Phát triển dịch vụ logistics ngày càng đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hội nhập quốc tế sâu rộng của từng doanh nghiệp, từng quốc gia. Với vị trí địa lý thuận lợi và nhu cầu vận chuyển hàng hóa đường dài theo trục Bắc Nam ngày càng tăng, phát triển dịch vụ logistics như là một yếu tố quan trọng cho Việt Nam khi nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, quy mô thị trường dịch vụ logistics để trở thành một trong những trung tâm logistics mang tầm khu vực và quốc tế.
Được đánh giá là vùng có nhiều lợi thế tự nhiên và kinh tế - xã hội để phát triển mạnh dịch vụ logistics, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đang sở hữu 4 cảng hàng không trong đó có 2 cảng hàng không quốc tế và các hệ thống cảng biển nước sâu có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải lớn, nằm không xa hải phận quốc tế… tuy nhiên, số lượng các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics tương đối trọn gói trong vùng còn ít với quy mô và chức năng còn hạn chế. Bên cạnh đó hoạt động liên kết trong xây dựng chiến lược và quy hoạch phát triển dịch vụ logistics giữa các địa phương hầu như chưa được triển khai; công tác tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển cảng biển ở Vùng còn nhiều tồn tại.
Để nắm bắt rõ hơn về thực trạng liên kết phát triển dịch vụ Logistics ở vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, từ đó định hướng phát triển dịch vụ logistics trở thành ngành kinh tế động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế, phát huy tiềm năng và thế mạnh của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trở thành điểm kết nối logistics của cả nước và khu vực, năm 2023, Nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản cuốn sách chuyên khảo “Liên kết phát triển dịch vụ logistics tại vùng kinh tế trọng điểm miền Trung” do TS. Phan Thị Sông Thương làm chủ biên. Cuốn sách là kết quả nghiên cứu của Đề tài khoa học cấp Bộ của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam “Liên kết phát triển dịch vụ logistics tại vùng kinh tế trọng điểm miền Trung” được thực hiện từ năm 2021 đến năm 2022 do TS. Phan Thị Sông Thương làm chủ nhiệm, Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ là đơn vị chủ trì.
Ngoài Lời mở đầu và Kết luận, nội dung của cuốn sách gồm 3 Chương:
Chương 1. Cơ sở lý luận về liên kết phát triển dịch vụ logistics
Chương 2. Thực trạng liên kết phát triển dịch vụ logistics tại vùng kinh tế trọng điểm miền Trung
Chương 3. Giải pháp tăng cường liên kết phát triển dịch vụ logistics tại vùng kinh tế trọng điểm miền Trung
Để có thêm luận cứ cho việc đề xuất quan điểm, định hướng và giải pháp lien kết phát triển dịch vụ logistics, nhóm nghiên cứu đã đánh giá những tác động của bối cảnh trong nước và quốc tế đối với sự phát triển của dịch vụ logistics nói riêng và liên kết phát triển dịch vụ logistics trong bối cảnh mới, trong đó có 6 yếu tố chính tác động đến liên kết phát triển dịch vụ logistics trong bối cảnh mới như: (i) Mức độ mở cửa của nền kinh tế trong hội nhập; (ii) Thể chế, chính sách và môi trường kinh doanh; (iii) Cơ sở hạ tầng, sự phát triển và khả năng ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ hiện đại; (iv) Nguồn nhân lực cho phát triển các dịch vụ logistics; (v) Năng lực và mức độ chuyên môn hóa của doanh nghiệp cung ứng và kinh doanh dịch vụ logistics; (vi) Văn hóa, tập quán và xu hướng thuê ngoài dịch vụ.
Việc đánh giá thực trạng liên kết phát triển dịch vụ logistics tại vùng kinh tế trọng điểm miền Trung được nhóm tác giả sử dụng các phương pháp nghiên cứu chuyên ngành, trong đó có xử lý số liệu từ Tổng Cục thống kê và các bộ ngành liên quan. Đồng thời, trực tiếp khảo sát tại điểm nghiên cứu và làm rõ một số nội dung sau: (i) Tiềm năng phát triển dịch vụ logistics tại vùng KTTĐ miền Trung; (ii) Thực trạng phát triển dịch vụ logistics ở vùng KTTĐ miền Trung; (iii) Tình hình liên kết phát triển dịch vụ logistics tại vùng KTTĐ miền Trung. Nghiên cứu đã chỉ ra những thành tựu đạt được cũng như những tồn tại hạn chế trong hoạt động liên kết phát triển dịch vụ logistics tại Vùng. Theo kết quả khảo sát các nhà quản lý, các chuyên gia đánh giá thực trạng phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp cho thấy chất lượng cơ sở hạ tầng nói chung và hạ tầng logistics tại vùng KTTĐ miền Trung chưa cao, công tác giao nhận và lưu thông hàng hóa ở mức trung bình, chất lượng nguồn nhân lực logisitcs tương đối thấp. Ngoài ra, chi phí cho hoạt động logistics tại Vùng tương đối cao, có nơi được đánh giá là rất cao dẫn đến khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp logistics tại Vùng là khá thấp…
Trên cơ sở phân tích và xác định những cơ hội và thách thức của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trong liên kế phát triển dịch vụ logistics, nhóm nghiên cứu đề xuất các quan điểm, định hướng và mục tiêu liên kết phát triển dịch vụ logistics của Vùng nhằm tăng cường liên kết phát triển dịch vụ logistics:
Thứ nhất, giải pháp hoàn thiện chiến lược và quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng logistics đảm bảo sự đồng bộ và hiệu quả trong liên kết phát triển dịch vụ logistics.
Thứ hai, giải pháp liên kết đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển dịch vụ logistics.
Thứ ba, liên kết mở rộng thị trường và quan hệ hợp tác quốc tế
Thứ tư, liên kết về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực logistics
Thứ năm, liên kết thu hút đầu tư trong phát triển dịch vụ logistics
Thứ sáu, giải pháp tổng thể tăng cường liên kết phát triển dịch vụ logistics tại vùng KTTĐ miền Trung
Với tiềm năng và lợi thế về phát triển dịch vụ logisitcs tại vùng KTTĐ miền Trung, các tác giả đưa ra một số khuyến nghị với các địa phương, các doanh nghiệp logistics tại Vùng và với các hiệp hội trong lĩnh vực dịch vụ logistics... trong đó nhấn mạnh đến yếu tố liên kết phát triển với các địa phương trong Vùng và các địa phương khác trong cả nước. Qua đó, tạo nguồn lực và động lực cho phát triển dịch vụ logicsitcs tại vùng KTTĐ miền Trung, từng bước trở thành một trong ba trung tâm phát triển dịch vụ logistics năng động và sầm uất của cả nước.
Cuốn sách là công trình nghiên cứu công phu và nghiêm túc của tập thể tác giả. Các kết quả phân tích dựa trên số liệu của các đơn vị, bộ ngành uy tín và khảo sát trực tiếp của nhóm nghiên cứu, đặc biệt có một số nội dung được phỏng vấn sâu chắc chắn sẽ là tài liệu hữu ích và có giá trị dành cho các nhà nghiên cứu và độc giả quan tâm đến hoạt động liên kết phát triển dịch vụ logistics ở Việt Nam, đặc biệt là tại vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Xin trân trọng giới thiệu!
Nguyễn Minh Hồng