Hạ tầng giao thông phục vụ phát triển bền vững ở Việt Nam

Hạ tầng giao thông phục vụ phát triển bền vững ở Việt Nam

24/06/2024

TS, Nguyễn Đình Hòa (Chủ biên) ; PGS.TS. Nguyễn Văn Nguyện ; TS. Phí Vĩnh Tường ; TS. Trần Thị Vân Anh ; TS. Phạm Văn Hiếu ; ThS. Ma Ngọc Ngà ; ThS. Nguyễn Phương Thảo ;

2023

Nhà xuất bản Khoa học xã hội

328

Giao thông, Cơ sở hạ tầng, Phát triển bền vững, Việt Nam, Sách chuyên khảo

 

Hạ tầng giao thông đóng vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế – xã hội. Đảng và Nhà nước Việt Nam xác định cơ sở hạ tầng, trong đó nhấn mạnh hạ tầng giao thông là một trong ba đột phá chiến lược để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Sau hơn 35 năm Đổi mới, hạ tầng giao thông Việt Nam đã có sự cải thiện đáng kể về số lượng lẫn chất lượng góp phần nâng cao năng lực vận chuyển hàng hóa và hành khách. Tuy nhiên, đến nay, về cơ bản, hạ tầng giao thông vẫn chưa đáp ứng được so với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Với nền kinh tế cần dựa nhiều vào vận tải, nhưng hạ tầng giao thông ở Việt Nam chủ yếu tập trung đầu tư vào phát triển hạ tầng giao thông đường bộ, năng lực liên kết của các loại hình hạ tầng giao thông trong nước còn yếu, kết nối giữa các phương thức vận tải còn thiếu đồng bộ, phương thức vận tải chưa phát huy được hiệu quả khai thác…thì việc kết nối tới các trung tâm công nghiệp và giữa các đô thị, đô thị với khu công nghiệp còn hạn chế.

Việt Nam đang đẩy mạnh tái cấu trúc, đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, theo đó, việc phát triển hạ tầng giao thông trong thời gian tới cần hỗ trợ chuyển đổi mô hình tăng trưởng bền vững – các ngành thân thiện với môi trường, nâng cao giá trị gia tăng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, đảm bảo năng lực liên kết nội vùng, liên kết vùng, phục vụ hoạt động kinh tế – xã hội của người dân và doanh nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035. Với mong muốn xem xét phát triển hạ tầng giao thông ở Việt Nam trong bối cảnh mới, năm 2023, Nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản cuốn sách chuyên khảo với nhan đề “Hạ tầng  giao thông phục vụ phát triển bền vững ở Việt Nam” do TS. Nguyễn Đình Hòa làm chủ biên. Cuốn sách là một phần sản phẩm đề tài cấp Bộ của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam “Hạ tầng giao thông phục vụ phát triển bền vững ở Việt Nam” do Viện Kinh tế Việt Nam chủ trì, TS. Nguyễn Đình Hòa làm chủ nhiệm.

Cùng với Lời nói đầu và Kết luận, nội dung chính của cuốn sách được kết cấu thành 3 Chương:

Chương 1. Cơ sở lý luận và kinh nghiệm quốc tế về hạ tầng giao thông phục vụ phát triển bền vững

Trong chương này, nhóm tác giả khái quát cơ sở lý luận về hạ tầng giao thông phục vụ phát triển bền vững; đồng thời chia sẻ kinh nghiệm về hạ tầng giao thông phục vụ phát triền bền vững của một số quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc, Malaysia và Thái Lan, từ đó rú ra một số bài học đối với Việt Nam: (i) Thực hiện tốt công tác quy hoạch trước khi xây dựng hạ tầng giao thông; (ii) Cần chú trọng xây dựng hệ thống giao thông đồng bộ và đa dạng; (iii) Chú trọng thực hiện các chính sách kết nối hạ tầng giao thông giữa các vùng miền, lãnh thổ; (iv) Ứng dụng công nghệ hiện đại trong xây dựng hạ tầng giao thông; (v) Huy động tối đa mọi nguồn lực cho phát triển hạ tầng giao thông

Chương 2. Thực trạng hạ tầng giao thông phục vụ phát triển bền vững ở Việt Nam

Trong chương này, nhóm tác giả phân tích 4 nội dung chính sau: (i) Thực trạng phát triển hạ tầng giao thông ở Việt Nam; (ii) Thực trạng hạ tầng giao thông phục vụ, đóng góp vào các mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam; (iii) Các nhân tố ảnh hưởng đến hạ tầng giao thông phục vụ phát triển bền vững ở Việt Nam; (iv) Đánh giá chung về hạ tầng giao thông phục vụ phát triền bền vững ở Việt Nam.

Nghiên cứu khẳng định, hạ tầng giao thông ở Việt Nam đã có sự cải thiện cả về số lượng và chất lượng, điều này góp phần tăng khả năng vận chuyển và lưu thông về hành khách và hàng hóa. Tuy nhiên, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông nước ta dù có nhiều cải thiện nhưng chất lượng vẫn chưa cao, thiếu tính đồng bộ, liên kết giữa các vùng, liên vùng, tới các cửa ngõ quốc tế. Những yếu kém của hạ tầng giao thông được các tác giả thằng thắn chỉ ra, trong đó có hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được so với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước; Hạ tầng giao thông Việt Nam vừa yếu và thiếu về phần cứng và phần mềm; Mất cân đối trong đầu tư phát triển hạ tầng giao thông…

Chương 3. Giải pháp phát triển hạ tầng giao thông phục vụ phát triển bền vững ở Việt Nam trong bối cảnh mới

Trên cơ sở nghiên cứu bối cảnh quốc tế, trong nước và chân dung kinh tế – xã hội trong giai đoạn tới cũng như các cơ hội, thách thức, nhóm nghiên cứu đã đề xuất các quan điểm, định hướng và các giải pháp chủ yếu về phát triển hạ tầng giao thông phục vụ phát triển bền vững trong giai đoạn tới.

Thứ nhất, phân định rõ giữa nhà nước và thị trường, hoàn thiện chính sách nhằm tạo động lực cho các nhà đầu tư tham gia phát triển hạ tầng giao thông.

Thứ hai, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư phát triển hạ tầng giao thông.

Thứ ba, các giải pháp thúc đẩy liên kết nội vùng, liên vùng trong phát triển hạ tầng giao thông.

Thứ tư, giải pháp nhằm thúc đẩy giải  ngân đầu tư công đối với hạ tầng giao thông.

Thứ năm, tái cơ cấu đầu tư phát triển hạ tầng giao thông.

Thứ sáu, phát triển hạ tầng giao thông xanh, hiện đại, thông minh dựa vào thể chế và quản trị hiện đại, nguồn nhân lực chất lượng cao và khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Thứ bảy, thay đổi cách tiếp cận phát triển hạ tầng giao thông nhằm thích ứng với các thay đổi có xu hướng bất lợi của điều kiện tự nhiên.

Thứ tám, cải thiện các chỉ số thành phần và chỉ số index các vùng từ kết quả tính chỉ số hạ tầng giao thông phục vụ phát triển bền vững.

Thứ chín, tái cấu trúc, đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế nhằm giảm áp lực đối với hạ tầng giao thông,

Thứ mười, bổ sung hoàn thiện về cơ chế, chính sách và cách thức tổ chức thực hiện đối với sử dụng hạ tầng giao thông.

Nhân loại đang chứng kiến cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, theo đó nhiều loại hình giao thông thông minh xuất hiện. Với những đánh giá, phân tích, nghiên cứu của nhóm tác giả qua công trình này hy vọng sẽ cung cấp cho độc giả những thông tin hữu ích về hạ tầng giao thông phục vụ phát triển bền vững ở Việt Nam trong thời gian tới.

Xin trân trọng giới thiệu!

Nguyễn Minh Hồng