
Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính trong buổi làm việc sáng ngày 12/8/2021. (Nguồn ảnh: VGP/Nhật Bắc)
Dự tại điểm cầu TP. HCM có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19; tại trụ sở Chính phủ có Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, lãnh đạo các bộ, cơ quan Trung ương, các nhà khoa học, đại diện các cơ sở nghiên cứu, các đơn vị, doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, thử nghiệm và sản xuất vaccine tại Việt Nam...
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng để có vaccine tiêm cho người dân nhiều nhất, nhanh nhất có thể, chúng ta cần thực hiện đồng bộ: nhập khẩu, chuyển giao công nghệ để sản xuất, nghiên cứu tự sản xuất trong nước. Trong đó, việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine trong nước có vai trò rất quan trọng, do đó “phải bàn và làm bằng được” việc sản xuất vaccine trong nước. “Trong bối cảnh hiện nay là cơ hội để phát triển ngành dược Việt Nam, trong đó có sản xuất vaccine phòng COVID-19.
Thủ tướng nhấn mạnh “Chính phủ nói là làm chứ không phải nói xong để đấy. Thủ tướng cũng yêu cầu các bên liên quan phải phối hợp chặt chẽ, chủ động thực hiện các công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và phải làm hết trách nhiệm trên tinh thần “nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân được thụ hưởng thật”, đặt lợi ích quốc gia dân tộc, sức khỏe và tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết. Chống mọi biểu hiện tiêu cực trong lĩnh vực này, nếu phát hiện tiêu cực phải xử lý ngay, xử lý nghiêm.
Phát biểu tại điểm đầu cầu TP. HCM, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định, dịch đang rất căng thẳng và cả nước vẫn thiếu vaccine. Theo ông, TP. HCM rất cần vaccine tiêm để bảo vệ người dân khỏi lây nhiễm và nếu bị nhiễm thì khi tiêm rồi triệu chứng cũng sẽ không nặng. Phó Thủ tướng cho biết, đến thời điểm hiện nay nước ta đã ký hợp đồng mua hàng trăm triệu liều vaccine nhưng trong tháng 8 chỉ có thêm khoảng 3 triệu liều vaccine về Việt Nam, vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Phó thủ tướng nhấn mạnh các vaccine nghiên cứu, phát triển trong nước như Nano Covax đã bước vào giai đoạn thử nghiệm cuối cùng, do đó cần thiết phải đẩy nhanh tiến độ hơn nữa để khẩn trương cấp phép lưu hành khẩn cấp. Cấp bách nhất hiện nay là phải có vaccine ngay thời điểm này để tiêm cho người dân nhiều nhất có thể.
Tại cuộc họp, Bộ Y tế và các bên liên quan đã báo cáo cụ thể về tình hình, tiến độ, kết quả chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất vaccine phòng COVID-19 trong nước. Cụ thể là việc nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng vaccine Nano Covax do Công ty Cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen nghiên cứu, phát triển; vaccine COVIVAC của Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC) thuộc Bộ Y tế; việc chuyển giao công nghệ vaccine từ nước ngoài để sản xuất trong nước (vaccine ARCT-154 của Hoa Kỳ do Vingroup thực hiện; vaccine của Công ty Shionogi (Nhật) do Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) và VABIOTECH triển khai; vaccine Sputnik-V (Nga) do VABIOTECH và Công ty DS-Bio triển khai)…
Vaccine Nano Covax đầu tiên của Việt Nam thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 (Nguồn ảnh: Internet).
Trung tướng, GS.TS. Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y, đại diện đơn vị tham gia nghiên cứu, thử nghiệm vaccine Nanocovax nêu rõ quan điểm: Quyết tâm cao của Chính phủ đã “truyền lửa, nhiệt huyết cho các cơ quan, các nhà khoa học”; khẳng định sẽ tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình, quy định về mặt chuyên môn và khoa học, bảo đảm khách quan, trung thực trong nghiên cứu, đánh giá thử nghiệm, đặc biệt luôn đặt sự an toàn và tính mạng nhân dân lên trên hết.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng khẳng định luôn sẵn sàng làm việc ngày đêm, với các cơ quan liên quan nhưng về chuyên môn, khoa học thì dứt khoát phải do các cơ quan chuyên môn, khoa học có thẩm quyền đánh giá. Hai yêu cầu cốt lõi đã được nêu rất rõ trong Nghị quyết 86 là phải bảo đảm tính an toàn và hiệu quả (hiệu quả điều trị của thuốc, hiệu quả bảo vệ của vaccine dựa trên dữ liệu về tính sinh miễn dịch của vaccine). Thủ tướng nhắc lại và tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu tiếp cận bình đẳng với tất cả loại vaccine. “Loại vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất, nhanh nhất, kịp thời nhất”.

Quang cảnh buổi làm việc tại Hà Nội (Nguồn ảnh: Inernet).
Bên cạnh đó các ý kiến cũng cho rằng, Nghị quyết 86 của Chính phủ với những giải pháp, cơ chế, chính sách đặc thù đã cho thấy tinh thần “trách nhiệm, bản lĩnh, vì dân” của Chính phủ. PGS.TS. Lê Văn Truyền, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc của Bộ Y tế cho biết, các đơn vị hết sức cảm ơn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết 86.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng tất các các ý kiến tại cuộc họp đều rất tâm huyết, trách nhiệm, thể hiện quyết tâm cao phải nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất được vaccine tại Việt Nam sớm nhất có thể. Với tinh thần “kịp thời, an toàn, hiệu quả”, các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà sản xuất phải vào cuộc hết sức khẩn trương, rút gọn tối đa quy trình, thủ tục hành chính nhưng về mặt chuyên môn, khoa học phải chặt chẽ, đầy đủ hồ sơ. Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ có liên quan, các Hội đồng cùng vào cuộc, hướng dẫn về quy trình, thủ tục để các đơn vị đang tiến hành nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, thử nghiệm, sản xuất vaccine, không để vì thủ tục hành chính mà ách tắc công việc.
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền hơn nữa và đề nghị các nhà khoa học, các nhà chuyên môn lên tiếng để tránh tâm lý “có vaccine không tiêm” mà so bì, chờ đợi, phân biệt các loại vaccine.
Cuối cùng Thủ tướng nhấn mạnh “chúng ta đã cố gắng rồi phải cố gắng hơn nữa, quyết tâm rồi phải quyết tâm hơn nữa, đã nỗ lực rồi phải nỗ lực hơn nữa, đã phối hợp chặt chẽ rồi phải chặt chẽ hơn nữa, đã hiệu quả rồi phải hiệu quả hơn nữa, mục tiêu cuối cùng là Việt Nam sớm có vaccine tự mình sản xuất. Nếu mọi việc suôn sẻ thì trong tháng 9 này, chúng ta có thể có vaccine sản xuất trong nước”.
Minh Hồng (Tổng hợp)