
Trong công điện Thủ tướng nêu rõ: Đảng, Nhà nước ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực của các lực lượng tuyến đầu, sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là tinh thần đoàn kết, sự ủng hộ và tham gia của các tầng lớp Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp, để nhanh chóng ngăn chặn, đẩy lùi, kiểm soát dịch bệnh. với quan điểm bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân là trên hết, trước hết, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đồng chí bí thư tỉnh ủy, thành ủy, chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan liên quan tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện triệt để, nghiêm ngặt, quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, trong đó đặc biệt lưu ý một số nội dung sau đây:
1. Kết hợp linh hoạt, hiệu quả giữa tập trung chỉ đạo và phân cấp thực hiện, bảo đảm đáp ứng các yêu cầu về phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương. Lấy xã, phường, thị trấn là “pháo đài”, người dân là “chiến sĩ”, là trung tâm phục vụ, là chủ thể phòng, chống dịch. Sự tham gia, chấp hành, tuân thủ quy định của người dân đóng vai trò quyết định thành công trong phòng, chống dịch; đây là trách nhiệm, là nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân để bảo vệ sức khỏe cho chính mình, gia đình mình và cộng đồng. Người Dân là trung tâm phục vụ, là chủ thể trong phòng, chống dịch. Chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của Nhân dân.
2. Người đứng đầu cấp ủy phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về kết quả công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Bảo đảm lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, xuyên suốt, dứt khoát, quyết liệt, hiệu quả. Thành lập Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch các cấp do đồng chí Chủ tịch UBND đứng đầu, phân công ứng trực 24/24 giờ để kịp thời tiếp nhận, xử lý, báo cáo theo thẩm quyền mọi vấn đề liên quan phòng, chống dịch trên địa bàn. Ưu tiên cao nhất cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, tùy tình hình, cần quan tâm chỉ đạo phát triển các mặt kinh tế - xã hội và các công việc quan trọng khác trên nguyên tắc bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng, chống dịch.
3. Huy động sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, các đoàn thể xã hội, tổ chức tôn giáo, các tổ chức khác và cộng đồng doanh nghiệp trong công tác phòng, chống dịch, nhất là vận động, hướng dẫn, giải thích, thuyết phục và yêu cầu người dân chấp hành nghiêm việc tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch.
4. Đối với các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, yêu cầu thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16/CT-TTg.
Đối với địa phương thực hiện tăng cường giãn cách xã hội (như thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Long An), ngoài thực hiện nghiêm các quy định của Chỉ thị số 16/CT-TTg, yêu cầu người dân không ra khỏi nhà, “ai ở đâu ở đó”, cách ly người với người, nhà với nhà, xã phường với xã phường… và phải bảo đảm các yêu cầu y tế, lương thực, thực phẩm, dịch vụ thiết yếu và trật tự an toàn xã hội cho Nhân dân. Áp dụng biện pháp đông cứng khóa chặt trong phòng, chống dịch Covid trong vòng 15 ngày để nhanh chóng tách F0 ra khỏi cộng cộng. Trong vòng 15 ngày người dân phải thực hiện nghiêm qui định ai ở đâu ở đó không di chuyển ra khỏi nhà, cách ly tuyệt đối người cách ly với người, nhà cách ly với nhà, chỉ có lực lượng làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe, cung cấp lương thực thực phẩm và các phương tiện vận chuyển nguyên liệu hàng hóa phục vụ cho việc sản xuất của các doanh nghiệp ba tại chỗ mới được ra đường. Đặc biệt bảo đảm đời sống cho người dân. Trong phòng chống dịch, đây là trách nhiệm, là nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân để bảo vệ sức khoẻ cho chính mình, gia đình mình và toàn bộ cộng đồng. Chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của Nhân dân.

Hỗ trợ cao nhất về nhân lực, vật lực y tế, lực lượng quân đội, công an và các lực lượng cần thiết khác của Trung ương, cấp địa phương cho thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An phục vụ phối hợp chặt chẽ hiệu quả giữa các lực lượng của địa phương và các lực lượng hỗ trợ của Trung ương, các địa phương khác.
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong việc tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng chống dịch bảo đảm mục tiêu ngăn chặn kiểm soát dịch bệnh đã được đề ra tại Nghị quyêt số 86 của Chính phủ, trong đó đặc biệt lưu ý đưa dịch vụ y tế đến gần dân nhất ngay tại xã, phường, thị trấn bảo đảm người dân được tiếp cận nhanh nhất ở mọi lúc, mọi nơi. Phân loại F0 ngay tại xã, phường, thị trấn bảo đảm chăm sóc quản lý hỗ trợ hiệu quả. Bố trí sẵn sàng nhân lực, phương tiện để kịp thời tiếp nhận sơ cứu, cấp cứu, chuyển bệnh nhân diễn biến nặng lên điều trị tại các tuyến trên.
Cung cấp kịp thời các lương thực thực phẩm và các dịch vụ thiết yếu đến người dân, gia đình trong khu vực đang tăng cường giãn cách xã hội, nhất là nhóm người yếu thế dễ bị tổn thương, huy động mọi nguồn lực xã hội, phát huy tinh thần tương thân tương ái giúp đỡ lẫn nhau, không để bất cứ người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc.
Huy động sự vào cuộc quyết liệt của toàn bộ hệ thống chính trị, các tổ chức đoàn thể, tôn giáo trong việc vận động hướng dẫn giải thích, thuyết phục và yêu cầu người dân chấp hành nghiêm việc tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng chống dịch, bảo đảm an ninh, an dân và trật tự an toàn xã hội.
UBND thành phố Hồ Chí Minh, UNBD các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An khẩn trương thống nhất với Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ để ban hành chỉ thị thực hiện giãn cách xã hội và các biện pháp phòng chống dịch.
Các đồng chí bí thư thành ủy, tỉnh ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An lãnh đạo chỉ đạo điều hành thống nhất xuyên suốt và bảo đảm phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng trên địa bàn với các lực lượng hỗ trợ của các bộ ngành, cơ quan địa phương khác trong công tác phòng, chống dịch. Kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và Thủ tướng Chính phủ tình hình, kết quả thực hiện và những vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền…
5. Công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 là nhiệm vụ cấp bách trước mắt và lâu dài; không được tự mãn với kết quả đạt được; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; phải luôn sẵn sàng cho mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra.
6. Đại dịch Covid-19 diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, đặc biệt là sự xuất hiện của các biến chủng mới, nguy hiểm. Vì vậy, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện cần nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất; phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể, bám sát thực tiễn, cầu thị, khiêm tốn, lắng nghe; khi thực hiện cần chủ động, linh hoạt, sáng tạo, không cầu toàn, không nóng vội, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, kịp thời bổ sung, hoàn thiện phù hợp với tình hình, đạt hiệu quả cao nhất.
Ban Biên tập