Ứng phó với biến đổi khí hậu của người Hmông và người Thái ở tỉnh Sơn La

Ứng phó với biến đổi khí hậu của người Hmông và người Thái ở tỉnh Sơn La

13/08/2024

TS. Nguyễn Thẩm Thu Hà (Đồng chủ biên) ; TS. Phạm Thị Cẩm Vân (Đồng chủ biên) ; ThS. Sa Thị Thanh Nga ; TS. Nguyễn Công Thảo ; CN. Tạ Hữu Dực ; ThS. Lý Cẩm Tú ;

2022

Nhà xuất bản Khoa học xã hội

264

Biến đổi khí hậu, Dân tộc Hmông, Dân tộc Thái, Sơn La, Việt Nam

 

Hiện nay, biến đổi khí hậu là một thách thức lớn, đã, đang và sẽ làm thay đổi các hệ sinh thái tự nhiên, đời sống kinh tế - xã hội, đe dọa nghiêm trọng đến môi trường, an ninh lương thực của các quốc gia, cộng đồng.

Miền núi phía Bắc của Việt Nam được xác định là một trong những vùng nghèo nhất của đất nước, chịu tác động của thiên tai và dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu. Có nhiều nguyên nhân gây ra tỷ lệ nghèo cao nhưng những tác động bất lợi của hiện tượng thời tiết khí hậu cực đoan và biến đổi khí hậu trong máy năm gần đây được xác định là một nguyên nhân cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội của người dân trong vùng. Là một tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam, Sơn La đã và đang chịu tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Theo kịch bản biến đổi khí hậu cho tỉnh Sơn La, đến năm 2020, nhiệt độ trung bình ở tỉnh Sơn La tăng 0,4 - 0,65 độ C so với giai đoạn 1980 – 1999… Ngoài việc chịu ảnh hưởng do biến đổi khí hậu theo quy luật chung, Sơn La còn chịu tác động của biến đổi khí hậu vùng cao do việc xây dựng Nhà máy thủy điện Sơn La từ năm 2005 đến năm 2012. Theo xu thế này, thời tiết ở Sơn La sẽ thay đổi theo hướng khô hạn kéo dài vào mùa đông; gió tây khô nóng vào những tháng cuối mua khô đầu mùa mưa, mùa mưa sẽ xuất hiện nhiều hơn và bất thường hơn…Người Thái và người Hmông là hai cộng đồng dân cư chiếm số lượng đông nhất trong tổng dân số tỉnh Sơn La. Người Hmông chủ yếu làm nương rẫy, định cư trên các rẻo cao để tiện cho sản xuất, song đây cũng chính là hiểm họa đối với họ bởi ở trên các sườn núi cao kết cấu đất kém bền vững, nguy cơ sạt lở núi có thể xảy ra bất cứ lúc nào, còn người Thái sinh sống ở vùng thung lũng ven sông suối, nơi có thể gặp nguy hiểm nếu lũ ập đến bất ngờ. Hai tộc người này sẽ khó tránh khỏi ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp

Với mong muốn tiếp tục tìm hiểu sâu hơn cả dưới góc độ khoa học cũng như thực tiễn từ đó chủ động có những giải pháp ứng phó kịp thời, năm 2022, Nhà xuất bản Khoa học xã hội cho ra mắt cuốn sách chuyên khảo với nhan đề “Ứng phó với biến đổi khí hậu của người Hmông và người Thái ở tỉnh Sơn La” do TS. Nguyễn Thẩm Thu Hà và TS. Phạm Thị Cẩm Vân đồng chủ biên.

Cuốn sách gồm 4 chương, với các nội dung chính sau: (i) Tổng quan tình hình nghiên cứu, cách tiếp cận, cơ sở lý thuyết và khái quát địa bàn nghiên cứu; (ii) Thực trạng và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến các hoạt động sinh kế, đời sống sinh hoạt của người Hmông, người Thái; (iii) Ứng phó với biến đổi khí hậu của người Hmông và người Thái trong các hoạt động sinh kế và đời sống sinh hoạt; (iv) Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó với biến đổi khí hậu của người Hmông và người Thái ở tỉnh Sơn La.

Nghiên cứu chỉ ra rằng, các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu của người Thái và Hmông thực hiện rất phong phú và tận dụng được mốt ố tri thức địa phương, góp phần ngăn ngừa, giảm thiểu rủi ro cũng như tận dụng các các nguồn lực bên ngoài, bên trong. Tuy nhiên, xét theo tộc người, các cách ứng phó của người Thái chủ động và linh hoạt hơn so với người Hmông. Bên cạnh đó các tác giả đã nên bật các kết quả ứng phó với biến đổi khi hậu cũng như các hiện tượng thời tiết bất thường của hai tộc người này tại tỉnh Sơn La; chỉ ra những khó khăn, thách thức trong ứng phó biến đổi khi hậu ở cộng đồng của hai tộc người này, từ đó đề xuất những giải pháp chung và giải pháp ưu tiên đối vơi tộc người Hmông và người Thái nhằm nâng cao  hiệu quả ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bằng cách tiêp cận chuyên ngành kết hợp liên – đa ngành cũng như sử dụng các cách tiếp cận của một số ngành khoa học liên quan khác như Văn hóa học, Xã hội  học, Địa lý học đã mang đến cho độc giả cái nhìn tổng quát và đa chiều về các vấn đề liên quan đến nghiên cứu. Hy vọng, cuốn sách sẽ là nguồn tài liệu hữu ích dành cho độc giả quan tâm./.

Xin trân trọng giới thiệu!

Nguyễn Minh Hồng