Triển khai chính phủ điện từ ở Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Triển khai chính phủ điện từ ở Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

06/04/2020

Chính phủ điện tử (e-government) là ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông để các cơ quan chính phủ hoạt động hiệu lực, hiệu quả và minh bạch; cung cấp thông tin, dịch vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp và các tổ chức; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện quyền dân chủ trong việc tham gia quản lý nhà nước. Hiểu theo cách đơn giản chính phủ điện tử là Chính phủ hoạt động trực tuyến không giấy tờ 24/24h, 7/7ngày/tuần, 365/365 ngày/năm và giải quyết công việc một cách công khai và đảm bảo an toàn, an ninh.

Nhận thức được vai trò và xu thế phát triển tất yếu của ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong các cơ quan nhà nước, thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã thực hiện mạnh mẽ chủ trương ứng dụng CNTT nhằm cải cách hành chính, hiện đại hóa cơ quan Chính phủ, xây dựng một Chính phủ hiệu lực, hiệu quả, thực sự của dân, do dân và vì dân; nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội.

Trong thời gian qua, căn cứ sự chỉ đạo của Chính phủ và định hướng phát triển, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) đã coi trọng phát triển ứng dụng CNTT, xây dựng chính phủ điện tử và đã đem lại một số kết quả nhất định: 

- Về hạ tầng CNTT đã triển khai xây dựng phòng máy chủ, kết nối internet với các cơ quan, đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm; đầu tư trang bị máy tính phục vụ công việc cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động (tỷ lệ đạt được trên 90%);

- Hệ thống phần mềm quản lý văn bản điều hành tác nghiệp đã được triển khai cài đặt cho 100% các đơn vị trực thuộc. Hệ thống quản lý văn bản điều hành dùng chung giúp cho việc gửi, nhận văn bản điện tử liên thông giữa các đơn vị và giữa các đơn vị với một số cơ quan, đơn vị bên ngoài. 100%  đơn vị đã triển khai sử dụng chữ ký số chuyên dùng và tích hợp với hệ thống quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp. Các bộ, công chức được cấp và sử dụng hộp thư điện tử, triển khai hội nghị, họp trực tuyến.

- Đã xây dựng được một số cơ sở dữ liệu chuyên ngành để phục vụ công tác quản lý, điều hành, làm nền tảng cho xây dựng chính phủ điện tử, như các cơ sở dữ liệu thư viện, lưu trữ, quản lý khoa học và một số cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác.

- Cấp độ chia sẻ dữ liệu, trao đổi công việc cũng đã được thuận tiện hơn, giảm thiểu chi phí và giấy tờ hành chính. Đặc biệt trong giai đoạn của dịch bệnh Covid-19, Viện Hàn lâm đã tham gia/tổ chức các cuộc họp trực tuyến với các cơ quan bộ ban ngành và trực tuyến với các đơn vị trong Viện Hàn lâm, triển khai làm việc trực tuyến tại nhà để giảm thiểu mức độ lây lan của dịch bệnh.

Sau một thời gian thực hiện, tuy đạt được kết quả bước đầu khả quan, nhưng cũng cần nhìn nhận sự thật, đến nay, nhiều nội dung triển khai chính phủ điện tử ở Viện Hàn lâm vẫn chưa đạt được kết quả như mong đợi: kết quả xếp hạng vềchính phủ điện tử so với bộ ban ngành còn thấp; việc xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, hạ tầng CNTT nền tảng phục vụ phát triển chính phủ điện tử còn chậm; chất lượng dữ liệu và thông tin chưa được cập nhật kịp thời, nhiều thông tin còn thiếu chính xác; mức độ bảo mật, an toàn, an ninh thông tin thấp nên hay để xảy ra sự cố; chưa kết nối đồng bộ, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin; ứng dụng CNTT được triển khai chưa thật hiệu quả; chính phủ điện tử chưa gắn kết chặt chẽ với cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin; việc giải quyết thủ tục hành chính và xử lý hồ sơ công việc còn phụ thuộc nhiều vào giấy tờ, thủ công; một số cơ quan, người đứng đầu chưa trực tiếp chỉ đạo, điều hành hoạt động ứng dụng CNTT, hoặc công tác chỉ đạo thiếu quyết liệt, chưa gương mẫu; …

Nguyên nhân chủ yếu của những vấn đề trên ở Viện Hàn lâm là do chưa xác định rõ lộ trình và các mục tiêu cụ thể trong triển khai chính phủ điện tử; cơ chế bảo đảm thực thi nhiệm vụ xây dựng chính phủ điện tử chưa đủ mạnh; tình trạng cát cứ thông tin, dữ liệu còn phổ biến dẫn đến trùng lặp, chồng chéo, không thống nhất; nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cũng như quy định về cơ chế tích hợp, chia sẻ dữ liệu còn thiếu; việc bảo đảm an toàn, an ninh cho các hệ thống thông tin chưa được quan tâm đúng mức; thiếu cơ chế tài chính và sự đầu tư cần thiết; thói quen thủ công, giấy tờ chưa được khắc phục triệt để; còn thiếu gắn kết chặt chẽ giữa ứng dụng CNTT với cải cách hành chính và đổi mới lề lối, phương thức làm việc; ý thức của một số cán bộ trong thực thi nhiệm vụ còn chưa được tốt, chưa phát huy được vai trò của người đứng đầu trong chỉ đạo thực hiện; ...

Với mục tiêu chính phủ điện tử ở Viện Hàn lâm là cải thiện, nâng cao hơn nữa chất lượng nghiên cứu và phục vụ nghiên cứu, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy điều hành. Thời gian tới, một số giải pháp cấp bách phát triển chính phủ điện tử ở Viện Hàn lâm là: (i) tập trung xây dựng lộ trình và mục tiêu cụ thể định hướng phát triển chính phủ điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin  hướng tới hoạt động hiệu lực, hiệu quả và cung cấp thông tin kịp thời; có những giải pháp phù hợp, cơ sở hạ tầng đáp ứng được yêu cầu; sớm hoàn thành xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, hệ thống liên thông gửi, nhận văn bản điện tử và cơ chế chia sẻ dữ liệu, thông tin tới người dùng; (ii) ứng dụng CNTT đi đôi với cải cách hành chính, cải cách hành chính đặt ra các yêu cầu, đòi hỏi ứng dụng CNTT phải giải quyết, thủ tục hành chính phải ổn định để ứng dụng CNTT phát huy hiệu quả tốt; (iii) phát huy vai trò người đứng đầu, nâng cao trách nhiệm, hiệu quả thực thi nhiệm vụ, người lãnh đạo cần đi đầu và làm gương trong việc ứng dụng CNTT.

 

PV.


 

 

Các tin đã đưa ngày: