Tứ Bất tử - Tư liệu và Khảo cứu (sách chuyên khảo)

Tứ Bất tử - Tư liệu và Khảo cứu (sách chuyên khảo)

04/09/2024

Tứ Bất tử - Tư liệu và Khảo cứu (sách chuyên khảo)

TS. Nguyễn Xuân Diện (chủ biên) ; Đỗ Lan Phương ; Nguyễn Ngọc Mai ; Phạm Bảo Nhung ; Vũ Thị Lan Anh ; Mai Thu Quỳnh ; Nguyễn Thị Tuyết ;

Nhà xuất bản Khoa học xã hội ; Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam ; Viện Nghiên cứu Hán Nôm ;

2023

Số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội

599

 

Chuyên khảo Tứ Bất tử - Tư liệu và Khảo cứu được Nhà Xuất bản Khoa học xã hội phát hành vào tháng 12/2023 thoát thai từ Đề tài khoa học cấp Bộ của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam “Nghiên cứu tín ngưỡng Tứ Bất tử qua tư liệu Hán Nôm” giao cho TS. Nguyễn Xuân Diện và tập thể Phòng Văn bản học, Viện Nghiên cứu Hán Nôm thực hiện.

Trong tín ngưỡng thờ bách thần của người Việt, “hoặc có vị là tinh túy của núi sông, hoặc có vị là nhân vật linh thiêng, khí thế lẫy lừng, anh linh còn mãi về sau” (lời tựa sách Việt điện u linh) có 4 vị thần được dân gian tôn vinh là Tứ Bất tử, đó là Tản Viên Sơn Thánh, Chử Đồng Tử, Phù Đổng Thiên Vương (Thánh Gióng) và Thánh mẫu Liễu Hạnh, tuy nhiên cho đến nay, không phải bất cứ ai trong chúng ta cũng đều biết Tứ Bất tử là những ai và có từ bao giờ, nhất là tư tịch Hán Nôm của cha ông ta xưa đã ghi chép như thế nào về Tứ Bất tử.

Tại Lời mở đầu về ấn phẩm này, nhóm tác giả cho biết cuốn sách mới chỉ dừng lại ở mức độ mô tả về thần tích dưới góc độ văn hóa dân gian, tuy nhiên đây là một tài liệu nghiên cứu mở với nguồn tư liệu khá đồ sộ và phức tạp, tập trung cung cấp thông tin một cách khá toàn diện về tín ngưỡng Tứ Bất tử, từ việc khảo cứu, thống kê tư liệu Hán Nôm, dịch các tài liệu quan trọng ra tiếng Việt, phân tích các tín hiệu văn hóa ẩn chứa trong ngôn ngữ, chỉ ra các tín hiệu có tính biểu tượng, bóc tách các lớp văn hóa ẩn sâu trong các biểu tượng Tứ Bất tử và làm rõ bản chất tín ngưỡng của từng vị trong Tứ Bất tử.

Chuyên khảo còn đưa ra các cách giải quyết mới mẻ, mang tính liên ngành trong đó ưu tiên Hán Nôm học, Tôn giáo học và Văn hóa dân gian, huy động các phương tiện nghiên cứu tối ưu để nhận diện một hiện tượng tín ngưỡng độc đáo trong lịch sử văn hóa tín ngưỡng của người Việt Nam, góp phần nhận diện được tiến trình lịch sử tín ngưỡng thờ phụng các vị thần linh trong Tứ Bất tử nhất là tiến trình của tín ngưỡng và những ảnh hưởng qua lại giữa văn hóa với tín ngưỡng các vị Tứ Bất tử trong lịch sử của dân tộc.

Qua đó, các tài liệu Hán Nôm được nhóm tác giả tập trung nghiên cứu bao gồm các tài liệu, các vật thiêng được thờ trong các di tích như: Thần tích, Sắc phong, chính sử, quốc chi, địa phương chí, truyền thuyết, diễn ca lịch sử, thơ văn đề vịnh, văn bia, câu đối, giáng bút đang được lưu trữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm và các tài liệu khác đang tồn tại trong hoạt động thờ cúng, thực hành nghi lễ tại một số cơ sở tín ngưỡng dân gian như: Đền Đa Hòa (Khoái Châu, Hưng Yên), Đền Sóc (Sóc Sơn, Hà Nội), Đền Phù Đổng (Gia Lâm, Hà Nội), Đền Và (Sơn Tây, Hà Nội), Đền Thính (Yên Lạc, Vĩnh Phúc), Phủ Dày (Vụ Bản, Nam Định), Phủ Nấp (Ý Yên, Nam Định)…

Thông qua quá trình khảo sát, nghiên cứu đề tài đã tiếp cận được với 34 sắc phong (bản gốc, cổ), 01 cuốn văn tế cổ, 02 bia đá, 01 chi lệnh của Chúa Trịnh Sâm (bản cổ có đóng dấu, ban cấp năm 1768), chọn lọc và dịch chú giải tài liệu Hán Nôm ra tiếng Việt được 458 trang có hiệu đính, 05 báo cáo khoa học khảo sát trữ lượng và giá trị tư liệu…

Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Tài liệu tham khảo, chuyên khảo được kết cấu gồm các phần mục như sau:

Phần I: Nghiên cứu gồm các chương:

Chương 1: Thuật ngữ Tứ Bất tử trong tư liệu Hán Nôm

Chương 2: Tín ngưỡng Tứ Bất tử Việt Nam

Chương 3: Tứ Bất tử trong văn hóa Việt Nam

Phần II: Tuyển dịch tư liệu

Tản Viên Sơn Thánh

Chử Đồng Tử

Phù Đổng Thiên Vương

Thánh Mẫu Liễu Hạnh

Theo đó đã có 08 chuyên đề khảo sát tư liệu ở mức chuyên sâu về văn bản học. Từ đó xác định rõ được quá trình văn bản hóa từ truyền thuyết dân gian; quá trình truyền bản của các văn bản Hán Nôm qua các thời đại, làm rõ mối quan hệ phức tạp giữa chúng từ đó làm cơ sở cho việc nhận định, phân tích, so sánh và bóc tách để tìm ra bản chất của tín ngưỡng Tứ Bất tử.

Tài liệu đã góp phần khẳng định Tứ Bất tử là một di sản tinh thần mang tính biểu tượng của dân tộc mà cha ông đã gây dựng và trao truyền lại cho hậu thế, Tứ Bất tử là kết tinh của niềm tin tín ngưỡng, niềm tin tôn giáo và văn hóa của ngàn đời, bao gồm toàn bộ đạo lý và văn hóa của người Việt trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh và gây dựng bờ cõi và kiết tạo nên nền tảng văn hóa tinh thần để nuôi dưỡng cả dân tộc.

Có thể khẳng định cuốn sách là công trình nghiên cứu công phu nghiêm túc được tác giả tham khảo, phân tích và tổng hợp dựa các nguồn tư liệu uy tín. Với những nội dung được phân tích sắc sảo, hy vọng cuốn sách sẽ cung cấp nguồn thông tin tham khảo bổ ích cho độc giả, những người quan tâm tới vấn đề này.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc./.

Phạm Vĩnh Hà