Giáo dục quyền con người trong các trường đại học không chuyên luật
TS. Phan Hồng Dương
GIÁO DỤC QUYÊN CON NGƯỜI TRONG CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHÔNG CHUYÊN LUẬT
TS. Phan Hồng Dương[1]
Tóm tắt
Giáo dục quyền con người hiện đang được nhiều nước trên thế gỉởi thực hiện ở các cấp độ khác nhau. Từ trước đến nay, nhất là sau khi trở thành thành viên các công ước quốc tế về quyền con người, Việt Nam đã rất coi trọng việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về quyền con người. Giáo dục quyền con người trong các nhà trường và các cơ sở giảo dục đã và đang được thực hiện dưới nhiều hình thức phong phú, sáng tạo, nhờ đó đã không ngừng nâng cao nhận thức xã hội về quyền con người. Tuy nhiên vấn đề giáo dục quyền con người trong các cơ sở giáo dục đại học nói chung và trong các trường đại học không chuyên luật nói riêng hiện nay còn có nhiều quan điểm khác nhau và là một chủ đề cần được quan tâm nghiên cứu. Bài viết này, trên cơ sở phân tích thực trạng cũng như đòi hỏi khách quan cần phải tăng cường giáo dục quyền con người trong các trường đại học không chuyên luật, đưa ra một số giải pháp nhằm tăng cường giáo dục quyền con người trong các trường đại học không chuyên luật.
Đặt vấn đề
Quyền con người là thành quả phát triển của lịch sử nhân loại. Giáo dục quyền con người góp phần quan trọng trong việc xây dựng một xã hội công bằng, trong đó các quyền cơ bản của con người được đề cao và tôn trọng. Trong Tuyên ngôn thế giới về quyền con người (năm 1948) đã lưu ý tới hoạt động giáo dục quyền con người trên toàn thế giới. Lời nói đầu của Tuyên ngôn nhất mạnh: “Đại hội đồng Liên hợp quốc tuyên bố bản Tuyên ngôn thế giới về quyền con người là mục tiêu chung cho tất cả các dân tộc và các quốc gia phải phấn đấu đạt tới để nhằm mục đích cuối cùng là mỗi cá nhân, mỗi tổ chức xã hội, luôn ghi nhớ bản Tuyên ngôn bằng giáo dục và giảng dạy sẽ nỗ lực thúc đấy tôn trọng đối với các quyền và những tự do cơ bản”. Liên hợp quốc đã rất quan tâm chú ý đến hoạt động giáo dục nhân quyền coi đó là biện pháp chủ yếu để thực hiện và bảo vệ quyền con người. Điều đó đã được Liên hợp quốc thể hiện qua Nghị quyết số 48/127 ngày 20/12/1993 (A/RES/48/127) quy định lấy giai đoạn 1995 - 2004 là Thập kỷ giáo dục nhân quyền của Liên hợp quốc (the United Nations Decade for Human Rights Education) và thông qua một loạt nghị quyết khác về các vấn đề cụ thể để triển khai thực hiện Thập kỷ giáo dục nhân quyền như nghị quyết A/RES/49/184, A/RES/50/173, A/RES/50/177, A/RES/51/104, A/RES/52/127, A/RES/53/153, A/RES/54/161, A/RES/55/94, A/RES/56/167, A/RES/57/212.
Từ trước đến nay, nhất là sau khi trở thành thành viên các công ước quốc tế về quyền con người, Việt Nam đã rất coi trọng việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về quyền con người. Giáo dục quyền con người trong các nhà trường và cơ sở giáo dục đã và đang được thực hiện dưới nhiều hình thức phong phú và sáng tạo, nhờ đó đã không ngừng nâng cao nhận thức xã hội về quyền con người. Tuy nhiên vấn đề giáo dục quyền con người trong các cơ sở giáo dục đại học nói chung và trong các trường đại học không chuyên luật nói riêng hiện nay còn có nhiều quan điểm khác nhau và là một chủ đề mới cần được quan tâm nghiên cứu.
1. Cơ sở chính trị - pháp lý về giáo dục quyền con người trong các trường đại học không chuyên luật
Ngay sau khi nước nhà giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 02/9/1945 đã long trọng tuyên bố trước thế giới về nền độc lập và quyền tự do của dân tộc Việt Nam. Có thể khẳng định rằng tư tưởng xuyên suốt của Tuyên ngôn Độc lập là tư tưởng về con người, về quyền con người đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nâng lên thành quyền dân tộc chính đáng. Từ đó đến nay trong các văn kiện của Đại hội VI, Đại hội VII và đặc biệt là trong “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội” ra đời năm 1991 của Đảng đã xác định “Nhà nước định ra các đạo luật, nhằm xác định các quyền công dân và quyền con người, quyền đi đôi với nghĩa vụ và trách nhiệm”. Đại hội IX của Đảng đã nhấn mạnh: “Chăm lo cho con người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi người, tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia”[2]. Đại hội X của Đảng tiếp tục xác định: “Xây dựng cơ quan tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, quyền con người”[3]. Đặc biệt tại Đại hội XI Đảng đã nhấn mạnh “Nhà nước tôn trọng và bảo đảm các quyền con người, quyền công dân; chăm lo hạnh phúc, sự phát triển tự do của mỗi người”[4].
Nói đến cơ sở chính trị tư tưởng của việc giáo dục quyền con người không thể không nói tới Chị thị 12 - CT/TW ngày 12/7/1992 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VII) về “Vấn đề quyền con người và quan điểm, chủ trương của Đảng ta”. Trong Chỉ thị này, đồng thời với việc xác định các quan điểm cơ bản của Đảng về quyền con người, Ban Bí thư còn yêu cầu: “Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục trong nhân dân ta để mọi người hiểu rõ quan điểm, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về quyền con người và quyền công dân...”. Đến Chỉ thị 44 - CT/TW ngày 20/7/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về “Công tác nhân quyền trong tình hình mới”, tiếp tục xác định hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục quyền con người vẫn là ưu tiên hàng đầu trong công tác nhân quyền. Theo đó trong công tác giáo dục quyền con người, so với Chỉ thị số 12 - CT/TW thì Chỉ thị số 44-CT/TW có một số điểm mới như “Đa dạng hóa các hình thức, phương pháp và cơ chế giáo dục quyền con người, tăng cường công tác nghiên cứu khoa học cũng như đưa nội dung về quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân”.
Với việc quy định “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và luật”. Điều 50, Hiến pháp năm 1992 đã đặt nền tảng quan trọng trong việc ghi nhận, bảo đảm về pháp lý các quyền con người, đề cao và phát huy nhân tố con người, tạo sự thống nhất về quyền con người, quyền công dân phù hợp với các giá trị phổ quát nhất về quyền con người được ghi nhận trong các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên. Việc khẳng định quyền con người ưong Hiến pháp 1992 đã là một bước phát triển quan trọng, tạo cơ sở hiến định cho việc tiếp tục ghi nhận quyền con người trong các đạo luật khác và là cơ sở cho việc đưa giáo dục quyền con người vào các nhà trường.
Đặc biệt, đến Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 28 tháng 11 năm 2013 (sau đây gọi là Hiến pháp (2013)) đã có sự tiến bộ vượt bậc, cụ thể trong Hiến pháp (1992) chúng ta mới chỉ quy định ở Chương V: “Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” thì trong Hiến pháp (2013) đã đưa lên thành chương II: “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” và được quy định với 35 điều trên tổng số 120 điều của Hiến pháp (từ điều 14 đến điều 49) nhằm khẳng định giá trị, vai trò quan trọng của quyền con người, quyền cơ bản của công dân trong Hiến pháp. Điều này thể hiện nhất quán đường lối của Đảng tôn trọng và bảo vệ quyền con người, và đã trở thành sự quan tâm lớn của Đảng và Nhà nước ta. Hiến pháp đã ghi nhận Nhà nước với tư cách là tổ chức công quyền có nghĩa vụ tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người. Hiến pháp (2013) đã đề cao quyền con người như tổng hòa quyền con người và quyền công dân, từ đó thể chế hóa quan hệ giữa quyền lợi và nghĩa vụ công dân, đồng thời xác lập trách nhiệm bảo đảm những quyền đó được thực hiện trên thực tế của Nhà nước. Hiến pháp (2013) khẳng định Nhà nước Việt Nam là nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; Vì thế quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Tại điều 39 của Hiến pháp (2013) có quy định “Công dân có quyền và nghĩa vụ học tập”; Tại khoản 2 điều 37 có quy định “Thanh niên được Nhà nước, gia đình và xã hội tạo điều kiện học tập, lao động, giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ, bồi dưỡng đạo đức, truyền thống dân tộc, ý thức công dân; đi đầu trong công cuộc lao động sáng tạo và bảo vệ tổ quốc”.
Bên cạnh việc quy định trong Hiến pháp, thì quyền con người, quyền công dân còn được quy định trong Bộ luật hình sự, Bộ luật dân sự, Bộ luật lao động, Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Dược, Luật hôn nhân và gia đình, Luật phòng, chống mua bán người, Luật bình đẳng giới, Luật khám bệnh, chữa bệnh, Luật phòng, chống bạo lực gia đình, Luật cư trú, Luật tiếp công dân, Luật việc làm... Đáng chú ý, nước ta đã ban hành những đạo luật riêng cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Luật người cao tuổi, Luật người khuyết tật. Nội dung của các đạo luật được ban hành thể chế hóa ngày càng đầy đủ, cụ thể và rõ ràng quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong điều kiện cụ thể của Việt Nam.
Trên cơ sở quy định của Hiến pháp, Luât Giáo dục đã quy định cụ thể về Quyền và nghĩa vụ học tập của công dân tại điều 10 “Học tập là quyền và nghĩa vụ của công dân. Mọi công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, nam nữ, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế đều bình đẳng về cơ hội học tập. Nhà nước thực hiện công bàng xã hội trong giáo dục, tạo điều kiện để ai cũng được học hành. Nhà nước và cộng đồng giúp đỡ để người nghèo được học tập, tạo điều kiện để những người có năng khiếu phát triển tài năng. Nhà nước ưu tiên, tạo điều kiện cho con em dân tộc thiểu số, con em gia đình ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi, người tàn tật, khuyết tật và đối tượng được hưởng chính sách xã hội khác thực hiện quyền và nghĩa vụ học tập của mình.”
Bên cạnh đó tại điểm b khoản 1 điều 5 Luật Giáo dục đại học có xác định mục tiêu của giáo dục đại học: “Đào tạo người học có phẩm chất chính trị, đạo đức; có kiến thức, kỹ năng thực hành nghề nghiệp, năng lực nghiên cứu và phát triển ứng dụng khoa học và công nghệ tương xứng với trình độ đào tạo; có sức khỏe; có khả năng sáng tạo và trách nhiệm nghề nghiệp, thích nghi với môi trường làm việc; có ý thức phục vụ nhân dân”.
Những nội dung trên là cơ sở pháp lý quan trọng để chúng ta tiến hành giảng dạy về quyền con người cho sinh viên các trường đại học không chuyên luật, những người mà trong tương lai không xa sẽ có các vị trí quan trọng và giữ các chức vụ chủ chốt trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp... trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước.
2. Thực trạng giáo dục quyền con người trong các trường đại học không chuyên luật
Ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước đã đề ra chủ trương, chính sách và có sự quan tâm chỉ đạo thực hiện hoạt động giáo dục quyền con người, quyền công dân. Chúng ta đã đạt được những thành tựu đáng kể trong lĩnh vực giáo dục quyền con người, quyền công dân; đặc biệt là việc giáo dục quyền trẻ em theo nội dung Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em (CRC), giáo dục quyền phụ nữ theo nội dung công ước của liên hợp quốc về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ. Hoạt động giáo dục quyền con người, quyền công dân ở Việt Nam trong thời gian qua đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức về giá trị của hoạt động này trong việc hình thành nhân cách người Việt Nam dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, và sự cần thiết phải tăng cường các hoạt động này trong thời gian tới. Đồng thời, việc giáo dục quyền con người, quyền công dân cũng làm tăng nhu cầu xây dựng hệ thống pháp luật Việt Nam phù hợp với các quy định của công ước quốc tế về quyền con người. Việt Nam hiện nay có 207 trường đại học (không kể các trường đại học thuộc khối an ninh, quốc phòng) với số lượng sinh viên là 1.453.067[5].Trong đó số lượng sinh viên các trường đại học không chuyên ỉuật là 1.426.912 sinh viên chiếm tới 98,2% số lượng sinh viên của cả nước. Những sinh viên này sau khi tốt nghiệp đại học họ sẽ là những người có vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước do vậy việc họ có tri thức, hiểu biết về quyền con người có tầm quan trọng đặc biệt.
Hiện nay, theo Luật Giáo dục đại học thì các trường đại học được tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc xây dựng, thẩm định, ban hành các chương trình đào tạo, nhưng về cơ bản trong các chương trình đào tạo của các trường đại học không chuyên luật chưa có học phần/ môn học riêng biệt, độc lập về quyền con người. Qua khảo sát chương trình đào tạo của các trường đại học không chuyên luật hiện nay chỉ có Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh có môn học “Lý luận về quyền con người” với 30 tiết trong chương trình đào tạo Cử nhân chính trị. Trường Đại học sư phạm Hà Nội có môn học “Quyền trẻ em, an sinh, nhi đồng và gia đình” với 30 tiết trong chương trình đào tạo Cử nhân ngành Công tác xã hội. Còn đại đa số các chương trình đào tạo đại học các ngành của các trường đại học không chuyên luật thì vấn đề quyền con người chủ yếu được lồng ghép vào một số học phần/ môn học có liên quan như Pháp luật đại cương, Pháp luật chuyên ngành và một số học phần/ môn học chuyên ngành có ỉiên quan v.v... Tuy nhiên đung lượng kiến thức về quyền con người trong các học phần/môn học này rất hạn chế.
Bên cạnh chương trình giáo dục chính khóa, thì các trường đại học không chuyên luật cũng bước đầu đưa vấn đề giáo dục quyền con người vào trong một số hoạt động giáo dục ngoại khóa. Tuy nhiên hoạt động giáo dục ngoại khóa còn đơn điệu, thiếu hấp dẫn và chưa được chú trọng, chủ yếu tuyên truyền và phổ biến về pháp luật về quyền công dân là chính, nội dung này thường được thực hiện trong tuần giáo dục công dân đầu khóa hoăc một số buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho sinh viên.
Tồn tại kể trên xuất phát từ những nguyên nhân chính sau:
Thứ nhất, các trường đại học không chuyên luật chưa nhận thức đầy đủ và toàn diện về giáo dục quyền con người nói chung và giáo dục quyền con người cho sinh viên các trường đại học không chuyên luật nói riêng.
Thứ hai, các trường đại học không chuyên luật chưa có thông tin và dữ liệu toàn diện và chuyên sâu về quyền con người, cho đến nay hầu hết các cơ sở giáo dục đại học không chuyên luật mới chỉ bắt đầu tiếp cận và nghiên cứu về quyền con người.
Thứ ba, các trường đại học không chuyên luật chưa có đội ngũ giảng viên và nghiên cứu viên đáp ứng yêu cầu nghiên cứu và xây dựng chương trình, tài liệu, giáo trình giảng dạy về quyền con người trong các trường đại học không chuyên luật.
Thứ tư, các trường đại học không chuyên luật do bị giới hạn về thời gian đào tạo, nên phải dành đa số thời gian cho các hoạt động giảng dạy các môn học liên quan đến chuyên ngành đào tạo. Do vậy còn rất ít thời gian cho các hoạt động giảng dạy các môn học thuộc lĩnh vưc khác trong đó có giảng dạy về quyền con người.
3. Tăng cường giáo dục quyền con người trong các trường đại học không chuyên luật - Một đòi hỏi khách quan
Tuyên ngôn thế giới về quyền con người (The Universal Declaration on Human Rights) đã đặt nền móng cho hoạt động giáo dục quyền con người trên toàn thế giới. Trong lời nói đầu của Tuyên ngôn đã viết: “Đại hội đồng Liên hợp quốc tuyên bố bản Tuyên ngôn thế giới về quyền con người là mục tiêu chung cho tất cả các dân tộc và các quốc gia phải phấn đấu đạt tới để nhằm mục đích cuối cùng là mỗi cá nhân, mỗi tổ chức xã hội, luôn ghi nhớ bản Tuyên ngôn bằng giáo dục và giảng dạy sẽ nỗ lực thúc đẩy tôn trọng đối với các quyền và những tự do cơ bản”[6]; Điều 26 của Tuyên ngôn cũng ghi nhận “Mọi người đều có quyền được học tập...giáo dục nhằm phát triển đầy đủ nhân cách con người và tăng cường sự tôn trọng đối với các quyền và những tự do cơ bản của con người” [7]. Ngoài ra việc thúc đẩy giáo dục về quyền con người còn được thể hiện trong nhiều văn kiện khác của Liên họp quốc như Điều 13 Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa; Điều 28 Công ước về quyền trẻ em.
Tuy nhiên, chỉ đến khi Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết số 48/127 ngày 20/12/1993 (A/RES/48/127) quy định lấy giai đoạn 1995- 2004 là Thập kỷ giáo dục nhân quyền của Liên hợp quốc (the United Nations Decade for Human Rights Education)[8] thì thuật ngữ “giáo dục quyền con người” mới được sử dụng rộng rãi trên thế giới và trong khoảng 20 năm trở lại đây thì thuật ngữ này mới được sử dụng rộng rãi trong nước.
Thập kỷ về quyền con người của Liên hợp quốc đã định nghĩa giáo dục quyền con người là “đào tạo, phổ biến và thông tin nhằm xây dựng một văn hóa phổ biến về quyền con người thông qua việc truyền đạt các kiến thức, các kỹ năng và tạo nên thái độ nhằm vào:
a) Tăng cường sự tôn trọng quyền con người và các quyền tự do cơ bản;
b) Phát triển toàn diện cá nhân con người và ý thức tôn trọng con người;
c) Thúc đẩy sự hiểu biết, tôn trọng, bình đẳng giới và sự đoàn kết giữa các quốc gia, người bản địa và các nhóm chủng tộc, quốc gia, dân tộc, tôn giáo và ngôn ngữ;
d) Tạo điều kiện cho tất cả mọi người tham gia một cách hiệu quả vào các hoạt động của xã hội
e) Hỗ trợ các hoạt động của Liên hợp quốc về duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.
Quyền con người là một trong những giá trị quan trọng, tiền đề vì nó vừa là mục tiêu, động lực, vừa là điều kiện thúc đẩy sự phát triển các giá trị còn lại của con người. Vì thế, đảm bảo các quyền con người là một xu thế tất yếu mang tính toàn cầu. Thực tế này đã đặt ra cho giáo dục nhân loại thêm một nội dung hết sức quan trọng nữa về giáo dục quyền con người. Giáo dục quyền con người là góp phần quan trọng vào việc xây dựng một xã hội công bằng, trong đó các quyền cơ bản của con người được đề cao và tôn trọng, cần coi việc giáo dục quyền con người là một nhiệm vụ quan trọng, lâu dài và cấp bách để nâng cao nhận thức chung của xã hội về quyền con người.
Tuy nhiên, vấn đề giáo dục quyền con người trong các trường đại học không chuyên luật ở Việt Nam hiện nay chưa được chú ý đúng mức. Do vậy việc tăng cường giáo dục quyền con người trong các trường đại học không chuyên luật xuất phát từ những đòi hỏi khách quan sau:
Thứ nhất, giáo dục quyền con người với mục tiêu chính ỉà phát triển toàn diện cá nhân con người, tăng cường sự tôn trọng con người và các quyền tự do cơ bản, tạo điều kiện cho mọi người tham gia một cách hiệu quả vào các hoạt động xã hội. Giáo dục quyền con người là thiết lập cách tiếp cận để đưa “Quyền con người” vào trong tất cả các hoạt động giáo dục: từ hoạch định, xây dựng chính sách giáo dục, đến tổ chức các hoạt động giáo dục, cũng như các điều kiện đảm bảo tổ chửc hoạt động giáo dục. Do vậy nó đòi hỏi giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng phải tăng cường giáo dục quyền con người.
Thứ hai, Hội nghị lần thứ VIII BCH Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 29 - NQ/TW ngày 4/11/2013 về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết, từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung phương pháp, cơ chế, chính sách, điều kiện đảm bảo thực hiện; đổi mới từ sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đến hoạt động quản trị của các cơ sở giáo dục và đào tạo và việc tham gia của gia đình, cộng đồng, xã hội và bản thân người học; đổi mới ở tất cả bậc học, ngành học. Với mục tiêu tổng quát là “Tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân. Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả”[9]. Như vậy quá trình “ Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục” là đổi mới cách tiếp cận mục tiêu giáo dục: Chuyển trọng tâm quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thửc, kỹ năng sang phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực người học. Đối với giáo dục đại học không chỉ tập trung đào tạo nhân lực trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài mà phải đặc biệt coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực tự học, tự làm giàu tri thức, sáng tạo của người học. Do vậy mục tiêu giáo dục đại học nói chung, mục tiêu giáo dục các trường đại học không chuyên luật nói riêng cũng phải đôi mới mục tiêu giáo dục, trong đó cần phải chú trọng hơn nữa về giáo dục quyền con người kể từ mục tiêu, nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục quyền con người.
Thứ ba, chúng ta đang nỗ lực xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, thì giáo dục quyền con người trong các trường đại học không chuyên luật càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Bởi vì giáo dục quyền con người trong các nhà trường nói chung và các trường đại học không chuyên luật nói riêng là hình thức toàn diện nhất để chuyển tải những chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về quyền con người đến bộ phận lớn thanh niên tiên tiến của xã hội. Mặc khác qua đó, chúng ta tuyên truyền những thành tựu trong việc thực hiện quyền con người ở Việt Nam, làm cho bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về Việt Nam, đồng thời phản bác lại các ỉuận điệu lợi dụng các vấn đề về dân chủ, nhân quyền để vu cáo, bôi nhọ chế độ ta của các thế lực thù địch.
Thứ tư, tăng cường giáo đục quyền con người trong các trường đại học không chuyên luật xuất phát từ chính vị trí, vai trò, chức năng của các trường đại học không chuyên luật. Các trường đại học không chuyên luật với chức năng đào tạo sinh viên, những người mà trong tương lai sẽ giữ các chức Vụ quan trọng trong đời sống xã hội, họ có thể là công chức trong bộ máy nhà nước, nhà kinh doanh, bác sĩ, giáo viên, nhà nghiên cứu,v.v... Họ là những người cần phải được giáo dục quyền con người, quyền công dân một cách căn bản và toàn diện để họ hiểu được mình sẽ phải làm gì để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; để họ biết mình có quyền và nghĩa vụ phải lên tiếng bảo vệ con người, bảo vệ công lý; đấu tranh không khoan nhượng với những hành vi xâm phạm quyền con người. Đặc biệt, nếu tham gia vào bộ máy nhà nước họ phải thúc đẩy việc tôn trọng và đảm bảo thực hiện các quyền con người. Mặt khác, trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay, họ phải chủ động để tiếp cận các quan điểm tiến bộ về quyền con người tiên tiến trên thế giới, phải nhận thức đúng đắn về những giá trị truyền thống nhân đạo của dân tộc, quan điểm của Đảng và pháp luật của Nhà nước Việt Nam về quyền con người, những thuận lợi khó khăn trong việc thực hiện quyền con người ở Việt Nam.
4. Một số giải pháp tăng cường gỉáo dục quyền con người trong các trường đại học không chuyên luật
Giáo dục quyền con người có tầm quan trọng đặc biệt trong chiến lược giáo dục của rất nhiều quốc gia ngày nay. Tuy nhiên, việc xây dựng được một chương trình giáo dục quyền con người một cách dài hạn và hiệu quả lại đang là thách thức với rất nhiều quốc gia trên thế giới. Trong thời gian qua, Nhà nước ta đã đưa quyền con người vào việc hoạch định và thực hiện chính sách giáo dục ở tất cả các cấp, thông qua các môn học từ trường phổ thông cho đến trường đại học. Trên thực tế, chỉ có một số vấn đề liên quan đến quyền trẻ em và quyền phụ nữ ở Việt Nam là hoạt động có hiệu quả, còn việc triển khai giáo dục quyền con người cho sinh viên các trường đại học không chuyên luật chưa mang lại hiệu quả như mong muốnẵ Để nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục quyền con người cho sinh viên các trường đại học không chuyên luật, chúng ta cần quán triệt và thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Một là, các trường đại học không chuyên luật phải nâng cao nhận thức để hiểu biết đúng đắn và toàn diện về vị trí, vai trò quan trọng của hoạt động giáo dục quyền con người trong các trường đại học không chuyên luật.
Hai là, trong các trường đại học không không chuyên luật, giáo dục quyền con người bị giới hạn thời gian bởi phải dành phần lớn thời gian cho đào tạo chuyên môn nghề nghiệp và sự đa dạng của các ngành đào tạoế Do vậy để thúc đẩy giáo dục về quyền con người đòi hỏi một quá trình lâu dài, thường xuyên, được thực hiện thông qua các môn học và lồng ghép trong toàn bộ quá trình giáo dục.
Ba là, giáo dục quyền con người trong các trường đại học không chuyên luật phải kết hợp với giáo dục pháp luật, giáo dục đạo đức. Nội dung giáo dục quyền con người cần phải được thể hiện bằng những hình thức sinh động, đa dạng, lồng ghép vào hoạt động giáo dục ngoại khóa, huy động sự tham gia tích cực của Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên trong các trường đại học không chuyên luật.
Bốn là, nội dung giáo dục quyền con người phải bảo đảm đúng quan điểm, chủ trương đường lối của của Đảng, pháp luật quốc tế và quốc gia về quyền con người và phù hợp với ngành đào tạo trong các trường đại học không chuyên luật.
Năm là, nhà giáo giữ vai trò quyết định trong việc đảm bảo chất lượng giáo dục quyền con người trong các trường đại học. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả giảng dạy về quyền con người, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học không chuyên luật cần chú trọng đào tạo đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên đồng thời xây dựng đội ngũ giảng viên thỉnh giảng và thu hút các giảng viên, các nhà khoa học giỏi trong và ngoài nước về lĩnh vực này giảng dạy trong các trường đại học không chuyên luật.
Kết luận
Giáo dục quyền con người nói chung và trong các trường đại học không chuyên luật nói riêng ở Việt Nam là một đòi hỏi bức thiết có ý nghĩa, vai trò đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo và quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi chúng ta thực hiện “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục”, cùng với tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp (2013), thì lại càng có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết. Chúng ta về cơ bản đã có đầy đủ cơ sở pháp lý về giáo dục quyền con người nói chung và giáo dục quyền con người trong các trường đại học không chuyên luật nói riêng. Giáo dục quyền con người là một nội dung quan trọng cấu thành chương trình đào tạo đại học. Tuy nhiên phải xác định đây là một quá trình lâu dài, liên tục, đòi hỏi phải có sự tập trung chỉ đạo, quản lý tham gia của nhiều Bộ, ngành và của các trường đại học, đòi hỏi phải tiến hành từng bước, không nóng vội, hình thức. Phải thực hiện toàn diện cả giáo dục quyền con người và quyền công dân, có như vậy thì giáo dục quyền con người trong các trường đại học không chuyên luật mới phát huy hiệu quả.
Tài liêu tham khảo
1. Các văn kiện quốc tế về quyền con người, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1998;
2. Nguyễn Đăng Dung, Vũ Công Giao, Lã Khánh Tùng, Giáo trình lý luận và pháp luật về quyền con người, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2011;
3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội IX, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2001;
4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội X, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2006;
5. Đảng Cộng sản Việt Nam, Vẫn kiện Đại hộì XI, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2011.
6. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (năm 2013,1992,1980,1959,1946) Nxb Lao động, 2014
7. Luật Giáo dục đại học, Nxb Chính trị Quốc gia 2012
8. Sổ tay về quyền con người dừng cho nhân viên Liên hợp quốc (Human Rights - A Basic Handbook for UN Staff)
9. Võ Khánh Vinh, Giáo dục quyền con người - Những vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội 2010
10. Vụ Phổ biến, Giáo dục pháp luật - Bộ Tư pháp, Một sỗ kiến thức pháp luật về quyền con người, 2012
11. Wolfgang Benedek, Tìm hiểu về quyền con người (Tài liệu dịch), Nxb Tư pháp, Hà Nội 2008
[1] Học viện Quản lý giáo dục
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội IX, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001, tr 134
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội X, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, tr 126
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội XI, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001, tr 85
[5] Số liệu thống kê năm 2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nguồn www.moet.gov.vn
[6] Các văn kiện quốc tế về quyền con người. NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1998,
[7] Các văn kiện quốc tế về quyền con người, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1998,
[8] Sổ tay về quyền con người dung cho nhân viên Liên hợp quốc (Human Rights - A Basic Handbook for UN Staff)
|
|