Đóng góp của đồng chí Trần Quý Kiên trên lĩnh vực quân sự từ Chiến khu Quang Trung (1945) đến Căn cứ địa Việt Bắc (1949 – 1950)

Đóng góp của đồng chí Trần Quý Kiên trên lĩnh vực quân sự từ Chiến khu Quang Trung (1945) đến Căn cứ địa Việt Bắc (1949 – 1950)

08/08/2024

Đồng chí Trần Quý Kiên (1911 - 1965) - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo tiền bối của Đảng và cách mạng Việt Nam. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí đã có những cống hiến to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Những hoạt động và cống hiến to lớn của đồng chí Trần Quý Kiên trên lĩnh vực quân sự được thể hiện tập trung và nổi bật ở thời kỳ đồng chí làm ở Ban Chỉ đạo, Phó ban Thường trực, Bí thư Chiến khu Quang Trung đã lãnh đạo, chỉ đạo phong trào kháng chiến trên địa bàn 3 tỉnh Hòa - Ninh – Thanh (1945), cũng như thời kỳ đồng chí đảm nhận trọng trách là Trưởng ban Căn cứ địa Việt Bắc (1949 - 1950).

Sau khi đồng chí Trần Quý Kiên cùng nhiều đồng chí khác thoát khỏi nhà tù Sơn La, đã kịp thời về cùng nhiều đồng chí khác lãnh đạo phong trào cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở các tỉnh Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa (Chiến khu Hòa - Ninh - Thanh) giành được nhiều thắng lợi. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Trần Quý Kiên, nhiều những chủ trương của Đảng được kịp thời đến với nhân dân, nhiều khó khăn được kịp thời giải quyết, thù trong giặc ngoài từng bước được loại bỏ, khắc phục dần được những khó khăn trước mắt, thoát khỏi được tình thể hiểm nghèo, chính quyền cách mạng dưới dự lãnh đạo của Đảng và Việt Minh từng bước được kiện toàn đã kịp thời đủ sức lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta, từng bước đưa cuộc kháng chiến phát triển từ thế bị động sang thế chủ động, từng bước đánh bại quân Pháp trên chiến trường.  

1. Đồng chí Trần Quý Kiên lãnh đạo, chỉ đạo Chiến khu Quang Trung trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945

Để phát triển cao trào kháng Nhật, cứu nước, từ ngày 15 đến ngày 20 tháng 4 năm 1945, tại Hiệp Hòa (Bắc Giang), Ban Thường vụ Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc Kỳ, do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chính chủ trì. Đây là lần đầu tiên Trung ương Đảng tổ chức một hội nghị bàn riêng về công tác quân sự. Trên cơ sở nhận định tình hình ta và địch, Hội nghị xác định: “Tình thế đã đặt nhiệm vụ quân sự lên trên tất cả các nhiệm vụ quan trọng và cần kíp trong lúc này. Chúng ta phải tích cực phát triển chiến tranh du kích, gây dựng căn cứ địa kháng Nhật, để chuẩn bị cuộc tổng khởi nghĩa cho kịp thời cơ”[1]. Đồng thời, nhằm xây dựng hậu phương, lập thế, tạo những bàn đạp quân sự cho tổng khởi nghĩa, cùng với nhiều nội dung quan trọng khác được đề ra, Hội nghị đã quyết định thành lập 7 chiến khu trên những địa bàn chiến lược quan trọng trong cả nước, với yêu cầu là các chiến khu này phải được đánh thông liên lạc với nhau, trong đó, chú trọng xây dựng Chiến khu Quang Trung trên địa bàn ba tỉnh Hòa Bình, Ninh Bình và Thanh Hóa.

Thực hiện Nghị quyết của Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc Kỳ, ngày 15 tháng 5 năm 1945, tại thôn Sày, tổng Vân Trình, huyện Gia Viễn (Ninh Bình), đồng chí Văn Tiến Dũng - Ủy viên Thường vụ Ủy ban quân sự cách mạng Bắc Kỳ cùng các đồng chí đại diện Xứ Ủy Bắc Kỳ và đại diện các tỉnh Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa tiến hành họp bàn triển khai các mặt công tác và củng cố Chiến khu. Tại Hội nghị, các đại biểu nhất trí thành lập Chiến khu Quang Trung trên cơ sở chấn chỉnh và đổi tên Chiến khu Hòa - Ninh - Thanh (thành lập tháng 2/1945). Hội nghị đã đề ra những nhiệm vụ quân sự cụ thể trước mắt của Chiến khu Quang Trung: 1 - Phát triển lực lượng vũ trang cách mạng ở các tỉnh; đẩy mạnh phong trào mua sắm vũ khí; lập phân đội vũ trang thường trực của Chiến khu. 2 - Tổ chức các lớp huấn luyện quân sự cấp tốc cho các lãnh đạo, huấn luyện quân sự phổ thông cho các đội tự vệ chiến khu và quần chúng cứu quốc đông đảo, mỗi người trong tổ chức phải tự mua sắm vũ khí. 3 - Lập các căn cứ ở các tỉnh; chuẩn bị lương thực, thuốc men cho phân đội thường trực của chiến khu tập trung huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu. 4 - Chuẩn bị mọi mặt sẵn sàng đón đơn vị Giải phóng quân Nam tiến từ căn cứ địa Việt Bắc tiến xuống địa bàn Chiến khu[2].

Hội nghị quyết định chọn khu căn cứ cách mạng Quỳnh Lưu (Nho Quan, Ninh Bình) làm trung tâm căn cứ của Chiến khu; đổi tên “Cơ quan tuyên truyền của Việt Minh khu Ba Đình” thành “Cơ quan tuyên truyền của Việt Minh khu Quang Trung”, tiếp tục ra tờ báo “Khởi nghĩa” vào ngày 15 hàng tháng, lưu hành ở các cơ quan lãnh đạo, chỉ huy, đơn vị du kích chiến khu và các tỉnh thuộc Chiến khu Quang Trung. Đồng thời, Hội nghị đã kiện toàn Ban Chỉ đạo Chiến khu Quang Trung (tức Ủy ban quân sự cách mạng Chiến khu Quang Trung), gồm các đồng chí: Văn Tiến Dũng - Ủy viên Thường vụ Ủy ban quân sự cách mạng Bắc Kỳ, thay mặt Trung ương Đảng trực tiếp chỉ đạo Chiến khu; Phan Lang - Bí thư Ban Cán sự đảng tỉnh Hòa Bình; Nguyễn Văn Mộc - Bí thư Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Ninh Bình[3]; Lê Chủ - Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa, làm Ủy viên[4].

Tuy nhiên, do đồng chí Văn Tiến Dũng phải thường xuyên làm việc trong Thường trực Ủy ban quân sự cách mạng Bắc Kỳ, không ở liền tại Chiến khu được mà phải đi đi, về về, đồng thời vẫn phải bám trụ ở địa bàn huyện Yên Phong để thuận tiện trao đổi ý kiến, họp bàn với các đồng chí Lê Thanh Nghị, Trần Đăng Ninh, cũng như xin chỉ thị Trung ương Đảng và quyết định những công việc cần kíp được nhanh chóng, trong hồi ký đồng chí Văn Tiến Dũng viết: “…Vì còn có trách nhiệm thường trực của Ủy ban quân sự cách mạng Bắc Kỳ, nên tôi không ở liền tại chiến khu được… Tôi đi đi, về về, và vẫn phải trụ ở địa bàn huyện Yên Phong, trong mấy xã bên bờ sông Như Nguyệt”[5]. Nên Đảng đã tăng cường đồng chí Ty (tức Đinh Xuân Nhạ, Trần Quý Kiên) - Xứ Ủy viên[6] Xứ ủy Bắc Kỳ cho Ban Chỉ đạo Chiến khu giữ chức vụ “Phó thường trực”[7]. Đến đây, Ban Chỉ đạo Chiến khu Quang Trung chính thức kiện toàn gồm 5 đồng chí: Văn Tiến Dũng - Trưởng ban, Trần Quý Kiên (tức Ty, Định Xuân Nhạ) - Phó ban Thường trực và 3 Ủy viên: Phan Lang - Bí thư Ban Cán sự Đảng bộ tỉnh Hòa Bình, Nguyễn Văn Mộc - Bí thư Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Ninh Bình, Lê Chủ - Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa[8]. Về Đảng đồng chí Trần Quý Kiên giữ chức Bí thư Chiến khu Quang Trung[9].

Sau đó, đồng chí Trần Quý Kiên được cử đi Sơn La, Lai Châu, lãnh đạo cuộc thương thuyết, giành chính quyền ở đây, đồng chí Văn Tiến Dũng được cử thay[10]… Như vậy, sự ra đời của Chiến khu Quang Trung và kiện toàn Ban Chỉ đạo Chiến khu trong thời điểm lịch sử của đêm trước của cuộc tổng khởi nghĩa đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào cách mạng, chuẩn bị khởi nghĩa của nhân dân đồng bằng sông Hồng, trong đó gắn với vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của đồng chí Trần Quý Kiên.

Trên cương vị được giao, quán triệt và thực hiện nghiêm chủ trương của Hội nghị Xứ ủy Bắc Kỳ, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Trần Quý Kiên và Ban Chỉ đạo Chiến khu, hoạt động xây dựng, củng cố lực lượng vũ trang, căn cứ địa cách mạng trên địa bàn các tỉnh Hòa Bình, Ninh Bình và Thanh Hóa được đẩy mạnh, thúc đẩy cao trào kháng Nhật, cứu nước trên địa bàn phát triển. Trên cơ sở những đội du kích, tự vệ chiến đấu hoạt động phân tán nhỏ lẻ từ từng địa phương, ngày 20 tháng 6 năm 1945, Trung đội du kích tập trung (còn gọi là Trung đội giải phóng quân) đầu tiên của Chiến khu Quang Trung, cũng là đơn vị vũ trang đầu tiên của tỉnh Ninh Bình được thành lập, gồm 40 người, biên chế thành 3 tiểu đội, do đồng chí Lương Nhân làm Trung đội trưởng và các đồng chí Doanh, Vụ làm Trung đội phó[11]. Đồng thời, các tỉnh cũng nhanh chóng xây dựng, phát triển các đội du kích tập trung ở các khu căn cứ, như: Quỳnh Lưu (Ninh Bình), Hiền Lương, Tu Lý, Diềm, Cao Phong, Thạch Yên, Mường Khói (Hòa Bình), Bái Sơn, Cẩm Bào, Hồ Cỗ, Cổ Tế, Đằng Xá, Yên Lộ, Hòa Chung, Đa Lộc (Thanh Hóa), cùng nhiều trung đội, tiểu đội du kích, tự vệ chiến đấu ở các địa phương khác.

Song song với việc hình thành tổ chức, biên chế các đơn vị tổ chức quân sự đầu tiên của Chiến khu Quang Trung, đồng chí Trần Quý Kiên và Ban Chỉ đạo Chiến khu Quang Trung mở nhiều lớp huấn luyện quân sự, học tập chính trị cho cán bộ các tỉnh Hòa Bình, Ninh Bình và Thanh Hóa. Từ lớp huấn luyện quân sự tập trung cho các bộ các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ[12], có cán bộ các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa và cá bộ các tỉnh Hà Nam, Nam Định tham gia, đến lớp đào tạo cán bộ quân sự cho 20 học viên nòng cốt của các tỉnh Ninh Bình, Hòa Bình, Thanh Hóa, Sơn Tây, Hà Đông, Hải Dương - còn được gọi là “Trường Sơn du kích kháng Nhật học hiệu” (Trường học chống Nhật của du kích Trường Sơn)[13]. Cả hai lớp đều do đồng chí Vương Thừa Vũ - Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ giảng dạy và quản lý. Nội dung huấn luyện về kỹ thuật gồm các động tác cơ bản về bắn súng, ném lựu đạn, đội ngũ, canh phòng; về chiến thuật là tác chiến tiểu đội, trung đội và một số bài lý luận xây dựng cơ sở chính trị, tổ chức tự vệ chiến đấu, xây dựng căn cứ địa và phong trào du kích. Ngoài những buổi học tập, huấn luyện, các học viện được học những bài ca cách mạng, đọc báo và truyền đơn của Tổng bộ Việt Minh[14].

Những nỗ lực, cố gắng hoạt động không ngừng nghỉ của Phó ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chiến khu Quang Trung Trần Quý Kiên và các đồng chí trong Ban Chỉ đạo Chiến khu Quang Trung, lực lượng và thế trận của Chiến khu Quang Trung được xây dựng và củng cố toàn diện, đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy cao trào kháng Nhật, cứu nước trên địa bàn 3 tỉnh Ninh Bình, Hòa Bình và Thanh Hóa, tạo tiền đề, củng cố, phát triển thế và lực mới cùng quân và dân cả nước bước vào cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 thắng lợi trên địa bàn.

Ngày 15 tháng 8 năm 1945, Nhật đầu hàng Đồng minh vô điều kiện. Điều kiện khởi nghĩa ở Đông Dương đã chín muồi, cơ hội rất tốt cho nhân dân ta giành độc lập đã tới. Trước tình hình khẩn cấp đó, Bác Hồ và Trung ương Đảng chủ trương cấp tốc triệu tập Hội nghị toàn quốc của Đảng ở Tân Trào… Tham dự có đại biểu của các Đảng bộ Bắc, Trung, Nam, các chiến khu, các vùng giải phóng. Đồng chí Trần Quý Kiên và đồng chí Văn Tiến Dũng cùng một số đại biểu của Xứ ủy Bắc Kỳ và Chiến khu Quang Trung cấp tốc lên đường dự Hội nghị nhưng vừa tới báo cáo, còn ở ngoài trạm (Sơn Dương, Quyên Quang), Bác đã chỉ thị quay về ngay, quay về gấp, kẻo không kịp hành động. Đồng chí Trần Quý Kiên và đồng chí Văn Tiến Dũng nhanh chóng quay về Hà Nội, xuống Ninh Bình chỉ đạo khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng thắng lợi.

Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Đáp ứng yêu cầu thực tiễn, cuối tháng 9 năm 1945, đồng chí Dương Văn Ty (Trần Quý Kiên) - Xứ ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ được Trung ương Đảng, Chính phủ cử làm Phái viên dẫn đầu đoàn cán bộ gồm 11 đồng chí lên chỉ đạo đấu tranh, thiết lập chính quyền cách mạng ở Sơn La, Lai Châu. Sau khi đến Sơn La vào ngày 3 tháng 10 năm 1945, đồng chí Trần Quý Kiên và đoàn cán bộ đã “góp phần nhanh chóng củng cố lại bộ máy chính quyền. Bằng nhiều biện pháp cấp bách trước mắt, hệ thống chính quyền các cấp, lực lượng vũ trang được củng cố một bước”[15]. Tiếp đó, tại Lai Châu, đồng chí Trần Quý Kiên đã có những ý kiến chỉ đạo để lực lượng yêu nước, tiến bộ ở châu Quỳnh Nhai[16] khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi. Đồng chí cũng cùng với những cán bộ do Bộ Nội vụ và Ủy ban Hành chính Bắc Bộ cử lên tiến hành thương thuyết để thành lập chính quyền nhân dân tại Lai Châu, song, do lúc này quân đội Tưởng đã tràn vào Lai Châu và sự ngoan cố của các thế lực cũ nên việc thương thuyết không thành. Tuy vậy, “sự hiện diện của các đồng chí cũng như những hoạt động tuyên truyền tại thị trấn tỉnh lỵ Lai Châu đã làm cho nhân dân trong tỉnh lần đầu tiên được tiếp xúc với đại diện của Chính phủ và bước đầu nắm bắt được chủ trương của Đảng”[17].

2. Từ Thường vụ Liên khu 3 đến Trưởng ban Căn cứ địa Việt Bắc

Từ giữa năm 1946, thực hiện chỉ đạo của Đảng, đồng chí Trần Quý Kiên rời Tây Bắc, tiếp tục tham gia chỉ đạo phong trào kháng chiến ở Liên khu 3, làm Bí thư Bí thư liên tỉnh Hồng Quảng[18], rồi làm Thường vụ Liên khu 3. Sách Hà Sơn Bình - lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954) viết do âm đối với tỉnh Hòa Bình và vùng người Mường Hòa Bình “…Do tầm vóc của vấn đề và tính chất nghiêm trọng của âm mưu chính trị - quân sự này, việc đối phó không chỉ thu hẹp vào những hoạt động của quân dân Hòa Bình mà đòi hỏi quy mô lớn hơn. Vì vậy , bên cạnh việc chỉ đạo Hòa Bình đấu tranh phá âm mưu giặc, Liên khu đã cử đồng chí Trần Quý Kiên, Ủy viên Thường vụ Liên khu ủy tới kiểm tra, đôn đốc trực tiếp giúp đỡ tỉnh Hòa Bình[19]

Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc kháng chiến đang lên cao, để tăng cường chỉ đạo, tập trung đảm bảo cho các cơ quan đầu não, cho căn cứ trung ương của Đảng, Chính phủ, Bộ Quốc phòng… từ tháng 7/1949, đồng chí Trần Quý Kiên được Trung ương Đảng điều động làm Trưởng ban Căn cứ địa Việt Bắc[20].

Ngay từ trước cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, Việt Bắc đã hình thành Khu giải phóng gồm 6 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Lạng Sơn, Thái Nguyên và Tuyên Quang... Với tầm nhìn chiến lược sâu sắc, sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, trước khi về Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao đồng chí Phạm Văn Đồng - Ủy viên Trung ương Đảng và một số cán bộ ở lại Việt Bắc chỉ đạo việc tiễu phỉ, trừ gian, phát triển dân quân tự vệ; xây dựng, củng cố Khu giải phóng phòng khi cần đến. Tiếp đó, để chuẩn bị cho cuộc chiến đấu chống lại quân xâm lược, Việt Bắc lại được Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm địa bàn xây dựng căn cứ địa, nơi đặt An toàn khu - cơ quan đầu não của Chính phủ kháng chiến. Liên tiếp trong hai tháng 10 và 11 năm 1946, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh cử phái đoàn của Chính phủ, do đồng chí Nguyễn Lương Bằng dẫn đầu và Đội công tác đặc biệt của Trung ương, do đồng chí Trần Đăng Ninh phụ trách được cử lên Việt Bắc tiếp tục chuẩn bị căn cứ địa; tiến hành những công việc cần thiết phục vụ cuộc tổng di chuyển; dự kiến và bố trí đường đi, nơi ở, nơi đặt cơ quan, công xưởng, kho tàng... Trên cơ sở đó, từ tháng 11 năm 1946, các cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ, Mặt trận, Bộ Tổng chỉ huy lần lượt rời Hà Nội lên Việt Bắc để tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức kháng chiến. Các công xưởng, xí nghiệp, nhà máy, hàng vạn tấn máy móc, nguyên vật liệu và gần 63.000 đồng bào miền xuôi được sơ tán lên Việt Bắc để quân và dân ta vừa sản xuất, vừa tiếp tục cuộc kháng chiến lâu dài.

Sau chiến thắng Việt Bắc Thu - Đông 1947, Chiến khu 1 gồm các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Phúc Yên, và Chiến khu 10 gồm các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái, Phú Thọ, Tuyên Quang, Vĩnh Yên, được Trung ương Đảng giao nhiệm vụ xây dựng Căn cứ địa Việt Bắc thực sự vững chắc. Qua thời gian thực hiện, Trung ương Đảng nhận thấy vấn đề xây dựng Căn cứ địa Việt Bắc nói chung, An toàn khu nói riêng là một nhiệm vụ rất quan trọng, nên cần có một “ban chuyên môn” phụ trách đẩy mạnh việc củng cố hậu phương kháng chiến của cả nước. Để đáp ứng tình hình trên, ngày 7 tháng 7 năm 1949[21], Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết nghị: Lập một căn cứ địa, gồm 6 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang và Hà Giang. 6 tỉnh này vẫn theo hệ thống của các khu, không phải tách riêng ra, mà chỉ được Trung ương đặc biệt chú ý giúp đỡ và đặt kế hoạch xây dựng về mọi mặt. Để chỉ đạo việc xây dựng, Trung ương quyết định “Thành lập một Ban căn cứ địa như một Ban chuyên môn, do đồng chí Trần Quý Kiên làm Trưởng ban, giúp Trung ương nghiên cứu kế hoạch xây dựng căn cứ địa, đôn đốc kiểm soát việc thực hiện kế hoạch”[22]. Đồng thời đồng chí làm Bí thư liên chi bộ ATK[23].

Đến ngày 23 tháng 9 năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 110-SL lập Ban Căn cứ địa Việt Bắc, đặt tại Chủ tịch phủ[24]. Ban Căn cứ địa Việt Bắc gồm có 3 người: 1 Trưởng ban và 2 nhân viên. Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Căn cứ địa Việt Bắc được xác định: “1 - Theo dõi và tham gia ý kiến vào sự thực hiện kế hoạch của Chính phủ trong phạm vi căn cứ địa. 2 - Trực tiếp với các Bộ và các Ủy ban Kháng chiến hành chính để đề nghị những công việc cần thiết. 3 - Thâu lượm và phổ biến các kinh nghiệm”[25].

Đến ngày 4 tháng 11 năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 127-SL, hợp nhất Liên khu 1 và Liên khu 10 thành lập Liên khu Việt Bắc. Để phù hợp với thực tiễn và theo đề nghị của Hội đồng Quốc phòng Tối cao, ngày 30 tháng 1 năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 15-SL thay thế Sắc lệnh 110-SL (23/9/1949), đặt Ban Căn cứ địa tại Liên khu Việt Bắc. Theo Sắc lệnh này, tổ chức và quyền hạn của Ban Căn cứ địa Việt Bắc sẽ do Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định[26].

Quán triệt nhiệm vụ chủ yếu là “xây dựng và bảo vệ căn cứ địa Việt Bắc”[27], Ban Căn cứ địa Việt Bắc, do đồng chí Trần Quý Kiên làm Trưởng ban đã tham mưu giúp Trung ương Đảng và Chính phủ nhiều chủ trương, chính sách, kế hoạch xây dựng và phát triển căn cứ địa Việt Bắc; trực tiếp chỉ đạo các cấp trong địa bàn thực hiện xây dựng, bảo vệ căn cứ địa. Phát động toàn dân thi đua tăng gia sản xuất tự cấp, tự túc. Các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, bảo vệ nền kinh tế kháng chiến được thực hiện tích cực. Ra sức củng cố các cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể quần chúng, phát triển mạnh đảng viên, hội viên, xây dựng và củng cố các tổ chức ở cơ sở. Duy trì, phát triển bình dân học vụ, giáo dục phổ thông, phát triển y tế, phòng chữa bệnh, xây dựng đời sống mới. Thống nhất xây dựng cơ quan phụ trách công tác quân sự địa phương các cấp, phát động toàn dân tham gia xây dựng, phát triển lực lượng, coi trọng và đẩy mạnh công tác huấn luyện chiến thuật, kỹ thuật cho vũ trang ba thứ quân. Mở nhiều chiến dịch, đợt hoạt động quân sự đánh địch, bảo vệ căn cứ... Đến giữa năm 1950, căn cứ địa của Trung ương được củng cố và phát triển vững chắc, hậu phương kháng chiến ngày càng mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho quân và dân ta giành liên tiếp giành những thắng lợi quân sự to lớn, tạo và giữ vững thế chủ động chiến lược trên chiến trường.

Từ năm 1950 đến cuối đời đồng, đồng chí Trần Quý Kiên tiếp tục đảm nhiệm nhiều chức vụ cao cấp của Đảng và Nhà nước, như: Phó Văn phòng Thủ tướng phủ (do Hồ Chí Minh Thủ tướng - Chủ tịch Chính phủ, Sắc lệnh số 149 –SL của Chủ tịch nước, ngày 6-11-1950). Đồng thời, ông là Bí thư Đảng bộ các cơ quan Chính - Dân - Đảng Trung ương (nay là Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương)… Đồng chí Trần Quý Kiên có nhiều cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc.

3. Kết luận

Có thể nói, là một trong những đảng viên thế hệ đầu tiên của Đảng, với trách nhiệm và vị trí lãnh đạo được Đảng tin tưởng giao phó, đồng chí Trần Quý Kiên đã có công lao to lớn, đóng góp vào công cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc. Ở bất cứ hoàn cảnh, cương vị công tác nào, đồng chí cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trênh lĩnh vực quân sự, khi đồng chí giữ chức vụ Phó ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chiến khu Quang Trung, Bí thư Chiến khu Quang Trung trực tiếp chỉ đạo các địa phương kiện toàn cơ quan lãnh đạo phong trào cách mạng, xây dựng lực lượng chính trị, quân sự, căn cứ địa cách mạng trên địa bàn 3 tỉnh Hòa Bình, Ninh Bình và Thanh Hóa, tập dượt đấu tranh quân sự, chính trị tiến tới Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945 thắng lợi. Trên cương vị Trưởng ban Căn cứ địa Việt Bắc, đồng chí hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giúp Trung ương Đảng và Chính phủ chỉ đạo xây dựng và bảo vệ, phát triển căn cứ địa Việt Bắc về mọi mặt, thế và lực của căn cứ địa Trung ương được củng cố, tạo điều kiện cho quân và dân ta giành những thắng lợi quân sự có ý nghĩa quyết định, từ Chiến dịch Biên giới Thu - Đông 1950 đến Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/1954), kết thúc 9 năm ròng kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược./.

 

Nguyễn Văn Biểu

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

(Bài viết đăng trên Tạp chí Giáo dục và xã hội, Số 160 (221) tháng 7/2024)

 


[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.391.

[2] Bộ Tư lệnh Quân khu 3, Chiến khu Quang Trung, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1996, tr.69 - 70.

[3] Sau khi thoát khỏi nhà lao Nghĩa Lộ, đầu tháng 4/1945, đồng chí Trần Quý Kiên đã bắt liên lạc được với Xứ ủy Bắc Kỳ. Đầu tháng 5/1945, đồng chí Trần Quý Kiên - Đại diện Xứ ủy Bắc Kỳ về Ninh Bình triệu tập Hội nghị cán bộ tỉnh tại thôn Sải (Nho Quan) thành lập Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Ninh Bình thay cho Ban Cán sự đảng tỉnh Ninh Bình, gồm 6 đồng chí, do đồng chí Lê Thành (tức Nguyễn Văn Mộc) làm Bí thư.

[4] Bộ Tư lệnh Quân khu 3, Chiến khu Quang Trung, Sđd, tr.70.

[5] Đại tướng Văn Tiến Dũng, Đi theo con đường của Bác, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr.211.

[6] Bộ Tư lệnh Quân khu 3, Chiến khu Quang Trung, Sđd, tr.70.

[7] Xem thêm Đại tướng Văn Tiến Dũng, Đi theo con đường của Bác, Nxb Quân đội nhân dân, 2004, tr.211.

[8] Về sự kiện này kiện toàn “Ủy ban Quân sự cách mạng Chiến khu Quang Trung” (còn gọi là Ban Chỉ đạo Chiến khu Quang Trung), có tài liệu viết như sau: “Đầu tháng 5-1945, thực hiện Nghị quyết của Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ, đồng chí Văn Tiến Dũng đã về căn cứ Quỳnh Lưu (Ninh Bình) tổ chức thành lập Chiến khu Quang Trung. Ủy ban Quân sự cách mạng Chiến khu Quang Trung, gồm 5 đồng chí: Văn Tiến Dũng, Trần Quý Kiên (tức Định Xuân Nhạ)… do đồng chí Văn Tiến Dũng làm Chủ tịc”.

[9] Theo tài liệu lưu ở Ban Tổ chức Trung ương, trong bản Lý lịch của đồng chí Trần Quý Kiên có ghi giữ chức “Bí thư Chiến khu Quang Trung”. Như trong Hồi ký Đi theo con đường của Bác của đồng chí Văn Tiến Dũng cũng có nói do bận công việc nhiều trong Ủy ban quân sự cách mạng Bắc Kỳ mà các công việc của Chiến khu Quang Trung do đồng chí Ty (hay “anh Nhạ”, “anh Ty”, theo cách dùng từ thân mật của đồng chí Văn Tiến Dũng) giải quyết. Trong hồi ký Đi theo con đường của Bác đồng chí Văn Tiến Dũng nhiều lần nhắc đến việc được đồng chí việc đồng chí Trần Quý Kiên kết nạp ông vào Đảng: “… anh Đinh Xuân Nhạ (Trần Quý Kiên) - người đã tổ chức tôi vào Đảng…” (Văn Tiến Dũng, Đi theo con đường của Bác,Sđd, tr.172).

[10] Đồng chí Văn Tiến Dũng viết trong hồi ký: “… Sau khi giành được chính quyền ở Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, chúng tôi còn được trao nhiệm vụ chỉ đạo khởi nghĩa ở Sơn La và Lai Châu. Anh Ty được phân công lên hai tỉnh đó…” (Văn Tiến Dũng, Đi theo con đường của Bác, Sđd, tr.221).

Trong Giấy chứng nhận số 283 TC/TW để hưởng chế độ chính sách ngày 25/4/1997, của Ban Tổ chức Trung ương “Chứng nhận cán bộ hoạt động cách mạng trước năm 1945” cho gia đình[10] ông Trần Quý Kiên, đã chứng nhận ông Trần Quý Kiên “Nguyên Xứ ủy viên (đúng ra ông là Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ), Bí thư khu Quang Trung gồm các tỉnh Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Sơn La, Lai Châu…”.

[11] Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử các đội quân tiền thân Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, 2004, tr. 284.

[12] Tổ chức tại xóm Bình Phú, làng Phú Long, tổng Văn Luận (phủ Nho Quan, Ninh Bình).

[13] Tổ chức tại bản Lọt, xã Hoài Ân, châu Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình.

[14] Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử tổ chức quân sự Việt Nam, tập 3, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2015, tr.176 - 177.

[15] Tỉnh ủy - Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La, Tỉnh Sơn La 110 năm (1895 - 2005), Nxb Chính trị quốc gia, 2005, tr. 97.

[16] Nay thuộc tỉnh Sơn La.

[17] Đoàn Thị Hương, Hoạt động và đóng góp của nhà cách mạng Trần Quý Kiên thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc (1930 - 1945), Tạp chí Lịch sử Đảng, số 370 (9/2021), tr. 81.

[18] Xem thêm: Nguyễn Văn Biểu, “Đồng chí Trần Quý Kiên, nhà cách mạng tiền bối của Đảng”. Nguồn: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tiep-lua-truyen-thong/dong-chi-tran-quy-kien-nha-cach-mang-tien-boi-cua-dang-763878. Truy cập ngày 30/6/2024.

[19] Hà Sơn Bình: Lịch sử kháng chiến chống thực dân pháp xâm lược (1945-1954), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1990, tr.156.

[20] Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Thái nguyên, Sở Văn hoá thông tin Thái Nguyên, Hồ Chí Minh, Với việc xây dựng ATK Định Hoá trong Căn cứ địa Việt Bắc (tái bản lần thứ nhất), Thái Nguyên, 2004, tr.74.

Bộ Công an, Lịch sử lực lượng An ninh, 1945-1954: thảo, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2002, tr.198.

[21] Xem thêm Bộ Tư lệnh Quân khu 1, Tổng kết chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chiến lược quân sự của Liên khu Việt Bắc trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1990, tr.32.

[22] Viện Lịch sử Đảng, Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, Tập III: Đảng lãnh đạo kháng chiến và kiến quốc (1945 - 1954), Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2012, tr. 392.

[23] Nguyễn Xuân Minh, An toàn khu (ATK) Trung ương ở Việt Bắc (trong kháng chiến chông thực dân pháp 1945 - 1954), Luận án Phó tiến sĩ (nay là LATS) khoa học lịch sử, Trường ĐHSP Hà Nội, Hà Nội, 1996, tr. 151-152. Trong thời gian này có ý kiến cho rằng đồng chí Trần Quý Kiên đã kết nạp đồng chí Hoàng Minh Giám  (năm 1950) vào Đảng: “… Hơn mười ngày sau đó, ngày 08/6/1950, dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Quý Kiên, Thứ trưởng Văn phòng Phủ Chủ tịch - Phủ Thủ tướng, Bí thư Liên chi bộ ATK, lễ kết nạp Giáo sư, Bộ trưởng Ngoại giao Hoàng Minh Giám vào Đảng Cộng sản Đông Dương đã được bí mật tổ chức tại một địa điểm bên bờ con suối Lê thuộc xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Những chi tiết nói trên đã được Giáo sư Hoàng Minh Giám kể lại cho vợ và các con cháu trong dịp gia đình mừng sinh nhật lần thứ 80 của ông ngày 04/11/1984”.

[24] Viện Lịch sử Đảng, Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập III, Sđd, tr.392.

[25] Sắc lệnh số 110-SL ngày 23/9/1949 của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nguồn: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Sac-lenh-110-SL-thanh-lap-Ban-Can-cu-dia-Viet-bac-36471.aspx. Truy cập ngày 30/6/2024.

[26] Sắc lệnh số 15-SL ngày 30/1/1950 của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nguồn: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Sac-lenh-15-SL-dat-tai-Lien-khu-Viet-Bac-Ban-can-cu-bai-bo-Sac-lenh-110-SL-thanh-lap-Ban-can-cu-dia-Chu-tich-phu-36517.aspx. Truy cập ngày 30/6/2024.

[27] Tổng kết chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chiến lược quân sự của Liên khu Việt Bắc trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), Sđd, tr.39.

 

Các tin đã đưa ngày: