TĂNG CƯỜNG BẢO ĐẢM QUYỀN CON NGƯỜI TRONG CÔNG TÁC TƯ PHÁP, CÁC CƠ QUAN TIẾN HÀNH TỐ TỤNG
PGS.TS. Nguyễn Tất Viễn*
I. Cải cách tư pháp và yêu cầu bảo vệ quyền con người
Chiến lược cải cách tư pháp của Việt Nam đến năm 2020 (được ban hành năm 2005) đề ra mục tiêu xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân. Sau 10 năm kể từ khi ban hành, Chiến lược cải cách tư pháp đã được triển khai trên nhiều mặt, thu được những kết quả quan trọng, góp phần bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân trong hoạt động tư pháp. Trước hết là kết quả về hoàn thiện thể chế pháp lý nhằm bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Trong khoảng thời gian từ 2005 đến 2015, hệ thống các quy định pháp luật pháp luật hình sự, dân sự và thủ tục tố tụng tư pháp đã được hoàn thiện theo định hướng cải cách tư pháp. Cải cách tư pháp với mục tiêu bảo vệ tốt hơn quyền con người, quyền công dân làm thay đổi tư duy pháp lý hình sự theo hướng nhân văn, đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện khi xử lý người phạm tội. Bộ luật hình sự năm 2009 đã bãi bỏ hình phạt tử hình đối với 8 tội danh, thay đổi hình thức thi hành án tử hình; mở rộng phạm vi áp dụng hình phạt tiền, hạn chế áp dụng hình phạt tù đối với một số tội. Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) hiện đang trình Quốc hội xem xét đã đề xuất giảm hình phạt từ hình thêm 7 tội danh nữa. Cải cách tư pháp cũng làm thay đổi cơ bản nhận thức về quyền con người trong lĩnh vực sở hữu, tài sản. Nguyên tắc :“mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm” được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013 là một đảm bảo cần thiết, tin cậy về pháp lý cho cá nhân, tổ chức khi tham gia sản xuất, kinh doanh. Dưới tác động và yêu cầu của cải cách tư pháp, pháp luật về tổ chức và hoạt động tư pháp có nhiều đổi mới. Việc xác định mô hình tố tụng Việt Nam theo hướng kết hợp giữa mô hình tố tụng thẩm vấn với mô hình tố tụng, tranh tụng, coi tranh tụng là khâu đột phá của cải cách tư pháp làm thay đồi cách thức tiến hành tố tụng theo hướng dân chủ hơn, tăng tính công khai, minh bạch trong hoạt động tố tụng và đảm bảo bình đẳng giữa các chủ thể tham gia tố tụng, đảm bảo quyền con người, quyền công dân. Hiến pháp năm 2013 thể hiện sâu sắc tinh thần cải cách tư pháp, xác định Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Tổ chức, hoạt động của các cơ quan hoạt động tư pháp có những thay đổi lớn theo định hướng cải cách tư pháp. Tòa án nhân dân được xác định là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp. Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan thực hiện một số hoạt động tư pháp, có chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Đã bổ sung một số nguyên tắc dân chủ có tính chất nền tảng về tổ chức và hoạt động tư pháp như: nguyên tắc tranh tụng trong xét xử; nghiêm cấm tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của tòa án, đảm bảo tính độc lập của thẩm phán và hội thẩm; người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự; người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm... Đó là bước tiến đáng kể của tiến trình cải cách tư pháp. Bên cạnh đó, đã sửa đổi, bổ sung pháp luật về thi hành án, luật sư, công chứng, giám định tư pháp theo hướng đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Chủ trương xã hội hóa một số hoạt động tư pháp (công chứng, trợ giúp pháp lý, thi hành án dân sự...) được thực hiện có kết quả, được xã hội đồng tình. Các luật về tổ chức và hoạt động tư pháp như Luật tổ chức tòa án nhân dân, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật thi hành án dân sự được Quốc hội thông qua sau khi ban hành Hiến pháp năm 2013, một số luật mới hoặc các luật được sửa đổi, bổ sung sắp được Quốc hội thông qua đều thể hiện rõ tinh thần cải cách tư pháp, bảo vệ quyền con người, quyền công dân như Hiến pháp năm 2013 đã xác định (Bộ luật hình sự, Bộ luật dân dân sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính, Luật tạm giữ, tạm giam, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự...). Vấn đề đặt ra là làm thế nào để thực hiện có hiệu quả cao nhất nhiệm vụ giáo dục quyền con người trong hoạt động tư pháp trước những yêu cầu mới của nhiệm vụ xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN và cải cách tư pháp.
II. Đặc điểm của giáo dục quyền con người trong hoạt động tư pháp
Giáo dục quyền con người trong hoạt động tư pháp có một số đặc điểm sau:
Thứ nhất, giáo dục quyền con người trong hoạt động tư pháp là một hoạt động thực tiễn có vai trò thúc đẩy các hành vi tích cực, tạo điều kiện để mỗi người tự bảo vệ mình và bảo vệ những người khác khỏi các hành vi vi phạm quyền con người trong hoạt động tư pháp.
Thứ hai, giáo dục quyền con người trong hoạt động tư pháp hiện nay chịu sự tác động của các yếu tố như thể chế pháp lý, tổ chức thực hiện pháp luật, cơ hội tiếp cận những thông tin về quyền con người, tiếp cận công lý.
Thứ ba, yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN đòi hỏi giáo dục quyền con người không chỉ dừng lại ở các bài giảng, bằng các quy định pháp luật mà bằng hành động thực tế. Trong hoạt động tư pháp, xét xử được coi là khâu trung tâm, có vai trò quyết định. Việc nghiên cứu, giáo dục quyền con người trong hoạt động tư pháp nhằm đề cao trách nhiệm của các cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án, thi hành án, luật sư và các cơ quan, tổ chức bổ trợ tư pháp trong bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Đồng thời tạo khả năng tự bảo vệ quyền và lợi ích họp pháp của những người tham gia trong quá trình tố tụng tư pháp.
Ở Việt Nam, với một hê thống các cơ quan, tổ chức làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật từ trung ương đến xã, thôn xóm; với một đạo luật riêng về phổ biến, giáo dục pháp luật, bằng sự nỗ lực của Nhà nước và các tổ chức đoàn thể nhân dân, hoạt động giáo dục pháp luật nói chung, giáo dục quyền con người nói riêng trong những năm gần đây đã thu được nhiều kết quả, trong đó có kết quả giáo dục quyền con người ở lĩnh vực tư pháp. Các hình thức giáo dục pháp luật, giáo dục về quyền con người diễn ra trong thực tế rất đa dạng, phong phú và phù hợp với yêu cầu thục tiễn, cụ thể là:
1. Thông qua tuyên truyền miệng: đây là hình thức chiếm ưu thế, dễ thực hiện, dễ tiếp thu do có sự giao tiếp trực tiếp giữa người phổ biến và người nghe. Hình thức này được sử dụng thường xuyên trong hội nghị phổ biến văn bản luật mới, các hội thảo, toạ đàm, lớp tập huấn, nói chuyện chuyên đề về pháp luật, về tư pháp; thông báo kết quả các phiên tòa do hội thẩm tham gia xét xử thực hiện; lồng ghép tuyên truyền pháp luật trong các buổi sinh hoạt của các tổ chức, đoàn thể nhân dân, của cộng đồng về các quyền của những người có lợi ích liên quan đến vụ việc mà tòa án giải quyết.
2. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng
Với hơn 850 cơ quan báo chí và nhiều phương tiện truyền thông khác, hoạt động giáo dục quyền con người, quyền công dân đã có sức lan tỏa rất lớn, nhanh chóng tạo hiệu ứng xã hội tích cực trước các vấn đề đặt ra cho họat động của cơ quan tư pháp. Các kênh truyền hình, phát thanh, các báo in, báo điện tử đã và đang phát huy tác dụng mạnh mẽ, đi đầu trong tuyên truyền, giáo dục về nội dung quyền con người, quyền công dân. Các chuyên trang, chuyên mục trên các loại báo chí ngày càng đa dạng, phong phú. Hệ thống đài phát thanh hầu hết các huyện, xã đều có chương trình, chuyên mục phát thanh pháp luật, trong đó có nội dung về tư pháp. Mỗi phương tiện đều phát huy ưu thế của mình trong giáo dục pháp luật cho đối tượng khán, thính giả riêng.
3. Thông qua tài liệu tuyên truyền, phổ biến pháp luật
Tài liệu tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quyền con người, quyền công dân là một trong các loại tài liệu phổ biến hiện nay, được biên soạn và phát hành khá phong phú, dưới nhiều hình thức khác nhau, từng bước được cải tiến về hình thức, nội dung để hấp dẫn người đọc, người xem. Đó là các Đề cương giới thiệu, phô biến các văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực tư pháp của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương, đăng trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp Việt Nam; các sổ tay nghiệp vụ tư pháp; sách nghiên cứu, sách hỏi - đáp pháp luật; tờ rơi, tò gấp pháp luật; các loại băng (băng tiếng, băng hình) với các nội dung pháp luật đơn giản, ngắn gọn và các cuộc nói chuyện về pháp luật, các tiểu phẩm về các tình huống pháp luật bằng cả tiếng phổ thông và tiếng một số dân tộc ít người. Các tài liệu nói trên được phổ biến rộng rãi, có mặt trong cả tủ sách pháp luật của xã, phường, thị trấn, tủ sách pháp luật của các cơ quan, doanh nghiệp, trường học...được nhiều người sử dụng. Trong số đó phải kể đến các ấn phẩm có nội dung về giáo dục quyền con người, quyền công dân của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện nghiên cứu quyền con người (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), Khoa Luật thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội...và của nhiều nhà xuất bản chuyên ngành như Nhà xuất bản Tư pháp, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc...
4. Thông qua các cuộc thi tìm hiểu pháp luật
Thi tìm hiểu pháp luật thường do cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội tổ chức nhằm động viên, kích thích đổi tượng tìm đọc, nâng cao hiểu biết pháp luật trong lĩnh vực tư pháp. Thi tìm hiểu pháp luật thực hiện bằng thi viết và thi trực tiếp. Hiện nay, việc tổ chức thi qua mạng, gửi tin nhắn điện thoại với chủ đề tìm hiểu pháp luật trở nên phổ biến hơn. Thực tế cho thấy cuộc thi tìm hiểu Bộ luật dân sự 2005 đã thu được những kết quả tốt đẹp với hàng triệu người tham gia. Sau khi Hiến pháp năm 2013 được thông qua, đã tổ chức cuộc thi viết "Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" trên toàn quốc với đông đảo người dự thi nhằm tìm hiểu và nâng cao hiểu biết về nội dung của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân. Cuộc thi đã vào giai đoạn kết thúc với nhiều bài dự thi chất lượng cao, tạo một hệ thống tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp hiệu quả. Nhiều bài dự thi giàu chất sáng tạo, giàu cảm xúc, thể hiện thái độ, tình cảm tôn trọng, chấp hành Hiến pháp, nhất là các quy định về bảo đảm quyền con người, quyền công dân.
5. Thông qua hoạt động luật sư, trợ giúp pháp lý
Luật sư tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc là người bảo vệ quyền lợi của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự; tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện hoặc là người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong các vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính, việc về yêu cầu dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và các vụ, việc khác theo quy định của pháp luật. Đội ngũ luật sư ở Việt Nam ngày càng đông đảo, có nhiều đóng góp cho việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Tính đến tháng 8-2015, cả nước đã có 9.755 luật sư và khoảng 4000 người tập sự hành nghề luật sư; 3.422 tổ chức hành nghề luật sư. Nhiều luật tích cực thực hiện chủ trương tăng cường tranh tụng tại phiên tòa, góp phần làm cho các phiên tòa xét xử trở nên dân chủ và công bằng hơn, bảo vệ có hiệu quả quyền con người, quyền công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; hạn chế được oan, sai trong hoạt động tư pháp. Các tổ chức luật sư và các luật sư đã cung cấp nhiều dịch vụ pháp lý có chất lượng cho xã hội, tham gia tích cực vào các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền con người, thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo và các đối tượng chính sách.
Trợ giúp viên pháp lý, ngoài việc tham gia tích cực vào tư vấn pháp luật, đã chủ động tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự trong vụ án hình sự; người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự trong vụ việc dân sự hoặc người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hành chính. Từ năm 2011 đến tháng 6-2015, các Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước đã thực hiện 519.271 vụ việc, trong đó 483.504 vụ việc tư vấn pháp luật, 32.573 vụ việc tham gia tố tụng, góp phàn tích cực vào việc phổ biến pháp luật cho các đối tượng được trợ giúp pháp lý. Hình thức tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý lưu động được tăng cường tại các địa bàn có điều kiện kinh tế khó khăn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, đồng bào dân tộc thiểu số.
6. Thông qua hoạt động dạy và học pháp luật trong nhà trường
Giáo dục công dân trở thành môn học bắt buộc ở cấp giáo dục phổ thông. Các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp không chuyên luật cũng được đưa nội dung pháp luật vào giảng dạy. Nội dung, chương trình, sách giáo khoa môn học giáo dục công dân và nội dung, chương trình, giáo trình môn pháp luật được cải tiến phù hợp vói yêu cầu đổi mới giáo dục, đào tạo của đất nước. Phương pháp giáo đục pháp luật đi theo hướng nâng cao tính tích cực, chủ động của sinh viên, học sinh trong nghiên cứu, tìm hiểu, học tập pháp luật. Bên cạnh đó, các trường học còn coi trọng lồng ghép phổ biến, giáo dục pháp luật trong giảng dạy các môn học, thông qua hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, sinh hoạt công dân - học sinh, hoạt động giao lưu văn hoá, vãn nghệ. Nhiều trường học tổ chức phiên toà giả định theo cách xây dựng tình huống pháp lý, thông qua đó thấy rõ hơn những giá trị của việc bảo vệ quyền con người trong hoạt động tư pháp.
7. Thông qua hoạt động xét xử của tòa án nhân dân
Giáo dục pháp luật là một chức năng, nhiệm vụ của Tòa án, hoạt động xét xử tại phiên tòa là công khai (trừ một số trường hợp do pháp luật quy định phải xử kín). Ngoài Hội đồng xét xử còn có đông đảo nhân dân theo dõi phiên tòa, nhất cử nhất động của Thẩm phán - chủ tọa phiên tòa nói riêng, Hội đồng xét xử nói chung đều được những người tham gia tố tụng, đương sự của vụ án và những người tham dự phiên tòa quan sát và đánh giá. Giáo dục pháp luật qua hoạt động xét xử chính là quá trình tác động có mục đích, có tổ chức, có chủ định và có kế hoạch của các chủ thể giáo dục (Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư, Thư ký tòa án) đến các đối tượng giáo dục (những người tham gia tố tụng và những người tham dự phiên tòa) nhằm hình thành ở họ ý thức pháp luật, trạng thái xúc cảm, tình cảm pháp luật đúng đắn, là cơ sở cho hành vi, ứng xử phù hợp với yêu cầu của pháp luật. Cùng với Thẩm phán và các thành viên trong hội đồng xét xử, còn có các chủ thế khác như Kiếm sát viên, Thư ký tòa án, Luật sư...cũng có tác động giáo dục đến các đối tượng khác nhau. Thẩm phán, Kiểm sát viên, luật sư luôn phải ý thức được rằng mọi hoạt động của họ đều hướng tới đảm bảo cả chức năng giáo dục. Họ phải tác động đến cả bị cáo, thức tỉnh trong bị cáo cảm giác lầm lỗi và mong muốn được sửa chữa lỗi lầm đó. Họ cần phải tác động đến tất cả những người tham dự phiên toà, củng cố ý thức chấp hành pháp luật của họ trước những sự kiện pháp lý diễn ra trong cuộc sống, thông qua phiên tòa xét xừ mà họ tiếp cận được.
Thông qua hoạt động xét xử có thể giúp cho những người tham gia tố tụng (bị cáo, người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn, bị đơn, người khởi kiện, người bị kiện) và những người theo dõi phiên toà (trực tiếp tại Tòa án hay gián tiếp qua các phương tiện thông tin đại chúng) hiểu rõ hơn về những quy định của pháp luật về quyền con người, quyền công dân được áp dụng để giải quyết vụ án. Từ đó họ có thể tự đánh giá về hành vi và trách nhiệm pháp lý của mình, giúp hình thành ở họ những cảm xúc về sự công bằng nghiêm minh của pháp luật, tôn trọng các đại diện của công lý, giúp họ định hướng hành vi phù hợp với yêu cầu của pháp luật (cụ thể là phù hợp với những bản án, quyết định đúng đắn của hội đồng xét xử), giúp định hướng dư ỉuận xã hội, nhờ đó mà phát huy tác dụng phòng ngừa riêng và phòng ngừa chung của hoạt động xét xử cũng như hoạt động giáo dục pháp luật về quyền con người.
Việc phổ biến, giáo dục pháp luật cũng có thể thông qua hoạt động hòa giải các vụ việc dân sự, thông qua phiên tòa xét xử các vụ án (phiên tòa xét xử tại tòa án và phiên tòa xét xử lưu động). Trong giáo dục pháp luật thông qua xét xử, phiên tòa xét xử lưu động có vai trò đặc biệt quan trọng. Nhiều ý kiến cho rằng, trong công tác xét xử các vụ án hình sự, phải tăng cường đưa một số vụ án điểm xét xử lưu động tại địa bàn nơi xảy ra tội phạm hoặc nơi xảy ra tranh chấp, vừa mang tính chất giáo dục pháp luật cho nhân dân, vừa tạo sự công bằng và sự tin tưởng của nhân dân vào pháp luật. Thực tiễn xét xử cho thấy trung bình hằng năm có tới 3000-4000 phiên toà xét xử lưu động tại địa phương xảy ra vụ án, có tác dụng giáo dục tốt thông qua những xừ sự, giao tiếp, giừ kỷ luật phiên tòa, ở mức cao nhất là ra được bản án đúng người, đúng việc, đúng pháp luật, được dư luận đồng tình ủng hộ. Vì vậy, giáo dục pháp luật, giáo dục quyền con người thông qua hoạt động xét xử ngày càng được công chúng cũng như các nhà nghiên cứu và chỉ đạo công tác giáo dục pháp luật quan tâm./.
-------------------------------
* Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp trung ương