Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
  • Thư viện điện tử và kho tin
  • Đề tài nghiên cứu cấp bộ
  • Đề tài nghiên cứu cấp nhà nước
  • Tham khảo tạp chí
  • Sách toàn văn
  • Thư điện tử
  • Chính phủ

Ấn đền Trần nhìn từ tư liệu Hán Nôm

TS. Cao Việt Anh; PGS.TS Đinh Khắc Thuân

05/11/2016

Hà Nội, ngày 27/8/2016

ÂN ĐỀN TRẦN NHÌN TỪ TƯ LIỆU HÁN NÔM

TS. Cao Việt Anh - PGS.TS Đinh Khắc Thuân

(Viện Nghiên cứu Hán Nôm)

Tóm tắt: Trong đời sống văn hóa Việt Nam những năm gần đây, lễ Khai ấn đền Trần ở tỉnh Nam Định đang và còn tiếp tục tạo nên nhiều tranh luận, song vẫn được duy trì và phát triển, thu hút nhiều người tham dự. Trong bối cảnh tài liệu liên quan lệ khai ấn này đến nay còn hiếm hoi, thậm chí không có nguồn gốc xác đáng, thì diện mạo văn tự trên các con dấu từng lưu hành tại di tích này vào thời Nguyễn (1802-1945) là một nguồn tư liệu khả tín.

Bài viết hệ thống hóa các nguồn tài liệu vốn không nhiều và không dễ tìm thấy trong thư tịch Hán Nôm về lệ khai ấn đền Trần ở Nam Định, đồng thời công bố tư liệu mới liên quan tới văn tự trên các con dấu ở di tích này được sao chép vào cuối thế kỷ XIX. Trên cơ sở tư liệu và khảo cứu tư liệu, bài viết hướng tới việc góp phần nhận thức đúng đắn ý nghĩa và bản chất của một lễ hội văn hóa trong chiều dài lịch sử Việt Nam.

***

Trong đời sống văn hóa Việt Nam những năm gần đây, lễ Khai ấn đền Trần ở tỉnh Nam Định mặc dầu đang tạo nên nhiều tranh luận, song vẫn được duy trì và phát triển, thu hút nhiều người tham dự. Trên phương diện học thuật, tài liệu liên quan lệ khai ấn này đến nay tương đối hiếm hoi, nhiều khi không có nguồn gốc xác đáng. Trong bối cảnh này, những dấu vết ít ỏi trong tư liệu Hán Nôm liên quan tới nhân vật lịch sử được thánh hóa là Trần Quốc Tuấn, cùng với thực tế thờ cúng đức Thánh Trần trong lịch sử, diện mạo văn tự trên các con dấu từng lưu hành tại di tích đền Trần vào thời Nguyễn (1802-1945) là một nguồn tư liệu khả dụng. Đặt trong tương quan giữa tư liệu Hán Nôm với tư liệu Pháp văn khảo cứu văn hóa Việt Nam, giữa tư liệu Hán Nôm truyền thống với tư liệu Hán Nôm trong lưu trữ thuộc địa, trong trường hợp cụ thể của ấn triện đền Trần, có thể chạm tới ít nhiều nhận thức mới về tôn giáo-tín ngưỡng của người dân Việt trong một thời điểm của lịch sử.

Điểm tựa của sự kiện Ấn đền Trần (Nam Định) theo lý giải đương đại

Việc phát ấn đền Trần (Nam Định) hiện nay được tổ chức vào đêm ngày 14 tháng Giêng thu hút ngày càng nhiều người đến tham dự và xin ấn. Cơ sở của hoạt động phát ấn này được giải thích qua hai sự kiện: cách lý giải nguồn gốc Lễ Khai ấn của người đương đại và chuyện trong một bài thơ được viết trong giai đoạn Lê sơ (1428-1527).

Câu chuyện lễ Khai Ấn

Câu chuyện lễ khai ấn ở đền Trần Nam Định chính thức được trang mạng của Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch giới thiệu qua bài viết "Nam Định: Lễ khai ấn đền Trần", có đoạn như sau:

"Lễ Khai ấn là một tập tục từ thế kỷ XIII, chính xác là vào năm 1239 của triều đại nhà Trần thực hiện nghi lễ tế tiên tổ. Tại phủ Thiên Trường, vua Trần mở tiệc chiêu đãi và phong chức cho những quan quân có công. Những năm kháng chiến chống Nguyên- Mông sau đó, Lễ khai ấn bị gián đoạn cho tới năm 1262 được Thượng hoàng Trần Thánh Tông cho mở lại.

(....) Trải bao năm tháng, ấn cũ không còn. Năm 1822, vua Minh Mạng qua Ninh Bình có ghé lại đây và cho khắc lại. Ấn cũ khắc là "Trần triều chi bảo", ấn mới khắc là "Trần triều điển cố" để nhắc lại tích cũ. Dưới đó có thêm câu "Tích phúc vô cương". Và từ đây, Lễ Khai ấn vào giờ Tý ngày rằm tháng Giêng (từ 11h đêm 14 đến 1h sáng ngày 15 tháng Giêng) vừa là để tế lễ Trời, Đất, Tiên tổ, và vừa nhằm chấm dứt ngày nghỉ Tết, bắt tay vào công việc năm mới”.

Như thông tin ở trên, từ năm 1239, lễ Khai ấn như là một tập tục tế tiên tổ nhà Trần đã được thực hiện, và sau thời gian bị gián đoạn vì đánh giặc Nguyên Mông, tới năm 1262, vua Trần Thánh Tông cho mở lại Lễ Khai ấn. Tuy nhiên trong Đại Việt sử ký toàn thư chỉ thấy chép rằng:

“Kỷ Hợi (1239), mùa Xuân, tháng Giêng, lại cho Phùng Tá Chu chức Nhập nội Thái phó. Sai [Chu] về hương Tức Mặc xây dựng nhà cửa, cung điện."[1]

"Nhâm Tuất (1262), mùa Xuân tháng 2, Thượng hoàng ngự đến hành cung Tức Mặc, ban tiệc lớn. Các hương lão từ 60 tuổi trở lên, mỗi người được ban tước hai tư[2], đàn bà được hai tâm lụa. Đổi hương Tức Mặc làm phủ Thiên Trường, cung gọi là Trùng Quang..."[3].

Bài thơ [được coi là] của Đỗ Hựu (1441-?) giai đoạn Lê sơ

Bài thơ chữ Hán "Thập tứ dạ quan khai ấn hội" (Đêm 14 xem hội phát ấn) được Hội Văn học nghệ thuật Nam Định giới thiệu trong công tình 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, Thiên Trường- Nam Định- thơ[4]. Đây được xem là bài thơ trực tiếp đề cập đến hoạt động khai ấn ở đền Trần (Nam Định).

Như thông tin trong ấn phẩm này, tác giả bài thơ là Đỗ Hữu (1441-?), người xã Đại Nhiễm (thời Trần gọi là xã Văn Tập) huyện Ý Yên (Nay thuộc xã Yên Bình huyện Ý Yên tỉnh Nam Định), tỉnh Nam Định. Năm 38 tuổi, ông đỗ Đệ Tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Mậu Tuất (1478) quan Lại bộ Tả Thị lang.

Thập tứ dạ quan khai ấn hội

Tằng văn tích nhật hữu Trần vương Tức

Mặc do lưu tộc tổ đường

Vạn Khoảnh di lai điền địa quảng

Khang thôn định trạch hiếu hòa chương

Triển thành dĩ tế tiền ngư miếu

Khai ấn duy kỳ hậu khắc xương

Thiên hạ như kim thùy đối thử

Tư dân tư ấp vọng ân trường.

Dịch nghĩa:

Đêm 14 đi thăm hội khai ấn

Từng nghe rằng ngày trước vua Trần

Ở đất Tức Mặc có đền thờ tổ

Ban đầu dời tới Vạn Khoảnh[5] đất đai rộng rãi

Sang Khang thôn, lấy sự hiếu với mẹ cha, hòa cùng anh em cư trú

Từ ấy tỏ lòng thành kính hằng năm tế tại Ngư miếu

Và khai ấn để cầu sự tốt lành cho lớp tương lai[6]

Nay trong thiên hạ, nơi nào sánh được

Thế là dân làng sở tại mãi mãi nhờ ơn to lớn[7].

Bài thơ Hán văn và bản dịch này được nhà nghiên cứu Hán Nôm ở Nam Định là Dương Văn Vượng sưu tầm, sao chép, phiên dịch từ trước, sau đó, được lựa chọn và công bố nhân đại lễ mừng Thăng Long nghìn năm tuổi. Từ những chỉ dẫn của ông Vượng cùng một số nhân vật tham gia biên soạn công trình này, những địa chỉ có thể liên quan tới việc lưu trữ, sao chép bài thơ thuộc các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, và thư tịch trong Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã được truy tầm lại. Tuy nhiên, đến nay chưa tìm thấy bất cứ thông tin nào về bản gốc, cũng như các bản sao khác của bài thơ chữ Hán nêu trên.

Lịch sử khoa cử nho học Việt Nam khẳng đính thân thế, lai lịch của tác giả Đỗ Hựu, người đồng hương trên đất Thiên Trường với các đời vua Trần thế kỷ XIII-XIV. Nhưng bài thơ "Thập tứ dạ quan khai ấn hội" có đích thực do Đỗ Hựu sáng tác vào thế kỷ XV trong dịp trực tiếp chứng kiến hội khai ấn tại di tích nhà Trần tại hành cung Thiên Trường (Nam Định) hay không là câu hỏi bỏ ngỏ.

Hoạt động khai ấn và phát ấn đền Trần ở địa phương này thu hút manh mẽ một bộ phận quần chúng khiến dư luận tưởng như quên rằng, không riêng Nam Định có lễ hội này. Kiếp Bạc (Chí Linh, Hải Dương) - nơi Trần Quốc Tuấn tạ thế - là một di tích đền Trần lâu đời. Được thư tịch ghi nhận thời điểm kiến tạo từ thế kỷ XIV, đền Trần ở Kiếp Bạc trải qua hằng thế kỷ gìn giữ lệ khai ấn và phát ấn. Đến thời điểm hiện tại, tư liệu điền dã cho biết có 04 chiếc ấn gắn liền với địa điểm Trần miếu này, bao gồm: Trần triều Hưng Đạo đại vương chi ân, Quốc pháp Đại vương, Vạn Dược linh phù, Phi thiên thần kiếm linh phù. Hoạt động văn hóa liên quan ấn đền Trần Kiếp Bạc vẫn tuần tự diễn ra tại đây, vào tháng Tám âm lịch hằng năm - dịp đại kỵ của nhân vật lịch sử Trần Quốc Tuấn. Ý nghĩa bảo trợ lương dân là nội dung chủ đạo trong những văn tự hiện diện trên các ấn tín này.

Như vậy, từ giác độ sử liệu, sự kiện phát ấn đền Trần ở Nam Định đang chờ những điểm tựa khoa học xác đáng. Nhìn rộng hon, đền Trần với các nhân tố văn hóa liên quan tới nó không tồn tại duy nhất tại một địa phương, một dịa điểm. Theo đó, biến thể từ các nhân tố văn hóa liên quan tới hệ thống đền Trần có khả năng là đa dạng mặc dầu được nảy sinh từ chung một đạo lý truy ân tiền nhân.

Di sản Hán Nôm: bóng dáng hoạt động của văn hóa đền Trần trong lịch sử

Quốc sử, Hội điển, văn khắc, tục lệ, địa phương chí, sáng tác văn học ... là nguồn sử liệu đã được tham khảo để lần tìm dấu tích hệ thống di chỉ và di văn của một giai đoạn lịch sử-văn hóa đặc sắc này. Tuy nhiên, nguồn tư liệu này chỉ là một phương tiện cơ bản những mong tái hiện, dù chỉ phần nào, diễn biến văn hóa của đền Trần và các nhân tố liên quan tới hệ thống di tích này qua các triều đại quân chủ Việt Nam.

Điều trước tiên nhận thấy, theo sử liệu, các tỉnh hành chính hiện nay gồm Quảng Ninh, Nam Định và Thái Bình là chốn trú ngụ, đỉnh cư, lập nghiệp ban đầu của những thế hệ tiền nhân triều đại nhà Trần ở Việt Nam. Những di tích đền miếu thờ phụng chủ yếu các vua nhà Trần hiện tại đều nằm ở các tỉnh này.

Đặc biệt, một nhân vật lịch sử của dòng họ này - Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn (1228­1300) - được tôn vinh và phụng thờ qua nhiều triều đại và trong lòng dân. Theo đó, hệ thống di tích thờ cúng "Đức Thánh Trần" hiện diện trong nhiều tỉnh: Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình. và sau này còn phát triển vào một số tỉnh vùng Nam bộ.

Lịch triều Hiến chương loại chí, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Đại Nam thực lục cung hiến không ít tư liệu về một số di chỉ này. Năm 1427, Bình Định vương Lê Lợi sai tu bổ ngôi đền thờ Hưng Đạo Đại vương vốn đã được lập tại núi Vạn Kiếp (nay thuộc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương) - nơi vị Quốc công Tiết chế tạ thế. Năm 1740 đời vua Lê Cảnh Hưng, vào dịp định thể lệ thờ tự ở Võ miếu (kinh đô Thăng Long, nay thuộc thành phố Hà Nội), Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn được phối thờ vào đây. Lịch triều Hiến chương loại chí, Nhân vật chí, có chép về phép linh nghiệm ở đền thờ Trần Hưng Đạo:

“Trần Quốc Tuấn (...). Sau khi ông mất, vua tặng phong là Hưng Đạo đại vương. Có đền thờ tôn nghiêm ở Vạn Kiếp huyện Chí Linh. Mỗi khi có giặc, làm lễ cáo ở đền, nếu kiếm trong hòm có tiếng kêu lên thì thế nào cũng thắng trận. Trong nước hễ có đàn bà bị Bá Linh ám ảnh, gọi là ma Phạm Nhan, người ta thường đem chiếu đổi chiếu của đền về trải giường cho bệnh nhân nằm thì khỏi ngay”[8].

Nam Định tỉnh địa dư kí[9] có chép:

(Miếu Trần Hưng Đạo đại vương ở xã Bảo Lộc, nay đổi là Hà Lộc. Hàng năm vào ngày 20 tháng 8 kỵ nhật, sĩ thứ bốn phương đến bái lễ,... Cố cung Trần miếu ở xã Tức Mặc. Sử chép năm Thiệu Long (Trần) Thánh Tông thứ 4 (1262) đổi Hành cung Tức Mặc thành cung Trùng Quang, sau các vua Trần nhượng ngôi đều về ở đây. Lại cho xây Ngự cung Lai triều...)

Trần miếu bi kí[10] được khắc vào niên đại Tự Đức thứ 6 (1853), dựng tại đền Tức Mặc cho biết:

 (Tức Mặc vốn là cố hương vua nhà Trần từ trước, có miếu thờ vua Trần ở đó. Trải bao đời được thờ tự long trọng, triều ta luôn tôn sùng. Coi xét điển lễ cũ, thấy sùng bái rất trọng hậu. Khi tế lễ, quan địa phương phụng chiếu kính cẩn nghiêm trang. Mùa xuân năm Tự Đức thứ 5 (1852), quan tỉnh là Phan Huy Vịnh tới thăm miếu, thây quy mô nhỏ hẹp, không xứng với đức sáng ngời của các đời vua thủa trước, bèn bàn với Tiên Chế đài Nguyễn Văn Điển dâng sớ xin tu sửa. Được triều đình cho phép, lại xuất tiền trong kho 300 quan để’ chi phí, bàn với quan đài tôn thất, hội với các quan văn võ cúng tiền lương bông, dân địa phương đóng góp công sức. Tài lực đã đủ, liền phái quan lại tỉnh thuộc cùng sắc mục thôn âp khởi công xây dựng. Quan Tông đốc Định An là Vĩnh Trung nam Lê Văn Phú, Bố chánh sứ Lê Bỉnh Đức, cùng quan Án sát Hoàng Kim Viêm trông coi. Khởi công tháng 5 năm Nhâm Tý đến tháng 6 năm Quý Sửu (1853) hoàn thành, chi phí tới 7 ngàn quan tiền.

Tiết Trung hoán tháng 6 năm năm Tự Đức thứ 6 (1853), Tam giáp Tiến sĩ Dương Đình Ngô Thế Vinh soạn văn bia).

Làng Tức Mặc xưa thuộc đất Thiên Trường - cố hương của nhà Trần (nay thuộc phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định) là nơi phụng thờ các vua nhà Trần. Tuy nhiên, tục lệ của làng này được chép trong "Tục lệ xã Tức Mặc tổng Đông Mặc huyện Mỹ lộc tỉnh Nam Định"[11], thì chỉ cho biết về hội "giao điệt" (tức hội vật). Tục lệ xã Tức Mặc ghi:

(Lệ ngày 15 tháng Giêng lệ Giao điệt, đặt ruộng 2 sào, lễ dùng hai thủ lợn, xôi, rượu, toàn dân trong xã thôn cùng tế lễ, lễ xong ban đều lộc).

Tài liệu địa phương chí Nam Định tỉnh chí cũng cho biết về hội Giao điệt này như sau:

(Tại đền Trần Tức Mặc, ngày 15 tháng Giêng hàng năm có hội Giao điệt, xã Đệ Nhị vào ngày 15 tháng 8, xã Phụ Long ngày 18 tháng 10, đều có hội đua thuyền. Có câu ca rằng: Ba năm chúa mở khoa thi, Đệ Nhât thì xướng, Đệ Nhì thì bơi. Đệ tứ thì đánh cờ người, Phương bông tứ xứ mông mười tháng ba).

Giao điệt hội tức Hội vật ở đền Tức Mặc là một hoạt động trong dịp lễ để ghi nhớ công ơn các vị tiên đế nhà Trần, định ngày mở hội của các xã lân cận. Tương tự, ở đền vua Trần (nay thuộc huyện Hưng Hà, Thái Bình) là lễ tế cá.

Theo lệ xưa, Tức Mặc hàng năm đều tổ chức tế lễ các vị vua nhà Trần. Tức Mặc là cố trạch nhà Trần, vua Trần hằng năm trở về cúng lễ, bái yết tiên tổ. Đến thế kỷ XIX, hành cung chỉ còn là ngôi miếu như bức đại tự tại hậu cung hiện còn được đề là Trần miếu (Miếu nhà Trần). Hội rằm tháng Giêng thì chỉ có hội vật và đua thuyền. Chưa tìm thấy ghi chép nào về hoạt động phát ấn, duy uy linh Đức Thánh Trần giúp trừ tà ma, trị bệnh thì thấy được chép trong Lịch triều hiến chương loại chí.

Tư liệu địa phương chí đã vậy. Quốc sử các triều đại đã vậy. Trong Hội điển được biên soạn vào thời Nguyễn (thế kỷ XIX)[12] cũng không tìm thấy chi tiết nào đề cập hoạt động phát ấn ở bất cứ di tích đền Trần nào trong lịch.

Từ năm 1858, quốc gia Việt Nam ngày một chịu ảnh hưởng rõ nét từ sức mạnh nhiều mặt của người Pháp. Từ đó sang tới bốn thập niên đầu tiên của thế kỷ XX, theo đà áp đặt sức mạnh chính trị-kinh tế, người Pháp ngày càng rộng chân thực hiện các khảo cứu văn hóa bản địa Việt Nam. Những ấn phẩm du khảo văn hóa của họ đã trở thành một bộ phận lưu trữ dấu ấn văn hóa đa diện của con người Việt Nam thời ấy. Liên quan tới các di tích nhà Trần trên lãnh thổ Việt Nam, cũng chỉ tìm thấy những ghi chép về "Đức Thánh Trần Hưng Đạo". Có thể kể tới:

Les Annamites: Société, Coutumes, Religions[13] [Dân An Nam: Xã hội, Tập quán, Tôn giáo] của Colonel E. Diguet cho biết một ngôi chùa ở Cao Bằng được dựng mới hoàn toàn vào năm 1905 dành để tôn thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo.

Trong Magie & Religion annamites[14] [Ma lực và Tôn giáo An Nam] của Paul Giran - một quan chức hành chính ở Đông Dương, được biết thêm qua nhận thức của người Pháp về tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần như là một chỗ dựa tinh thần vững chãi khi người dân bất an, một sức mạnh siêu nhiên trợ giúp khi người dân gặp hạn hán, dịch bệnh..

Indochine du Nord: Tonkin, Annam, Laos, Yunnam, Kouang-Tcheou Wan[15] [Xứ Bắc Đông Dương: Bắc bộ, An Nam, Lào, Vân Nam, Quảng Châu loan] của Madroll chỉ dẫn về đền Kiếp Bạc, còn có tên Hộ Quốc, được nhấn mạnh là một trong những di tích tôn giáo nổi tiếng nhất nước Nam, nơi thờ Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn.

Tình hình tư liệu chỉ cho phép người đọc đời sau nhận thấy rõ nét vị thế được tôn kính và sùng tín của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn trong tín ngưỡng người dân Việt, cụ thể là người dân vùng Bắc bộ tính cho tới nửa đầu thế kỷ XX.

Nền hành chính thuộc Pháp ở Đông Dương trong lúc chờ đợi những phán xét nghiêm khắc của lịch sử, đã thể hiện một số công dụng hữu ích. Đáng kể trong đó là hệ thống tư liệu lưu trữ có khả năng tái hiện diễn biến của toàn bộ xã hội Việt Nam từ nửa sau thế kỷ XIX tới nửa đầu thế kỷ XX.

Liên quan tới một (hoặc một số) đơn vị ấn triện trong di tích Trần miếu, cho đến nay chỉ tìm thấy một hồ sơ lưu trữ thuộc Văn khố hải ngoại (còn gọi là Văn khố Bộ Thuộc địa) hiện tọa lạc tại Aix-en-Provence (Pháp quốc)[16]. Tại đây, trong văn khố Đông Dương, phông cũ của Tòa Thống sứ Bắc kỳ có một hồ sơ lưu trữ diện mạo văn tự trên ấn đền Trần ở Nam Định. Y theo "án tại hồ sơ", vào năm 1898, chí ít có bốn đơn vị ấn của đền Trần (Mỹ Lộc, Nam Định) được lưu hành bản in rập trong dân:

Ấn 1 : (Bản tự chi từ phụng sự Trần triều hiển thánh sắc tứ tín ngưỡng chi bảo)

Ấn 2 : (Trần triều đức phát đương thời tín ân)

Ấn 3 : (Ngũ hô hiệu ký)

Ấn 4 : (Phật Pháp tăng bảo)

Bản Hán văn chân thư tái hiện văn tự trong 04 ân đền Trần (Nam Định)

(Nguồn: Tư liệu lưu trữ hải ngoại Pháp quốc, ANOM, Fonds RST)

Ấn bản của một trong 04 mặt ấn ở di tích nhà Trần (Mỹ Lộc, Nam Định)

Bản Hán văn chân thư tái hiện văn tự trong 04 ân đền Trần (Nam Định)

(Nguồn: Tư liệu lưu trữ hải ngoại Pháp quốc, ANOM, Fonds RST)

Trong hồ sơ này, cùng với bản in màu đỏ trên nền giấy vàng của 04 dấu ấn đền Trần (Nam Định), bản Hán văn do người đương thời (năm 1898) minh họa lại các văn tự triện thư trong ấn, là báo cáo bằng Pháp văn của Police indigène [Cảnh sát bản xứ], thuộc Tòa Công sứ Hà Nội, trực thuộc Thống sứ Bắc kỳ:

(Bản dịch)[17]:

Hà Nội ngày 27 tháng Tư năm 1898

Hôm qua, có hai người bản địa đến từ Nam Định, có lẽ là các thầy cúng, dừng chân ở Hà Nội, tại phố Sinh Từ, đã phát cho một số dân An Nam ở phố' này một mảnh giây vàng in mây dâu ân mà sau đây là một bản kèm theo. Họ nói rằng mảnh giấy này là của một ngôi miếu ở Mỹ Lộc thuộc tỉnh Nam Định, nó được phát ra để7 dán trong nhà ở nhằm phòng ngừa bệnh tật quanh năm cũng như trong những năm sau này. Hai người bản địa này sau đó đi về phía làng Tân Âp.

Ngày 28 cùng tháng diễn ra một cuộc thi chim trong chùa Phương Bai[18] (phố Hàng Gạch).

Hà Nội ngày 28 tháng Tư năm 1898.

Bản dịch ấn triện:

04 ấn khác nhau:

1/ Ngôi đền này thờ Đức Thánh Trần.

Văn bằng này được cấp ấn rất cao quý.

21 Ấn về một nhân vật của triều đại nhà Trần, người nổi danh tài đức đương thời.

31 Chữ ký với dấu ấn “Ngũ Hổ".

4/ Dấu ân cao quý về tăng chúng, về luật pháp và về Phật giáo (ý dịch của chữ Tăng, Pháp, Phật).

Vị thánh này là một nhân vật vĩ đại của triều đại các vua Trần, tên gọi Trần Quốc Tuân, chú của vua Trần Nhân Tông (vị vua thứ ba của triều Trần, trị vì từ năm 1279 tới 1293). Ông nôi tiếng với công tích đánh bại một trong những viên đại tướng quân Nguyên Mông.

Ông được tôn thờ chủ yếu ở Chí Linh (Hải Dương, vùng Đông Triều), ở Mỹ Lộc (Nam Định)..., nói chung trong [hầu hết] các tỉnh Bắc Kỳ.

Ông được thờ phụng bởi các bậc cha mẹ mong muốn dạy dỗ con cái thật tốt.

Sinh thời, ông đã được tặng danh vị Hưng Đạo Đại vương [với ý nghĩa] là vị Đại vương [dẫn dắt] đạo hưng phát.

“Ngũ Hổ" chỉ 5 vị đại tướng cầm quân dưới quyền chỉ huy của Trân Quốc Tuấn.

Đền Trần và tín ngưỡng Đức Thánh Trần : tiếng nói từ tư liệu

Tư liệu ít ỏi cho thấy, ít nhất vào thời điểm năm 1898, riêng một di tích văn hóa thuộc huyện Mỹ Lộc (Nam Định) có sự lưu hành của bốn 04 mặt ấn liên quan tới đức tin tôn kính công tích của triều đại nhà Trần (thế kỷ XIII). Theo ghi nhận hành chính đương thời, ý nghĩa tâm linh hàng đầu của các mặt ấn ấy dành cho việc phòng ngừa bệnh tật. Một điều khác biệt so với đương đại: trong khi nhiều năm liền, dân chúng đương đại tấp nập đổ về Nam Định tham dự và cầu được sở hữu một bản in của ấn đền Trần, thì hơn một thể kỷ trước, người nhà đền (hay chùa) của Trần miếu từ Nam Định lặn lội lên Hà Nội để phát tận tay người dân những bản in dấu ấn ấy. Thư tịch chưa thể ghi nhận toàn diện mong muốn của người đương đại trên hành trình xin ấn đền Trần. Song với quan điểm sức khỏe là hàng đầu, rất nên công nhận tính thiết thực của người dân Việt hồi cuối thế kỷ XIX trong tín ngưỡng ấn đền Trần.

Đền Trần mặc dù xuất phát điểm là Trần miếu dành để thờ phụng các thế hệ tiền nhân và vua nhà Trần, qua thời gian nhân vật lịch sử Trần Quốc Tuấn được tôn vinh hơn cả và được phụng thờ bền bỉ trong tâm thức dân gian của nhiều di tích này.

Có thể thấy, « đền Trần » ban đầu chỉ là di tích của một dòng họ Trần phụng thờ tiền nhân của họ, dù đó là vương tộc. Tầm vóc lớn lao của nhân vật lịch sử Trần Quốc Tuấn của dòng họ ấy đã đáp ứng đức tin vào sức mạnh siêu nhiên như là khao khát tâm linh truyền đời của dân gian vùng Bắc bộ. Điều này thúc đẩy sự kiện ra đời thêm những đền miếu khác thờ đức Thánh Trần, ở đó, công lao lịch sử của vị Hưng Đạo Đại vương dần dà được thấm đẫm kỳ vọng tùy vào nhu cầu thiết thực của chúng dân. Năm 1898 không chỉ là riêng năm 1898, ấy là một thời điểm trong triền miên thực tế trải nhiều phen thiên tai dịch họa ở Bắc kỳ. Người dân cuối thế kỷ XIX cầu khẩn sự che chở khỏi dịch bệnh cũng không khác tâm lý của quần chúng đầu thế kỷ XXI cầu công danh thành đạt để đảm bảo cuộc sống giảm thiểu rủi ro.

Tín ngưỡng chuyển đổi theo nhu cầu đời sống là hiện tượng có thực. Song không gian văn hóa của mỗi di tích cần được thấu hiểu và giữ nguyên vẹn càng nhiều càng tốt ý nghĩa ban đầu của nó, với ngụ ý như là đất tổ, cây gốc, để phái sinh những biến thể khỏe mạnh, tốt lành.

Đền Trần trong chiều dài lịch sử văn hóa vùng Bắc bộ Việt Nam, dựa vào chứng cứ tư liệu, chưa từng bùng phát hiện tượng phát hành bản in ấn triện trên phạm vi quá rộng, với ý nghĩa tâm linh bồng bột lệch lạc như trong những năm đầu thập kỷ thứ hai của thế kỷ XXI. Thêm nữa, các mặt ấn đền Trần trong lịch sử không chỉ có một như nội dung ấn được lưu hành trong lễ Khai ấn và hội phát ấn đền Trần ở Nam Định đương đại. Di tích đền Trần qua nhiều thế kỷ đã tăng về số lượng, đa dạng về địa bàn, có khả năng mặt ấn được thờ trong các đền Trần là không hoàn toàn giống nhau. Tôn trọng sự khác nhau trong từng di tích dù có chung đối tượng tôn thờ là một cách lưu trữ tính đặc sắc, đa dạng của văn hóa.

Về phương diện nguồn tư liệu đối chiếu, cùng với di văn Hán Nôm truyền thống nói riêng, di sản cổ học Việt Nam nói chung, nên tận dụng ưu điểm về truyền thống và khoa học lưu trữ tài liệu của phương tây mà người Pháp đã thực thi ở Việt Nam, chí ít trong nền hành chính thuộc địa giai đoạn thế kỷ XIX - nửa đầu thế kỷ XX. Mặc dù cách nay đã hơn một trăm năm, nguyên tắc lưu trữ hồ sơ, điều kiện khoa học kỹ thuật phát triển cho ra đời các thiết bị công nghệ như máy in, máy ảnh< có khả năng cho phép bảo quản lâu dài một phần diện mạo của lịch sử. Trong một số đề tài nghiên cứu cổ học, cùng với việc coi trọng tư liệu xưa cũ, hãy nghĩ tới các văn khố lưu trữ với vị trí là một nguồn tư liệu khác biệt có giá trị tương đương, có tác dụng bổ túc đáng tin cậy.

Tư liệu tham khảo (trích yếu):

Thư tịch Hán Nôm:

Nam Chân thập lục vịnh, A.3099, Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

Nam Định tỉnh địa dư chí, A.609, Viện Nghiên cứu Hán Nôm,.

Văn bia miếu Trần {13516}, Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

Nam Định tỉnh Mỹ Lộc huyện Đông Mặc tong Tức Mặc xã tục lệ, kí hiệu AEa11/16 Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

Tư liệu lưu trữ Hán Nôm (Việt Nam và Pháp):

Văn khố Đô đốc và Toàn quyền Đông Dương - GGI

Văn khố Thống sứ Bắc kỳ - RST

Ấn phẩm:

Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ. Bản dịch (1998), Tập n, Hà Nội: Nxb. Khoa học xã hội. Lịch triều hiến chương loại chí, Nhân vật chí. Bản dịch, T.1, (1992), Hà Nội: Nxb. Khoa học xã hội.

Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ chính biên (8 sách) Viện Sử Học dịch (2005). Huế, Nxb. Thuận Hóa.

Hội Văn học nghệ thuật Nam Định (2010), 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, Thiên Trường- Nam Định- thơ, Nxb. Hội nhà văn.

Ngô Đức Thọ chủ biên (1993), Các nhà khoa bảng Việt Nam, Nxb. Văn học.

Tong tập văn học Việt Nam (1999), tập 3. Hà Nội: Nxb. Khoa học xã hội.

Tư liệu đương đại về hoạt động văn hóa truyền thống Việt Nam.

 


[1]              Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ, Q.V, tờ 11b. Bản dịch (1998), Tập II, Hà Nội: Nxb. Khoa học xã hội. tr.17.

[2]              Thuật ngữ quan chức thời xưa, mỗi cấp bậc chia làm nhiều tư, đủ số tư nhất định thì thăng 1 cấp.

[3]              Đại Việt sử ký toàn thư, Bản dịch (1998), Tập II, đd, tr.33.

[4]              1000 năm Thăng Long-Hà Nội, Thiên Trường- Nam Định- thơ, (2010), Nxb. Hội nhà văn.

[5]              Vạn Khoảnh: « Nhà Trần vốn gốc ở Mân Châu mang họ Dương, dời đến Yên Tử vẫn thế, về Vạn Khoảnh vẫn chưa đổi, sau sang Khang Kiện (Tức Mặc), vì bất hòa nên mới chia ra. Chi họ Dương dời sang lập làng Dương Xá (nay là xã Tiến Đức, Hưng Hà, Thái Bình). Chi ở lại lấy họ Trần, nay là Tức Mặc, Mỹ Lộc, Nam Định » (Nguyên chú trong sách 1000 năm Thăng Long-Hà Nội... đd.).

[6]              « Lệ này tương truyền là lệ vốn có của tộc đảng chốn quê của họ Trần. Thiên hạ không thấy có lệ ấy » (Nguyên chú trong sách 1000 năm Thăng Long-Hà Nội...đd.).

[7]              Bản dịch của Dương Văn Vượng, in trong sách 1000 năm Thăng Long-Hà Nội...đd. Tr.96-97.

[8]              Lịch triều hiến chương loại chí, Nhân vật chí, bản dịch, T.1, (1992). Hà Nội: Nxb. Khoa học xã hội, tr. 311.

[9]              Nam Định tỉnh địa dư chí, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, A.609, tờ 32.

Viện Nghiên cứu Hán Nôm, N. 13516.

[11]           Bản Hán văn, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, AEa11/16.

[12]           Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ chính biên (8 sách). Viện Sử Học dịch. Huế: Nxb. Thuận Hóa, 2005.

[13]           Paris : Augustin Challamel, 1906.

[14]           Paris : Augustin Challamel, 1912.

[15]           Paris : Libraire Hachette In lần hai : 1925. Paris : Société d'Edtions Géographiques. In lần ba : 1932.

[16]           Việc tìm kiếm tư liệu lưu trữ tại Việt Nam có liên quan tới di tích đền Trần và hoạt động văn hóa ấn đền Trần, tính đến thời điểm này (08/2016) không cho thấy kết quả khả quan nào.

[17]           V.A. thực hiện.

[18]           Có lẽ chỉ chùa (hoặc đình) thuộc thôn Hương Bài, một di tích văn hóa tọa lạc trên phố Ngõ Gạch (Hà Nội hiện nay).