Từ khóa: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; không gian mạng; mạng xã hội; kỷ nguyên số; thanh niên
1. Nền tảng tư tưởng của Đảng là sợi chỉ đỏ của Cách mạng Việt Nam và trong tình hình mới.
Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII chỉ rõ: Nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam là chủ nghĩa Mác- Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, trước hết và quan trọng nhất là bảo vệ chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Sau đó là bảo vệ cương lĩnh chính trị, chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước, niềm tin của Nhân dân vào Đảng. Bảo vệ đường lối đổi mới, chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ quan điểm giữ gìn và bảo vệ lợi ích quốc gia- dân tộc; giữ vững đường lối hòa bình, ổn định chính trị để xây dựng quốc gia hùng cường, thịnh vượng, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Những nội dung chủ chốt về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đó là:
Thứ nhất, nắm vững cương lĩnh chính trị, đường lối lãnh đạo của Đảng, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước;
Thứ hai, hiểu biết sâu sắc hệ thống quan điểm lý luận Chủ nghĩa Mác Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Thứ ba, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, đấu tranh bảo vệ và phát triển cương lĩnh, đường lối, quan điểm của Đảng trước âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; nghiên cứu, triển khai nghiêm túc, hiệu quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII.
Thứ tư, tiếp tục làm sáng tỏ lý luận về Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay; bảo vệ và phát triển mục tiêu, lý tưởng, đường lối đổi mới đất nước.
Thứ năm, khẳng định thành quả phát triển đất nước, nâng cao hơn nữa chất lượng tổng kết thực tiễn gắn với nghiên cứu lý luận trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, dân tộc, tôn giáo, quốc phòng, an ninh, đối ngoại…
Phải khẳng định rằng, hệ thống lý luận về nền tảng tư tưởng của Đảng có giá trị to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là học thuyết duy nhất từ trước đến nay bàn về mục tiêu, con đường, lực lượng, phương thức và điều kiện bảo đảm để đấu tranh, xóa bỏ mọi áp bức, bóc lột, bất công; giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người. Điều đó hoàn toàn phù hợp với sự kỳ vọng, điều mong muốn của Nhân dân ta: đấu tranh giải phóng dân tộc và nguyện vọng được sống trong hòa bình, độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc của Nhân dân Việt Nam từ ngàn đời nay. Theo đó, chỉ có chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh mới thật sự là “chiếc cẩm nang thần kỳ” giúp Nhân dân ta thoát khỏi thân phận nô lệ, vươn tới khát vọng sống tốt đẹp.
2. Những thách thức đặt ra đối với thanh niên về công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong thời đại kỷ nguyên số
Lịch sử loài người đã trải qua 03 cuộc cách mạng công nghiệp và hiện nay chúng ta ở giai đoạn đầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0). Theo đó công nghiệp 4.0 tập trung vào công nghệ kỹ thuật số từ những thập kỷ gần đây lên một cấp độ hoàn toàn mới với sự trợ giúp của kết nối thông qua Internet vạn vật, truy cập dữ liệu thời gian thực và giới thiệu các hệ thống vật lý không gian mạng.
Không gian mạng, theo Khoản 3, Điều 1, Luật An ninh mạng năm 2018 định nghĩa: “Không gian mạng là mạng lưới kết nối của cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bao gồm mạng viễn thông, mạng internet, mạng máy tính, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu; là nơi con người thực hiện các hành vi xã hội không bị giới hạn bởi không gian và thời gian” [3].
Những năm gần đây, một thủ đoạn mà các thế lực thù địch tận dụng triệt để là lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông, nhất là Internet, mạng xã hội để xâm nhập, tác động tiêu cực tới tư tưởng, ý chí và bản lĩnh của thanh niên với mục đích làm “chuyển hóa” nội bộ trong suy nghĩ và tư tưởng của giới trẻ. Sở dĩ chúng hướng tới nhóm xã hội này là bởi đối tượng sử dụng mạng Internet thường xuyên nhất là nhóm 15-40 tuổi. Nhóm đối tượng này chủ yếu là học sinh, sinh viên và người lao động [4]. Kết quả của cuộc điều tra của công ty Asia Plus với hơn 600 người trong độ tuổi từ 18-39 cho thấy mạng xã hội Facebook và Zalo là 2 mạng xã hội đứng đầu về tỷ lệ người dùng ở nước ta hiện nay. Ngày nay với sự phát triển đa dạng của mạng xã hội (facebook, zalo, tiktok…) trên nền tảng Internet kết nối thì việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lại đang đứng trước nhiều thách thức lớn. Theo số liệu thông kê của các cơ quan chức năng năm 2021, 80% trong tổng số thông tin xấu, độc trên không gian mạng tập trung vào việc xuyên tạc, bôi nhọ công tác cán bộ…Theo Bộ Thông tin-Truyền thông, từ đầu năm 2020 đến nay, qua rà quét, giám sát, Bộ đã gỡ bỏ gần 400 trang giả mạo tên các đồng chí Trung ương, 4.500 tin bài xấu độc trên Facebook và 30.000 video xấu độc trên Youtube. Trong đó, 94% số người sử dụng Internet hằng ngày là sinh viên, trí thức trẻ, thanh niên [6].
Những hoạt động đó đã tác động tiêu cực tới tư tưởng, nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân; gây tâm lý hoang mang, nghi ngờ, làm suy giảm lòng tin vào đất nước, vào vai trò của Đảng, gây mất đoàn kết nội bộ… Trung tâm giám sát xử lý an toàn thông tin mạng quốc gia có thể rà soát, phân tích, xử lý khoảng 300 triệu tin giả, tin xấu độc mỗi ngày; tỷ lệ tháo gỡ các video xấu, độc trên kênh Youtube hiện nay đã lên đến 90%; mỗi tháng gỡ bỏ hàng ngàn video xấu độc. Bộ đã phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý hàng trăm trường hợp tin sai, tin giả.
Theo đó, chúng lợi dụng triệt để môi trường mạng để “chuyển hóa” dần lớp trẻ, đưa thông tin sai sự thật, lấp lửng, giật gân, hướng dư luận ngả theo quan điểm sai trái, tạo ra các diễn đàn để nhiều người trẻ truy cập, bình luận theo hướng tiêu cực [4]. Theo đó, thanh niên chính là đối tượng dễ bị “truyền thông xấu” lôi kéo, cần phải phát huy vai trò, sứ mệnh tiên phong của mình trên “mặt trận thông tin” đầy phức tạp và biến động hiện nay.
Thực tế chứng minh, đã xuất hiện tình trạng có những đoàn viên, thanh niên phai nhạt niềm tin, lý tưởng, mất phương hướng phấn đấu, không có ý chí lập thân, lập nghiệp; chạy theo lối sống thực dụng, thiếu trách nhiệm, thờ ơ với gia đình và xã hội, sa vào tệ nạn. Thậm chí một số trí thức trẻ, sinh viên, học sinh bị ảnh hưởng, kích động đã hùa theo, đề cao cái gọi là “tự do ngôn luận”, “xã hội dân sự”, “dân chủ”, “nhân quyền” dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật…[1].
Mới đây, vào tháng 11/2022, Công ty Open Al của Mỹ cho ra đời ứng dụng Chat GPT tạo nên cơn sốt trên toàn thế giới. Chỉ sau 40 ngày kể từ khi chính thức ra mắt, Chat GPT vượt mốc 10 triệu người dùng, một con số mà trước đó Instagram phải cần đến 355 ngày mới có thể đạt được [2]. Điều đặc biệt là ứng dụng này có tính năng tra cứu và tổng hợp thông tin vượt trội hơn rất nhiều so với Google. Tuy nhiên hạn chế của ứng dụng vẫn có thể đưa những thông tin vô nghĩa và vô căn cứ. Liên quan nội dung thiếu chính xác mà phần mềm chat GPT cung cấp đã và đang xuất hiện những biểu hiện tiêu cực rất đáng lo ngại. Cụ thể là một số đối tượng chống phá, thù địch đã và đang triệt để khai thác những phần trả lời ngô nghê, sai sót về kiến thức từ phần mềm này rồi đăng tải trên các trang mạng xã hội hòng xuyên tạc lịch sử, hiểu sai lệch về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, chống phá chính sách của Nhà nước Việt Nam bằng hình thức câu like, câu view bình luận, bày tỏ trạng thái, cảm xúc trực tiếp. Với nhận thức và kinh nghiệm còn chưa hoàn thiện, thanh niên rất dễ rơi vào “bẫy” thông tin ma trận mất kiểm soát này vốn được coi là “bách khoa thư” thế hệ mới.
Ngày 6/2//2023, trên một trang báo tiếng Việt ở hải ngoại đã nhân danh người dân để đưa ra những câu hỏi theo kiểu so sánh, ẩn dụ, gây khó hiểu đối với một phần mềm công nghệ. Với cách đặt câu hỏi như vậy, có thể dự đoán ngay được việc Chat GPT khó lòng trả lời được. Thế nhưng, cố tình đặt câu hỏi đánh đố rồi lợi dụng những thông tin sai lệch mà Chat GPT đưa ra, bài viết lập tức quy kết rằng, “Câu trả lời mà Chat GPT đưa ra được cho là khác hoàn toàn với những gì người dân trong nước nghe lâu nay”.
Bài viết có nội dung xuyên tạc nêu trên đã lập tức được một số đối tượng phản động lan truyền trên mạng xã hội với mục đích dắt mũi dư luận, hướng lái người dân hiểu sai về Đảng, về lãnh đạo Đảng, Nhà nước, về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Nhân cơ hội này, các đối tượng chống phá mặc sức bài xích, lên án quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam, xuyên tạc rằng người dân không dám bày tỏ quan điểm của mình mà phải bắt buộc sử dụng các nguồn dữ liệu duy nhất của Việt Nam đang quy định.
Trích Báo điện tử Nhân dân online.
|
Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu hóa với sự giao lưu, hội nhập văn hóa trên không gian mạng, với số lượng thanh niên tiếp cận mạng xã hội, ứng dụng Internet rất lớn, chiếm 94%, thế lực thù địch lợi dụng để truyền bá “lối sống phương tây” “chủ nghĩa cá nhân” “lối sống xa hoa, hưởng thụ” “vô trách nhiệm” “tham vọng”…tác động vào nhận thức, tư tưởng của thanh niên và cho đây là tư tưởng sống hiện đại, thế hệ mới. Thực tế, trên mạng xã hội Facebook đã thành lập các nhóm hội, nhóm thể hiện lối sống theo hướng “chủ nghĩa cá nhân”, các bạn trẻ không ngần ngại comment hưởng ứng, đồng tình và cổ xúy cho tư tưởng và hành vi lệch lạc như thế này. Đây là mối nguy hiểm rất lớn về tư tưởng, bản lĩnh chính trị của thanh niên dưới tác động thông tin văn hóa sai lệch, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục, giá trị đạo đức và văn hóa Việt Nam mà các bạn trẻ cho rằng chỉ để giải trí cho vui vẻ.
3. Trách nhiệm của thanh niên đối với công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong thời đại kỷ nguyên số
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong thời đại kỷ nguyên số là công việc thường xuyên, không ngừng nghỉ, mà cũng không phải là trách nhiệm đơn thuần của một nhóm xã hội nào. Đó là nhiệm vụ cao quí và quan trọng của mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh niên, lực lượng nòng cốt, tiên phong, xung kích đấu tranh, phản bác luận điệu sai trái, thù địch trên không gian mạng cũng như ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo nhận diện, xử lý và giải quyết những thông tin xấu, độc, chống phá Đảng và Nhà nước tràn lan trên Internet hiện nay.
Cùng với biện pháp kỹ thuật, xử lý thông tin thông minh, công tác đấu tranh thông tin, phản bác quan điểm sai trái trên không gian mạng được chú trọng, số tin, bài phản bác tăng về số lượng, nâng cao về chất lượng; đồng thời những thông tin tích cực được chia sẻ, lan tỏa sâu rộng, góp phần nâng cao tinh thần cảnh giác, sức đề kháng, nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc chấp hành pháp luật, đấu tranh với luận điệu xuyên tạc, thông tin sai sự thật của các phần tử cơ hội chính trị, phản động.
Bên cạnh đó, tại Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 22/10/2018 về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới đã nêu rõ: Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục đối với các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, nhằm nâng cao sức đề kháng, khả năng chủ động đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thù địch trên Internet; biết khai thác, sử dụng internet một cách hiệu quả, thiết thực và lành mạnh [1].
Thứ nhất, Thanh niên cần nâng cao nhận thức về hệ thống lý luận của Đảng để trang bị những kiến thức cơ bản về nền tảng tư tưởng của Đảng nhằm tạo ra “sức đề kháng” từ bên trong nhận thức, giữ vững lập trường tư tưởng, quan điểm của bản thân. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu được xác định trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng là “Tăng cường giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử và cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc; không ngừng nâng cao trình độ lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên; thường xuyên đấu tranh, ngăn chặn âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng” [6].
Thứ hai, Thanh niên cần trau dồi kiến thức về công nghệ thông tin, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo để nhận diện, xử lý và đưa ra hướng giải quyết kịp thời, ngăn chặn thông tin xấu độc trên mạng xã hội. Việc nắm bắt kiến thức, kĩ năng sử dụng các ứng dụng, mạng xã hội sẽ là điều quan trọng giúp thanh niên xây dựng nguồn thông tin đúng đắn, tích cực, lấy cái đẹp, dẹp cái xấu trên không gian mạng. Bên cạnh đó, trên cơ sở hiểu biết về cách thức hoạt động AI trong việc ghi chép lại sở thích của người dùng để gợi ý, đề xuất các thể loại video, tin tức trên mạng xã hội, Đoàn Thanh niên các cấp cũng thực hiện những sáng kiến đổi mới, ứng dụng công nghệ hiện đại trong việc tuyên truyền, học tập và triển khai các chỉ thị, văn bản cấp trên theo nhu cầu của từng đoàn viên, thanh niên, góp phần đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống thực tiễn hiệu quả.
Thứ ba, các cấp Lãnh đạo cần tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Đạo đức cách mạng, quét sạch Chủ nghĩa cá nhân theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đặc biệt là phải liên hệ và vận dụng linh hoạt trong bối cảnh mới. Từ việc hiểu biết sâu sắc đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh thì cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, thanh niên có thể gắn kết chặt chẽ tư tưởng của Đảng với nhiệm vụ công tác, lao động thực tiễn đạt hiệu quả cao.
Thứ tư, Thanh niên trong lĩnh vực công nghệ thông tin, báo chí- truyền thông cần trang bị kiến thức cơ bản về an ninh, an toàn thông tin; phát hiện sớm các trang web, blog “diễn đàn” thường xuyên đăng tải những nội dung, ngôn từ, thông tin xấu, mang ý thù địch, chia rẽ; nhận diện những trang báo điện tử, trang mạng xã hội thường xuyên đăng tải các bài viết, hình ảnh, video tuyên truyền chống phá cách mạng Việt Nam để có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Báo chí nói chung và báo mạng điện tử nói riêng phải là lực lượng nòng cốt, chiến sĩ tiên phong trên mặt trận thông tin.
Thứ năm, Thanh niên cần chủ động tìm hiểu những kênh thông tin chính thống và cùng phối hợp với các cơ quan chức năng trong cuộc chiến chống thù địch trên không gian mạng, vận dụng tư tưởng của Đảng linh hoạt, sáng tạo vào cuộc sống, phân biệt rõ ràng thông tin xấu, tin giả và không ngừng trau dồi bản lĩnh chính trị, cách mạng, củng cố niềm tin vào Đảng, Nhà nước Việt Nam trong bối cảnh mới.
Có thể nói rằng, thời đại kỷ nguyên số, bùng nổ công nghệ thông tin, Internet kết nối vạn vật đã khiến cuộc sống con người có rất nhiều sự thay đổi nhanh chóng. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong thời đại kỷ nguyên số có ý nghĩa quan trọng đối với thanh niên, thế hệ trẻ, tương lai của đất nước, sẽ tiếp nối con đường vinh quang mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã xây dựng. Thanh niên cần tận dụng tiềm năng, sức trẻ sự lan tỏa không giới hạn của thông tin, ứng dụng số để sử dụng và chủ động kiểm soát nguồn tài nguyên số và các nguồn thông tin trên không gian mạng. Qua đó góp phần định hướng dư luận xã hội, tạo động lực cho thế hệ trẻ giữ vững bản lĩnh chính trị, chống lại hành vi tự diễn biến, tự chuyển hóa, kiên định lập trường tư tưởng và con đường mà Đảng ta đã lựa chọn, góp sức xây dựng một tương lai tốt đẹp, đảm bảo cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, vì nền hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới.
Nguyễn Thu Trang
Trung tâm Ứng dụng Công nghệ thông tin, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trần Đức Anh (2023), Vai trò, trách nhiệm của thanh niên trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, https://nhandan.vn/vai-tro-trach-nhiem-cua-thanh-nien-trong-bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang-post744418.html.
2. Đông Á (2023), Thủ đoạn lợi dụng Chat GPT để lan truyền tin sai sự thật, https://nhandan.vn/thu-doan-loi-dung-chatgpt-de-lan-truyen-tin-sai-su-that-post743869.html
3. Luật số: 24/2018/QH14, Luật An ninh mạng ngày 12 tháng 6 năm 2018.
4. Dương Thế Công (2018), Mạng xã hội, mặt tích cực và tiêu cực, những vấn đề đặt ra cho công tác bảo đảm an ninh trật tự, https://conganquangbinh.gov.vn/mang-xa-hoi-mat-tich-cuc-va-tieu-cuc-nhung-van-de-dat-ra-cho-cong-tac-bao-dam-an-ninh-trat-tu/
5. Nguyễn Việt Lâm- Nghiêm Thị Thanh Thủy (2023), Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trước tác động của cuộc chiến thông tin trên không gian mạng https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/dau-tranh-phan-bac-cac-luan-dieu-sai-trai-thu-dich/chi-tiet/-/asset_publisher/YqSB2JpnYto9/content/bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang-truoc-tac-dong-cua-cuoc-chien-thong-tin-tren-khong-gian-mang.
6. Đảng Cộng sản Việt Nam, 2021, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, tr 41.
7. Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết số 35-NQ/TW về "Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới", ngày 25/10/2018.
8. Phạm Thị Vui (2021), Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, thù địch trên không gian mạng- trách nhiệm không của riêng ai, http://dukcqtw.dcs.vn/bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang-dau-tranh-phan-bac-cac-luan-dieu-xuyen-tac-thu-dich-tren-khong-gian-mang-trach-nhiem-khong-cua-rieng-ai-duk15328.aspx