Tiến trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam: Đánh giá toàn diện

Tiến trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam: Đánh giá toàn diện

09/09/2024

Nguyễn Hồng Thu (trưởng nhóm) ; Phí Vĩnh Tường ; Đồng Văn Chung ; Hoàng Thị Hồng Minh ; Nguyễn Thị Hiền ; Nguyễn Trần Minh Trí ;

2024

Korea Institute for International Economic Policy

262

Phát triển bền vững, SDGs, Indonesia, Myanmar, Lào, Việt Nam

 

Đến nay, Việt Nam đã đi được nửa chặng đường thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) theo Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Do đó, để cung cấp một đánh giá đa chiều và toàn diện về tiến trình thực hiện SDGs ở Việt Nam để xác định những khó khăn và thách thức, qua đó đưa ra các khuyến nghị chính sách cho chính phủ Việt Nam nhằm góp phần thúc đẩy tiến trình thực hiện SDGs theo đúng tiến độ là hết sức cần thiết.

Trong khuôn khổ hợp tác quốc tế và được Viện Chính sách Kinh tế Quốc tế Hàn Quốc (KIEP) tài trợ, nhóm chuyên gia nghiên cứu của Viện Kinh tế và Chính trị thế giới (IWEP) do TS.Nguyễn Hồng Thu làm Trưởng nhóm đã tiến hành thực hiện Báo cáo “Tiến trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam: Đánh giá toàn diện”.

Báo cáo đã sử dụng cả phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng để đánh giá tiến trình thực hiện SDGs của Việt Nam ở cả cấp quốc gia và cấp tỉnh. Bên cạnh đó, để so sánh tiến độ thực hiện SDGs giữa Việt Nam với các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á, báo cáo chọn Indonesia, Myanmar và Lào cho các nghiên cứu trường hợp điển hình. Trên cơ sở đó, báo cáo rút ra các bài học kinh nghiệm và đưa ra các khuyến nghị chính sách cho chính phủ Việt Nam.

Nội dung của Báo gồm 5 chương:

Chương 1. Giới thiệu

Chương này tập trung làm rõ: Mục đích nghiên cứu; Tổng quan tài liệu; Nội dung nghiên cứu và Phương pháp luận của báo cáo.

Chương 2. Phát triển kinh tế - xã hội và Tiến trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam

Chương này tập trung xem xét quan điểm và định hướng chính sách của Chính phủ Việt Nam về phát triển bền vững qua các giai đoạn khác nhau, cùng với các mục tiêu phát triển tương ứng cũng như các chỉ số và công cụ dùng để đo lường hiệu quả thực hiện. Đồng thời xem xét cách thức Chính phủ Việt Nam lồng ghép SDGs vào các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Chương 3. Đánh giá tiến trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam và các yếu tố ảnh hưởng đến tiến trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững ở cấp tỉnh

Chương này sử dụng cả phương pháp định lượng và định tính để đánh giá tiến trình thực hiện SDG ở cấp quốc gia, cấp tỉnh/vùng của Việt Nam. Dựa trên việc xác định các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện SDG, báo cáo sẽ xem xét các yếu tố quyết định thành công trong việc đạt được SDG ở Việt Nam.

Chương 4. Tiến độ thực hiện SDGs của một số quốc gia ở Đông Nam Á

Chương này, tập trung xem xét các chiến lược, chương trình và chính sách liên quan đến SDGs của một số quốc gia Đông Nam Á được chọn (Indonesia, Lào và Myanmar) để phân tích hiệu quả thực hiện SDGs của họ cũng như xác định và giải thích các đặc điểm chính của chiến lược thúc đẩy SDGs của họ.

Chương 5. Bài học kinh nghiệm, khuyến nghị cho Việt Nam và ý nghĩa đối với Hàn Quốc

Chương nay rút ra một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, qua đó đưa ra một số khuyến nghị cho Việt Nam cũng như những hàm ý đối với Hàn Quốc.

Hy vọng báo cáo là tài liệu tham khảo hữu ích cho các bạn đọc quan tâm đến lĩnh vực này, và rất mong nhận được những ý kiến đóng góp quý báu từ bạn đọc.

Xin trân trọng giới thiệu!

Nguồn: Viện Kinh tế và Chính trị thế giới