Kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc (1954 – 2024)

Kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc (1954 – 2024)

15/11/2024

Việc đưa cán bộ, chiến sỹ, đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc là một quyết định mang tầm chiến lược, có ý nghĩa lịch sử hết sức to lớn. Đây là đợt chuyển quân mang trong đó những chủ trương, chính sách về quản lý, đãi ngộ, sử dụng và bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ, chiến sĩ vừa góp phần cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa chuẩn bị lực lượng cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Toàn cảnh Hội nghị Geneva 1954 (Ảnh: Internet)

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ (ngày 20/7/1954) về đình chỉ chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Theo Hiệp định Giơnevơ, Việt Nam tạm thời bị chia cắt thành hai miền, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới tạm thời. Miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội; miền Nam tạm thời do quân đội Liên hiệp Pháp và ngụy quyền quản lý, hai năm sau sẽ Hiệp thương Tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Do đó, lực lượng kháng chiến của ta phải tập kết ra Bắc. Nhân dân cả nước tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ để giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước.

Theo Hiệp định Giơnevơ, việc tập kết chuyển quân và chuyển giao khu vực được thực hiện trong vòng 300 ngày, kể từ ngày 21/7/1954. Ở miền Bắc, khu vực Hà Nội nằm trong vùng tập kết 80 ngày, Hải Dương 100 ngày, Hải Phòng, Kiến An, Hồng Quảng 300 ngày của quân đội Pháp. Ở miền Nam, thời gian Việt Nam bàn giao cho phía Pháp quy định khác nhau. Tại Trung Bộ, các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định là 300 ngày, các tỉnh khác bàn giao xong trước ngày 31/8/1954. Tại Nam Bộ, khu vực Hàm Tân (Bình Thuận), Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu) vùng tập kết 80 ngày; vùng Cao Lãnh - Đồng Tháp Mười là 100 ngày, riêng khu tập kết Cà Mau là 200 ngày.

Ngày 27/7/1954, trong Chỉ thị “Tuyên truyền về những Hiệp định của Hội nghị Giơnevơ. Tình hình và nhiệm vụ mới”, Ban Bí thư Trung ương Đảng nêu rõ: “Việc điều chỉnh thành hai vùng đóng quân dứt khoát ở Việt Nam là một việc làm cần thiết để thực hiện ngừng bắn và đình chiến và cũng là việc làm tạm thời trước khi quân Pháp rút khỏi Việt Nam. Đó không phải là “chia cắt đất đai” không phải là “phân trị”… “Cần nêu khẩu hiệu “Điều chỉnh để đình chiến, tuyển cử để thống nhất”.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ đón tiếp cán bộ, chiến sỹ và đồng bào miền Nam tập kết, Đảng đã chỉ đạo chặt chẽ từ Trung ương đến các địa phương, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, từ các cấp ủy, chính quyền đến các tổ chức đoàn thể nhân dân. Ngày 31/8/1954, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Về việc đón tiếp bộ đội, thương binh, một số cán bộ và đồng bào miền Nam ra Bắc”, Ban Bí thư quyết định thành lập Ban phụ trách chung về công tác đón tiếp đồng bào, chiến sĩ miền Nam. Việc tổ chức đón và tiếp nhận người tập kết do nhiều cơ quan khác nhau đảm nhận. Đối với các địa phương được giao nhận đồng bào tập kết, Ban Bí thư yêu cầu phải lập ngay Ban phụ trách. Ban phụ trách các cấp từ khu đến xã sẽ gồm đại diện cấp ủy đảng, chính quyền, bộ đội, cơ quan thương binh; ở xã thì có đại diện chi ủy, ủy ban, tổ chức nông hội, Mặt trận Liên Việt, lực lượng dân quân. Ban phụ trách chuẩn bị việc tiếp đón và lập kế hoạch phân phối người về các huyện, các xã, là những nơi phải đủ các điều kiện như nhân dân có giác ngộ chính trị cao, có chỗ ở tạm được, không hẻo lánh và khí hậu xấu. Ở miền Bắc, các tỉnh được giao nhiệm vụ đón tiếp đồng bào và chiến sỹ miền Nam tập kết gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình; trong đó, Sầm Sơn (Thanh Hóa) và Cửa Hội (Nghệ An) là những địa điểm đón tiếp cán bộ, chiến sỹ và đồng bào miền Nam tập kết theo đường biển; Hà Tĩnh và Quảng Bình đón tiếp qua đường bộ. Mặc dù, đời sống của nhân dân các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh còn rất nhiều khó khăn do phải tập trung nhân lực, vật lực cho chiến trường Điện Biên Phủ, song theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thực hiện Chỉ thị của Trung ương Đảng, nhân dân các địa phương đã dốc lòng, tạo mọi điều kiện về vật chất và tinh thần để hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang này.

Ở miền Nam, để chuẩn bị cho công việc chuyển quân, tập kết, tháng 7/1954, Trung ương Cục miền Nam ra Chỉ thị về việc tập kết quân đội và chính quyền, quán triệt đến các cấp ủy Đảng, đảng viên về mục đích, ý nghĩa, nhiệm vụ của người tập kết ra miền Bắc và người ở lại tiếp tục hoạt động ở miền Nam. Tiếp đó, ngày 23/10/1954, Trung ương Cục ra Nghị quyết thành lập Đảng ủy chuyển quân ở các khu, các tỉnh và khu tập kết Cà Mau. Đảng ủy chuyển quân cấp tỉnh đặt dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy chuyển quân cấp khu; Đảng ủy chuyển quân Khu Cà Mau đặt dưới sự chỉ đạo của Trung ương Cục. Các địa phương, cơ quan kháng chiến và lực lượng vũ trang các cấp tiến hành lập danh sách, phân loại, cử người tiếp tục ở lại và người ra đi tập kết. Đối với đồng bào miền Nam, việc chuyển quân tập kết từ miền Nam ra miền Bắc thực sự là cuộc đấu tranh tư tưởng, tuy âm thầm nhưng đầy quyết liệt của quân và dân miền Nam, nhất là ở những vùng tự do, khu du kích, căn cứ du kích.

Có thể khẳng định, việc đưa cán bộ, chiến sỹ, đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc là một quyết định mang tầm chiến lược, có ý nghĩa lịch sử hết sức to lớn. Đây không chỉ là đợt chuyển quân thông thường mà thể hiện những chủ trương, chính sách lớn, quan trọng về quản lý, đãi ngộ, sử dụng và bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ, chiến sĩ để vừa góp phần cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa chuẩn bị lực lượng cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

   *

*           *

Sự tiếp đón nồng hậu, chu đáo và tình cảm đằm thắm, ruột thịt của đồng bào miền Bắc đã làm ấm lòng những người con miền Nam trên đất Bắc, tiếp thêm nghị lực để phấn đấu học tập, lao động và cống hiến cho đất nước.

Sống trong vòng tay yêu thương trên đất Bắc, đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam đã coi miền Bắc là quê hương thứ hai của mình, không ngừng nỗ lực, phấn đấu học tập, ra sức lao động, sản xuất, đóng góp công sức vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Nhiều đồng bào miền Nam sau khi dưỡng bệnh, học tập, rèn luyện đã nhập ngũ, lên đường kề vai sát cánh cùng đồng chí, đồng đội, trở lại quê hương, xông pha khắp các chiến trường, chiến đấu, hi sinh để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nhiều thế hệ con em học sinh của đồng bào miền Nam được Đảng, Nhà nước đào tạo, không ngừng trưởng thành; trở thành những cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và các địa phương, các tướng lĩnh quân đội, công an, các nhà giáo, bác sĩ, nhà khoa học, các doanh nhân thành đạt, các văn nghệ sĩ tên tuổi,… đã và đang mang hết công sức, cống hiến cho công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những kết quả đó đã khẳng định tầm nhìn chiến lược, sáng suốt của trung ương, của Bác Hồ và tình cảm sâu nặng của nhân dân miền Bắc đối với đồng bào miền Nam ruột thịt.

Trong thời kỳ đổi mới, hội nhập, phát triển, ý nghĩa và bài học lịch sử của sự kiện tập kết ra Bắc tiếp tục là động lực quan trọng, tiếp thêm sức mạnh cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục nghiên cứu, học tập để thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vững bước tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc là dịp để chúng ta nâng cao nhận thức về truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng của dân tộc; giáo dục tư tưởng chính trị, lòng yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân; bồi đắp niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, khơi dậy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

PV.

Các tin đã đưa ngày: