Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
  • Thư viện điện tử và kho tin
  • Đề tài nghiên cứu cấp bộ
  • Đề tài nghiên cứu cấp nhà nước
  • Tham khảo tạp chí
  • Sách toàn văn
  • Thư điện tử
  • Chính phủ

Cộng đồng kinh tế ASEAN trong bối cảnh mới

ThS. Nguyễn Hồng Nga

27/09/2016

Hà Nội, 24/5/2016

CỘNG ĐỒNG KINH TẾ ASEAN TRONG BỐI CẢNH MỚI

ThS. Nguyễn Hồng Nga

Viện Kinh tế và Chính trị thế giới

Tóm tắt

Kể từ khi hình thành, ASEAN đã trải qua nhiều bối cảnh thăng trầm của thế giới, ảnh hưởng tới tiến trình phát triển của tổ chức cũng như tiến trình hội nhập khu vực Đông Nam Á. Kế hoạch hội nhập có lúc tưởng chừng như sắp tan vỡ, có lúc lại được thúc đẩy rất nhanh, đem lại niềm tin và kỳ vọng lớn lao về một cộng đồng phồn vinh và thịnh vượng. Tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN tháng 1/2007, các nhà lãnh đạo ASEAN đã quyết định rút ngắn thời hạn hoàn thành Cộng đồng ASEAN, từ năm 2020 xuống còn 2015. Tuy nhiên, bối cảnh quốc tế đầy rủi ro và suy thoái kinh tế toàn cầu sau đó đã tác động không nhỏ tới tiến trình hội nhập khu vực. Bài viết này sẽ phân tích tiến trình hướng tới Cộng đồng kinh tế ASEAN trong bối cảnh quốc tế và khu vực thời gian gần đây.

1. Cục diện thế giới nhiều biến động

Hơn năm năm trôi qua kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu chạm đáy, thế giới đã trải qua một giai đoạn khó khăn với nhiều rủi ro và bất ổn. Kinh tế thế giới trong quá trình điều chỉnh từ giai đoạn tăng trưởng không bền vững trở về quỹ đạo cân bằng hơn song lại rơi vào vòng xoáy của “bẫy tăng trưởng thấp”.[1][2] Tốc độ tăng trưởng đã chậm lại ở cả các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Nhật Bản, EU lẫn các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, Braxin…thậm chí nhiều nền kinh tế rơi vào suy thoái. Tình trạng kinh tế trì trệ, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, các đòn bẩy tài chính bị cắt giảm, khủng hoảng nợ công lan rộng, rủi ro trên thị trường tài chính luôn rình rập và chủ nghĩa bảo hộ leo thang v.v…cùng lúc, các vấn đề như thiên tai, thời tiết khắc nghiệt lại nổi lên dồn dập, gây ra tổn thất lớn cho nhiều nước. Bối cảnh đó khiến cho các nhà đầu tư và các hộ gia đình đánh mất niềm tin rằng giới hoạch định chính sách có khả năng hành động quyết đoán, phối hợp tốt hơn để đưa các nền kinh tế quay trở lại lộ trình tăng trưởng mạnh và vững chắc.

Để thoát khỏi tình trạng nói trên, các nền kinh tế đã đẩy mạnh cải cách toàn diện; nhiều nền kinh tế phát triển đã thử nghiệm một số biện pháp kích thích kinh tế phi truyền thống, điển hình là chính sách nới lỏng định lượng của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED). Kể từ nửa cuối năm 2013, tốc độ tăng trưởng bắt đầu phục hồi trên đà vững chắc hơn. Thị trường tài chính toàn cầu chuyển sang một giai đoạn ổn định hơn, đặc biệt khi bóng đen của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu dần tan ngay cả ở những vùng tâm điểm của nó như Hy Lạp, Ireland, Tây Ban Nha v.v…và hệ thống ngân hàng trên thế giới bắt đầu áp dụng những chuẩn mực chặt chẽ hơn trước.

Trong bối cảnh khó khăn của kinh tế thế giới những năm qua, vấn đề hội nhập kinh tế của ASEAN bị lu mờ so với các chương trình nghị sự toàn cầu: những gói cứu trợ khẩn cấp, biện pháp kích thích kinh tế, tranh chấp thương mại, mâu thuẫn trong lĩnh vực tiền tệ giữa các nền kinh tế lớn, nỗ lực tự do hóa thương mại toàn cầu… Quỹ đạo tăng trưởng mới của kinh tế toàn cầu và khu vực thấp hơn và kém sôi động hơn lại không thuận lợi cho tiến trình hội nhập của khu vực Đông Nam Á. Các nền kinh tế ASEAN phải quan tâm nhiều hơn tới nỗ lực thoát ra khỏi sự trì trệ và giảm sút. Trong những lúc như vậy thì tâm điểm hướng tới của các nền kinh tế ASEAN thường vẫn là các thị trường phát triển như Mỹ, EU, Nhật Bản và nền kinh tế mới nổi là Trung Quốc. Tuy nhiên, cũng chính từ những nỗ lực nhằm thoát ra khỏi khó khăn thì việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN lại được các nước trong khu vực quan tâm nhiều hơn như một trong những ưu tiên thời kỳ hậu khủng hoảng.

Kể từ khi cuộc khủng hoảng nổ ra, trong hệ thống kinh tế thế giới diễn ra những dịch chuyển lớn. Cùng với Trung Quốc là sự nổi lên của Ấn Độ, Nga, Braxin và nhiều nền kinh tế đang phát triển khác. Thế hệ của các cường quốc mới nổi đang dựa vào sức nặng về kinh tế và tài chính để bày tỏ quan điểm, cố gắng xác định lại các chương trình nghị sự của thế giới và quyết tâm thiết lập lại các mối quan hệ quốc tế. Cục diện này cho thấy làn sóng sức mạnh đang dịch chuyển từ khu vực “ngoại vi” vào “trung tâm”, kéo theo những va chạm về lợi ích giữa hai nhóm nước. Kết quả là môi trường an ninh thế giới rơi vào một thời kỳ biến động và sa sút. Tình hình an ninh ở nhiều khu vực, từ Đông Bắc Á cho đến Đông Nam Á, Nam Á và Bắc Phi-Trung Đông xấu đi do các cuộc chạy đua vũ trang gia tăng, những trò chơi hạt nhân nguy hiểm, tranh chấp lãnh thổ leo thang, bạo động và nội chiến bùng phát.[3]

Đằng sau những biến động này là sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các cường quốc, đặc biệt tại những khu vực có ý nghĩa địa chính trị nhạy cảm như Đông Bắc Á, Đông Nam Á, và Trung Đông. Điều này đã làm tăng thêm vị thế quan trọng của khu vực Đông Nam Á trong bàn cờ của các nước lớn. Các động thái hội nhập của ASEAN, không chỉ có chính trị, an ninh mà cả trong vấn đề kinh tế cũng trở nên nhạy cảm hơn và thu hút được sự quan tâm của bên ngoài khu vực. Sự tranh giành ảnh hưởng của các nước lớn đối với khu vực Đông Nam Á đã khiến xu hướng chính trị hóa các dự án hội nhập kinh tế của ASEAN trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. 

2. Đe dọa các mô hình hội nhập khu vực sụp đổ

ASEAN luôn coi EU là một khuôn mẫu hội nhập thành công và đáng để học tập. Tuy nhiên, bối cảnh quốc tế mới lại đang cho thấy những đe dọa rạn nứt từ chính mô hình liên kết khu vực này. Mới đây nhất là sự bất đồng xung quanh cuộc khủng hoảng Ukraine năm 2014 và đỉnh điểm là chính sách giải quyết cuộc khủng hoảng người nhập cư năm 2015.

Khởi đầu là rạn nứt EU trong quyết định trừng phạt Nga. Sự lệch pha trong việc tiến tới một thỏa thuận cuối cùng khi áp đặt các lệnh trừng phạt với Nga để quốc gia này chấm dứt can thiệp và ngừng bắn ở Ukraine đã khiến châu Âu trở nên lục đục. Việc cân nhắc lợi ích của các quốc gia trong quyết định trừng phạt này chính là nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt. Những quốc gia như Áo, Phần Lan, Ý, Slovakia và Hungary, vốn có mối quan hệ thương mại thân cận với Nga, tỏ ra không sẵn sàng cho việc thực thi quyết định này. Mạnh mẽ nhất là Hungary, quốc gia này còn tỏ ý sẽ rời khỏi EU một khi lệnh trừng phạt này được đưa ra. Các quốc gia không chỉ đặt nghi vấn về mức độ hiệu quả mà còn mong muốn trì hoãn việc thực thi những lệnh trừng phạt này. Các biện pháp trừng phạt mới bao gồm giới hạn việc tham gia vào thị trường vốn đối với những công ty dầu khí lớn của Nga và phong tỏa tài khoản, cấm visa đối với giới chức Nga nằm trong danh sách đen của châu Âu. Để đáp lại, Nga đe dọa sẽ mở rộng các lệnh cấm nhập khẩu bao trùm dệt may và xe hơi, có nguy cơ hủy hoại nền kinh tế EU, và nới rộng rạn nứt trong quan hệ giữa nhiều quốc gia thành viên. Trong khi đó, Đức và Pháp lại tỏ ra vô cùng cứng rắn trong quyết định trừng phạt Nga. 

Bên cạnh đó, bất chấp cuộc khủng hoảng di cư ngày một leo thang không hề có dấu hiệu hạ nhiệt, các quốc gia châu Âu hiện vẫn chưa tìm được một tiếng nói chung để tháo gỡ vấn đề này. Những bất đồng sâu sắc giữa các quốc gia về chính sách người nhập cư đã khiến cuộc khủng hoảng ngày càng trở nên trầm trọng. Châu Âu đang bị chia rẽ bởi hai luồng tư tưởng, một là mở cửa chào đón người nhập cư (Đức, Áo, Thụy Điển, Nauy), hai là siết chặt biên giới ngăn chặn người nhập cư (Anh, Ai len, Đan Mạch). Mặc dù một kế hoạch tái phân bổ 120.000 người nhập cư đối với 28 nước thành viên đã được thông qua vào tháng 9/2015 (không bao gồm Anh, Đan Mạch và Ai len), song việc thực thi thỏa thuận này hứa hẹn sẽ vấp phải rất nhiều trở ngại bởi có tới 13/28 quốc gia bỏ phiếu phản đối quyết định này.[4] Đối với các nước như Đức và Pháp, việc phân bổ hạn ngạch tiếp nhận người nhập cư là giải pháp khẩn thiết nhằm chia sẻ gánh nặng và trách nhiệm với Hy Lạp, Italia nói riêng cũng như giữa các quốc gia thành viên trong khối nói chung. Để triển khai kế hoạch này EU sẽ hỗ trợ các chính phủ khoảng 6.000 euro cho mỗi người tị nạn được tiếp nhận và quy định các mức phạt tài chính đối với những quốc gia không tuân thủ hạn ngạch về tiếp nhận người di cư. Trong khi đó, các nước ở khu vực Trung và Đông Âu (Hungary, Ba Lan, Cộng hòa Séc, và Slovakia) cho rằng việc quy định một hạn ngạch bắt buộc như hiện nay đã vi phạm tới quyền tự quyết của các quốc gia cũng như quyền lợi của người di cư và chỉ làm tình hình trở nên nghiêm trọng hơn khi khuyến khích thêm người di cư tới châu Âu. Thậm chí Hungary còn cho rằng cuộc khủng hoảng người di cư hiện nay là vấn đề của riêng Đức vì đa phần người di cư đều muốn tới quốc gia này chứ không phải những quốc gia châu Âu khác. Các quốc gia phản đối quyết định này của EU cũng bày tỏ quan điểm từ chối tiếp nhận người di cư bởi họ không muốn một cộng đồng Hồi giáo tồn tại ở quốc gia mình, nơi mà người dân chủ yếu theo đạo Thiên chúa.     

Còn trước đó là cuộc khủng hoảng nợ công nghiêm trọng tại các quốc gia châu Âu đã gây ra quan ngại sâu sắc về nguy cơ sụp đổ của Eurozone và trở thành thách thức lớn nhất của kinh tế thế giới. Nỗi lo ngại về hiệu ứng đôminô từ cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu cùng với những thất bại chính sách đã đánh mất niềm tin trên thị trường, khiến cho bất ổn lan rộng, làm rung chuyển hệ thống tài chính toàn cầu. Những khó khăn của châu Âu đã cho thấy một cuộc khủng hoảng trong mô hình hội nhập từng được thế giới ngưỡng mộ bấy lâu nay. Nó đã bộc lộ sự yếu kém trong hệ thống quản lý kinh tế của Eurozone, chủ yếu là do việc “thả lỏng” chính sách tài khóa, khiến cho thâm hụt ngân sách chính phủ không được kiểm soát. Một nguyên nhân nữa là tham vọng quá lớn của các nhà hoạch định chính sách, cả của những người muốn mở rộng Eurozone quá nhanh, lẫn của những người mong muốn gia nhập Eurozone bằng mọi giá, bất chấp sự chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế của các nước thành viên.

Trong bối cảnh như vậy, ASEAN buộc phải cân nhắc và có lựa chọn thích hợp cho mô hình hội nhập kinh tế của mình. Đã có nhiều so sánh giữa mô hình hội nhập của ASEAN và mô hình EU và có những kết luận rằng: tiến trình hội nhập của ASEAN còn xa mới đạt được tới mức như EU. ASEAN chưa hướng tới việc thành lập một đồng tiền chung và những khó khăn của Eurozone thời gian vừa qua tiếp tục buộc các nước ASEAN phải cẩn trọng hơn với những dự án như thế này. Điều đó có nghĩa rằng, quá trình hội nhập của ASEAN, ngay cả khi đã thành lập AEC, thì cũng chưa thể có bước tiến dài trong những năm tới. ASEAN đã đặt ra những giới hạn hội nhập khá khiêm tốn đối với mô hình AEC. Việc này giúp cho sự hình thành AEC khả thi hơn. Tuy nhiên, nếu mô hình hội nhập AEC không vượt qua được những giới hạn này trong tương lai thì nó sẽ trở nên thiếu cạnh tranh và thiếu hấp dẫn hơn so với các dự án hội nhập khác trong và ngoài khu vực Đông Á.    

3. Ảnh hưởng của Trung Quốc ở Đông Nam Á

Trung Quốc nổi lên là một hiện tượng nổi bật không chỉ của khu vực mà còn của cả thế giới trong khoảng hai thập kỷ qua. Vào thời kỳ mới tiến hành cải cách, lãnh tụ Đặng Tiểu Bình đã có châm ngôn cho hành động thực tế của Trung Quốc là: “Lặng lẽ quan sát; giữ vững trận địa; bình tĩnh ứng phó; giấu mình chờ thời; giỏi về phòng thủ; quyết không đi đầu.” Hiện nay, Trung Quốc lớn mạnh hơn trước rất nhiều và trở thành trung tâm kinh tế lớn thứ hai thế giới. Chiến lược đối ngoại của Trung Quốc đang điều chỉnh từ “giấu mình chờ thời” sang “làm nên công tích”, tích cực “hướng ra ngoài”, cạnh tranh chiếm lĩnh các không gian phát triển.[5]

Trung Quốc đang phát huy sức mạnh và vị thế thượng phong để dẫn dắt và chi phối các quá trình phát triển của thế giới qua những hành động thực tế của mình. Đặc biệt, Trung Quốc ngày càng thể hiện rõ tiềm năng và sức mạnh trong việc sắp xếp các luật chơi của Châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng. Bằng việc triển khai một loạt chiến lược hợp tác khu vực, Trung Quốc đang tích cực mở rộng không gian phát triển, lôi cuốn cả khu vực Đông Nam Á, các nước thuộc tiểu vùng Mêkông làm bàn đạp để vươn ra thế giới. Chiến lược biển của Trung Quốc cũng đặt ra mục tiêu hướng kinh tế nước này nhanh chóng quá độ từ tính chất “đại lục” sang tính chất “biển”, biến các vùng ven biển là cầu nối và là cửa ngõ mở cửa với bên ngoài.

Trong quan hệ kinh tế, Trung Quốc đang có những chính sách đảo chiều khá mạnh: chuyển từ việc chỉ tiếp nhận đầu tư nước ngoài sang tích cực đầu tư ra thế giới. Những ngành tiêu tốn nhiều năng lượng, nguyên liệu, lao động và gây ô nhiễm môi trường chắc chắn  sẽ “chuyển dịch” mạnh đến thị trường các nước kém phát triển hơn trong khu vực. Nhiều khả năng các nền kinh tế ASEAN, đặc biệt là tiểu vùng Mêkông sẽ có nguy cơ trở thành “sân sau” của Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc sẽ có nhu cầu rất to lớn về nguyên liệu, năng lượng, lao động...và theo phương châm: bảo toàn nguồn lực quốc gia, gia tăng khai thác và sử dụng các nguồn lực bên ngoài, xa trước, gần sau…sự phát triển mất cân bằng và nhiều thiếu hụt lớn của Trung Quốc sẽ là mối đe doạ với hầu hết các nước trên thế giới và sẽ là rất khó khăn cho những nước liền kề trong khu vực.

Sự nổi lên mạnh mẽ và ảnh hưởng gia tăng trong khu vực của Trung Quốc theo chiều hướng trên sẽ bất lợi cho ASEAN. Nó đặt ASEAN vào vị thế yếu hơn, dễ bị chi phối hơn trong các mối quan hệ với Trung Quốc, không chỉ trong lĩnh vực an ninh, chính trị, đặc biệt những mâu thuẫn đang tồn tại như tranh chấp trên biển Đông mà còn trong cả lĩnh vực kinh tế. Sự mất cân bằng này có thể khiến tiến trình hội nhập kinh tế của ASEAN bị cuốn theo những động thái và ý đồ của Trung Quốc, trở nên chệch hướng, theo nghĩa sẽ phục vụ tốt hơn yêu cầu phát triển của Trung Quốc thay vì đáp ứng yêu cầu phát triển của khu vực.

4. Cạnh tranh giữa các cường quốc ở khu vực

Đông Nam Á đang trở thành địa bàn cạnh tranh ảnh hưởng gay gắt của nhiều nước lớn. Từ khi bộ đôi lãnh đạo Tập Cận Bình — Lý Khắc Cường nắm quyền, Trung Quốc đã có điều chỉnh về mặt đối ngoại. Nước này tích cực xây dựng quan hệ hợp tác toàn diện trên cơ sở mối liên hệ kinh tế truyền thống giữa Trung Quốc và ASEAN. Đây cũng là cách thức đáp trả chiến lược xoay trục sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã liên tục công du tới các nước Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Myanmar và Việt Nam. Các chuyến công du này nhằm mục đích xây dựng quan hệ toàn diện, vừa thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại, vừa quảng bá hình ảnh của Trung Quốc, đồng thời gia tăng quan hệ hữu nghị hơn với các quốc gia đã ít nhiều được hưởng lợi ích chính trị, kinh tế từ Trung Quốc.

Trong khi đó, Mỹ cũng ráo riết thực hiện chiến lược “xoay trục” kèm theo nỗ lực tái cấu trúc an ninh khu vực. Các nhà lãnh đạo cấp cao của Mỹ đã liên tục trấn an các quốc gia ở Đông Nam Á trước động thái của Trung Quốc nhằm mở rộng ảnh hưởng trong khu vực. Mỹ và từng đối tác Philippin, Singapore và Australia đã thống nhất đàm phán về hiệp ước chung nhằm tăng cường quan hệ quân sự và cho phép sự hiện diện của quân đội Mỹ ở các nước này. Điều đó sẽ tạo cho các nước trên có được chiếc ô an ninh cần thiết để ngăn chặn những hành động khiêu khích từ phía Trung Quốc.[6] Đặc biệt, Mỹ cũng có lợi ích quan trọng trong việc duy trì sự thịnh vượng của khu vực Đông Nam Á và Đông Á. Vì vậy trong quyết tâm đẩy mạnh chiến lược xoay trục về châu Á, bên cạnh vấn đề an ninh thì Mỹ có một vấn đề không kém phần quan trọng là lĩnh vực hợp tác thương mại mà biểu hiện rõ ràng là TPP.[7]

Dù thu hút ít sự chú ý hơn song Hàn Quốc cũng đang lặng lẽ mở rộng ảnh hưởng và tăng cường hợp tác kinh tế thông qua một loạt thể chế và triển khai các hiệp định như Trung tâm ASEAN-Hàn Quốc, Hiệp định tự do thương mại Hàn Quốc-ASEAN và Hiệp định Đối tác chiến lược Hàn Quốc - ASEAN. Hành trình và nghị trình của Tổng thống Park Geun-hye đối với các nước Đông Nam Á hiện nay cho thấy bên cạnh nỗ lực kiềm chế Trung Quốc, tranh thủ sự ủng hộ trong các giải pháp của Hàn Quốc đối với CHDCND Triều Tiên thì hợp tác kinh tế vẫn là trọng tâm.

Trong nỗ lực của Nhật Bản trở lại là cường quốc khu vực, Thủ tướng Shinzo Abe đã có những kế hoạch mở rộng và nâng cấp quân đội, sửa đổi Hiến pháp và các bình luận cứng rắn trong tranh chấp với Trung Quốc liên quan đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, và tái khẳng định ảnh hưởng của Nhật Bản ở Đông Nam Á. Trong vòng 7 tháng đầu tiên cầm quyền, ông Shinzo Abe đã tới Đông Nam Á ba lần dự kiến vào cuối năm tại nhiệm đầu tiên trong nhiệm kì thứ 2, ông sẽ tới thăm toàn bộ 10 quốc gia ASEAN. Sự tái quan tâm này được thúc đẩy bởi tranh chấp hải đảo giữa Nhật Bản với Trung Quốc, và thông qua ASEAN tạo thế đối trọng với Trung Quốc ở Biển Đông, ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Trước những thay đổi nhanh chóng về địa chính trị tại châu Á – Thái Bình Dương, mối quan tâm của Ấn Độ về hợp tác khu vực đã tăng lên rõ rệt. Ấn Độ đang tìm cách can dự và liên kết kinh tế sâu hơn với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có ASEAN. Ấn Độ đã thấy phải tăng cường hợp tác với các nước ASEAN nhằm triển khai đầy đủ quan hệ đối tác chiến lược. Hiện tại, Ấn Độ đang thúc đẩy hợp tác hải quân với các nước đóng vai trò quan trọng của ASEAN nhằm chia sẻ lợi ích trong việc bảo vệ tự do hàng hải và duy trì an ninh và ổn định tại khu vực.

Nga cũng có nhiều động thái mới nhằm tăng cường sự can dự ở khu vực Đông Nam Á. Hợp tác hàng hải và quân sự giữa Nga và Việt Nam cho thấy “định hướng” về phía Nam của Nga đang tăng lên. Việt Nam là đối tác kinh tế quan trọng của Nga ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.[8] Nga đã có hợp đồng cung cấp cho Việt Nam 6 tàu ngầm lớp Kilo. Thỏa thuận trên được thực hiện trong lúc tranh chấp lãnh thổ giữa Việt Nam và Trung Quốc ở biển Đông vẫn căng thẳng. Mặc dù những giải thích và tuyên bố chính thức về quan điểm của Nga là đứng ngoài các cuộc tranh chấp này nhưng mối quan hệ tự nhiên của Nga, cụ thể là sự hợp tác hải quân với Việt Nam, đã cho thấy một chiều hướng khác.

Trước sự can dự gia tăng của các cường quốc trong khu vực, các nước ASEAN đều ý thức được rằng sẽ cần phải cố kết với nhau chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, những sức ép và lôi kéo của các cường quốc trên thực tế vẫn có thể khiến tiến trình hội nhập của ASEAN bị mất phương hướng. Các nước ASEAN với lợi ích kinh tế, chính trị và ưu tiên đối ngoại còn khác biệt rất dễ bị chia rẽ về lập trường khi các nước lớn đối đầu hay mâu thuẫn. ASEAN luôn mong muốn trở thành tâm điểm, điều phối các quá trình hợp tác khu vực song bối cảnh hiện nay dễ biến ASEAN trở thành thế lực để các cường quốc lợi dụng và tranh thủ bên lề của các cuộc tranh chấp.  

5. Căng thẳng biển Đông

Từ góc độ toàn cầu, có thể thấy chiến lược của Trung Quốc ở biển Đông xoay quanh ba trụ cột, đó là: 1) Chống lại việc quốc tế hóa những tranh chấp trên Biển Đông; 2) Chia rẽ đoàn kết ASEAN nhằm ngăn chặn khu vực hóa những tranh chấp này; 3) Duy trì các tranh chấp trên Biển Đông luôn ở mức độ áp lực vừa phải để Mỹ không thể trực tiếp can thiệp quân sự, nhưng vẫn đủ để gây sức ép chiến lược.[9]

Trung Quốc đang kết hợp vận dụng đường lối ngoại giao kinh tế mềm dẻo và chính sách quân sự-chủ quyền cứng rắn. Một mặt, mặc dù có nhiều sự điều chỉnh chính sách đối ngoại nhằm tăng cường hợp tác với ASEAN, Trung Quốc vẫn duy trì lập trường cứng rắn, triển khai các hành động khiêu khích tại các vùng tranh chấp. Mặt khác, Trung Quốc lại đưa ra nhiều chương trình hợp tác phát triển kinh tế với các nước ASEAN, đồng thời kêu gọi các nước này “gác tranh chấp, cùng khai thác”.

Trung Quốc có thể sử dụng đòn bẩy từ sức mạnh kinh tế vượt trội của mình thông qua những dự án đầu tư, đặc biệt trong phát triển cơ sở hạ tầng, viện trợ và cho vay ưu đãi đối với các nền kinh tế ASEAN kém phát triển hơn nhằm gây ảnh hưởng đối với chính sách của các nước này. Tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN vào tháng 7/2012 tại Campuchia, Trung Quốc đã thành công trong việc chia rẽ khiến các nước ASEAN không thể có được sự thống nhất trong vấn đề tranh chấp biển Đông. Ở trường hợp của Philippines, Trung Quốc đã sử dụng các lời đe doạ ngoại giao, trừng phạt kinh tế và tung lực lượng đông đảo áp chế lực lượng an ninh biển và ngư dân Philippines.[10]

Trong bối cảnh đó, xu hướng trong quan hệ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng ASEAN trở nên ngày càng khó dự đoán. Những động thái trong quan hệ kinh tế của Trung Quốc với các nước này có thể sẽ trở nên phức tạp, khó lường, nhất là khi nó đan quyện với các mối quan hệ chính trị và an ninh và bị chi phối bởi các cạnh tranh chiến lược toàn cầu. Vấn đề biển Đông không chỉ liên quan đến mối quan hệ giữa Trung Quốc với ASEAN như một khối thống nhất mà nó còn là nguyên nhân gây ra chia rẽ về mặt chính trị trong ASEAN: một mặt là giữa các nước ASEAN có tranh chấp với nhau và mặt khác là lập trường của các nước ASEAN đối với Trung Quốc xoay quanh vấn đề tranh chấp này. Trên thực tế, mâu thuẫn giữa các nước ASEAN dễ dàng được giải quyết hơn mâu thuẫn giữa các nước ASEAN với Trung Quốc. Vì vậy, có thể nói tranh chấp trên biển Đông là một trong những trở ngại lớn nhất đối với tiến trình hội nhập sâu hơn của ASEAN.

Kết luận

Mặc dù AEC đã được hình thành song tiến trình hội nhập kinh tế của ASEAN một cách đầy đủ vẫn còn nhiều thách thức. Bối cảnh quốc tế và khu vực hiện nay cho thấy, tiến trình này đang bị tác động bởi nhiều lực lượng chính trị bên ngoài khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là sức ép và sự cạnh tranh của các nước lớn và các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nga .vv…Vì thế, rất khó để có thể khiến cho AC nói chung và AEC nói riêng đóng một vai trò nổi bật ở bên ngoài khu vực Đông Nam Á. 

Thách thức lớn nhất của AEC là việc nó sẽ tồn tại như thế nào và quan trọng hơn cả làm thế nào để AEC có thể cạnh tranh được với nhiều liên kết kinh tế khác? AEC là sự lựa chọn số một của cả khối ASEAN và khu vực Đông Nam Á nhưng cho đến nay có thể vẫn không phải là sự lựa chọn ưu tiên nhất của nhiều nước ASEAN riêng lẻ trong tiến trình hội nhập kinh tế. Tuy nhiên, sức ép từ bên ngoài cũng là điều kiện để các nước ASEAN phải nhìn lại dự án hội nhập của mình để sớm có những thay đổi, cho phù hợp hơn với môi trường xung quanh và nhất là để nâng cao vị thế của ASEAN trên trường quốc tế./.[11]  

 

 


 

[2] UN. 2012. World Economic Situation and Prospects 2013. Chapter 1. New York, 18 December 2012

[3] Đó là chưa kể, các vấn đề an ninh phi truyền thống như thiên tai, thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu, động đất, khủng bố v.v…cũng gây ra những tổn thất lớn lao cho nhiều nước và khu vực trên thế giới. 

[4] Colin Freeman (2015), “Hungary to EU: Migrant Quotas Will Repeat Western Europe’s Failed Attempts at Multiculturalism”, Telegraph, 26th September 2015.

[5] Phạm Sao Mai. 2010. Trung Quốc và chiến lược đối ngoại đến 2020. Trong Cục diện thế giới đến 2020, Phạm Bình Minh chủ biên. NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội. Trang 454

[6] Al Labita (2013): “A strategic pearl for US-Philippine ties”, Asia Times online, http://www.atimes.com/atimes/Southeast_Asia/SEA-01-071113.html truy cập ngày 7/11/2013.

[7] Elizabeth C. Economy: “Blink and you will miss it: Obama’s Quiet Pivot Progress”, The Diplomat, http://thediplomat.com/2013/09/blink-and-you-will-miss-it-Obamas-quiet-pivot-progress/, truy cập ngày 6/9/2013.

[8] Năm 2012, Nga đứng thứ 18 trong số 101 nước và vùng lãnh thổ đang đầu tư vào Việt Nam, với số vốn đăng ký trên 2 tỷ USD vào 93 dự án.

[9] Subhash Kapila. Tranh chấp Biển Đông: Những tính toán chiến lược và triển vọng giải quyết xung đột.  Hội thảo Quốc tế về Biển Đông “Chủ quyền Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa: Khía cạnh Lịch sử và Pháp lý” tại trường Đại học Phạm Văn Đồng, Việt Nam, ngày 27-28/4, 2013.

[10] http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/132048/nhin-vao-chien-thuat-thay-doi-chinh-sach-hang-hai-tq.html

[11] Chú thích: Bài viết có tham khảo từ nghiên cứu của các tác giả Nguyễn Hồng Sơn và Nguyễn Mạnh Hùng (2014), Cộng đồng kinh tế ASEAN trong bối cảnh quốc tế mới, Tạp chí Kinh tế và Chính trị thế giới, số 7 (219). 

 

Các tham luận khác