Là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời luôn đặc biệt quan tâm tới công tác xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với vai trò lãnh đạo của Đảng cầm quyền. Vai trò, sứ mệnh ấy được xác lập và phát triển dựa trên nền tảng trí tuệ sáng suốt, tư tưởng vững vàng, đạo đức trong sáng và tổ chức chặt chẽ. Trong đó, Người hết sức coi trọng tới việc giáo dục và rèn luyện đạo đức cách mạng. Người luôn nhắc nhở: "Đảng ta là một đảng cầm quyền, mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân". Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng đạo đức cách mạng sáng ngời, suốt cả cuộc đời, Người luôn nêu gương thực hành cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, từ việc nhỏ đến việc lớn, lời nói luôn đi đôi với việc làm, toàn tâm toàn ý phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người là tài sản vô giá của Đảng và dân tộc ta.
Thực hiện lời căn dặn của Người, học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vô cùng trong sáng, cao đẹp, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta không ngừng củng cố và ngày càng nâng cao vai trò lãnh đạo, sức mạnh và uy tín, bằng bản lĩnh, trí tuệ, bằng sự nêu gương, hy sinh quên mình, phấn đấu không mệt mỏi của đội ngũ cán bộ, đảng viên nối tiếp nhau qua nhiều thế hệ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, lập nên những kỳ tích, mở ra thời đại rực rỡ, huy hoàng nhất trong lịch sử dân tộc - Thời đại Hồ Chí Minh, tiến hành công cuộc đổi mới đạt nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, khẳng định cơ đồ, vị thế, uy tín quốc tế ngày càng cao của đất nước.
Thấm nhuần sâu sắc những chỉ dẫn có giá trị to lớn và quý báu của Người, trong hơn 93 năm lãnh đạo sự nghiệp cách mạng Việt Nam, Đảng luôn quan tâm, chú trọng xây dựng Đảng về đạo đức, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục; là yêu cầu quan trọng, cấp thiết trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, để Đảng thật trong sạch, vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh”, là tổ chức của những người ưu tú, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đủ năng lực và uy tín để lãnh đạo nhân dân, xứng đáng với trọng trách được nhân dân giao phó.
Sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay đặt ra những nhiệm vụ mới đòi hỏi đội ngũ cán bộ, đảng viên tiếp tục nêu cao đạo đức cách mạng, thật sự tiên phong, gương mẫu. Công tác xây dựng Đảng về đạo đức trong thời gian qua tuy đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều cấp ủy, tổ chức đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị quy định riêng về chuẩn mực đạo đức gắn với nhiệm vụ cụ thể. Nhưng, vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa tiên phong, gương mẫu; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ vẫn diễn ra; tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực, địa bàn vẫn còn nghiêm trọng... Đó là những thách thức đối với sự tồn vong của Đảng và chế độ. Tình hình ấy đặt ra yêu cầu cấp thiết phải có hệ chuẩn mực đạo đức cách mạng thống nhất, phù hợp điều kiện và yêu cầu mới để xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên đủ phẩm chất, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: "Nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các chuẩn mực đạo đức cách mạng phù hợp với điều kiện mới và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc để làm cơ sở cho cán bộ, đảng viên tự giác tu dưỡng, rèn luyện, tự điều chỉnh hành vi ứng xử trong công việc hàng ngày".
Thực tiễn cũng cho thấy, mỗi khi người cán bộ, đảng viên không thường xuyên học tập, tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất sẽ dần đánh mất mình, đánh mất “nền tảng gốc” là đạo đức cách mạng, dẫn đến suy thoái về tư tưởng chính trị; và đó là một bước ngắn, hết sức nguy hiểm dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Nhiều trường hợp cán bộ bị kỷ luật Đảng và xử lý trước pháp luật thời gian qua có nguyên nhân gốc rễ là không chú ý giữ gìn đạo đức cách mạng, đã vi phạm Điều lệ Đảng, Quy định về những điều đảng viên không được làm, vì danh lợi cá nhân mà bất chấp kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước.
Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thời gian qua đã ban hành nhiều chỉ thị, kết luận, quy chế, quy định mới để đẩy mạnh xây dựng Đảng về đạo đức, trong đó tập trung phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương với phương châm cán bộ, đảng viên có chức vụ càng cao, càng phải gương mẫu. Đặc biệt, trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp gần đây (XI, XII, XIII), Đảng đã có những chủ trương, quyết sách rất quan trọng cùng với các biện pháp xử lý nghiêm khắc, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” để đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tình trạng tham nhũng, tiêu cực, các biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa” trong nội bộ. Có thể nói, đây là những bước phát triển rất mới về nhận thức, tư duy, lý luận và hành động của Đảng trong xây dựng, rèn luyện tư tưởng, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, tác phong và lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Chuẩn mực đạo đức cách mạng trong giai đoạn hiện nay phải dựa trên cơ sở nền tảng lý luận Mác-Lê-nin, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với các chuẩn mực cốt lõi: Tận trung với Đảng, tận hiếu với dân; bản lĩnh, kiên định, sáng tạo, tự cường; tận tụy với việc, nhân nghĩa với người; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; tự trọng, danh dự, đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, trách nhiệm, tiên phong, gương mẫu; tự soi, tự sửa; tu dưỡng, học tập, phấn đấu suốt đời; bảo đảm tính cách mạng, khoa học, phổ quát, toàn diện, cụ thể, ngắn gọn, dễ học tập, dễ làm theo, dễ kiểm tra, giám sát;… và không ngừng bổ sung những nội dung mới gắn với các quan điểm, chủ trương của Đảng về tiêu chuẩn cán bộ, đảng viên, với yêu cầu của đất nước và thời đại. Việc xác định các chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới là cơ sở quan trọng để cán bộ, đảng viên tu dưỡng, phấn đấu, rèn luyện; là căn cứ để đánh giá cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ, đồng thời là yêu cầu có tính tất yếu trong bảo vệ, phát triển Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Với ý nghĩa quan trọng của xây dựng Đảng về đạo đức, Đảng xác định xây dựng, giáo dục, bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên là nội dung trọng tâm của xây dựng Đảng về đạo đức. Thực hành nghiêm túc những chuẩn mực đạo đức cách mạng gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên không ngừng hoàn thiện bản thân, góp phần nâng cao uy tín của tổ chức đảng, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, đoàn kết, đồng thuận, ra sức thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế-xã hội bền vững, xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, phồn vinh, hạnh phúc.
PV.