(1) Tăng trưởng kinh tế Quý II đạt 6,93% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 6 tháng đạt 6,42%. Đây là mức tăng trưởng tích cực, cao hơn kịch bản cao nhất của Chính phủ tại Nghị quyết số 01 và dự báo của các tổ chức quốc tế. Đặc biệt, nền kinh tế đã lấy lại được xu hướng tăng trưởng như các năm trước dịch COVID-19. Khu vực công nghiệp – xây dựng trở lại là động lực tăng trưởng của nền kinh tế (GDP khu vực công nghiệp – xây dựng 6 tháng tăng 7,51% so với cùng kỳ, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,67%).
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 7 tháng tăng 8,5% so với cùng kỳ, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,5%. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 7 đạt 54,7 điểm, dẫn đầu khu vực ASEAN và là tháng thứ tư liên tiếp trên 50 điểm.
Xuất khẩu 7 tháng tăng 15,7% so với cùng kỳ, là điểm sáng của nền kinh tế; xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc… đều tăng trưởng tích cực; cán cân thương mại duy trì mức xuất siêu cao, 7 tháng đạt 14,08 tỷ USD.
(2) Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm.
Chỉ số CPI 07 tháng tăng 4,12% so với cùng kỳ, trong mức kiểm soát theo mục tiêu của Quốc hội (4-4,5%); tăng lương cơ sở nhưng lạm phát tăng không đáng kể.
(3) Công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật được tập trung triển khai quyết liệt, với tinh thần cải cách, phát triển trong từng bộ, ngành, địa phương, tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp để giải quyết khó khăn, vướng mắc, chủ động kiến tạo, hình thành nền tảng quan trọng cho phát triển đất nước trong trung và dài hạn. Đây là tinh thần được lan truyền từ Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ xuống các bộ, ngành, địa phương, đồng hành cùng doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ điểm nghẽn cho phát triển. Hầu hết các lĩnh vực đều được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo, chủ yếu là tháo gỡ vướng mắc về thể chế, khơi thông điểm nghẽn, giải phóng các nguồn lực, giúp chúng ta có được kết quả như đã nêu.
Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo rà soát vướng mắc trong hệ thống văn bản pháp luật để nghiên cứu sửa đổi, xử lý đồng bộ các quy định mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Triển khai tổng kết, đánh giá việc thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù của các địa phương, dự án giao thông đường bộ để trình Quốc hội cho phép mở rộng phạm vi áp dụng đối với các chính sách đã phát huy hiệu quả.
(4) Hệ thống kết cấu hạ tầng tiếp tục được ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư, đạt nhiều kết quả rõ nét; nhiều công trình đưa vào khai thác, mở ra không gian và cơ hội phát triển mới cho các vùng, cả nước và địa phương.
(5) Tổng vốn FDI đăng ký 07 tháng đạt hơn 18 tỷ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ, trong đó FDI đăng ký mới đạt gần 10,8 tỷ USD, tăng 35,6%; vốn FDI thực hiện khoảng 12,6 tỷ USD, tăng 8,4%. Chất lượng dòng vốn FDI tăng nhờ lựa chọn thu hút đầu tư kỹ lưỡng, tập trung vào các dự án FDI chất lượng cao; nhiều dự án FDI lớn trong các lĩnh vực bán dẫn, điện tử, năng lượng…được đầu tư mới và mở rộng tăng vốn.
(6) Ban hành và triển khai đồng bộ nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh. Tổng quy mô các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền sử dụng đất năm 2024 là khoảng 191 nghìn tỷ đồng. Trong 7 tháng, đã thực hiện miễn, giảm 87,2 nghìn tỷ đồng thuế, phí, lệ phí, (trong đó miễn, giảm khoảng 55,1 nghìn tỷ đồng).
Gói 30 nghìn tỷ đồng cho vay lâm sản, thủy sản được triển khai hiệu quả; gói 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội được tập trung tháo gỡ, đẩy mạnh giải ngân, Chính phủ đã sửa đổi theo hướng quy định mức lãi suất ưu đãi hơn cho người mua nhà.
(7) Đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành, lĩnh vực công nghiệp mới như chíp, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo… tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ. Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành, lĩnh vực này được quan tâm, chú trọng.
(8) Công tác quy hoạch đã cơ bản hoàn thành.
Tính đến hết tháng 7/2024, 63/63 địa phương đã hoàn thành lập, trình thẩm định quy hoạch, 60/63 quy hoạch tỉnh được phê duyệt.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt và tổ chức các Hội nghị vùng để công bố 06 quy hoạch vùng; các địa phương đã tổ chức các Hội nghị công bố quy hoạch gắn với xúc tiến đầu tư trên địa bàn.
Các bộ, ngành, địa phương đã tập trung xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai các quy hoạch đã được phê duyệt.
Đây là cơ hội để sắp xếp lại, tận dụng, mở rộng không gian phát triển của đất nước, các ngành, lĩnh vực, các vùng và từng địa phương.
(9) An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống người dân tiếp tục được nâng lên; các lĩnh vực văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu tiếp tục được quan tâm phát triển.
(10) Đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, thực chất và toàn diện hơn, có dấu ấn nổi bật, cụ thể hóa thành các dự án cụ thể, thiết thực, mang tính đột phá.
PV. (Tổng hợp)