Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
  • Thư viện điện tử và kho tin
  • Đề tài nghiên cứu cấp bộ
  • Đề tài nghiên cứu cấp nhà nước
  • Tham khảo tạp chí
  • Sách toàn văn
  • Thư điện tử
  • Chính phủ

Tình hình nghiên cứu, giảng dạy về Quyền con người tại Trường Đại học Luật

Chu Mạnh Hùng

25/07/2016

Buôn Ma Thuột, ngày 27/12/2014

TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, GIẢNG DẠY VỀ QUYỀN CON NGƯỜI TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI
Chu Mạnh Hùng*

1.         Yêu cầu về giảng dạy, nghiên cứu quyền con người trên thế giới và Việt Nam

Phần mở đầu Hiến chương Liên hợp quốc năm 1945 ghi nhận: “Một lần nữa thực sự tin tưởng vào những quyền cơ bản, nhân phẩm và giá trị của con người, ở quyền bình đẳng giữa nam và nữ, ở quyền bỉnh đẳng giữa các nước lớn và nhỏ” .

Mục đích của Liên hợp quốc là duy trì hòa bình và an ninh quốc tế; phát triển mối quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc; hợp tác quốc tế trên tất cả các lĩnh vực, “khuyến khích phát triển sự tôn trọng các quyền con người”. Như vậy, mục tiêu của Hiến chương Liên hợp quốc cũng như mục đích của Liên hợp quốc là thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, ủy ban quyền con người đã bắt tay soạn thảo và thông qua Tuyên ngôn về quyền con người năm 1948, trong đó khẳng định: mọi người có quyền được giáo dục, giáo dục cần hướng tới việc phát triển đầy đủ nhân cách con người và tăng cường sự tôn trọng quyền con người và các tự do cơ bản, (Điều 26).

Tuyên ngôn về quyền con người nhấn mạnh tới các giải pháp để hiện thực hóa các quan điểm về quyền con người đó là giáo dục và giảng dạy về quyền con người thông qua các biện pháp ở cấp độ quốc gia và quốc tế. Đây chính là đưa quyền con người vào thực tiễn cuộc sống bằng nhận thức để biến đổi hành vi, một giải pháp căn bản, lâu dài nhưng có ý nghĩa quan trọng.

Vấn đề quyền con người được coi là một trong các mục tiêu hoạt động chính của Liên hợp quốc: hệ thống các văn kiện quốc tế về quyền con người của Liên hợp quốc được thông qua; bộ máy các cơ quan chuyên trách và phối hợp về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người mà điển hình là ủy ban quyền con người Liên hợp quốc (nay là Hội đồng Nhân quyền) và các cơ quan giám sát việc thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người. Những năm gần đây, sự quan tâm và hoạt động của Liên hợp quốc về quyền con người ngày càng được tăng cường. Từ thập kỷ 90 của Thế kỷ XX, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động của Liên hợp quôc; và là nội dung chính trong các diễn đàn, chương trình nghị sự của các tổ chức quốc tế, hội nghị quốc tế.

Nghị quyết số 49/184 của Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 23/12/1994 tuyên bố Thập kỷ giáo dục quyền con người của Liên hợp quôc trong khuôn khô kế hoạch hành động của Thập kỷ giáo dục quyền con người giai đoạn 1995- 2004.

Năm 2004, Tổng Thư ký Liên hợp quốc đã tuyên bố Chương trình toàn cầu về Giáo dục quyền con người. Mục tiêu của giáo dục quyền con người là tăng cường hiểu biết về quyền con người cho toàn thế giới.

Trên phạm vi khu vực, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trong đó có giáo dục về quyền con người là mục tiêu của các cơ chế khu vực như: châu Âu, châu Mỹ, châu Phi. Châu Á chưa có cơ chế riêng về quyền con người mặc dù đã thể hiện tiếng nói chung trong Tuyên bố Băng cốc về quyền con người năm 19931. Các khu vực của châu Á đã xuất hiện những văn kiện và thiết chế về quyền con người như khu vực Nam Á. Khu vực Đông Nam Á với việc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á thông qua Hiến chương ASEAN đã đánh dấu bước phát triển quan trọng của tổ chức này mà Việt Nam là thành viên. Theo quy định của Hiến chương, ủy ban liên chính phủ ASEAN về quyền con người (AICHR) đã được thành lập. Ngoài ra, ASEAN còn có hai thiết chế khu vực khác về quyền con người: ủy ban thực hiện Tuyên bố ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy các quyền của người lao động di trú (ACMW) và ủy ban thúc đẩy bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em ASEAN (ACWC). Đây là những tiền đề hết sức quan trọng cho việc nghiên cứu, giáo dục về quyền con người của ASEAN cũng như ở Việt Nam.

Giáo dục quyền con người giúp mọi người hiểu các quyền và tự do cơ bản của mình, đồng thời nâng cao nhận thức về ý nghĩa và nghĩa vụ phải tôn trọng quyền con người - nền tảng của an ninh nhân loại. Thông qua các biện pháp có tính định hướng, con người sẽ hiểu rõ hơn về các quyền của mình và chủ động đấu tranh cho quyền lợi của chính mình cũng như của người khác2.

Quyền con người là một nội dung quan trọng của luật pháp quốc tế và pháp luật quốc gia. Vì vậy, nhiều quốc gia trên thế giới đã thành lập các tổ chức bảo vệ quyền con người, các cơ quan chuyên nghiên cứu, giảng dạy về quyền con người. Nhiều trường đại học lớn trên thế giới cơ cấu quyền con người là môn học bắt buộc hoặc lồng ghép quyền con người với các môn học khác. Các quốc gia Bắc Âu mà điển hình là Thụy Điển có Viện Luật nhân quyền và nhân đạo quốc tế Raoul Wallenberg; ở các nước Châu Á, giáo dục quyền con người là cách thức cơ bản nhằm nâng cao nhận thức, thúc đẩy, bảo vệ và thực thi quyền con người được áp dụng phổ biến và hiệu quả trong hệ thống các trường đại học. Các khoa luật của các trường này đã đưa môn học Luật quốc tế về quyền con người vào chương trình đại học và sau đại học: Đại học Mahido (Thái Lan) có chương trình đào tạo thạc sỹ về quyền con người bằng tiếng Anh và tiếng Thái; Khoa Luật của Đại học Hong Kong có chương trình đào tạo thạc sỹ Luật quốc tế về quyền con người; Khoa Luật Đại học Bắc Kinh cũng có chương trình đào tạo thạc sỹ về quyền con người trong khuôn khổ họp tác với Viện Raoul Wallenberg3.

Ở Việt Nam, thời điểm trước 1995 chúng ta vẫn khá dè dặt trước vấn đề quyền con người vì các thế lực thù địch thường sử dụng vấn đề này vào các mục đích chính trị. Sau năm 2000, cùng với những thành công của quá trình đổi mới, giữ vững ổn định chính trị và hội nhập sâu rộng cùng cộng đồng quốc tế nên vấn đề quyền con người và nhu cầu nâng cao nhận thức về quyền con người trong tư duy và hành động ngày càng trở nên cấp thiết. Do đó, các cơ sở nghiên cứu đào tạo của Việt Nam đã thiết kế ở các mức độ khác nhau các chương trình giảng dạy về quyền con người. Trung tâm nghiên cứu quyền con người (nay là Viện nghiên cứu quyền con người thuộc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh), chuyên nghiên cứu, hợp tác và truyền bá các kiến thức về quyền con người; Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội có Trung tâm nghiên cứu quyền con người và quyền công dân, có chương trình đào tạo thạc sỹ về quyền con người; Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh; Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) đều có các chương trình nghiên cứu và giảng dạy về quyền con người trên cả phương diện pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia.

1.        Hoạt động giảng dạy, nghiên cứu quyền con người ở Trường Đại học Luật Hà Nội•

Trường Đại học Luật Hà Nội là cơ sở đào tạo cán bộ pháp luật lớn ở Việt Nam xét trên cả phương diện qui mô, phạm vi và chất lượng đào tạo. Tháng 04/2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án: “Xây dựng Đại học Luật Hà Nội và Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm quốc gia về đào tạo cán bộ pháp luật”; đặt ra yêu cầu phải nâng cao và hoàn thiện chương trình đào tạo trong đó có kiến thức pháp lý về quyền con người.

Thực tế hiện nay, hoạt động giảng dạy, nghiên cứu về quyền con người được thể hiện như sau:

1.1  Trình độ đại học

Nội dung giảng dạy về quyền con người chủ yếu được lồng ghép ở nhiều môn luật thuộc các khoa chuyên môn của trường:

*  Khoa pháp luật quốc tế

Quyền con người là một nội dung của môn học Công pháp quốc tế (môn học bắt buộc 4 tín chỉ) nên trong kết cấu của giáo trình Luật quốc tế thì Quyền con người và luật quốc tế về quyền con người được kết cấu thành một chương độc lập (Chương VI). Tất nhiên, việc kết cấu nội dung Luật quốc tế về quyền con người trong giáo trình Luật quốc tế của Trường Đại học Luật Hà Nội là muộn (năm 2005) do các nguyên nhân khách quan và chủ quan4. Trong quá trình giảng dạy môn học Công pháp quốc tế, quyền con người được lồng ghép với các nội dung khác của môn học như: Quyền con người với nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ; nguyên tắc dân tộc tự quyết với vấn đề quyền con người; địa vị pháp lý của dân cư với vấn đề quyền con người… Quyền con người và luật quốc tế về quyền con người được kết cấu và giảng dạy độc lập hoặc được sử dụng đan xen đảm bảo logic hệ thống và kiến thức của môn học Công pháp quốc tế.

Đặc biệt, trong cơ cấu chương trình môn học của Khoa pháp luật quốc tế thì “Luật quốc tế về quyền con người” được thiết kế là môn học tự chọn với dung lượng học tập, nghiên cún là 3 tín chỉ; đề cương môn học đã được xây dựng với các nội dung như khái quát luật quốc tế về quyền con người; các nhóm quyền cơ bản của con người; cơ chế thực thi quyền con người; Việt Nam thực hiện các nghĩa vụ đảm bảo quyền con người… Môn học này cũng đã được giảng dạy cho sinh viên. Trong các đề tài khóa luận hàng năm, nội dung về quyền con người chiếm khoảng !Á tổng số sinh viên tham gia viết khóa luận.

Mặt khác, quyền con người nhìn ở phạm vi khu vực được đề cập đến trong nội dung giảng dạy của môn học Pháp luật Cộng đồng ASEAN (môn học bắt buộc 3 tín chỉ) thông qua Cơ quan nhân quyền ASEAN và Cộng đồng Văn hóa Xã hội ASEAN. Quyền con người trong môn học này được xem xét, nhìn nhận từ góc độ của an ninh phi truyền thống.

*  Khoa pháp luật kinh tế

Quyền con người được lồng ghép rõ nét và điển hình ở môn học Luật lao động (môn học bắt buộc 3 tín chỉ). Điều này cũng dễ hiểu bởi đây là môn học cung cấp các kiến thức liên quan đến một trong những nhóm quyền cơ bản của con người là quyền kinh tế, xã hội và văn hóa.

Luật lao động có hai chủ thể chính là người lao động và người sử dụng lao động nên quyền con người được thể hiện thông qua địa vị của hai chủ thể này. Đối vói người lao động là các quyền về việc làm, không phân biệt đối xử, an toàn trong lao động, bảo hiểm, quyền được hưởng thù lao... Đối với người sử dụng lao động như quyền tuyển dụng và quản lý lao động. Không những vậy, quyền con người được lồng ghép trong nghiên cứu khoa học của môn Luật Lao động. Đặc thù của môn học này trong quá trình giảng dạy và học tập lả không chỉ viện dẫn các Công ước chung về quyền con người mà còn xem xét các công ước chuyên biệt về lao động của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) như môn học Luật an sinh xã hội (môn học tự chọn 3 tín chỉ).

Đặc biệt, từ năm 2011 với sự tài trợ của ILO giáo trình và môn học Luật người khuyết tật Việt Nam đã được xây dựng và đưa vào giảng dạy với tư cách là môn học tự chọn 3 tín chỉ. Môn học này đề cập đến các nội dung cơ bản như: pháp luật quốc tế về người khuyết tật; các quyền của người khuyết tật theo pháp luật Việt Nam; trách nhiệm và các biện pháp bảo đảm quyền của người khuyêt tật.. .Đây là môn học giảng dạy về quyền của nhóm người dễ bị tổn thương.

*  Khoa Hành chính Nhà nước

Quyền con người được thể hiện rõ nét trong kết cấu và nội dung của môn học Luật Hiến pháp (môn học bắt buộc 4 tín chỉ) với tên gọi là Quyền công dân. Theo đó, quyền công dân về chính trị, dân sự; quyền công dân trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội được đề cập một cách tổng thể trên cơ sở quy định của Hiến pháp, đặc biệt là Hiến pháp 2013. Quyền con người là dành cho tất cả mọi người và quyền công dân dành cho tất cả những người có quốc tịch Việt Nam, cho nên những kiến thức tổng quát về quyền con người trong pháp luật quốc tế được cung cấp bởi môn học Công pháp quốc tế và môn học Luật quốc tế về quyền con người sẽ được cụ thể hóa trong nội dung của môn học Luật Hiến pháp (phần về quyền công dân). Hoặc ngược lại, tổng thể quyền công dân mà sinh viên được trang bị trong môn học Luật Hiến pháp sẽ được nhìn ở một tầm khái quát và toàn diện hơn trong môn học Công pháp quốc tế.

Bên cạnh đó, ở Khoa Hành chính Nhà nước thì nội dung về quyền con người cũng được đề cập tới ở môn học Luật Hành chính (môn học bắt buộc 4 tín chỉ) như: quyền con người trong các nguyên tắc của quản lý nhà nước; bảo đảm quyền bình đẳng nam nữ trong quản lý nhà nước; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Luật Hành chính cung cấp các kiến thức pháp lý về quản lý nhà nước trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội nên các khía canh cơ bản của quyền công dân, quyền con người cũng được thể hiện .

*  Khoa Luật Hình sự

Luật Hình sự với tư cách là một trong những công cụ hữu hiệu cho việc bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của con người cần được tiếp cận như một công cụ pháp lý sắc bén để bảo vệ quyền con người, xử lý các hành vi xâm phạm quyền con người5. Do đó, giảng dạy Luật Hình sự trong mối quan hệ với vấn đề quyền con người có ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Trong chương trình giảng dạy của môn Luật Hình sự (môn học bắt buộc 6 tín chỉ), các quy định về tội phạm chống loài người được thiết kế để giới thiệu cho sinh viên nhưng chưa xuất phát từ vấn đề quyền con người. Việc giới thiệu quy định về các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh chủ yếu minh họa cho vấn đề sự phù hợp giữa Luật Hình sự Việt Nam với các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập. Gần đây, trong thiết kế của Khoa Luật Hình sự thì bên cạnh việc giảng dạy những nội dung về quyền con người trong Luật Hình sự còn có các môn học tự chọn đều có dung lượng 2 tín chỉ: Tội phạm quốc tế; Tòa án Hình sự Quốc tế; Tổ chức tội phạm Mafia; Tổ chức và hoạt động của Interpol. Các môn học này đề cập đến những hành vi xâm phạm quyền con người bị coi là tội phạm quốc tế cũng như cơ chế bảo đảm quyền con người thông qua thiết chế tài phán.

Môn Luật Tố tụng Hình sự (môn học bắt buộc 3 tín chỉ) cung cấp các kiến thức về quyền con người trong tố tụng hình sự được thể hiện cụ thể trong các quyền và nghĩa vụ của những người tiến hành tố tụng, những người tham gia tố tụng, của các cá nhân khác góp phàn vào việc giải quyết vụ án hình sự theo qui định của pháp luật đặc biệt là quyền của bị can, bị cáo.

*  Khoa Luật Dân sự

Môn học Luật Dân sự (môn bắt buộc tổng cộng 6 tín chỉ), vấn đề quyền con người được thể hiện trong nội dung giảng dạy luật dân sự theo những nguyên tắc của luật dân sự với mục đích làm nổi bật quyền con người trong từng quan hệ dân sự cụ thể như: quyền nhân thân; tài sản và quyền sở hữu; quan hệ thừa kế, nghĩa vụ và hợp đồng; trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng. Bên cạnh đó, môn học Luật Bồi thường Nhà nước cũng được thiết kế và đưa vào giảng dạy (môn học tự chọn 2 tín chỉ). Xét về vai trò trong hệ thống kiến thức khoa học pháp lý có thể nói môn học Luật Dân sự là một trong những môn học cơ bản nền tảng của chương trình đào tạo cử nhân luật; trong mối quan hệ với quyền con người đây là một trong những môn học thể hiện khá đậm nét những một trong những nội dung cơ bản của quyền con người thông qua hoạt động giảng dạy.

Cùng với việc cụ thể hóa nhóm quyền dân sự chính trị, môn học Luật Hôn nhân Gia đình (môn học bắt buộc 2 tín chỉ) cung cấp các kiến thức về quyền kết hôn, các qui định và bảo đảm khi ly hôn, trách nhiệm của gia đình, cha mẹ đối với con cái...Ngoài ra, còn có các môn tự chọn trực tiếp đề cập đến quyền của các nhóm người dễ bị tổn thương như môn: Luật bình đẳng giới; Luật phòng chống bạo lực gia đình; Pháp luật về quyền trẻ em. Các môn học này đều có cơ cấu là 2 tín chỉ và đều đề cập đến nội dung từ hai phương diện: pháp luật quốc tế và qui định của pháp luật Việt Nam.

Thực trạng giảng dạy những nội dung về quyền con người trong thực tiễn đào tạo của Trường Đại học Luật Hà Nội có thể khái quát như sau:

Thứ nhất, chưa có giáo trình riêng của Trường Đại học Luật Hà Nội về quyền con người mặc dù môn học Luật quốc tế về quyền con người đã được đưa vào giảng dạy. Chỉ có chương riêng về quyền con người trong luật quốc tế được kết cấu trong Giáo trình Công pháp quốc tế; một chương độc lập về quyền công dân có trong Giáo trình Luật Hiến pháp.

Thứ hai, chuyên về giảng dạy quyền con người nói chung đang được thực hiện ở Khoa pháp luật quốc tế do các giảng viên của bộ môn Công pháp quốc tế đảm nhiệm bao gồm hai nội dung: pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam về quyền con người trong đó chủ yếu tập trung ở nội dung thứ nhất; ở nội dung thứ nhất này các khía cạnh của quyền con người trên qui mô thế giới và khu vực được giới thiệu một cách tổng thể.

Thứ ba, các khoa chuyên môn khác đều lồng ghép giảng dạy quyền con người thông qua nội dung của các môn học bắt buộc hoặc tự chọn; hoặc giảng dạy về các quyền chuyên biệt. Thực tế là khoa chuyên môn nào thì giảng dạy về nhóm quyền thuộc lĩnh vực chuyên môn: Khoa Luật kinh tế chuyên về giảng dạy quyền kinh tế xã hội trong nhóm quyền kinh tế, xã hội và văn hóa; Khoa Luật Dân sự tập trung vào nhóm quyền dân sự và quyền của các nhóm dễ bị tổn thương... và chủ yếu giảng dạy pháp luật Việt Nam về quyền con người.

Thứ tư, đội ngũ giảng viên chuyên về quyền con người số lượng còn ít, việc giảng dạy lồng ghép quyền con người chủ yếu do giảng viên chủ động nghiên cứu, tìm hiểu để phục vụ cho chuyên môn giảng dạy của mình.

Thứ năm, các môn học tự chọn (trừ môn Luật quốc tế về quyền con người) đều đi vào các quyền rất cụ thể hoặc các quyền của các nhóm người dễ bị tổn thương. Nội dung về quyền con người dù trực tiếp hay gián tiếp, riêng biệt hay lồng ghép nhưng chủ yếu mới được giảng dạy cho bậc cử nhân hệ chính quy văn bằng I.

2.1    Trình độ sau đại học và các loại hình đào tạo khác

Với đào tạo sau đại học, quyền con người được thiết kế với một chuyên đề (20 tiết) của chuyên ngành lý luận nhà nước và pháp luật. Các hình thức đào đào tạo khác chưa có nội dung này.

2.3, Các hoạt động nghiên cứu

Từ năm 2004 đến 2010, việc nghiên cứu về quyền con người chưa được quan tâm nhiều; từ 2010, số lượng các luận án, luận văn, khóa luận, đề tài nghiên cứu, hội thảo và bài viết tập chí về quyền con người có xu hướng tăng lên. Cụ thể:

-   Luận án Tiến sĩ về quyền con người: 4

-   Luận văn Thạc sỹ về quyền con: 31

-   Khóa luận về quyền con người: 56

-   Đề tài nghiên cứu khoa học: 5

-   Hội thảo quốc tế và hội thảo cấp Trường: 6

-   Bài viết Tạp chí Luật học: 93

Các đề tài, hội thảo chủ yếu đề cập đến các quyền cụ thể của con người mà chưa có những đề tài, hội thảo nghiên cứu một cách tổng quan về quyền con người trên mọi phương diện.

Chưa có môn học bắt buộc trong chương trình đào tạo chung cho toàn trường ở các mã ngành và chuyên ngành cũng như các hệ đào tạo;

Các đề tài nghiên cứu khoa học chủ yếu là ở cấp cơ sở. Chưa có đề tài nghiên cứu khoa học ở cấp Bộ hoặc cấp Nhà nước;

Chương trình giảng dạy, nghiên cứu, đặc biệt là các luận án, luận văn chủ yếu lồng ghép trong các chuyên ngành (Lý luận chung Nhà nước-Pháp luật; Luật Hiến pháp và Luật quốc tế).

Chưa có mã ngành đào tạo riêng về quyền con người;

1.     Nhu cầu, năng lực tổ chức giảng dạy, nghiên cứu về quyền con người tại Trường Đại học Luật Hà Nội

3.1.   Nhu cầu về giảng dạy

Quyền con người là một trong những vấn đề quan trọng được Đảng và Nhà nước ta luôn luôn quan tâm. Tất cả chủ trương, chính sách và pháp luật của Nhà nước luôn coi con người là đối tượng, là trung tâm. Hiến pháp 2013 và các văn bản qui phạm pháp luật của Việt Nam đã qui định và cụ thể hóa quyền của con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội nhằm xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng và văn minh trong đó con người được thừa hưởng những giá trị tốt đẹp.

Trong nhiều năm qua, công tác đào tạo, giáo dục về quyền con người đã được Đảng và Nhà nước quan tâm. Sự quan tâm này là cơ hội tốt để nội dung về quyền con người được triển khai giảng dạy, nghiên cứu ở một số cơ sở đào tạo. Chính vì vậy mà hiểu biết và nhận thức về quyền con người của một bộ phận lớn nhân dân đã được nâng lên thông qua sự lan tỏa của hoạt động giảng dạy chính thống nội dung này trong các trường đại học, viện nghiên cứu. Tuy nhiên, trên thực tế ở một số nơi và trong một số trường hợp vẫn còn hiện tượng hiểu sai hoặc chưa đày đủ về quyền con người dẫn tới những hành xử không phù hợp thậm chí là vi phạm pháp luật. Nguyên nhân là do nhận thức chưa đầy đủ, toàn diện về quyền con người của một bộ phận nhân dân, kể cả công chức Nhà nước bởi hoạt động đào tạo, giáo dục và truyền bá kiến thức về quyền con người còn nhiều hạn cheế Cụ thể là phần lớn sinh viên trong các trường đại học, đặc biệt là sinh viên ngành luật và sinh viên của Trường Đại học Luật Hà Nội chưa được đào tạo một cách bài bản và chính thống các kiến thức về quyền con người. Việc đào tạo kiến thức pháp luật về quyền con người ở Trường Đại học Luật Hà Nội sẽ tạo tiền đề tạo ra đội ngũ những người làm việc trong hệ thống cơ quan nhà nước từ trung ương tới địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, doanh nghiệp có kiến thức cơ bản về quyền con người. Điều này không chỉ tạo nên chất lượng nguồn nhân lực mà đồng thời tạo sự lan tỏa sâu rộng về quyền con người trong mọi tầng lớp xã hội Việt Nam. Đặc biệt, hiện nay Trường Đại học Luật Hà Nội bắt đàu triển khai thực hiện đề án “Trường trọng điểm quốc gia về đào tạo cán bộ pháp luật” vì vậy nhu cầu và sự cần thiết để đẩy mạnh hơn nữa hoạt động giảng dạy, nghiên cứu về quyền con người nhằm góp phàn thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ đào tạo, hoạt động cải cách tư pháp hướng tới xây dựng xã hội dân chủ và Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam.

3.2.    Năng lực tổ chức giảng dạy

Trường Đại học Luật Hà Nội là cơ sở đào tạo cán bộ pháp luật lớn ở Việt Nam với đội ngũ giảng viên đông đảo. Đây là đội ngũ có chất lượng được đào tạo chủ yếu ngay chính tại Đại học Luật Hà Nội và ở nước ngoài. Việc đảm nhận giảng dạy quyền con người và pháp luật quốc tế về quyền con người nói chung (bao gồm cả việc hướng dẫn nghiên cứu khoa học, luận án, luận văn và khóa luận) chủ yếu được thực hiện tại Khoa pháp luật quốc tế.

Tài liệu phục vụ cho môn học này rất phong phú, mặc dù chưa có giáo trình chính thức nhưng đề cương và nội dung cơ bản của môn học đã được xây dựng. Theo thống kê sơ bộ, các tài liệu về quyền con người bao gồm cả tiếng Việt và tiếng Anh có trong Thư viện khoảng trên 200 cuốn.

3.3  Cơ sở thực hiện việc giảng dạy

Hiện nay các quốc gia trên thế giới đang thực hiện thập kỷ giáo dục về quyền con người mà Liên hợp quốc đã đề ra. Không những thế, giáo dục về quyền con người và pháp luật về quyền con người cũng là một trong những nghĩa vụ mà mỗi quốc gia phải thực hiện theo qui định của Hiến chương Liên hợp quốc và các điều ước quốc tế về quyền con người. Đặc biệt, chúng ta đang triển khai thi hành Hiến pháp 2013 trong đó nội dung quyền con người có vị trí và vai trò quan trọng. Ngành Tư pháp trong đó có Trường Đại học Luật Hà Nội tiếp tục tăng cường hoạt động giảng dạy, nghiên cứu quyền con người dựa trên các căn cứ sau:

-     Chỉ thị số 44/-CT/TW ngày 20/10 của Ban Bí thư về công tác nhân quyền trong tình hình mới và thực hiện các khuyến nghị được Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc thông qua theo cơ chế kiểm điểm định kỳ (UPR).

-     Quyết định 366/QĐ-TTg ngày 14/03/2011 của Thủ tướng Chính phủ triển khai thực hiện Chỉ thị số 44/CT-TW.

-   Công văn số 98/VPCP-NC về việc phân công thực hiện các khuyến nghị được Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc thông qua theo cơ chế kiểm điểm định kỳ.

-    Quyết định số 3821/QĐ-BTP ngày 12/09/2011 của Bộ Tư pháp về việc phê duyệt Đề án tổng thể thực hiện Chỉ thị số 44/CT-TW.

-    Quyết định số 1878/QĐ-BTP ngày 28/06/2012 của Bộ Tư pháp về việc phê duyệt Tiểu Đề án “Xây dựng kế hoạch, lộ trình đưa việc giảng dạy pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế về quyền con người vào chương trình đào tạo tại trường Đại học Luật Hà Nội, Học viện Tư pháp và các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng pháp luật của Bộ Tư pháp”.

Các văn bản trên sẽ là cơ sở pháp lý cho việc triển khai giảng dạy, nghiên cứu mạnh mẽ hơn nữa về quyền con người tại Trường Đại học Luật Hà Nội góp phần hoàn thành nhiệm vụ đào tạo của Trường cũng như nhiệm vụ của ngành Tư pháp.

------------------------------------------------------------------
*   TS, Phó Hiệu trường Trường Đại học Luật Hà Nội
1 Đại học Quốc gia Hà Nội, Giáo trình Lý luận và pháp luật về quyền con người, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội Hà Nội 2011, tr.375
2 Wolfgang Benedek, Tìm hiểu về quyền con người, Nxb Tư pháp, Hà Nội 2008, tr.6
3 PGS.TS Chu Hồng Thanh, Khái luận về giảng dạy luật nhân quyền và nhân đạo quốc tế trong các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay.
4 Tham khảo các sách về Luật quốc tế trên thế giới, đều có kết cấu một chương độc lập về Quyền con người trong tổng thể cơ cấu chung.
5 TS. Đào Lệ Thu, Quyền con người trong giảng dạy Luật Hình sự
 
 

 

Các tham luận khác