Mạng lưới xã hội của một số tộc người trong phát triển kinh tế – xã hội vùng biên giới Việt Nam – Trung Quốc

Mạng lưới xã hội của một số tộc người trong phát triển kinh tế – xã hội vùng biên giới Việt Nam – Trung Quốc

26/06/2024

TS. Lê Minh Anh (Đồng chủ biên) ; TS. Lê Thị Mùi (Đồng chủ biên) ; PGS.TS. Vương Xuân Tình ; TS Lý Hành Sơn ; PGS.TS. Bùi Xuân Đính ; ThS. Hoàng Thị Lê Thảo ; ThS. Trương Văn Cường ; ThS. Dương Hiền Dịu ;

2023

Nhà xuất bản Khoa học xã hội

Nhà xuất bản Khoa học xã hội

436

TS. Lê Minh Anh; TS. Lê Thị Mùi

Dân tộc Lô Lô, Dân tộc Nùng, Mạng lưới xã hôi, Vùng biên giới, Cao Bằng, Sách tham khảo

 

Mạng lưới xã hội là cấu trúc xã hội do cá nhân hay tổ chức tạo lập qua các điểm nút, được gắn bó bằng một hay nhiều kiểu phụ thuộc lẫn nhau như họ hàng, bạn bè, mối quan tâm chung, trao đổi về tài chính, quan hệ giới, hoặc các mối quan hệ về niềm tin tri thức hay uy tín. Mạng lưới xã hội này đã tồn tại từ lâu đời trong xã hội các tộc người ở Việt Nam nói chung, ở hai tộc người Lô Lô và Nùng tại vùng biên giới Việt – Trung nói riêng.

Vấn đề mạng lưới xã hội của các tộc người thiểu số ở nước ta không chỉ diễn ra trong nội tộc người, giữa các tộc người ở trong nước và tại khu vực của những quốc gia láng giềng có chung đường biên giới mà còn xuyên/liên biên giới với nhiều quốc gia, không chỉ ở khu vực Đông Nam Á mà cả với nhiều quốc gia khác trên thế giới, nơi có người đồng tộc sinh sống hoặc có quan hệ xã hội.

Trong bối cảnh từ năm 1991 đến nay, mạng lưới xã hội của các tộc người ở vùng biên giới Việt – Trung đã có bước phát triển để thích ứng với bối cảnh đã và đang thay đổi mạnh mẽ. Vì thế, vấn đề mạng lưới xã hội của các tộc người vùng biên giới thuộc các tỉnh Đông Bắc nước ta đang trở thành mối quan tâm lớn đối với các ngành khoa học xã hội. Để cung cấp thêm những nghiên cứu chuyên sâu về mạng lưới xã hội của các tộc người ở vùng biên giới, đặc biệt vùng biên giới phía Bắc, năm 2023, Nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản cuốn sách chuyên khảo “Mạng lưới xã hội của một số tộc người trong phát triển kinh tế – xã hội vùng biên giới Việt Nam – Trung Quốc” do TS. Lê Minh Anh và TS. Lê Thị Mùi đồng chủ biên. Nội dung cuốn sách dựa trên kết quả nghiên cứu của đề tài cấp Bộ của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam “Mạng lưới xã hội của tộc người Lô Lô và Nùng ở tỉnh Cao Bằng trong phát triển kinh tế, đảm bảo trật tự xã hội vùng biên giới” do Viện Dân tộc học thực hiện trong năm 2019-2020 do TS. Lê Minh Anh và TS. Lê Thị Mùi đồng chủ nhiệm.

Ngoài phần Lời nói đầu, Kết luận, nội dung chính của cuốn sách được cấu trúc thành 5 chương:

Chương 1. Tổng quan nghiên cứu, cơ sở lý thuyết và tộc người nghiên cứu

Trong chương này, nhóm tác giả tổng quan tình hình nghiên cứu và khái quát cơ sở lý thuyết và tộc người ở vùng biên giới tỉnh Cao Bằng. Nghiên cứu cho biết, đặc điểm kinh tế của người Nùng ở huyện Trùng Khánh là sản xuất nông lâm nghiệp kết hợp với làm thủ công nghiệp, khai thác tự nhiên và những năm gần đây họ tham gia buôn bán, dịch vụ… Do đó, hoạt động kinh tế của đồng bào đang có hướng theo kinh tế hàng hóa. Về đặc điểm xã hội và văn hóa, bên cạnh những phong tục tập quán truyền thống tốt đẹp còn được bảo lưu và thực hành, dưới những sự tác động của nền kinh tế thị trường, truyền thông hiện đại, công nghệ thông tin… đã dẫn đến một số thay đổi đáng kể. Ngoài ra, thế hệ trẻ hiện nay ít quan tâm đến phong tục tập quán truyền thống có giá trị tốt đẹp của dân tộc mình.

Chương 2. Thực trạng mạng lưới xã hội của cá nhân và hộ gia đình ở tộc người Lô Lô và Nùng

Trong chương này, nhóm tác giả phân tích mạng lưới xã hội của cá nhân, hộ gia đình của tộc người Lô Lô và Người Nùng, đồng thời so sánh mạng lưới xã hội giữa hai tộc người này. Nghiên cứu chỉ ra rằng, tại các điểm nghiên cứu thuộc hai huyện Bảo Lạc và Trùng Khánh, mạng lưới xã hội cá nhân của cả hai tộc người Lô Lô và Nùng đều có ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, tương trợ trong cuộc sống hàng ngày và đảm bảo an ninh trật tự. Nhiều mạng lưới xã hội của cá nhân người Lô Lô ít được mở rộng so với người Nùng, nguyên nhân được cho là nhiều thôn bản người Nùng bố trí sát đường biên giới, nhiều cá nhân người Nùng không chỉ có bạn bè kết nghĩa ở Trung Quốc, kết hôn với người Trung Quốc mà còn có nhiều đối tác ở Trung Quốc là người cùng họ hàng và đến nay vẫn quan hệ qua lại với nhau…

Chương 3. Mạng lưới xã hội trong phát triển kinh tế ở hai tộc người Lô Lô và Nùng

Nhóm tác giả tập trung phân tích vai trò của các mạng lưới xã hội trong phát triển kinh tế ở hai tộc người Lô Lô và Nùng: (i) Mạng lưới xã hội trong sản xuất nông nghiệp và nghề thủ công; (ii) Mạng lưới xã hội trong hoạt động thương mại; (ii) Mạng lưới xã hội trong các hình thức sinh kế mới. Nghiên cứu chỉ ra rằng, mặc dù có một số khác biệt, song dưới tác động của hệ thống các mạng lưới xã hội hiện đại với sự kế thừa những mạng lưới xã hội truyền thống còn phù hợp, hoạt động kinh tế của hai tộc người Lô Lô và Nùng ở tỉnh Cao Bằng đang từng bước chuyển đổi mặc dù còn chậm nhưng đều với xu hướng ngày càng rõ nét hơn. Tuy vẫn còn không ít hộ nghèo tính theo tiêu chí nghèo đa chiều, nhưng đời sống kinh tế thời gian gần đây của họ đã được nâng cao rất nhiều, không còn tình trạng đói kinh niên, đói giáp hạt như những năm trước kia, trình độ dân trí cũng được cải thiện đáng kể so với 15-20 năm về trước.

Chương 4. Mạng lưới xã hội ở hai tộc người Lô Lô và Nùng trong việc đảm bảo trật tự xã hội vùng biên giới

Trong chương này, có 5 vấn đề được nhóm nghiên cứu làm rõ: (i) Mạng lưới xã hội trong di dịch cư, quản lý hộ tịch, hộ khẩu; (ii) Mạng xã hội trong buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng giả;(iii) Mạng lưới xã hội trong các hoạt động trái phép khác; (iv)Mạng lưới xã hội trong giải quyết những vấn đề an ninh, trật tự. Nghiên cứu cho thấy, mỗi mạng lưới xã hội thường tập trung vào những mỗi quan hệ nhất định, tuy mang tính đa chiều và phức tạp song đều có liên quan mật thiết với nhau và cùng hướng tới mục đích đảm bảo an ninh trật tự xã hội ở địa phương và khu vực biên giới, đảm bảo giữ vững đường biên và cột mốc biên giới quốc gia. Có sự khác biệt về loại hình mạng lưới liên quan tới đảm bảo trật tự xã hội vùng biên giới giữa hai tộc người Lô Lô và Nùng được nhóm tác giả chỉ ra là do địa hình địa lý, đặc điểm dân cư, tình hình diễn biến các sự kiện liên quan tới vấn đề an ninh trật tự…

Chương 5. Quản lý và phát triển mạng lưới xã hội của tộc người Lô Lô và Nùng vùng biên giới tỉnh Cao Bằng trong bối cảnh mới hiện nay.

Trên cơ sở phân tích một số yếu tố tác động đến sự biến đổi và xu hướng biến đổi mạng lưới xã hội ở hai dân tộc Lô Lô và Nùng, nhóm nghiên cứu đưa ra một số khuyến nghị và đề xuất giải pháp nhằm phát huy vai trò tích cực và hạn chế những mặt tiêu cực của mạng lới xã hội nơi đây. Mỗi khuyến nghị là một đề xuất cụ thể nhằm phát huy vai trò hoặc hạn chế các mặt tiêu cực của loại hình mạng lưới xã hội nào đó; đồng thời có các giải pháp tương ứng nhằm hiện thực hóa các đề xuất này.

Cuốn sách là công trình nghiên cứu công phu, nghiêm túc của tập thể tác giả. Bằng những cách tiếp cận và phương pháp vừa chuyên ngành dân tộc học/nhân học vừa liên ngành như xã hội học, kinh tế học… các nhà nghiên cứu đã mang đến cho độc giả những thông tin có giá trị về mạng lưới xã hội của một số tộc người trong phát triển kinh tế xã hội vùng biên giới Việt Nam – Trung Quốc, đặc biệt đối với tộc người Nùng và Lô Lô ở Cao Bằng.

Hy vọng những nội dung của cuốn sách đáp ứng nhu cầu của độc giả quan tâm.

Xin trân trọng giới thiệu!

Nguyễn Minh Hồng