CỘNG ĐỒNG AN NINH ASEAN: TỪ LÝ THUYẾT ĐẾN THỰC TIỄN
ThS. Nghiêm Tuấn Hùng
Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) không có một lịch sử quá lâu dài. Hầu hết các nước đã phải trải qua quá trình chiến đấu vì độc lập sau Thế chiến thứ 2 nên an ninh chính là vấn đề trọng tâm đối với Đông Nam Á. Trên cơ sở đó, từ năm 1967, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore, Philippines và các nước khác đã từng bước kết nối tình hình an ninh của riêng họ với vấn đề an ninh của cả khu vực. Nhưng liệu ASEAN có thể trở thành một Cộng đồng An ninh?
Bài viết này sẽ áp dụng những khái niệm và lý luận nổi trội về Cộng đồng An ninh, cụ thể là cách tiếp cận của Karl Deutsch được giới thiệu sau Thế chiến thứ hai, cùng lý thuyết của Adler và Barnett được phát triển sau Chiến tranh Lạnh vào trường hợp của ASEAN sẽ giúp chúng ta đánh giá xem liệu ASEAN có đáp ứng được những tiêu chuẩn cho việc thành lập một cộng đồng hay không.
1. Lý thuyết về cộng đồng an ninh
1.1. Lý thuyết về Cộng đồng An ninh của Karl Deutsch trong Chiến tranh Lạnh
Những năm sau Thế chiến thứ hai, nhiều nỗ lực đã được thực hiện để chấm dứt trạng thái chia rẽ trong lòng châu Âu, đưa lục địa vốn là địa bàn chính của hai cuộc Thế chiến trở lại con đường hòa bình và hợp tác. Tiến trình hợp tác và hội nhập châu Âu, vốn xuất phát từ Cộng đồng Than Thép châu Âu năm 1952, sớm được thúc đẩy thông qua việc thiết lập những cộng đồng, chẳng hạn như Cộng đồng kinh tế châu Âu (EEC) và Cộng đồng năng lượng nguyên tử châu Âu (EURATOM).
Trong bối cảnh đó, ý tưởng về một Cộng đồng An ninh ra đời. Ý tưởng này xuất phát trước hết từ Richard Van Wagenen đầu những năm 1950, sau đó được phát triển về mặt lý thuyết và thực tiễn bởi Karl Deutsch và đồng nghiệp. Họ đã cung cấp một khuôn khổ phân tích mở rộng về điều kiện mà những cuộc chiến tranh đã bị loại bỏ trong một số khu vực địa lý nhất định, và những chu kỳ lịch sử qua đó định hình nên Cộng đồng An ninh[1].
Trong lý thuyết của Deutsch, một Cộng đồng An ninh là “một nhóm người đã trở nên gắn kết”, nơi mà sự hội nhập được định hình bởi: nhận thức về cộng đồng và thể chế cũng như thực tiễn đủ mạnh cũng như rộng để đảm bảo kỳ vọng phụ thuộc về sự thay đổi hòa bình trong dân chúng[2]. Điều này bao gồm một mức độ cụ thể về bản sắc được chia sẻ giữa các thành viên của cộng đồng, bản sắc đó gắn trạng thái an ninh của các chủ thể với an ninh của cả cộng đồng. Deutsch đã phân chia cộng đồng an ninh thành hai dạng: cộng đồng hợp nhất (amalgamated) và cộng đồng đa nguyên (pluralistic).
Trong một cộng đồng an ninh hợp nhất, các nhà nước thống nhất về mặt chính trị và giá trị, và những quy chuẩn được các xã hội chia sẻ. Dù dạng thức cộng đồng này không nhiều trong lịch sử thì nước Mỹ có thể là một ví dụ rõ ràng sau khi 13 bang đầu tiên đã chuyển giao hầu hết quyền quản trị cho chính phủ liên bang. Trong một cộng đồng an ninh đa nguyên, các nhà nước vẫn duy trì chủ quyền của họ; họ là những chủ thể chính trị đồng tồn tại một cách độc lập nhưng người dân sẽ chia sẻ những giá trị và quy chuẩn ở một mức độ mà những tranh chấp nhờ đó sẽ được giải quyết bằng biện pháp hòa bình. Dù cho thực thế rằng khái niệm về một cộng đồng an ninh trùng khớp với thực tiễn châu Âu thì khái niệm này vẫn giữ một giới hạn tương đối cao để có thể đạt được. Cộng đồng này không chỉ bao gồm việc chia sẻ những quy chuẩn và giá trị giữa tầng lớp elite mà còn phải giữa toàn bộ dân chúng.
Đặc điểm chính trong quan hệ giữa các nước trong cộng đồng an ninh là một thói quen - được xây dựng trong một khoảng thời gian dài - không sử dụng vũ lực giữa các nước thành viên, một ý thức về mục tiêu chung, và một bản sắc riêng hay cảm nhận về chúng ta (we feeling). Như vậy, bản thân khái niệm cộng đồng đã mang dấu ấn của thuyết kiến tạo xã hội. Amitav Acharya sau này đã cho rằng một cộng đồng là sản phẩm của sự kiến tạo có tính xã hội và của sự tưởng tượng[3].
Do quan điểm này gần như không phù hợp với những luận điểm chính của chủ nghĩa hiện thực, khi mà khả năng bị tấn công không bao giờ có thể bị loại trừ trong một hệ thống quốc tế vô chính phủ, nên lý thuyết của Deutsch đã bị phớt lờ trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh khi mà chủ nghĩa hiện thực lên ngôi.
1.2. Lý thuyết về Cộng đồng An ninh sau Chiến tranh Lạnh
Từ những năm 1980 trở đi, những người nghiên cứu lý thuyết về Cộng đồng An ninh cho rằng luận điểm của Deutsch đã được mô hình Linh minh châu Âu (EU) chứng minh, và họ tiếp tục hoàn thiện lập luận về cộng đồng an ninh. Họ cho rằng để có cộng đồng an ninh, các nước thành viên phải thỏa mãn ba điều kiện: Thứ nhất, có chung một chế độ chính trị dân chủ phát triển ở mức cao kiểu phương Tây, tức là phải có một bản sắc chính trị (hoặc thực hành nền dân chủ kiểu Tây Âu); Thứ hai, có chung một mức độ phát triển kinh tế và lệ thuộc lẫn nhau cao để đi đến nhất thể hoá; Và thứ ba, đi những bước nhỏ nhưng chắc chắn và hài hòa trong một chiến lược chung tiến tới nhất thể hoá[4].
Đến những năm 1990, khi lý thuyết về cộng đồng an ninh được nhiều học giả đánh giá lại, một trong những đóng góp lớp nhất của các học giả là nghiên cứu của Emanuel Adler và Michael Barnett (1998). Trong nghiên cứu của họ, Adler và Barnett đã mở rộng và cải thiện lý thuyết của Deutsch, đánh giá việc áp dụng lý thuyết tại những khu vực khác nhau và đưa ra một khuôn khổ mở rộng cho những nghiên cứu tiếp theo. Theo Adler và Barnett, cộng đồng an ninh là những hệ thống xây dựng niềm tin và ngăn chặn xung đột, và có thể được coi là cộng đồng trong đó hòa bình được các quốc gia duy trì. Những nhân tố trung tâm của một cộng đồng an ninh, do đó, có thể bao gồm hợp tác khu vực, những bản sắc, nguyên tắc và quy chuẩn được chia sẻ, và quản lý xung đột một cách hòa bình. Thêm nữa, Adler và Barnett nhấn mạnh tầm quan trọng về chất lượng của hợp tác khu vực, khi hợp tác khu vực là nền tảng của một cộng đồng an ninh[5].
Những người phát triển lý thuyết về cộng đồng an ninh còn cho rằng một cộng đồng phải trải qua ba giai đoạn phát triển. Mỗi giai đoạn này được đánh dấu bởi một số những đặc tính[6]. Giai đoạn sơ khai (nascent) được đánh dấu bởi một số những cơ chế khởi động, những mối đe dọa, lợi ích kỳ vọng từ hoạt động thương mại, bản sắc chung và trạng thái mang tính tổ chức. Giai đoạn phát triển (ascendent) được xác định với những hợp tác chặt chẽ hơn về quân sự, ít lo ngại hơn về những đối tác (khả năng đe dọa giữa các chủ thể ở mức thấp) và bắt đầu có sự chuyển dịch về nhận thức hướng tới những quá trình liên chủ quan và bản sắc chung, bắt đầu khích lệ kỳ vọng về sự thay đổi hòa bình. Giai đoạn ba là giai đoạn trưởng thành (mature), được định hình bởi mức độ thể chế hóa cao (chủ nghĩa siêu quốc gia) với mức độ tin tưởng cao, khả năng xung đột quân sự là không thể (hoặc rất thấp). Một số đặc tính của chủ nghĩa siêu quốc gia về hệ thống hậu chủ quyền bao gồm những thể chế quốc gia chung và những thể chế siêu và liên quốc gia và một số dạng thức an ninh thập thể, cũng như một hệ thống các luật lệ nằm ở đâu đó giữa chủ quyền quốc gia với một chính phủ trung tâm của khu vực không nằm trong khuôn khổ một cộng đồng an ninh gắn kết chặt.
Một cộng đồng an ninh trưởng thành có thể gắn kết lỏng hoặc chặt, trong đó gắn kết lỏng tạo ra một khu vực xuyên quốc gia của những nhà nước có chủ quyền, người dân duy trì hy vọng về một sự thay đổi hòa bình. Những điều kiện chặt chẽ hơn, bao gồm một xã hội hỗ trợ lẫn nhau, thiết lập những nỗ lực tập thể và hợp tác để giúp đỡ lẫn nhau và cung cấp những giải pháp tập thể để giải quyết những vấn đề chung, từ đó tạo thành một cộng đồng an ninh gắn kết chặt.
Do đó, cộng đồng an ninh còn phát triển ở dạng cao hơn so với liên minh dựa trên lý thuyết hiện thực, vì có thêm tác động của yếu tố bản sắc và trình độ phát triển kinh tế cao và an ninh không chỉ thuần tuý là an ninh tập thể. Về lý luận, cộng đồng dựa trên lý thuyết của chủ nghĩa kiến tạo về hợp tác quốc tế là có cơ sở và do đó có thể áp dụng lý luận nói trên vào các khu vực khác. Như vậy, sự đóng góp vào lý thuyết của tất cả những học giả nói trên là mở rộng cách tiếp cận của chủ nghĩa khiến tạo và đưa ra quan điểm rằng thông qua việc tạo ra một bản sắc chung thì sự thù địch giữa các quốc gia sẽ bị hóa giải.
2. Sơ lược về sự hình thành và phát triển cơ chế hợp tác ASEAN
Trong khoảng thời gian kể từ sau Thế chiến thứ hai đến những năm 1960, trạng thái an ninh và ổn định ở khu vực Đông Nam Á “đặc biệt u ám”[7]. Dù ở khu vực này đã có những tổ chức được thiết lập như Tổ chức hiệp ước khu vực Đông Nam Á (Southeast Asia Treaty Organization - SEATO) năm 1954 với mô hình như Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương nhưng đã bị giải thể năm 1977 do bị coi là không có tác dụng. Năm 1961, Hiệp hội Đông Nam Á (Association of Southeast Asia - ASA) được thành lập bởi Thái Lan, Malaya và Philippines với tư cách như nỗ lực ban đầu cho hợp tác khu vực[8]. MAPHILINDO, một liên minh lỏng lẻo giữa Malaya, Philippin và Indonesia được thành lập 2 năm sau đó. Tất cả những tổ chức trên không có bất cứ ảnh hưởng nào hơn và sụp đổ nhanh chóng do những mâu thuẫn giữa chính các nước thành viên (xung đột tranh chấp lãnh thổ Bắc Borneo – Sabah) của nhà nước sau đó độc lập là Malaysia[9]. Sau một thời kỳ thực hiện chính sách đối đầu, chống lại Malaysia, Indonesia đã dần hạ nhiệt và mở ra một con đường cho sự thành lập của ASEAN.
Ngày 8/8/1967, 5 quốc gia bao gồm Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore và Philippin đã ký Tuyên bố Bangkok, văn bản nền tảng cho sự hình thành của ASEAN. Acharya cho rằng “việc thành lập hiệp hội đã khiến nhóm các nước bị chia rẽ ngồi lại với nhau”: 5 nước thành viên ban đầu khác biệt hoàn toàn về diện tích, dân tộc, xã hội, kinh về, trải nghiệm về thời kỳ thực dân và hậu thực dân[10].
Morada (2008) đã phân kỳ lịch sử phát triển của ASEAN thành bốn giai đoạn:
· Giai đoạn “hình thành” (1967-1977): các nước thành viên thống nhất xây dựng và đưa ra tuyên bố về Khu vực Hòa bình, Tự do và Trung lập (Zone of Peace, Freedom and Neutrality - ZOPFAN) vào năm 1971. Năm 1976, hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần đầu tiên được tổ chức, đó cũng là thời điểm Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác (Treaty of Amity and Cooperation - TAC) được ký kết. Hiệp định bao gồm những quy tắc về tình toàn diện lạnh thổ, không can thiệp, giải quyết tranh chấp bằng hòa bình, v.v. Hơn thế nữa, một ban thư ký được thành lập để căng cường cơ sở thể chế cho hiệp hội.
· Giai đoạn “xung đột” (1977-1987): đây là giai đoạn nổi bật với vấn đề Campuchia. ASEAN đã tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho xung đột này. Năm 1984, Brunei trở thành thành viên thứ sáu của hiệp hội.
· Giai đoạn thứ ba trong lịch sử của ASEAN là “giai đoạn mở rộng và khủng hoảng” (1988- 1997) giai đoạn này chứng kiến làn song dân chủ hóa mà dẫn tới xung đột nội bộ ở rất nhiều nước Đông Á. Thêm nữa, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á đã giáng đòn mạnh các các nền kinh té khu vực. Năm 1989 và 1992, hai hiệp định quan trọng của hiệp hội được xây dựng với thỏa thuận về Khu vực tự do thương mại ASEAN (AFTA) Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Với sự chấm dứt của Chiến tranh Lạnh, Mỹ đã đóng cửa những căn cứ quân sự ở Philippin mà trước đây vốn làm căng thẳng thêm tình hình khu vực, và Diễn đàn khu vực ARF cũng được được thành lập với sự tham gia của Việt Nam, Trung Quốc và Nga trong đối thoại về an ninh với ASEAN. Năm 1995, hiệp ước về khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (Southeast Asia Nuclear Weapons-Free Zone - SEANWFZ) được các nước thành viên ASEAN ký kết. Cùng năm đó, Việt Nam trở thành thành viên thứ bảy của ASEAN. Hai năm sau, Lào và Myanmar gia nhập ASEAN và đến năm 1999, Campuchia trở thành thành viên thứ mười của Hiệp hội.
· Giai đoạn thứ tư trong lịch sử ASEAN là “giai đoạn phục hồi và chuyển đổi” (1998-2007) sau khủng hoảng tài chính châu Á. Đối với ASEAN, cuộc khủng hoảng đã mang tới lực đẩy cho hợp tác kinh tế giữa các nước thành viên và giữa ASEAN với các nước Đông Á khác. Điều này đã dẫn tới việc thành lập ASEAN+3, chính thức hóa quan hệ đối tác đối thoại với trung quốc, nhật bản và hàn quốc. Ngay sau đó, vấn đề an ninh cũng trở thành trọng tâm khi năm 2005, Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS), một diễn đàn mở với sự tham gia của cả Mỹ và Nga, đã được tổ chức. Trước đó, sau những vụ việc như tấn công khủng bố và New York năm 2001, đánh bom ở Bali, ASEAN đã đưa ra sang kiến về một cộng đồng vào năm 2003 với ba trụ cột chính: Cộng đồng An ninh, Cộng đồng Kinh tế, Cộng đồng Văn hóa - Xã hội. Năm 2003, ASEAN dự kiến hiện thực hóa ý tưởng thành lập cộng đồng vào năm 2020, nhưng bốn năm sau đó, Hội nghị thượng đỉnh ASEAN quyết định đẩy nhanh tiến độ thành lập cộng đồng sớm hơn 5 năm, tức là năm 2015.
Như vậy, có thể thấy ASEAN đã trải qua một giai đoạn lịch sử hình thành và phát triển kéo dài gần 50 năm. Trong thời kỳ đó, với những biến động của tình hình thế giới, khu vực và các nước thành viên, ASEAN đã dần trở thành một tổ chức hợp tác khu vực đa lĩnh vực và cũng là trung tâm điều phối quan hệ quốc tế ở Đông Á.
3. ASEAN có những tiêu chí của một Cộng đồng An ninh?
3.1. Theo lý thuyết của Karl Deutsch
Nếu chúng ta đi theo quan điểm cộng đồng an ninh của Deutsch để đánh giá xem liệu ASEAN đã tạo thành một cộng đồng an ninh hay không, thì sự phân biệt đầu tiên phải thực hiện là đặc tính hợp nhất hay đa nguyên của một cồng đồng an ninh. Trong trường hợp của ASEAN, các giá trị và quy chuẩn có thể được các xã hội chia sẻ nhưng các nhà nước không thống nhất về chính trị (ví dụ, ngược với Thụy Sĩ, nơi sự chuyển đổi từ một nhà nước liên đoàn thành liên bang năm 1848 đã cho thấy sự thống nhất về chính trị trong một dạng thức của một cộng đồng an ninh hợp nhất). Do đó, xét theo quan điểm của Deutsch, ASEAN có thể đáp ứng các điều kiện của một cộng đồng an ninh đa nguyên chính trị, nơi các chủ thể chính trị đồng tồn tại một cách tự chủ còn người dân thì chia sẻ các giá trị và quy chuẩn ở một mức độ mà những cuộc tranh chấp có thể được giải quyết theo phương án hòa bình.
Kế hoạch xây dựng Cộng đồng ASEAN bao gồm tất cả các nhân tố cần thiết để tạo thành một cộng đồng thực sự.[11] Có ba trụ cột lớn nhất mà sẽ định hình nên nền tảng của cộng đồng an ninh ASEAN. Đầu tiên, cộng đồng an ninh ASEAN sẽ được xây dựng dựa trên cơ sở là những chuẩn mực và giá trị được chia sẻ. Thứ hai, đạt được trạng thái an ninh toàn diện, bao gồm an ninh mang tính hợp tác thông qua những hệ thống xây dựng lòng tin, ngoại giao phòng ngừa, giải quyết xung đột cũng như những nhân tố an ninh phi truyền thống như các biện pháp chống chủ nghĩa khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia; tất cả đó tạo thành một mục đích của cộng đồng. Thứ ba, cộng đồng phải đảm bảo duy trì tính trung tâm của ASEAN, đồng thời thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa ASEAN với các quốc gia ngoài khu vực. Học giả Oba Mie thấy rằng cần thiết phải đi theo cách tiếp cận cộng đồng chính trị đa nguyên của Deutsch, do để hình thành một cộng đồng thực sự, gỡ bỏ xung đột giữa các nhà nước chủ yếu dựa trên thỏa thuận của giới tinh hoa của các nước là không đủ. Mie nhấn mạnh rằng trong ý tưởng về Cộng đồng an ninh chính trị ASEAN, ASEAN đã gắn với với những giá trị toàn cầu và định hướng cộng đồng vào dân chúng[12].
Tuy nhiên, nhìn vào những điều kiện bên trong và bên ngoài ASEAN, chúng ta có thể thấy những nhân tố mà có thể gây hiểm họa cho tính thống nhất và cố kết của cộng đồng ASEAN. Chẳng hạn, nguyên tắc hoạt động của ASEAN vốn gắn chặt với quan điểm tôn trọng chủ quyền quốc gia, không can tiệp và công việc nội bộ và tránh những vấn đề nằm dưới quyền tài phán của nhà nước khiến việc phổ biến những giá trị, quy chuẩn quốc tế gặp khó khăn. Bên cạnh đó còn có những xung đột biên giới nhỏ lẻ. Các dân tộc trong khu vực này, sinh sống trong hòa bình thực sự, tức là những quyền con người cơ bản được đảm bảo, không có sự vi phạm nhân quyền hay áp bức bóc lột, không ai phải tồn tại với tình trạng đói nghèo, nhưng đây là điều kiện chưa được đảm bảo. Do vậy, Amitav Acharya đưa ra một kết luận khác rằng “nếu gắn với lý thuyết của Deutsch hay những dạng thức tương tự như vậy […] thì ASEAN không đạt yêu cầu của một cộng đồng an ninh”[13].
3.2. Theo lý thuyết của các học giả hậu Chiến tranh Lạnh
Amitav Acharya, là nhà lý luận kiến tạo hàng đầu ở Đông Nam Á và dường như là người có ảnh hưởng nhất về mặt lý luận của các nỗ lực hợp tác ASEAN hiện nay, thường áp dụng lý thuyết của Adler và Barnett. Phân tích của Acharya theo khuôn khổ lý luận của Adler và Barnett thường nhấn mạnh vào bản sắc và các giai đoạn phát triển của cộng đồng an ninh.
Acharya cho rằng giữa các nước ASEAN đã phát triển một bản sắc chung, kết nối các thành viên với nhau. Các bản sắc này được thể hiện qua phương cách ASEAN. Từ năm 1967, các nước sáng lập ra ASEAN tiến hành hợp tác giữa các nước dựa trên những đặc điểm chung nhất giữa các nước, đó là: hoàn cảnh địa lý (cùng khu vực, nước vừa và nhỏ), lịch sử (mới thoát khỏi chủ nghĩa thực dân), lợi ích (xây dựng và phát triển đất nước cần môi trường khu vực ổn định). Thông qua giao lưu và hợp tác, các nước khu vực đã nhận thức được những đặc điểm chung này. Đây là điều mà các nhà lý luận kiến tạo gọi là “cảm nhận về chúng ta” (we-ness hoặc we feeling), tức là cơ sở cho ASEAN hình thành, phát triển, và mở rộng. Khi có cảm nhận chung, việc hình thành các quy chuẩn và bản sắc sẽ mang tính tự nhiên. Quy chuẩn và bản sắc được xây dựng trước thông qua giao lưu, hợp tác cùng cảm nhận và có tính chất hướng dẫn hành vi hợp tác.
Cũng phải thừa nhận một thực tế rằng, ASEAN được hình thành sau những thử nghiệm không thành công về hợp tác khu vực. Hiệp hội Đông Nam Á (ASA) thất bại bởi vì có sự mâu thuẫn về bản sắc giữa các nước thành viên và không thành viên: các nước thành viên bị coi là thân phương Tây, đi ngược lại với tinh thần chống đế quốc và trung lập của các nước khác trong khu vực trong bối cảnh quốc tế thay đổi và hợp tác khu vực mở rộng. Vì bản sắc được xây dựng trên một mẫu số chung có tính “tối thiểu” như vậy nên việc xây dựng và củng cố bản sắc luôn luôn được đặt ra, tương tác vẫn được đề cao, và hợp tác ngày càng đa dạng và mang nhiều dấu ấn của những nỗ lực có tính kiến tạo chủ quan[14]. ASEAN đã “tạo ra được bản sắc “thống nhất trong đa dạng” (Unity in Diversity), mà biểu hiện rõ nhất của nó là “Phương thức ASEAN” (ASEAN Way)”[15].
Về giai đoạn phát triển của Cộng đồng an ninh ASEAN, Acharya thừa nhận ASEAN đang phát triển trở thành một cộng đồng an ninh[16] và cho rằng ASEAN phù hợp với khái niệm về một cộng đồng an ninh sơ khai. Nói cách khác, các nước ASEAN mới quyết định tham gia hợp tác để đảm bảo an ninh chung. Nhìn vào quá trình phát hình thành và phát triển các cơ chế hợp tác của ASEAN đã trình bày ở phần trên, có thể nhận xét rằng dù hợp tác ASEAN tuy đã có độ dài về thời gian nhưng do hoàn cảnh quốc tế và khu vực nên cộng đồng ASEAN vẫn đang ở vào bước đi ban đầu. Không thể phủ nhận nỗ lực của các nước nhằm củng cố và làm sâu hơn hợp tác, thậm chí khả năng đạt tới mức độ nhất thể hoá cao hơn về một số lĩnh vực là điều thể dự báo được, nhưng điều đó vẫn nằm trong một tương lai xa. Có thể thấy được rằng về mặt cơ cấu tổ chức, ASEAN vẫn chưa xây dựng được những thể chế mạnh và có tính pháp lý cao. Chính vì thế, mô hình cộng đồng an ninh sơ khai (nascent) nhưng có tiềm năng mà Acharya mô tả về hợp tác ASEAN là tương đối sát với hiện thực.
Kết luận
ASEAN đã trải qua gần 50 năm hợp tác khu vực với các giai đoạn phát triển khác nhau. Liệu có thể coi ASEAN là một cộng đồng an ninh? Bài viết đã áp dụng hai lý thuyết về cộng đồng an ninh của hai thời kỳ lịch sử với bối cảnh khác biệt là trong và sau Chiến tranh Lạnh vào trường hợp của ASEAN. Rõ ràng, ASEAN không phải là một cộng đồng an ninh đầy đủ theo lý thuyết của Deutsch. ASEAN không đáp ứng được những điều kiện của Deutsch về những quy chuẩn được chia sẻ giữa toàn thể các dân tộc. Nhưng, điều đó có thể đạt được trong tương lai. Vì thế, dù còn tranh luận nhưng ASEAN ít nhất vẫn là một cộng đồng an ninh đa nguyên.
Theo cách tiếp cận của Adler và Barnett, ASEAN có thể hình thành một cộng đồng an ninh do họ cho rằng đó không phải là một điều kiện cần thiết của cộng đồng. Áp dụng lý luận này, Acharya kết luận rằng ASEAN có thể là một cộng đồng sơ khai và với những nỗ lực hiện nay, ASEAN có thể hướng tới một cộng đồng phát triển.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Tiếng Việt
1. Phạm Quang Minh (2010), “Phương thức ASEAN (The ASEAN Way): Bản sắc của một tổ chức khu vực”, Quốc tế học – Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Khoa Quốc tế học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.
2. Nguyễn Vũ Tùng (2005), “Lý luận về bản chất hợp tác ASEAN”, Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế, số 60 (03-2005).
Tiếng Anh
3. Acharya, Amitav (2000), The Quest for Identity: International Relations of Southeast Asia, Singapore: Oxford University Press.
4. Acharya, Amitav (2009), Constructing a Security Community in Southeast Asia: ASEAN and the Problem of Regional Order, London: Routledge.
5. Acharya, Amitav (2009), “Arguing about ASEAN: what do we disagree about?”, Cambridge Review of International Affairs, 22 (3).
6. Adler, Emanuel and Michael Barnett (eds.) (1998), Security Communities, Cambridge: Cambridge University Press.
7. Deutsch, Karl W. et al. (1957), Political Community and the North Atlantic Area: International Organization in the Light of Historical Experience, Princeton: Princeton University Press.
8. Mie, Oba (2014), “ASEAN and the Creation of a Regional Community”, Asia-Pacific Review, 21(1).
9. Morada, Noel M. (2008), “ASEAN at 40: Prospects for Community Building in Southeast Asia”, Asia-Pacific Review, 15(1).
[1] Karl W. Deutsch et al. (1957), Political Community and the North Atlantic Area: International Organization in the Light of Historical Experience, Princeton: Princeton University Press.
[2] Karl W. Deutsch et al. (1957), bài đã dẫn.
[3] Amitav Acharya (2000), The Quest for Identity: International Relations of Southeast Asia, Singapore: Oxford University Press.
[4] Nguyễn Vũ Tùng (2005), “Lý luận về bản chất hợp tác ASEAN”, Nghiên cứu Quốc tế, số 60 (03-2005).
[5] Emanuel Adler and Michael Barnett (eds.) (1998), Security Communities, Cambridge: Cambridge University Press.
[6] Amitav Acharya (2009), Constructing a Security Community in Southeast Asia: ASEAN and the Problem of Regional Order, London: Routledge, pp. 35.
[7] Amitav Acharya (2009), Constructing a Security Community in Southeast Asia: ASEAN and the Problem of Regional Order, London: Routledge, pp. 5.
[8] Noel M. Morada (2008), “ASEAN at 40: Prospects for Community Building in Southeast Asia”, Asia-Pacific Review, 15(1), pp. 36.
[9] Amitav Acharya (2009), Constructing a Security Community in Southeast Asia: ASEAN and the Problem of Regional Order, London: Routledge, pp. 58.
[10] Amitav Acharya (2009), Constructing a Security Community in Southeast Asia: ASEAN and the Problem of Regional Order, London: Routledge, pp. 54.
[11] Oba Mie (2014), “ASEAN and the Creation of a Regional Community”, Asia-Pacific Review, 21(1), pp. 72.
[12] Oba Mie (2014), bài đã dẫn, tr. 63-78.
[13] Amitav Acharya (2009), “Arguing about ASEAN: what do we disagree about?”, Cambridge Review of International Affairs, 22 (3), pp. 496.
[14] Nguyễn Vũ Tùng (2005), bài đã dẫn.
[15] Phạm Quang Minh (2010), “Phương thức ASEAN (The ASEAN Way): Bản sắc của một tổ chức khu vực”, Quốc tế học – Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Khoa Quốc tế học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, tr. 40.
[16] Amitav Acharya (2009), Constructing a Security Community in Southeast Asia: ASEAN and the Problem of Regional Order, London: Routledge, pp.. 208