Covid-19 tác động trên mọi mặt đời sống
Covid-19 đang tiếp tục lây lan tại Nhật Bản, tính đến thời điểm ngày 10/3, số người bị nhiễm là 554 người (không tính những người trên thuyền), nhiều nhất ở Hokkaido, tiếp đó là Aichi, Kanagawa, Tokyo, Osaka,... Tại các nước ngoài Trung Quốc, số người nhiễm tăng mạnh, khiến Covid-19 đang từ vấn đề của châu Á trở thành vấn đề của thế giới. Tại Trung Quốc, Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc bị hoãn, tại Mỹ các công ty vốn đang có triển vọng sáng sủa đã chịu ảnh hưởng, tình hình dần trở nên trầm trọng.
Theo OECD dự đoán, lây lan dịch Covid-19 tại Trung Quốc sẽ đạt đỉnh trong tháng 3, dù nhận định lạc quan, tăng trưởng kinh tế toàn thế giới giảm tốc từ 2,9% năm 2019 xuống 2,4% năm 2020. So với dự báo cách đây 3 tháng, tăng trưởng kinh tế Nhật Bản dự đoán thấp hơn 0,4 điểm % xuống 0,2%, Trung Quốc giảm 0,8 điểm % xuống 4,9%[1].
Ngoài ra, sự lây nhiễm như hiệu ứng Domino lan sang các nước phát triển, trường hợp tác động trở nên trầm trọng, tăng trưởng kinh tế thế giới khoảng trên dưới 1,5%, giảm khoảng một nửa so với năm 2019. Trong trường hợp đó, Nhật Bản và khu vực châu Âu sẽ rơi vào suy thoái.
Trên thị trường ngoại hối, động thái bán USD nhanh chóng lan rộng, thời điểm ngày 9/3, tỷ giá hối đoái tăng lên mức 1USD=101 Yên, sau 3 năm 4 tháng tính từ tháng 11 năm 2016[2]. Do Covid-19 tiếp tục lây lan tại Mỹ, USD được bán ra vì lo ngại kinh tế cường quốc số 1 thế giới suy giảm. Ban đầu, nhiều nhà đầu tư nhìn nhận rằng Covid lây lan chỉ ở châu Á như Trung Quốc và không kéo dài. Nhưng từ cuối tháng 2, khi liên tục có xác nhận về sự lây nhiễm tại Mỹ, tình hình thị trường thay đổi, kinh tế Mỹ cho thấy dấu hiệu bất an phía trước. Đặc biệt, nhiều ngày nay nỗi lo lắng của các nhà đầu tư lên cao, động thái bán USD mua Yên gia tăng tại thị trường ngoại hối.
Tại Nhật Bản, tác động dễ nhận thấy nhất là khách du lịch giảm mạnh. Tháng 2 năm 2019, số lượng khách du lịch Trung Quốc là hơn 560 nghìn người, nhưng tháng 2 năm 2020 xuống dưới mức 60 nghìn người, có nghĩa chỉ bằng 1/10, và tháng 3 sẽ còn ít hơn nữa[3]. Dự đoán, trong năm 2020 riêng khách du lịch Trung Quốc giảm khoảng 1.350.000 người, tính tổng thể khách du lịch đến Nhật Bản giảm hơn 3 triệu người, điều này sẽ tác động mạnh đến kinh tế địa phương.
Tiếp đó là tác động do sản xuất tại Trung Quốc bị đình trệ. Sản xuất phụ tùng ô tô, màn hình LCD, cảm biến,... bị đình trệ, khiến sản xuất tại các khu công nghiệp ở Nhật Bản bị hạn chế. Xuất khẩu cũng suy giảm hơn so với dự đoán do lây nhiễm lan rộng khăp thế giới. Việc đi lại của con người cũng gặp khó khăn. Tăng cường các biện pháp cách ly, trước hết là Trung Quốc khiến nhân viên các công ty Nhật Bản rơi vào tình trạng về nước cũng không thể, đi công tác cũng không được.
Hiện nay, vấn đề lo ngại nhất là tiêu dùng suy giảm. Ngoài việc nhu cầu du lịch trong nước giảm, các sự kiện quy mô lớn bị hủy hoặc hoãn, các trường học tạm thời nghỉ,... sẽ tác động đến nhiều ngành trên phạm vi rộng như khách sạn, giao thông, dịch vụ ăn uống.
Dư luận Nhật Bản[4]
Trong tháng 3, NHK điều tra 2222 đối tượng nam nữ từ 18 tuổi trên toàn quốc, 1240 người, tương đương 56% đã trả lời. Kết quả, tỷ lệ ủng hộ Nội các Abe là 43% giảm 2 điểm % so với tháng 2. Tỷ lệ không ủng hộ là 41%, tăng 4 điểm % so với tháng 2 (hình 1). Tỷ lệ ủng hộ vẫn cao hơn không ủng hộ nhưng theo chiều hướng giảm và khoảng cách so với tháng trước bị thu hẹp từ 8 điểm % xuống còn 2 điểm %.
Hình 1: Tỷ lệ ủng hộ Nội các Thủ tướng Abe Shinzo
Nguồn: Điều tra của đài phát thanh truyền hình Nhật Bản NHK
Về lý do ủng hộ, 54% cho rằng nội các Abe tốt hơn nội các khác, 18% cho rằng có năng lực thực tế. Về lý do không ủng hộ, 39% cho rằng không tin tưởng nhân sự, 30% không kỳ vọng vào chính sách.
Đánh giá về dịch Covid-19, 24% cảm thấy rất lo ngại, 50% lo ngại, 20% không lo ngại lắm và 4% hoàn toàn không lo ngại. So với tháng 2, tỷ lệ rất lo lắng tăng 5 điểm %, như vậy hơn 70% tỏ ra lo lắng với dịch bệnh. Xu hướng người dân cảm thấy bất an gia tăng cùng với sự lan rộng của Covid-19 (hình 2)[5].
Hình 2: Mức độ lo ngại về Covid-19
Nguồn: Điều tra của đài phát thanh truyền hình Nhật Bản NHK
Về ứng phó chống lây lan Covid của chính phủ đến nay, 6% đánh giá cao, 43% đánh giá mức độ nào đó, 34% không đánh giá và 13% hoàn toàn không đánh giá (hình 3).
Hình 3: Đánh giá biện pháp phòng chống Covid-19
Nguồn: Điều tra của đài phát thanh truyền hình Nhật Bản NHK
So sánh với kết quả điều tra tháng 2, tỷ lệ đánh giá cao và đánh giá ở mức độ nào đó là 64%, lần này tỷ lệ ở hai mức đánh giá này đã dưới mức 50%. Tỷ lệ đánh giá và không đánh giá là trái ngược nhau. Thời điểm điều tra tháng 2, các biện pháp với nguồn lây nhiễm trên thuyền Diamond Princess là trọng tâm, người lây nhiễm trong nước khoảng hơn 10 người. Sau 1 tháng, chính phủ đã triển khai nhiều biện pháp song tại nhiều nơi liên tục xuất hiện các trường hợp lây nhiễm và tình trạng lây nhiễm vẫn chưa kiểm soát được.
Mặt khác, trong tầng lớp ủng hộ và không ủng hộ nội các Thủ tướng Abe, sự đánh giá hoàn toàn trái ngược. Có thể nói sự ủng hộ hay không ủng hộ chính quyền thủ tướng Abe không phải theo lập trường chính trị mà sự đánh giá về biện pháp ứng phó Covid-19 là yếu tố quyết định.
Đối với yêu cầu nghỉ học tạm thời của chính phủ, 69% cho rằng buộc phải làm như vậy, 24% cho rằng biện pháp thái quá. Xem xét trên các khía cạnh lứa tuổi, giới tính, khu vực, sự khác biệt trong cách đánh giá cũng rất lớn. Dù là việc đương nhiên, nhưng do hoàn cảnh gia đình, nơi làm việc, hay môi trường gia đình đang có con nhỏ, thể chế địa phương mà có sự khác biệt. Để bảo vệ sức khỏe trẻ em, giảm tối thiểu tác động đến cuộc sống người dân, cần có phối hợp chặt chẽ mà trước hết là vai trò nhà nước, địa phương, trường học và cộng đồng, không thể đồng nhất mà phải tính đến các tình huống cụ thể để có các biện pháp thích hợp.
Chính phủ Nhật Bản đã tăng cường biện pháp ngăn chặn như yêu cầu người nhập cảnh từ Trung Quốc và Hàn Quốc phải chờ cách ly 2 tuần tại nơi quy định. Đánh giá về việc tăng cường biện pháp này, 36% đánh giá cao, 41% đánh giá mức độ nào đó, 13% không đánh giá và 5% hoàn toàn không đánh giá.
Khi được hỏi về dịch bệnh Covid-19 tác động đến kinh tế Nhật Bản, 60% lo ngại, 30% lo ngại ở mức độ nào đó, 5% không lo ngại lắm và 1% hoàn toàn không lo ngại.
Tháng 7 năm 2020, Olympic và Paralympic Tokyo sẽ khai mạc, 40% trả lời có thể diễn ra và 45% cho rằng không thể. Chính phủ, các nhà phân tích và quan khách vẫn khẳng định Olympic sẽ vẫn diễn ra như kế hoạch, nhưng tâm trạng của người dân lo lắng như vậy, tình hình dịch bệnh vẫn chưa kiểm soát được thực sự là nỗi bất an.
Phan Cao Nhật Anh
Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản, Viện nghiên cứu Đông Bắc Á
[1] 「新型コロナウイルス 世界経済の『危機』にどう立ち向かうか」, truy cập ngày 10/3/2020 tại https://www.nhk.or.jp/kaisetsu-blog/100/422881.html
[2] 円相場 1ドル101円台に 3年4か月ぶりの水準, truy cập ngày 9/3/2020 tại https://www3.nhk.or.jp/news/html/20200309/k10012320541000.html?utm_int=detail_contents_news-related_001
[3] 新型コロナウイルス影響 仕事激減 バス会社の厳しい現状, truy cập ngày 10/3/2020 tại https://www3.nhk.or.jp/news/html/20200310/k10012323401000.html?utm_int=word_contents_list-items_002&word_result=%E6%96%B0%E5%9E%8B%E3%82%B3%E3%83%AD%E3%83%8A%E3%82%A6%E3%82%A4%E3%83%AB%E3%82%B9%E3%83%BB%E7%B5%8C%E6%B8%88%E5%BD%B1%E9%9F%BF
[4] Số liệu điều tra của NHK, 内閣支持43%、不支持41%(NHK世論調査), truy cập ngày 10/3/2020 tại https://www.nhk.or.jp/senkyo/shijiritsu/?utm_int=detail_contents_news-link_001
[5] 「新型コロナウイルス対策 国民の評価は?」, truy cập ngày 10/3/2020 tại https://www.nhk.or.jp/kaisetsu-blog/700/423155.html