diện diện trên địa bàn 21 huyện, thị, thành phố trong tỉnh và vươn ra khỏi ranh giới tỉnh Thanh để nổi tiếng cả nước, có thể kể đến các làng nghề nổi tiếng như: Làng nghề chiếu cói Nga Sơn; Làng nghề mây tre đan Hoằng Hóa; Làng nghề chế biến nước mắm (thị xã Nghi Sơn); Làng nghề làm nón lá Nông Cống; Làng nghề đúc đồng Trà Đông…
Để giúp bạn đọc có thêm thông tin về vấn đề này, tháng 12/2021, Nhà Xuất bản Khoa học xã hội thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã phát hành sách chuyên khảo “Di sản làng nghề xứ Thanh với phát triển du lịch”, do PGS.TS. Nguyễn Thị Thục và PGS.TS. Nguyễn Thị Lan Hương (đồng chủ biên), ấn phẩm là kết quả nghiên cứu của đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh “Nghiên cứu giá trị các làng nghề trên địa bàn Thanh Hóa và đề xuất giải pháp khai thác phục vụ việc phát triển du lịch của tỉnh”.
Ngoài Lời nói đầu và Kết luận, cuốn sách được kết cấu thành các chương như sau:
Chương 1: Cơ sở lý luận về làng nghề, du lịch làng nghề và khái quát làng nghề ở Thanh Hóa
Chương 2: Thực trạng quy mô hoạt động của các làng nghề trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
Chương 3: Mô hình lý thuyết làng nghề ở Thanh Hóa gắn với việc phát triển du lịch
Chương 4: Kết quả triển khai mô hình thực nghiệm: Làng nghề ở Thanh Hóa gắn với việc phát triển du lịch
Chương 5: Giải pháp khai thác việc phát triển và nhân rộng mô hình du lịch làng nghề ở Thanh Hóa
Qua các nội dung được trình bày, nhóm tác giả cho biết: việc phát triển du lịch làng nghề không chỉ đem lại lợi nhuận kinh tế, giúp người dân nâng cao thu nhập, giải quyết nguồn lao động địa phương mà còn là một cách thức để gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Thanh Hóa là một tỉnh giao thoa giữa hai miền Bắc và Trung của Việt Nam, là nơi có nhiều làng nghề nổi tiếng lâu đời như chiếu cói Nga Sơn, đúc đồng Trà Đông, nước mắm Ba Làng, bánh gai Tứ Trụ… làng nghề ở Thanh Hóa là một trong những đặc trưng gắn với đời sống văn hóa của cộng đồng cư dân rộng lớn nên có sức hấp dẫn đặc trưng đối với khách du lịch. Nơi đây không chỉ là nơi sản xuất ra các sản phẩm thủ công độc đáo, tinh xảo, ẩm thực phong phú với nhiều món ăn độc đáo mà còn là môi trường văn hóa bảo lưu được nhiều tinh hoa nghệ thuật, nhiều phong tục, tập quán của cư dân, đồng bào các dân tộc. Vì vậy, khách du lịch đến Thanh Hóa không chỉ để tham quan kiến trúc, mua sắm sản phẩm, tham gia vào các hoạt động của lễ hội mà còn được cảm nhận sức sống, sự bền bỉ, kiên trì, sáng tạo trong lao động với đôi bàn tay và khối óc của bao thế hệ thợ thủ công được hun đúc trong suốt chiều dài lịch sử.
Trong những năm gần đây, làng nghề Thanh Hóa không chỉ đem lại tỷ trọng về kinh tế trong cơ cấu ngành nghề Công – Nông - Thương mà còn tạo ra công ăn việc làm cho rất nhiều người lao động, giúp tăng thu nhập cho người dân trong việc triển khai có hiệu quả hoạt động du lịch kết hợp với di sản làng nghề. Điều đó đã mang lại cho những thành công khi làng nghề Thanh Hóa ghi dấu là hình ảnh quảng bá về quê hương con người và văn hóa xứ Thanh, giúp cho việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của các làng nghề tránh được sự mai một, thất truyền với thời gian và sự tác động của xã hội từ nhiều mặt.
Bên cạnh việc làm rõ thực trạng làng nghề trên địa bàn Thanh Hóa ở các chiều cạnh như quy mô hoạt động; thực trạng hoạt động; vấn đề môi trường; thực trạng tổ chức các hoạt động du lịch làng nghề; vấn đề quản lý nhà nước và cơ chế chính sách,… nhóm tác giả nhấn mạnh: Thanh Hóa là một trong những tỉnh được ví là vùng đất của trăm nghề với 175 làng nghề và 4 nghề. Đây là nguồn tài nguyên vô cùng lớn để phát triển loại hình du lịch làng nghề, đưa du lịch làng nghề trở thành một trong những sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Để làm được điều này cùng với những chính sách, cơ chế của Nhà nước và các ban ngành có liên quan thì việc xây dựng các mô hình Làng nghề ở Thanh Hóa gắn với việc phát triển du lịch là rất cần thiết, cần được tổ chức triển khai và nhân rộng ra với các làng nghề trong tỉnh.
Có thể nói, cuốn sách là công trình nghiên cứu công phu nghiêm túc được nhóm tác giả tham khảo, phân tích và tổng hợp dựa các nguồn tư liệu uy tín. Với những nội dung được phân tích sắc sảo, hy vọng cuốn sách sẽ cung cấp nguồn thông tin tham khảo bổ ích cho độc giả, những người quan tâm tới vấn đề này.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
Phạm Vĩnh Hà