Ngày 19/5 hằng năm là ngày kỷ niệm thiêng liêng, trọng đại với người Việt Nam, đó là Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Lãnh tụ thiên tài của Đảng và nhân dân ta, Người thầy vĩ đại của Cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất, Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta, Người chiến sĩ cộng sản quốc tế mẫu mực, người bạn thân thiết của các dân tộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên toàn thế giới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh (lúc nhỏ tên là Nguyễn Sinh Cung, khi đi học là Nguyễn Tất Thành, tham gia hoạt động cách mạng lấy tên Nguyễn Ái Quốc) sinh ngày 19/5/1890 trong một gia đình nhà nho yêu nước, tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Tận mắt chứng kiến dân tộc Việt Nam chìm trong “đêm trường nô lệ” và các phong trào đấu tranh yêu nước lần lượt thất bại, với lòng yêu nước nồng nàn, nhãn quan chính trị thiên tài, ngày 05/6/1911, với tên gọi Văn Ba, người thanh niên Nguyễn Ái Quốc làm phụ bếp trên con tàu Amiran Latusơ Tơrêvin rời Cảng Nhà Rồng với quyết tâm tìm đường cứu nước, cứu dân, giải phóng dân tộc.
Người quyết định sang Phương Tây - nơi khởi nguồn của chủ nghĩa thực dân, quê hương của các cuộc cách mạng tư sản, để tìm hiểu rõ bản chất của vấn đề. Người đã sớm nhận ra rằng: Các cuộc cách mạng tư sản dù vĩ đại như cách mạng Mỹ hay cách mạng Pháp, nhưng vẫn không giải phóng được những người lao khổ, nghĩa là cách mạng không triệt để. Người tích cực tham gia vào phong trào công nhân, phong trào xã hội ở Pháp và các quốc gia phương Tây khác, tích cực tham gia Quốc tế Cộng sản; Người đã tham gia sáng lập Ðảng Cộng sản Pháp và Hội liên hiệp các dân tộc thuộc địa nhằm cổ vũ, đoàn kết, hướng dẫn nhân dân các nước thuộc địa đứng lên tự giải phóng.
Tháng 7/1920, Nguyễn Ái Quốc đã đọc “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lê-nin. Tháng 12/1920, Người tham dự Đại hội lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp và bỏ phiếu tán thành Đảng gia nhập Quốc tế III (Quốc tế Cộng sản), trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Từ một người yêu nước trở thành một người cộng sản, Hồ Chí Minh khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.
Tháng 2/1930, Người chủ trì Hội nghị thành lập Đảng họp tại Cửu Long, thuộc Hồng Kông (Trung Quốc). Hội nghị đã thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân và toàn thể dân tộc Việt Nam. Đây là bước ngoặt lịch sử trọng đại, chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài về đường lối chính trị và về tổ chức của các phong trào yêu nước Việt Nam.
Ngày 28/01/1941, Hồ Chí Minh trở về nước, cùng với Trung ương Đảng trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Người chủ trì Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5/1941), quyết định chuyển hướng chiến lược cách mạng phù hợp với sự thay đổi nhanh chóng của tình hình quốc tế và trong nước, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu và cấp bách, tổ chức vận động, tập hợp lực lượng toàn dân tộc; thành lập Mặt trận Việt Minh; tiến hành xây dựng lực lượng vũ trang và căn cứ địa, tạo nên các cao trào cách mạng sôi nổi, mạnh mẽ trên phạm vi cả nước.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, cách mạng nước ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đó là thắng lợi của Cách mạng tháng Tám và việc thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, Nhà nước do dân làm chủ đầu tiên trong lịch sử dân tộc, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á; Đó là thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, giải phóng hoàn toàn miền Bắc, xây dựng hậu phương lớn cho công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà; Đó là thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; Đó là thắng lợi bước đầu với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế mà hiện nay nhân dân ta đang tiến hành…
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gắn bó và hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng ta và dân tộc ta, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Tên tuổi và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ còn mãi với non sông đất nước, sống mãi trong lòng mỗi chúng ta. Người đã để lại cho chúng ta và các thế hệ mai sau một gia tài đồ sộ, một di sản hết sức quý báu. Đó là: Tư tưởng Hồ Chí Minh, Thời đại Hồ Chí Minh, Tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng con người Việt Nam, mà còn cho cuộc đấu tranh của nhân loại tiến bộ, vì lương tri và phẩm giá con người, vì hòa bình trên thế giới và tình hữu nghị giữa các dân tộc. Chính vì vậy mà không chỉ nhân dân Việt Nam kính yêu Chủ tịch Hồ Chí Minh mà nhân dân thế giới cũng rất yêu quý Người, dành cho Người những tình cảm trân trọng và tốt đẹp nhất.
Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta ra sức thi đua, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, phát huy cao độ truyền thống yêu nước, đoàn kết, tinh thần tự lực, tự cường… phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
PV.