TS. Nguyễn Đình Đáp, Viện Địa lý Nhân văn
Viện Hàn lâm Koa học xã hội Việt Nam
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng về bảo vệ môi trường. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Người thường xuyên kêu gọi nhân dân hãy chăm lo đến môi trường sống để “con đường từ chủ nghĩa xã hội đến chủ nghĩa cộng sản thêm xanh tươi”. Lời dạy của Người “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người” đã trở thành kim chỉ nam trong giải quyết vấn đề bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu ngày hôm nay. Nhân kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), bài viết xin được nêu những bài học về giá trị tư tưởng Hồ Chí Mnh trong bảo vệ môi trường, ý nghĩa thực tiễn với xây dựng đất nước phát triển xanh tươi, bền vững hiện nay
Quá trình hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo vệ môi trường
Vấn đề môi trường và bảo vệ môi trường ở thời đại nào, thời điểm nào cũng hết sức quan trọng. Bác Hồ, dù bận trăm công ngàn việc, Người vẫn luôn quan tâm dặn dò nhân dân, cán bộ, chiến sĩ về bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh, bảo vệ sức khỏe, vì sức khỏe là vốn quí nhất của con người. Con người có mạnh khỏe thì công việc làm mới có hiệu quả, chất lượng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng về bảo vệ môi trường. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Người thường xuyên kêu gọi nhân dân hãy chăm lo đến môi trường sống để “con đường từ chủ nghĩa xã hội đến chủ nghĩa cộng sản thêm xanh tươi”.
Ngay từ những năm tháng bôn ba ở nước ngoài, Bác Hồ đã có nhiều bài viết đăng trên các báo về việc bảo vệ môi trường, phê phán chủ nghĩa thực dân khai thác tài nguyên hủy hoại môi trường ở các nước thuộc địa. Từ căn cứ địa cách mạng, trong những năm kháng chiến gian khổ, Bác Hồ vẫn luôn nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ tăng gia sản xuất, gữi gìn môi trường sống, vệ sinh nơi ở và làm việc, sống hòa hợp với thiên nhiên. Sau hòa bình lập lại, năm nào Bác cũng có những bài viết và những cuộc nói chuyện về môi trường.
Sau này, khi đã trở thành Chủ tịch nước, nhà sàn trong Phủ Chủ tịch chính là nơi Bác hòa mình sống với thiên nhiên. Hiện nay, toàn bộ vườn cây trong Phủ Chủ tịch có đến 1.271 cá thể, thuộc 161 loài cây, 54 họ thực vật; 78 loài có nguồn gốc trong nước, 68 loài có nguồn gốc từ nước ngoài. Trong đó, có 35 loài cây ăn quả, 59 loài cây bóng mát, 67 loài hoa và cây cảnh, có nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi.
Trong bài phát biểu tại Hội nghị thủy lợi toàn miền Bắc tháng 9/1959, Người nói: “Việt Nam ta có hai tiếng Tổ quốc, ta cũng gọi Tổ quốc là đất nước; có đất và có nước thì mới thành Tổ quốc”. Tự nhiên đã ban tặng cho con người những điều kiện thuận lợi như khí hậu, tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, bên cạnh những nguồn của cải quý giá đó, tự nhiên còn đặt con người trước những thử thách hết sức khắc nghiệt như hạn hán, lụt lội, bão táp ... Những thử thách đó có thể gây nên những hậu quả khôn lường, đe dọa trực tiếp đến đời sống an sinh của con người và là một trong những nguyên nhân gây ra đói nghèo và bệnh tật. Bởi vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, con người phải hiểu biết tự nhiên, phải sử dụng tiết kiệm tài nguyên, phải biết chăm sóc và gìn giữ môi trường sống.
Trước hết, Bác Hồ rất chú ý tới vấn đề nâng cao nhận thức về môi trường cho tất cả mọi người. Người dặn rằng: “Cần giáo dục rộng khắp cho nhân dân biết giữ vệ sinh. Phải tuyên truyền một cách thiết thực và rộng khắp trong nhân dân, làm cho đồng bào hiểu rõ: phải giữ gìn vệ sinh, ăn sạch, uống sạch, mặc sạch, ở sạch”. Người chỉ ra mối quan hệ hữu cơ giữa lao động, vệ sinh và sức khỏe: “Muốn lao động sản xuất tốt thì phải giữ gìn sức khỏe. Muốn giữ gìn sức khỏe thì phải ăn sạch, uống sạch, mặc sạch, ở sạch”.
Để vận động toàn dân hiểu biết tầm quan trọng của môi trường và có ý thức bảo vệ môi trường, Người đã đưa công tác vệ sinh phòng bệnh vào phong trào thi đua yêu nước. Vì thế Người đã khởi xướng phong trào “Vệ sinh yêu nước” và được nhân dân cả nước nhiệt tình hưởng ứng tạo thành một phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp. Người rất chú ý tới việc giữ vệ sinh nơi đông người, nơi tập thể vì nơi đó nếu thiếu vệ sinh sẽ rất dễ phát sinh dịch bệnh và chính Người là một tấm gương sáng về việc giữ gìn trong sạch vệ sinh môi trường.
Đến nhiều địa phương công tác, khi đến thăm các trường học, bệnh viện, Người luôn nhắc nhở mọi người phải ăn sạch, uống sạch, ở sạch để đảm bảo sức khỏe phục vụ tốt cho công tác lao động, sản xuất. Người cũng cho rằng, muốn vệ sinh được đảm bảo, đầu tiên phải đảm bảo nguồn nước sạch, muốn có nhiều nước sạch phải tích cực đào giếng, đào nhiều giếng thì có nhiều nước sạch. Bên cạnh đó, phải tích cực diệt ruồi muỗi để tránh việc ruồi, muỗi gây ra ốm đau bệnh tật, bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói rằng: “Yêu nước thì việc gì có lợi cho nhân dân, dù khó mấy cũng phải ra sức làm cho kỳ được. Điều gì có hại cho nhân dân, dù khó mấy cũng phải ra sức trừ cho kỳ hết”. Xuất phát từ quan điểm yêu nước ấy, Người luôn quan tâm tới mọi việc có lợi nhất cho nhân dân, cho người dân lao động. Các cụ thường nói, có sức khỏe là có tất cả. Để có sức khỏe tốt phải đảm bảo một môi trường sống trong sạch và lành mạnh.
Chúng ta có thể thấy rằng, bằng việc làm cụ thể, thiết thực, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa công tác bảo vệ môi trường lên ngang tầm với sự nghiệp xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội. Công cuộc công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa kiến thiết nước nhà được tiến hành song song, đồng thời với sự nghiệp bảo vệ môi trường. Trong một chừng mực nào đó, công tác bảo vệ môi trường còn được đi trước một bước.
Ý nghĩa tư tưởng Hồ Chí Minh trong bảo vệ môi trường hiện nay
Nhớ lại và soi rọi những quan điểm, ý kiến của Bác Hồ về môi trường vào thực tế hôm nay, chúng ta cảm nhận vô cùng xác thực. Quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, nhà cao tầng mọc lên nhiều nhưng thiếu hụt diện tích cây xanh khiến không gian sống ngày càng thu hẹp, môi trường bị ô nhiễm đến mức báo động. Cùng với đó, dưới tác động biến đổi khí hậu, thiên tai diễn ra ngày càng phức tạp đã gây ảnh hưởng mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, môi trường, đe dọa sự phát triển bền vững. Ngoài ra, quá trình công nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ, các cơ sở sản xuất, khu công nghiệp, đô thị tập trung… được xây dựng ngày càng nhiều, dân số tăng nhanh cũng khiến môi trường đô thị ngày càng ô nhiễm.
Ngoài ra, những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm không khí liên tục được cảnh báo ở ngưỡng xấu đến rất xấu, ảnh hưởng nặng nề đời sống người dân đô thị. Có thể nói, đây là vấn đề gây lo ngại ở hầu hết các thành phố lớn tại Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới.
Nghiêm túc mà nói, trong một thời gian dài, chúng ta chưa chú trọng nghiên cứu thấu đáo những ý kiến, quan điểm chỉ đạo của Bác Hồ về vấn đề môi trường và bảo vệ môi trường, chưa làm tốt lời dạy của Bác. Do vậy, hơn lúc nào hết những lời dạy của Bác Hồ về môi trường hôm nay chúng ta càng phải thấm nhuần sâu sắc hơn.
Để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội gắn chặt với các mục tiêu phát triển bền vững về tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, Đại hội XIII của Đảng đã đề ra những nhiệm vụ cơ bản: Nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn dân về bảo vệ môi trường, từ đó dẫn đến sự thay đổi nhận thức và hành vi của từng cá nhân, cộng đồng; hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo vệ môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững; tập trung khắc phục, cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường ở các đô thị, các cụm công nghiệp, làng nghề…; quản lý chặt chẽ, bảo vệ và phục hồi rừng tự nhiên; phát triển, nâng cao chất lượng rừng; tăng độ che phủ rừng gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái; thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững theo Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc, đó là duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường; tăng cường hợp tác quốc tế trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, nhằm giải quyết hiệu quả những khó khăn vượt khỏi khả năng của một quốc gia…
Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26, tháng 11/2021), Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên phải trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển, là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của mọi cấp, mọi ngành, mọi doanh nghiệp và mọi người dân… đoàn kết toàn cầu là cách thức duy nhất, chúng ta cùng bàn, cùng làm và cùng chiến thắng. Thông qua các bài phát biểu của Thủ tướng, cộng đồng quốc tế có thể thấy rõ tinh thần chủ động, tích cực của Việt Nam, là một thành viên có trách nhiệm trong giải quyết các vấn đề môi trường toàn cầu nói chung, ứng phó với biến đổi khí hậu nói riêng.
Để công tác bảo vệ môi trường đi vào thực tế, cần phải đẩy mạnh tuyên truyền thật sâu và rộng khắp về môi trường và bảo vệ môi trường trong nhận thức đến tận người dân, đến các nhà máy, xí nghiệp để mọi người hiểu và chấp hành một cách triệt để. Các đoàn thể chính trị, xã hội phải tập huấn kiến thức về môi trường và các biện pháp bảo vệ môi trường để cho mỗi đoàn viên, hội viên thực sự trở thành là những tuyên truyền viên tích cực về môi trường và bảo vệ môi trường; thực hiện nhiệm vụ cùng với nhân dân, cộng đồng các khu dân cư, các nơi công cộng tích cực bảo vệ môi trường; đồng thời trong công tác vận động quần chúng cần có biểu dương những việc làm tốt đối với những cá nhân, tập thể thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường; ngược lại cũng cần có sự phê bình và kiên quyết xử lý những cá nhân, tập thể có những hành vi gây ô nhiễm môi trường và không có thái độ trong công tác bảo vệ môi trường như xả rác, xả chất thải bừa bãi ra đường, ra phố, xuống lòng sông…
Ngày nay, vấn đề bảo vệ môi trường đang là đòi hỏi cấp thiết trên toàn cầu cũng như Việt Nam… Chúng ta cùng thực hiện tốt những điều Bác Hồ nhắc nhở, dạy bảo về bảo vệ môi trường để bảo vệ môi trường sống vì sự phát triển bền vững của đất nước.
Cả một đời vì nước, vì dân, đến lúc đi xa, chúng ta vẫn tìm thấy trong tư tưởng của Người một tầm nhìn xa trông rộng của bậc vĩ nhân - một lãnh tụ kiệt xuất, một danh nhân văn hóa thế giới trong việc làm cho môi trường sống của con người ngày càng tốt đẹp hơn. Kiên định với lập trường và tư tưởng Hồ Chí Minh về môi trường. Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và nghĩa vụ của mọi công dân.
Nguồn: Tác giả