MỘT SỐ NỘI DUNG ĐÁNG LƯU Ý VỀ “QUYỀN SỞ HỮU VÀ QUYỀN KHÁC ĐỐI VỚI TÀI SẢN” CỦA BỘ LUẬT DÂN SỰ NĂM 2015
(Tọa đàm ngày 17/6/2016, Dự án JICA)
Bùi Thị Thanh Hằng
Khoa Luật Đại học Quốc gia-Hà nội
Bộ luật dân sự năm 2005 trên cơ sở kế thừa truyền thống của pháp luật dân sự Việt Nam về cơ bản đã có những đóng góp quan trọng trong công cuộc hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực tư cũng như đã có những tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam đang dần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế cũng như đứng trước yêu cầu bảo vệ quyền con người ngày càng được đề cao, Bộ luật Dân sự năm 2005 đã bộc lộ nhiều hạn chế do chưa thực sự tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như chưa thực sự bảo đảm tốt được các quyền dân sự của con người. Đây là lý do ngày 24 tháng 11 năm 2015 Quốc hội khóa XIII tại Kỳ họp thứ 10 đã thông qua Bộ luật dân sự sửa đổi (Bộ luật Dân sự năm 2015) nhằm khắc phục những bất cập của Bộ luật Dân sự năm 2005 và đưa pháp luật dân sự Việt Nam tiếp cận gần hơn với pháp luật dân sự thế giới.
Bộ luật Dân sự năm 2015 với nhiều sửa đổi, bổ sung được đánh giá là Bộ luật dân sự có nhiều điểm tiến bộ không chỉ về tư duy pháp lý, về cấu trúc mà còn cả về nội dung. Trong số những điểm tiến bộ đó, những thay đổi trong Phần thứ hai “Quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản” là những điểm mới làm thay đổi căn bản diện mạo của Bộ luật Dân sự năm 2015.
Thứ nhất. Về kết cấu và sử dụng thuật ngữ
Do chịu ảnh hưởng của mô hình Pandekten (Pandectist System) và lý thuyết phân loại quyền tài sản truyền thống (lý thuyết vật quyền và lý thuyết trái quyền), nên kết cấu của Bộ luật Dân sự năm 2015 đã logic và có tính khái quát lý luận cao. Đây cũng chính là cơ sở để lý giải cho sự hợp lý và tương đồng hơn về kết cấu của Phần thứ hai của Bộ luật Dân sự năm 2015 với một số bộ luật dân sự hiện đại trên thế giới. Với kết cấu 4 chương ghi nhận các nội dung: Những quy định chung; chiếm hữu; quyền sở hữu; quyền khác đối với tài sản, Phần thứ hai của Bộ luật Dân sự năm 2015 đã đưa ra một bức tranh chung về luật vật quyền Việt Nam. Đó là, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã chỉ rõ bên cạnh quyền sở hữu – một vật quyền quan trọng và đầy đủ nhất còn tồn tại các vật quyền khác (quyền khác đối với tài sản) là phân nhánh của quyền sở hữu hay còn được xem là các vật quyền hạn chế. Các quyền này bao gồm: quyền đối với bất động sản liền kề hay còn gọi là quyền địa dịch, quyền hưởng dụng, quyền bề mặt và các vật quyền bảo đảm hay còn gọi là vật quyền phụ thuộc. Đây là điều mà Bộ luật Dân sự năm 1995 và Bộ luật Dân sự năm 2005 chưa đạt được.
Mặc dù không sử dụng thuật ngữ “vật quyền” nhưng Bộ luật Dân sự năm 2015 đã đưa ra thuật ngữ chung để chỉ đến các vật quyền khác với quyền sở hữu. Điều này nhằm nhận dạng quyền sở hữu với tính cách là vật quyền chính – vật quyền đầy đủ, trọng tâm và được biết đến nhiều nhất hiện nay với các vật quyền còn lại là các phân nhánh của quyền sở hữu – hay còn gọi là vật quyền hạn chế. Điều này góp phần tạo nên sự thống nhất trong việc sử dụng thuật ngữ không chỉ trong lĩnh vực lý luận mà còn trong lĩnh vực hoạt động thực tiễn.
Thứ hai. Về các nguyên tắc và đặc tính của vật quyền
Dựa trên lý thuyết vật quyền, Bộ luật Dân sự năm 2015 lần đầu tiên đã ghi nhận đầy đủ và minh thị các nguyên tắc cũng như các đặc tính của vật quyền gồm:
· Nguyên tắc luật định (numerus clausus), nghĩa là các chủ thể của luật dân sự không thể tự do tạo ra các vật quyền (quyền đối vật) khác với các vật quyền mà luật pháp đã công nhận. Điều này thể hiện thông qua danh sách các quyền khác đối với tài sản mà Bộ luật Dân sự năm 2015 đưa ra bên cạnh quyền sở hữu và khẳng định “Quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản được xác lập, thực hiện trong trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định”.
· Đặc tính tác động trực tiếp lên đối tượng của vật quyền là đặc tính cho phép người có vật quyền được tác động trực tiếp lên đối tượng của vật quyền mà không phụ thuộc vào hành vi của người khác. Nguyên tắc này bắt nguồn từ lý thuyết cho rằng vật quyền là quyền nằm ngay trong vật (jus in re). Bộ luật Dân sự năm 2015 thông qua quy định nêu rõ quyền của chủ thể nắm vật quyền là “quyền của chủ thể trực tiếp nắm giữ, chi phối tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác” đã thể hiện rõ nguyên tắc này.
· Nguyên tắc vật quyền tuyệt đối được thể hiện thông qua hai khía cạnh. Khía cạnh thứ nhất là người có vật quyền có quyền thực hiện các quyền năng lên đối tượng của vật quyền hoàn toàn theo ý chí của mình miễn là không trái với quy định của luật. Khía cạnh thứ hai là người có vật quyền có quyền chống lại mọi chủ thể khác có hành vi xâm phạm đến vật quyền của mình, tức là người có vật quyền có khả năng đối kháng với mọi chủ thể khác. Đặc tính này được Bộ luật Dân sự năm 2015 ghi nhận qua quy định chủ sở hữu và các chủ thể vật quyền khác được “được thực hiện mọi hành vi” trong phạm vi vật quyền của mình;
· Nguyên tắc công khai là nguyên tắc nhằm bảo đảm tất cả mọi chủ thể đều có thể biết đến sự tồn tại của vật quyền cũng như sự dịch chuyển của nó. Nguyên tắc này được Bộ luật Dân sự năm 2015 thể hiện trong quy định buộc người nắm vật quyền có đối tượng là bất động sản phải đăng ký và quy định đòi hỏi người nắm vật quyền đối với động sản phải chiếm hữu thực tế tài sản;
· Đặc tính cụ thể của vật quyền cho phép xác định đối tượng của vật quyền bởi đặc tính này chỉ ra vật quyền chỉ có thể gắn với một vật xác định. Trong Bộ luật Dân sự năm 2015, đặc tính này được nêu rõ trong quy định vật quyền sẽ chấm dứt khi đối tượng của vật quyền không còn;
· Đặc tính ưu tiên là hệ quả của đặc tính đối kháng, cho phép người có vật quyền có lợi thế hơn so với các chủ thể không có vật quyền. Đặc tính ưu tiên được ghi nhận trong Bộ luật Dân sự năm 2015 qua quy định về quyền ưu tiên thanh toán của các chủ nợ có bảo đảm với việc cho phép “bên nhận bảo đảm… được quyền thanh toán”.
· Cũng như đặc tính ưu tiên, đặc tính truy đòi là hệ quả của đặc tính đối kháng. Đặc tính này được thể hiện thông qua việc cho phép “Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền đòi lại tài sản từ người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật.” và việc ghi nhận “bên nhận bảo đảm được quyền truy đòi tài sản bảo đảm”…
· Bên cạnh các đặc tính trên, do chịu ảnh hưởng của lý thuyết vật quyền Châu Âu, Bộ luật Dân sự năm 2015 còn ghi nhận minh thị nguyên tắc kép của vật quyền. Theo đó, một mặt vật quyền cho phép chủ thể được tự do thực hiện trực tiếp các quyền năng luật định lên vật và mọi chủ thể khác đều có nghĩa vụ tôn trọng quyền năng đó. Mặt khác, chủ thể có vật quyền cũng có nghĩa vụ tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của các chủ thể khác và phải chịu trách nhiệm trong trường hợp việc thực hiện vật quyền gây thiệt hại cho người khác.
Về thời điểm xác lập vật quyền
Trước đây Bộ luật Dân sự năm 2005 chỉ tập trung quy định về quyền sở hữu mà chưa quan tâm đúng mức đến các vật quyền khác, do vậy trong Bộ luật Dân sự năm 2005 chỉ ghi nhận thời điểm xác lập quyền sở hữu mà không quy định về thời điểm xác lập của các vật quyền khác. Do đã nhận diện một cách tương đối đầy các vật quyền cũng như tầm quan trọng của các vật quyền hạn chế nên Bộ luật Dân sự năm 2015 đã có một điều khoản điều chỉnh thời điểm xác lập các vật quyền. Điều 161 Bộ luật Dân sự năm 2015 chỉ rõ thứ tự xác định thời điểm xác lập vật quyền là:
· Theo luật định với quy định “Thời điểm xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản thực hiện theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan”
· Theo thỏa thuận của các bên với quy định “trường hợp luật không có quy định thì thực hiện theo thỏa thuận của các bên”
· Theo thời điểm tài sản được chuyển giao với quy định “trường hợp luật không quy định và các bên không có thỏa thuận thì thời điểm xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là thời điểm tài sản được chuyển giao” với chỉ dẫn “Thời điểm tài sản được chuyển giao là thời điểm bên có quyền hoặc người đại diện hợp pháp của họ chiếm hữu tài sản”.
Bên cạnh đó, Bộ luật Dân sự năm 2015 còn nêu rõ nếu tài sản chưa được chuyển giao mà phát sinh hoa lợi, lợi tức thì hoa lợi, lợi tức thuộc về bên có tài sản chuyển giao, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Cùng với quy định về thời điểm xác lập quyền sở hữu và các vật quyền khác, Bộ luật Dân sự năm 2015 còn quy định minh thị hơn về thời điểm chuyển quyền sở hữu và các vật quyền khác trong trường hợp tài sản đã được chuyển giao trước thời điểm hợp đồng được giao kết bằng cách chỉ rõ đó chính là “thời điểm hợp đồng có hiệu lực, trừ trường hợp luật hoặc hợp đồng có quy định khác” và “thời điểm đăng ký” tại cơ quan có thẩm quyền nếu luật có quy định việc chuyển giao vật phải được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền.
Để bảo đảm các vật quyền có thể được công khai, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã sửa đổi căn bản quy định về đăng ký tài sản. Theo đó, nếu như Bộ luật Dân sự năm 2005 chỉ dừng lại ở quy định về đăng ký quyền sở hữu thì Bộ luật Dân sự năm 2015 đã mở rộng hơn phạm vi đăng ký không chỉ quyền sở hữu mà còn cho cả các vật quyền khác. Tuy nhiên, tiêu đề của điều luật chưa thực sự phù hợp với nội dung của điều luật. Theo chúng tôi sẽ là hợp lý hơn nếu đổi tiêu đề của Điều 106 từ “đăng ký tài sản” sang “đăng ký quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản” để phù hợp với nội hàm của điều luật và đúng hơn với bản chất là đăng ký vật quyền.
Có thể nói các quy định này chính là yếu tố quan trọng để giảm tối đa các tranh chấp trong trường hợp chuyển giao quyền sở hữu cũng như các quyền khác đối với tài sản.
Về chiếm hữu
Khác với Bộ luật Dân sự năm 2005, Bộ luật Dân sự năm 2015 không chỉ nhìn nhận chiếm hữu là một quyền năng của quyền sở hữu mà còn nhìn nhận chiếm hữu với tính cách là một tình trạng pháp lý. Việc nhìn nhận chiếm hữu là một tình trạng là nhằm hạn chế tối đa những hành xử mang tính vũ lực để đòi lại tài sản và qua đó nhằm giữ gìn sự bình ổn của xã hội hay duy trì trật tự xã hội. Với cách tiếp cận này, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã xây dựng riêng chế định chiếm hữu bên cạnh chế định sở hữu. Trước hết Điều 179.1 Bộ luật Dân sự năm 2015 đưa ra khái niệm: “Chiếm hữu là việc chủ thể nắm giữ, chi phối tài sản một cách trực tiếp hoặc gián tiếp như chủ thể có quyền đối với tài sản.” Có thể nhận thấy, khái niệm chiếm hữu của Bộ luật Dân sự năm 2015 tuy chưa thật sự rõ ràng nhưng đã phản ánh được nội hàm của khái niệm chiếm hữu được thừa nhận trong hệ thống pháp luật của các quốc gia trên thế giới, đó là đã thể hiện được yếu tố “corpus” với cụm từ “nắm giữ, chi phối tài sản một cách trực tiếp hoặc gián tiếp” và yếu tố “animus” với cụm từ “như chủ thể có quyền đối với tài sản”.
Quan trọng hơn, Bộ luật Dân sự năm 2015 còn đưa ra quy định cho phép suy đoán về tình trạng của người chiếm hữu, theo đó, người chiếm hữu luôn được suy đoán là ngay tình và do đó bất cứ ai cho rằng người chiếm hữu tài sản là không ngay tình thì phải chứng minh. Điều đó có nghĩa là người chiếm hữu luôn được suy đoán là người có quyền đối với tài sản cho đến khi có chứng minh ngược lại. Hệ quả của quy định này là trong trường hợp xảy ra tranh chấp về quyền đối với tài sản mà người đó đang chiếm hữu thì người này được mặc nhiên suy đoán là người có quyền đối với tài sản đó cho đến khi người có tranh chấp về quyền tài sản chứng minh được điều ngược lại. Bên cạnh đó, Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng chỉ rõ người chiếm hữu ngay tình nếu thực hiện việc chiếm hữu đó một cách liên tục và công khai thì trong thời hạn 10 năm đối với động sản và 30 năm đối với bất động sản sẽ được áp dụng thời hiệu hưởng quyền và được hưởng hoa lợi, lợi tức mà tài sản mang lại.
Như vậy, những thay đổi này không chỉ giữ gìn sự bình ổn hay duy trì trật tự xã hội mà còn là cơ sở để mọi chủ thể có thể yên tâm đầu tư khai thác tài sản một cách hiệu quả và không lãng phí.
Về mối quan hệ giữa các vật quyền
Bộ luật Dân sự năm 2015 đã bổ sung các quy định xác định rõ mối quan hệ giữa các vật quyền. Đó là, mặc dù nhìn nhận quyền sở hữu là một vật quyền đầy đủ nhất và quan trọng nhất nhưng Bộ luật Dân sự năm 2015 ưu tiên bảo vệ các vật quyền khác hơn so với quyền sở hữu thông qua việc ghi nhận “quyền khác đối với tài sản vẫn có hiệu lực trong trường hợp quyền sở hữu được chuyển giao” hay “chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ sự chiếm hữu của chủ thể đang có quyền khác đối với tài sản đó”… khi có nhiều vật quyền khác nhau cùng tồn tại trên một vật. Bên cạnh đó, chủ sở hữu tài sản cũng được bảo vệ một cách cân bằng trong mối quan hệ với chủ thể có vật quyền thông qua việc chỉ rõ “chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được tiếp tục sử dụng đất trong phạm vi quyền, nghĩa vụ của mình; quyền và nghĩa vụ của bên thế chấp trong mối quan hệ với chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được chuyển giao cho người nhận chuyển quyền sử dụng đất” trong trường hợp “thế chấp quyền sử dụng đất mà không thế chấp tài sản gắn liền với đất và người sử dụng đất đồng thời là chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất” và “người nhận chuyển quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất được tiếp tục sử dụng đất trong phạm vi quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được chuyển giao” trong trường hợp “thế chấp tài sản gắn liền với đất mà không thế chấp quyền sử dụng đất và chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất không đồng thời là người sử dụng đất”. Có thể nói đây là những quy định có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc tháo gỡ vướng mắc của giao dịch dân sự nói chung và giao dịch bảo đảm nói riêng trong thời gian qua, cho phép các chủ thể quyền yên tâm khai thác tối đa giá trị của tài sản và qua đó thúc đẩy giao lưu dân sự phát triển.
Về quyền sở hữu
Trên cơ sở xem quyền sở hữu là biểu hiện pháp lý của tài sản và là quyền tài sản quan trọng nhất, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã ghi nhận đầy đủ các đặc tính của quyền sở hữu với tính cách của một vật quyền như: là một quyền tuyệt đối và là một quyền mang tính vĩnh viễn. Đặc tính tuyệt đối của quyền sở hữu được thể hiện thông qua hai khía cạnh. Thứ nhất là chủ sở hữu có quyền nắm giữ và thực hiện các quyền năng của mình trực tiếp trên đối tượng của quyền sở hữu, hưởng dụng và định đoạt đối tượng của quyền sở hữu hoàn toàn theo ý chí của mình (một cách tuyệt đối nhất), miễn là không trái với quy định của luật. Thứ hai là chủ sở hữu có quyền chống lại mọi chủ thể khác có hành vi xâm phạm quyền sở hữu của mình hay cho phép chủ sở hữu ngăn cấm (không cho phép) các chủ thể khác tiếp cận, khai thác, sử dụng hay hưởng hoa lợi, lợi tức do đối tượng của quyền sở hữu mang lại. Nói cách khác, đặc tính này mang lại cho chủ sở hữu quyền thống trị tuyệt đối đối với đối tượng của quyền sở hữu. Như vậy, vật quyền của chủ sở hữu tồn tại ngay trên đối tượng của quyền sở hữu (jus in re) và tạo cho chủ sở hữu khả năng đối kháng với mọi chủ thể khác. Hệ quả của đặc tính đối kháng này là tạo cho chủ sở hữu quyền truy đòi và quyền ưu tiên. Đặc tính vĩnh viễn của quyền sở hữu cho phép quyền năng của chủ sở hữu tồn tại song hành với sự tồn tại của đối tượng quyền sở hữu. Điều này có nghĩa là về nguyên tắc quyền sở hữu chỉ chấm dứt khi đối tượng của quyền sở hữu không còn. Nói cách khác đặc tính này chỉ ra mối liên hệ trực tiếp giữa chủ sở hữu và đối tượng của quyền sở hữu. Đây là lý do mà hệ thống pháp luật của một số quốc gia luôn xem xét đặc tính này trong mối quan hệ với đặc tính cụ thể (speciality) của vật quyền.
Có thể nói thông qua các quy định về quyền sở hữu của Bộ luật Dân sự năm 2015, các đặc tính của quyền sở hữu đã được thể hiện tương đồng với đặc tính của quyền sở hữu được ghi nhận trong các bộ luật dân sự hiện đại.
Bên cạnh những thay đổi quan trọng về nội dung của quyền sở hữu, Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng có sự thay đổi cơ bản trong việc ghi nhận các hình thức của quyền sở hữu. Đó là, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã xác định lại các hình thức sở hữu ở Việt Nam với việc ghi nhận ba hình thức sở hữu là sở hữu toàn dân, sở hữu riêng và sở hữu chung. Sự sửa đổi này đã khắc phục các quy định mang tính liệt kê theo chủ thể và do vậy dẫn đến tình trạng trùng lắp về nội dung giữa các hình thức sở hữu cũng như sự chồng chéo nhưng lại thiếu tính bao quát giữa các hình thức sở hữu của Bộ luật Dân sự năm 2005. Trên cơ sở đó, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã xác định 3 hình thức sở hữu thay vì 6 hình thức sở hữu như trước đây. Việc xác định 3 hình thức sở hữu này là căn cứ vào tính đặc thù trong việc thực hiện các quyền năng của chủ sở hữu, cơ chế thực hiện quyền sở hữu cũng như vị trí của mỗi hình thức sở hữu đối với nền kinh tế quốc dân.
Về các vật quyền khác
Bộ luật Dân sự năm 2015 bên cạnh việc ghi nhận quyền sở hữu là vật quyền quan trọng nhất còn ghi nhận minh thị 3 vật quyền chính sau:
Thứ nhất là quyền đối với bất động sản liền kề hay còn được biết đến là quyền địa dịch. Tương tự Bộ luật Dân sự năm 2005, Bộ luật Dân sự năm 2015 không sử dụng thuật ngữ “quyền địa dịch” mà sử dụng cụm từ “quyền đối với bất động sản liền kề”. Mặc dù không thật chính xác trong việc sử dụng thuật ngữ nhưng về cơ bản nội hàm của các quy định từ Điều 245 đến Điều 256 về “quyền đối với bất động sản liền kề” đã thể hiện được bản chất và đặc tính của quyền địa dịch như: là quyền mang tính phụ thuộc, là quyền mang tính vĩnh viễn, là quyền mang tính tuyệt đối. “Quyền đối với bất động sản liền kề” là vật quyền bởi nó cho người hưởng quyền có được những quyền năng nhất định trên “bất động sản chịu hưởng quyền” dựa trên mối liên hệ giữa hai bất động sản, theo đó một bất động sản phải chịu gánh nặng nhằm phục vụ cho việc khai thác bất động sản còn lại thuộc quyền sở hữu của người khác. Đặc tính phụ thuộc của “quyền đối với bất động sản liền kề” được thể hiện qua việc quyền này tồn tại phụ thuộc vào sự tồn tại của mối liên hệ mật thiết giữa hai bất động sản thuộc hai chủ sở hữu khác nhau. Nói cách khác, “quyền đối với bất động sản liền kề” là một dịch quyền theo vật, có nghĩa là vật quyền này sẽ truyền cho những chủ sở hữu tiếp theo của bất động sản chịu địa dịch chừng nào giữa hai bất động sản còn tồn tại mối liên hệ nói trên. Đặc tính tính vĩnh viễn của quyền địa dịch là hệ quả của đặc tính cụ thể của quyền sở hữu được xác lập trên hai bất động sản thuộc hai chủ sở hữu khác nhau.
Thứ hai là quyền hưởng dụng. Bộ luật Dân sự năm 2015 lần đầu tiên ghi nhận thuật ngữ quyền hưởng dụng thay cho cụm từ “quyền của người không phải là chủ sở hữu”. Nhìn chung, điều này giúp các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 về quyền hưởng dụng tương đồng hơn với pháp luật của các quốc gia có hệ thống luật thành văn. Thứ nhất, định nghĩa được ghi nhận tại Điều 257 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã chỉ rõ quyền hưởng dụng là một phân nhánh của quyền sở hữu, theo đó người hưởng dụng có được hai thành tố của quyền sở hữu là quyền sử dụng và quyền hưởng lợi. Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng chỉ ra các đặc tính của quyền hưởng dụng, đó là: là vật quyền theo người (dịch quyền theo người), tính có thời hạn, tính tuyệt đối, tính bảo toàn giá trị của đối tượng quyền. Đặc tính tuyệt đối của quyền hưởng dụng thể hiện thông qua việc người hưởng dụng có thể thực hiện quyền của mình chống lại tất cả mọi người, thậm chí quyền của người hưởng dụng còn được bảo đảm trong mối tương quan với quyền sở hữu. Đặc tính tuyệt đối còn thể hiện ở quyền của người hưởng dụng trong việc cho phép hoặc ngăn cấm các chủ thể khác tiếp cận, khai thác, sử dụng hay hưởng hoa lợi, lợi tức do đối tượng của quyền hưởng dụng mang lại. Đặc tính theo người của quyền hưởng dụng thể hiện ở việc vật quyền này gắn liền với nhân thân của người hưởng dụng, điều đó có nghĩa là khi người có quyền hưởng dụng chấm dứt sự tồn tại thì quyền này cũng chấm dứt. Đặc tính có thời hạn của quyền hưởng dụng thể hiện thông qua thời hạn hưởng quyền không mang tính vĩnh viễn mà chỉ tồn tại trong một thời hạn nhất định. Đặc tính bảo toàn giá trị của đối tượng của quyền hưởng dụng thể hiện ở nghĩa vụ của người hưởng dụng trong việc giữ nguyên giá trị đối tượng của quyền hưởng dụng và phải hoàn trả lại đối tượng này đúng với giá trị ban đầu khi hết thời hạn hưởng quyền.
Thứ ba là quyền bề mặt. Đây là vật quyền được Bộ luật Dân sự năm 2015 lần đầu tiên ghi nhận minh thị tại Mục 3 Chương XIV Phần thứ hai. Mặc dù có sự khác biệt nhất định về quyền bề mặt trong hệ thống pháp luật Việt Nam và trong hệ thống pháp luật của một số quốc gia trên thế giới nhưng nhìn chung với các điều khoản từ Điều 267 đến Điều 273, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã thể hiện được bản chất và các đặc tính của quyền bề mặt. Theo Điều 267 Bộ luật Dân sự năm 2015, quyền bề mặt được hiểu là một vật quyền được hình thành nhằm cho phép một người có quyền “đối với mặt đất, mặt nước, khoảng không gian trên mặt đất, mặt nước và lòng đất mà quyền sử dụng đất đó thuộc về chủ thể khác”. Như vậy, có thể nhận thấy quyền bề mặt là một vật quyền sử dụng bởi nó cho phép một người không phải là người có quyền sử dụng đất được thực hiện trực tiếp các quyền năng tương tự quyền của chủ sở hữu lên mặt đất, mặt nước, khoảng không gian trên mặt đất, mặt nước, lòng đất mà quyền sử dụng đất đó thuộc về chủ thể khác và quyền năng này cũng cho phép người có quyền đối kháng với tất cả mọi người. Quyền bề mặt là vật quyền sử dụng có đầy đủ các thành tố của quyền sở hữu, điều đó có nghĩa là người có quyền bề mặt không chỉ có quyền sử dụng, quyền hưởng lợi mà còn có cả quyền định đoạt đối tượng của quyền bề mặt trong khi những người có vật quyền sử dụng khác như quyền hưởng dụng hay quyền địa dịch chỉ có thể có một số thành tố nhất định của quyền sở hữu như quyền sử dụng hoặc quyền hưởng lợi. Nói cách khác, nếu như xem quyền hưởng dụng và quyền địa dịch như những lát cắt dọc của quyền sở hữu thì quyền bề mặt được xem như lát cắt ngang của quyền sở hữu và là ngoại lệ của nguyên tắc “superficies solo cedit”. Do đó, có thể nói cách mà Bộ luật Dân sự năm 2015 điều chỉnh quyền bề mặt cũng tương tự như cách mà Bộ luật này điều chỉnh quyền sở hữu. Điều này cũng được chứng minh qua việc quyền bề mặt cũng có thể chịu những gánh nặng bởi những vật quyền khác tương tự như quyền sở hữu và khả năng tạo ra các vật quyền khác tương tự như quyền sở hữu, do đó, quyền bề mặt cho phép người có quyền có được quyền sở hữu một công trình xây dựng hay cây cối nhưng không phải mua quyền sử dụng đất để xây dựng công trình xây dựng hoặc để trồng trọt. Tuy nhiên, quyền bề mặt là quyền mang tính thời hạn, theo đó thời hạn của quyền bề mặt có thể được xác định trước hoặc không nhưng không thể vượt quá thời hạn của quyền sử dụng đất.
Về vật quyền bảo đảm
Như trên đã nêu, mặc dù không được liệt kê một cách trực tiếp tại Điều 159 Bộ luật Dân sự năm 2015, nhưng với quy định tại Điều 160.1 và các quy định được ghi nhận tại Mục 3 Chương XV của Phần thứ ba có thể nói quy định “Quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản được xác lập, thực hiện trong trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định” đã gián tiếp ghi nhận sự tồn tại của các vật quyền bảo đảm.
Với cách tiếp cận các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dựa trên cơ sở hình thành, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã chia các biện pháp bảo đảm thành hai nhóm: biện pháp bảo đảm hình thành trên cơ sở thỏa thuận và biện pháp bảo đảm hình thành trên cơ sở luật định. Trong đó nhóm biện pháp bảo đảm hình thành trên cơ sở thỏa thuận tiếp tục được chia làm hai nhóm nhỏ: Các biện pháp bảo đảm bằng tài gồm cầm cố tài sản, thế chấp tài sản, bảo lưu quyền sở hữu, đặt cọc, ký cược, ký quỹ và các biện pháp bảo đảm không bằng tài sản gồm bảo lãnh và tín chấp. Các biện pháp này cũng có thể được phân chia dựa trên tiêu chí đối tượng của bảo đảm là tài sản hay không phải tài sản. Với cách phân chia này, ta có thể nhận thấy danh sách các biện pháp bảo đảm bằng tài sản – bảo đảm đối vật trong Bộ luật Dân sự năm 2015 dài hơn so với hầu hết các quốc gia theo hệ thống luật thành văn và dài hơn so với Bộ luật Dân sự năm 2005. Do ghi nhận minh thị thêm hai biện pháp bảo đảm bằng tài sản là cầm giữ tài sản và bảo lưu quyền sở hữu, Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng đã ghi nhận minh thị thêm một loại vật quyền thứ hai hình thành trên cơ sở luật định bên cạnh các vật quyền phụ hình thành trên cơ sở thỏa thuận. Ngoài việc ghi nhận minh thị cầm giữ tài sản và bảo lưu quyền sở hữu tại Mục “Bảo đảm thực hiện nghĩa vụ”, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã tiếp cận tốt hơn lý thuyết vật quyền và trái quyền trong việc ghi nhận các biện pháp bảo đảm cũng như trong việc xác định hiệu lực giữa các bên trong hợp đồng bảo đảm và hiệu lực với người thứ ba. Bộ luật Dân sự năm 2015 đã thể hiện rõ hơn đặc tính phụ thuộc của các biện pháp bảo đảm nói chung thông qua quy định nêu rõ sự tồn tại cần thiết của mối liên hệ giữa các biện pháp bảo đảm và nghĩa vụ được bảo đảm (nghĩa vụ chính) với mục đích ghi nhận sự tồn tại của các biện pháp bảo đảm là nhằm bảo đảm sự an toàn cho các quan hệ nghĩa vụ chính. Do đó, các biện pháp bảo đảm chỉ được thực hiện khi đã đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ hoặc khi bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ theo thoả thuận hoặc theo quy định của luật . Đặc biệt hơn, so với các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005, các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 về các biện pháp bảo đảm bằng tài sản đã chỉ rõ đặc tính quan trọng của các biện pháp bảo đảm đối vật như: là vật quyền phụ thuộc, đặc tính đối kháng, đặc tính ưu tiên và đặc tính truy đòi. Đặc tính vật quyền của các biện pháp cầm cố tài sản, thế chấp tài sản, đặt cọc, ký cược, ký quỹ, bảo lưu quyền sở hữu và cầm giữ tài sản được thể hiện thông qua sự độc lập của chủ nợ (bên nhận bảo đảm) trong việc thực hiện quyền năng của mình thay vì phụ thuộc vào hành vi thực hiện nghĩa vụ của con nợ (bên bảo đảm), cho phép chủ nợ có thể tác động vào đối tượng bảo đảm, hay chính xác hơn là tác động vào giá trị tiền tệ của đối tượng bảo đảm và do đó đối tượng bảo đảm hay đối tượng của vật quyền được xem là sự dự trữ về giá trị và được sử dụng khi chủ nợ không còn sự lựa chọn khác cho việc thực hiện trái quyền của mình. Đặc tính đối kháng của các biện pháp bảo đảm đối vật được thể hiện ở chỗ, mặc dù trong hầu hết các biện pháp bảo đảm đối vật quyền của bên nhận bảo đảm được xác lập trên cơ sở hợp đồng bảo đảm (quan hệ trái quyền), nhưng quyền của bên nhận bảo đảm không chỉ có hiệu lực với bên kia trong quan hệ hợp đồng mà còn có hiệu lực đối kháng (chống lại) bên thứ ba không tham gia xác lập hợp đồng bảo đảm nếu đáp ứng được điều kiện về công khai vật quyền hay công khai hóa giao dịch bảo đảm. Đặc tính thứ ba là hệ quả của hiệu lực đối kháng, nghĩa là dựa trên hiệu lực đối kháng, các biện pháp bảo đảm đối vật đã tạo cho bên nhận bảo đảm một đặc quyền ưu tiên (đặc tính ưu tiên), theo đó các biện pháp bảo đảm đối vật cho phép bên nhận bảo đảm được ưu tiên thanh toán trước các chủ nợ khác và rộng hơn là trước các chủ thể quyền khác có quyền, lợi ích xung đột với bên nhận bảo đảm trên cùng một tài sản bảo đảm. Một hệ quả khác của đặc tính đối kháng của vật quyền bảo đảm được ghi nhận tại Điều 297.2 Bộ luật Dân sự năm 2015 là quyền truy đòi, theo đó, bên nhận bảo đảm có đặc quyền truy đòi tài sản bảo đảm để xử lý cho dù tài sản bảo đảm đang do ai nắm giữ hay đã được chuyển dịch cho bất cứ ai, trừ trường hợp luật có quy định khác bởi việc chuyển dịch tài sản bảo đảm không phải là sự kiện làm chấm dứt vật quyền của bên nhận bảo đảm.
Mặc dù Phần thứ hai của Bộ luật Dân sự năm 2015 vẫn còn một số hạn chế nhất định nhưng trên cơ sở các phân tích, đánh giá nêu trên có thể nói so với Bộ luật Dân sự năm 1995 và Bộ luật Dân sự năm 2005, các quy định về “Quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản” trong Bộ luật Dân sự năm 2015 tỏ ra khá tương đồng với hệ thống pháp luật của các quốc gia theo hệ thống luật thành văn khi tiếp cận quyền tài sản dựa trên lý thuyết truyền thống về vật quyền và trái quyền cũng như nhìn nhận tương đối đầy đủ các đặc tính của các loại vật quyền căn bản này. Sự thay đổi này có ý nghĩa không chỉ về phương diện học thuật mà còn có ý nghĩa về phương diện xã hội và kinh tế bởi nó cho phép tài sản có thể được khai thác tối đa giá trị và qua đó thúc đẩy giao lưu dân sự cũng như sự phát triển của nền kinh tế nước nhà.