“Mùa Covid”, nghĩ về thực tiễn chuyển đổi số tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

“Mùa Covid”, nghĩ về thực tiễn chuyển đổi số tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

20/03/2020

“Chuyển đổi số (Digital Transformation) là việc sử dụng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi một cách tổng thể và toàn diện tất cả các khía cạnh của đời sống kinh tế - xã hội, tái định hình cách chúng ta sống, làm việc và liên hệ với nhau…”.

Thế giới đang trong cuộc Cách mạng công nghiệp mới rất khác biệt so với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây: tăng rất nhanh về tốc độ, mở rộng về phạm vi và chiều sâu. Đây là cuộc cách mạng dựa trên nền tảng số và kết hợp nhiều công nghệ, dẫn đến sự thay đổi chưa từng có, tác động rộng khắp đến toàn bộ đời sống toàn xã hội. Chuyển đổi số sẽ làm thay đổi thế giới!

Nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số, ngày càng nhiều các quốc gia triển khai các chiến lược, chương trình hành động về chuyển đổi số. Tại Việt Nam, Đảng và Nhà nước đã có chủ trương nhất quán nhằm tận dụng cơ hội, đi tắt, đón đầu, không để tụt hậu trong cuộc cách mạng số, gần đây nhất là Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã định hướng quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam; Nghị quyết 17/NQ-CP ngày 7/3/2019 của Chính phủ vể một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025. Các nghị quyết nêu trên đã ra đặt mục tiêu rất cao, nhất là mục tiêu phát triển nền kinh tế số, để từ đó tạo thuận lợi cho việc phát triển các ý tưởng mới, sáng tạo, giải pháp đột phá tiến tới một Việt Nam số. Đây chắc chắn sẽ là sự chuyển đổi sâu sắc và toàn diện, mà trước hết là sự chuyển đổi về phương thức, qui trình vận hành, cách thức làm việc.

Ban lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) đã quán triệt nghiêm túc các chủ trương của Đảng và Nhà nước, tích cực triển khai chuyển đổi số trong cơ quan. Với nguồn lực còn hạn chế cả về đầu tư cũng như đội ngũ chuyên trách công nghệ thông tin, Viện đã tập trung chuyển đổi số trong một số lĩnh vực cụ thể như xây dựng chính phủ điện tử, quản lý hành chính và quản lý khoa học, từng bước chuyển đổi về phương thức, quy trình vận hành, cách thức đánh giá hiệu quả công việc, tạo thuận lợi cho đội ngũ cán bộ và người lao động trong Viện chủ động tham gia các hoạt động của cơ quan, đơn vị, nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị mình.

Tuy kết quả đạt được mới ở bước đầu, các cơ sở dữ liệu của Viện triển khai chậm, việc xử lý điều hành qua mạng cũng như việc kết nối, chia sẻ dữ liệu dùng chung còn khá khiêm tốn, việc ứng dụng công nghệ mới để đổi mới cách thức làm việc tại Viện chưa được thực hiện nhiều... Nguyên nhân ở đây có cả khách quan và chủ quan, nhưng những việc đã làm được là tiền đề để Viện có thêm động lực triển khai những bước tiếp theo trong thời gian tới.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang hoành hành trên phạm vi toàn cầu, lây lan chủ yếu thông qua tiếp xúc trực tiếp giữa người với người, thì kết nối mạng đang nổi lên chứng tỏ tính ưu việt. Vì vậy, cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, tích cực số hóa các cơ sở dữ liệu, đưa mọi hoạt động lên môi trường số, xây dựng các cơ sở dữ liệu dùng chung, tạo nền tảng để thay đổi cách thức làm việc trong bối cảnh mới. Viện Hàn lâm trong thời gian tới cũng sẽ tập trung đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển tài nguyên dữ liệu mở như cơ sở dữ liệu về quản lý khoa học, về kết quả nghiên cứu và tư vấn chính sách, về hồ sơ và các kết quả đào tạo, lưu trữ và sử dụng sản phẩm lưu trữ, ... hình thành các hệ thống thông tin dữ liệu ổn định, đáng tin cậy, hoạt động hiệu quả, có sự phối hợp, kết nối, chia sẻ giữa các tổ chức, cá nhân trong và ngoài Viện Hàn lâm, hướng tới cung cấp một số dịch vụ thông tin số ra cộng đồng cho các đối tượng dùng tin, bảo đảm hạ tầng kỹ thuật an toàn, an ninh, thông tin thông suốt...

 

Các tin đã đưa ngày: