XỬ LÝ NHỮNG TÁC ĐỘNG TIÊU CỰC VỚI NHÂN QUYỀN CỦA CÁC HIỆP ĐỊNH TỰ DO THƯƠNG MẠI
GS.TS. Nguyễn Đăng Dung - ThS. Nguyễn Đăng Duy
Khoa Luật, ĐHQG Hà Nội
Toàn cầu hóa và tự do thương mại là xu thế khách quan, tất yếu của thời đại. Toàn cầu hóa là nguồn động lực mạnh mẽ bậc nhất của sự phát triển cho mọi quốc gia hiện nay, từ đó góp phần bảo vệ nhân quyền. Tuy nhiên bên cạnh việc đánh giá cao vai trò của các Hiệp định tự do thương mại với nhân quyền cũng cần làm rõ mặt trái của nó trong vấn đề này. Cụ thể, cần lý giải vì sao toàn cầu hóa- trong tính hiện thực của nó- đôi khi lại bị coi là nguồn gốc tai họa, căn nguyên của đói nghèo, bệnh tật và xung đột ở nhiều quốc gia chậm phát triển. Ở đây, nguồn gốc của vấn đề không phải ở bản thân quá trình toàn cầu hóa, thương mại tự do mà là ở sự hạn hẹp về tầm nhìn của những người vạch chính sách thúc đẩy toàn cầu hóa ở mốt số tổ chức quốc tế và chính phủ ở nhiều quốc gia, kể cả ở các nước phát triển và chậm phát triển.