Ý nghĩa của Quy định 144 đối với cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới
Quá trình đổi mới đất nước, dưới sự tác động bởi mặt trái của cơ chế thị trường, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có những hành động, việc làm “bất chính”, “bất liêm”. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đánh giá: “Một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”.
Chính vì lẽ đó, Đảng ta đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng đạo đức của cán bộ, đảng viên: “Tập trung xây dựng Đảng về đạo đức, tích cực đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phát huy thật tốt trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo phương châm chức vụ càng cao càng phải gương mẫu”; xây dựng đội ngũ “cán bộ, đảng viên có ý chí chiến đấu cao, gương mẫu thực hiện nguyên tắc của Đảng và pháp luật của Nhà nước, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”.
Quy định 144 ra đời rất đúng lúc bởi hiện có nhiều vụ việc đáng buồn xảy ra thời gian qua, nhiều đảng viên có chức, có quyền, thậm chí là cán bộ cấp cao phải từ chức hoặc bị xử lý hình sự. Vẫn còn có một bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả ở cấp cao, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, gây bất bình, lo lắng, suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Thực tiễn cho thấy, khi người cán bộ, đảng viên không thường xuyên học tập, tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất thì sẽ dần đánh mất mình, đánh mất “nền tảng gốc” là đạo đức cách mạng, dẫn đến suy thoái về tư tưởng chính trị; và đó là một bước ngắn, hết sức nguy hiểm, dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Nhiều trường hợp cán bộ bị kỷ luật đảng và xử lý trước pháp luật thời gian qua có nguyên nhân gốc rễ là không chú ý giữ gìn đạo đức cách mạng, đã vi phạm Điều lệ Đảng, Quy định về những điều đảng viên không được làm, vì danh lợi cá nhân mà bất chấp kỷ luật đảng, pháp luật nhà nước.
Chúng ta biết rằng, xây dựng Đảng về đạo đức và xây dựng đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên là vấn đề rất hệ trọng, một nhiệm vụ của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và là một trong những nội dung căn cốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Đội ngũ cán bộ, đảng viên là những người tham gia hoạt động chính trị; đặc biệt, cán bộ cấp chiến lược còn là những chính trị gia, đại diện cho uy tín, thanh danh của Đảng, của đất nước.
Đặc biệt trong những năm gần đây, trước những thách thức của bối cảnh cũng như những yêu cầu mới của tình hình và điều kiện phát triển mới của đất nước. Đảng ta càng chú trọng việc bảo đảm và phát huy sự liêm chính trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Quy định 144 đề cao sự liêm chính của cán bộ, đảng viên
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng và nhấn mạnh về sự liêm chính và nhận mạnh yêu cầu đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên cà cơ quan công quyền trong Đảng và hệ thống chính trị các cấp.
Người nhấn mạnh, liêm chính là đạo đức, là linh hồn, là văn hóa và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống chính trị đất nước mà cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước phải là đội ngũ tiên phong. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, Liêm là trong sạch, không tham lam; luôn tôn trọng giữ gìn của công và của dân, không xâm phạm một đồng xu, hạt thóc của Nhà nước và của nhân dân; không tham địa vị, tiền tài, không tham sung sướng, không ham người tâng bốc mình.
Kế thừa và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng luôn hết sức đề cao sự liêm chính trong chính trị, liêm chính khi sử dụng quyền lực, liêm chính khi lãnh đạo đất nước, liêm chính trong tu dưỡng bản thân, gia đình và phục sự đất nước, nhân dân.
Vấn đề “Liêm chính” và xây dựng “Văn hóa liêm chính” được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc đến nhiều lần trong các Hội nghị của Trung ương Đảng khi nói về công tác xây dựng Đảng, công tác phòng, chống tham nhũng: “Phải kiên trì giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về đức tính liêm khiết, chính trực; xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực. Mọi cán bộ, đảng viên phải ghi nhớ sâu sắc lời căn dặn của Bác Hồ rằng: Cán bộ, đảng viên, trước hết là người lãnh đạo phải biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân có hành vi tham nhũng, tiêu cực”
Tại Điều 3, Quy định số 144-QĐ/TW (ngày 9/5/2024) Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới một lần nữa nhấn mạnh vào vấn đề liêm chính tiếp tục được nhấn mạnh “Nêu cao lòng tự trọng, danh dự, không cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, giữ gìn phẩm giá của người cán bộ, đảng viên, không để tác động lôi kéo, cám dỗ tiêu cực. Không để gia đình, người thân và người khác lợi dụng chức vụ, vị trí công tác để trục lợi; bảo vệ uy tín, danh dự của bản thân và tổ chức đảng. Thực hiện văn hóa từ chức khi không đủ khả năng, uy tín”.
Nâng cao chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy, để giữ gìn sự liêm chính của cán bộ, đảng viên, cần có tuyên truyền và kiểm soát, giáo dục và kỷ cương pháp luật, từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên; bởi vì, cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ; dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp “đục khoét”, có dịp ăn của “đút”, có dịp “dĩ công vi tư”. Người nhấn mạnh, cán bộ phải ra sức thực hành chữ Liêm bằng những việc cụ thể, như tuyệt đối không đem của công dùng vào việc tư, không động đến cái kim, sợi chỉ của dân... mua bán phải công bình, mượn cái gì phải trả tử tế, hỏng cái gì phải bồi thường.
Mỗi cán bộ, đảng viên cần nâng cao ý thức tự giác, tự tu dưỡng, rèn luyện, tận tâm, tận lực cống hiến trí tuệ, sức lực cho Đảng, phụng sự đất nước và phục vụ nhân dân, nhất là phải đề cao trách nhiệm và sự gương mẫu của người đứng đầu. Cán bộ phải thực hành chữ Liêm trước, để làm kiểu mẫu cho dân; bởi niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân vào Đảng luôn gắn liền với niềm tin vào người đứng đầu; nên người đứng đầu phải nêu gương về đạo đức, giữ gìn phẩm chất liêm khiết, công minh, chính trực
Ngoài ra, cần nâng cao vai trò giám sát của nhân dân, người dân cần biết rõ quyền hạn của mình để kiểm soát cán bộ, giúp cán bộ thực hiện chữ Liêm. Để phát huy vai trò giám sát của nhân dân thì điều cơ bản, cốt lõi là nhân dân phải nhận thức đúng vị trí, vai trò, trách nhiệm của mình với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục để nhân dân nắm rõ các quan điểm của Đảng, hệ thống văn bản pháp luật quy định quyền và nghĩa vụ của nhân dân trong hoạt động giám sát.
TS. Nguyễn Đình Đáp
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam