Kể từ khi Đổi mới đến nay, kinh tế Việt Nam trải qua nhiều thăng trầm, nguyên nhân trong đó có tác động của các cú sốc bên ngoài (như cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997, toàn cầu năm 2008) nhưng chủ yếu là do sự yếu kém mang tính cấu trúc bên trong nền kinh tế.
Cho đến nay, mặc dù nền kinh tế đang có những biến chuyển tích cực nhưng nền tảng cho tăng trưởng bền vững còn yếu với nhiều vấn đề chưa được giải quyết như nợ xấu còn ở mức cao; số lượng doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa lớn nhưng số vốn được cổ phần hóa thấp; đầu tư công giảm nhưng chất lượng đầu tư công chưa được nâng cao, bội chi ngân sách lớn, lãi xuất giảm…
Cùng với Việt Nam, từ năm 1986, Chính phủ Lào đã quyết tâm tiến hành đổi mới, chuyển đổi nền kinh tế từ mô hình kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường, nhờ vậy tỷ lệ đói nghèo đã giảm đi nhanh chóng từ 43,6% năm 1995 xuống 18% năm 2019 (WB, 2020). Mặc dù vậy, tại Lào vẫn còn phải đối mặt với thách thức do đời sống của nông dân và đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn, chệnh lệch về trình độ phát triển và mức sống giữa các vùng miền và tầng lớp cư dẫn vẫn có xu hướng gia tăng.
Những thách thức phát triển nêu trên được đặt trong bối cảnh phát triển hiện nay lại càng trở nên gay gắt hơn bao giờ hết trước sức ép cạnh tranh của hội nhập sâu rộng. Đòi hỏi Chính phủ hai nước phải tái cơ cấu một cách mạnh mẽ để thoát khỏi những thách thức đang đặt ra…
Nhằm giúp bạn đọc có thêm thông tin về vấn đề này, quý IV/2021, Nhà Xuất bản Khoa học xã hội đã phát hành ấn phẩm “Tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam & Lào hướng tới phát triển nhanh và bền vững”, cuốn sách là kết quả của Đề tài nghiên cứu cấp Bộ do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Viện Nghiên cứu Kinh tế quốc gia Lào chủ trì thực hiện, PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng (chủ biên).
Cuốn sách tập trung vào các nội dung chính như sau:
+ Hệ thống hóa cơ sở lý luận về tái cơ cấu kinh tế theo hướng nhanh và bền vững
+ Nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước về tái cơ cấu kinh tế
+ Phân tích thực trạng của nền kinh tế hai nước trước khi tái cơ cấu. Theo mục tiêu này, nghiên cứu tập trung đánh giá thực trạng của nền kinh tế trước khi thực hiện tái cơ cấu, những thành tựu và những vấn đề mà các nền kinh tế đang gặp phải.
+ Phân tích đánh giá các giải pháp tái cơ cấu kinh tế hai nước được thực hiện trong giai đoạn vừa qua, đánh giá những kết quả đạt được và chưa đạt được của quá trình tái cơ cấu, chỉ ra những nút thắt, điểm nghẽn của quá trình tái cơ cấu.
Đối với Việt Nam, nghiên cứu đã hệ thống quá và đánh giá các biện pháp của Chính phủ trong việc tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó tập trung vào việc đánh giá 3 nội dung lớn là: tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; tái cơ cấu các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng; tái cơ cấu đầu tư công. Ngoài ra tái cơ cấu 3 khu vực của nền kinh tế (công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ) cũng được đánh giá nhưng mới chỉ dừng lại ở mức sơ bộ.
Đối với phía Lào, các nội dung, lĩnh vực tái cơ cấu được cụ thể hóa dựa trên các đặt hàng của Chính Phủ Lào đối với các nghiên cứu và thực tiễn tái cơ cấu, cụ thể theo các thành phần kinh tế, phát triển vùng và các yếu tố nền tảng.
Nhóm tác giả cho rằng để thúc đẩy và tăng tính hiệu quả trong hợp tác kinh tế giữa hai quốc gia Việt Nam – Lào trong thời gian tới, hai nước cần tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển đầu tư kinh doanh, duy trì thường xuyên cơ chế đối thoại giữa các cơ quan của Chính phủ hai nước, đẩy nhanh việc cập nhật và hoàn thiện các Hiệp định liên quan đến thương mại, đầu tư và khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia vào hoạt động thương mại và đầu tư giữa hai nước.
Đối với các doanh nghiệp Việt Nam Việt Nam và Lào, cần tăng cường đầu tư vào đổi mới công nghệ và phương pháp sản xuất, kinh doanh tiên tiến, chọn lựa các sản phẩm, ngành nghề có thế mạnh để tập trung đầu tư sản xuất. Cùng với đó là việc tập trung nguồn lực đẩy nhanh việc thực hiện các dự án đã được các bên cấp phép đầu tư, đảm bảo tiến độ, chất lượng triển khai dự án như cam kết. Đồng thời, có sự quan tâm đúng mức đến trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với cộng đồng, tạo thêm việc làm, chú ý bảo vệ môi trường, đóng góp thiết thực vào xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân địa phương. Cuối cùng là cần tăng cường, phát huy hơn nữa vai trò cầu nối của Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam tại Lào và Campuchia với các cơ quan, bộ ngành của mỗi nước.
Có thể nói, cuốn sách là công trình nghiên cứu công phu nghiêm túc được nhóm tác giả tham khảo, phân tích và tổng hợp dựa các nguồn tư liệu uy tín. Với những nội dung được phân tích sắc sảo, hy vọng cuốn sách sẽ cung cấp nguồn thông tin tham khảo bổ ích cho độc giả, những người quan tâm tới vấn đề này.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
Phạm Vĩnh Hà