MỘT SỐ QUAN ĐIỂM CỦA VIỆT NAM VỀ CỘNG ĐỒNG ASEAN
ThS. Bùi Thị Hồng
Viện Thông tin Khoa học xã hội
Kể từ khi thành lập (8/8/1967) cho đến nay, ASEAN không chỉ phát triển về quy mô hoạt động mà nó ngày càng phát huy vai trò của mình trong việc đẩy mạnh hợp tác và liên kết khu vực, tăng cường đoàn kết, hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa các dân tộc ở khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh đó, ASEAN cũng là nhân tố hàng đầu thúc đẩy đối thoại và hợp tác vì hòa bình, an ninh, phát triển thông qua việc khởi xướng và giữ vai trò chủ đạo trong nhiều diễn đàn khu vực. Việc Cộng đồng ASEAN chính thức hình thành vào ngày 31/12/2015 có thể coi là dấu mốc lịch sử quan trọng của tiến trình liên kết ASEAN, nó còn có ý nghĩa đặc biệt đối với Hiệp hội và khu vực cũng như từng nước thành viên.
Nội dung bài viết này trình bày một số quan điểm chủ yếu của Việt Nam về Cộng đồng ASEAN, đóng góp của Việt Nam trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN cũng như một số bước chuẩn bị của thanh niên trên con đường hội nhập Cộng đồng ASEAN.
1. Cộng đồng ASEAN và các trụ cột
1.1. Cộng đồng ASEAN
Sự ra đời của Cộng đồng ASEAN vào ngày 31/12/2015 đã thể hiện sự trưởng thành và lớn mạnh của ASEAN sau gần 5 thập kỷ tồn tại, phát triển. Có thể nói, Cộng đồng ASEAN là thành tựu hợp tác của các nước ASEAN, tạo cơ sở vững chắc và động lực mạnh mẽ cho ASEAN tiếp tục liên kết sâu rộng hơn và đóng vai trò quan trọng ở khu vực. Bên cạnh đó, nó cũng phản ánh nhận thức và lợi ích chung của các nước thành viên về nhu cầu liên kết khu vực cao hơn.
Theo Giáo sư Cốc Nguyên Dương, chuyên gia nghiên cứu về quan hệ quốc tế thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, sự ra đời của Cộng đồng ASEAN sẽ góp phần tăng cường hiểu biết, tăng cường tình đoàn kết giữa các dân tộc với những nền văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau trong đại gia đình ASEAN, an ninh trong nội khối sẽ được đảm bảo, tạo môi trường hòa bình, ổn định để các nước thành viên tập trung phát triển kinh tế cũng như thúc đẩy các hoạt động giao lưu văn hóa[1].
Quan điểm của Việt Nam cho rằng, việc xây dựng Cộng đồng ASEAN là một hoạt động “hướng tới tương lai” và là “lý tưởng cao đẹp” của ASEAN. Mục tiêu tổng quát của AC “là xây dựng Hiệp hội thành một tổ chức liên chính phủ vững mạnh với mức độ liên kết sâu sắc hơn và trên cơ sở pháp lý là Hiến chương ASEAN, nhưng không phải là một tổ chức siêu quốc gia, khép kín, mà vẫn mở rộng hợp tác với bên ngoài”[2].
Quan điểm trên của Việt Nam có thể được hiểu theo hai ý sau:
Thứ nhất, Cộng đồng ASEAN vẫn là một tổ chức liên chính phủ, nó không phải là một tổ chức siêu quốc gia như EU. Điểm khác biệt giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và Cộng đồng ASEAN ở chỗ, trong Cộng đồng ASEAN mức độ liên kết khu vực “sâu sắc hơn”.
Thứ hai, Cộng đồng ASEAN là một cộng đồng mở mà ở đây là sự mở rộng hợp tác với bên ngoài.
Có thể nói, quan điểm trên của Việt Nam về Cộng đồng ASEAN vừa có điểm tương đồng và khác biệt so với các nước thành viên khác. Điểm tương đồng được thể hiện ở chỗ, cũng như các nước ASEAN, Việt Nam hiểu Cộng đồng ASEAN là cộng đồng của các quốc gia độc lập, cùng chia sẻ những lợi ích chung trong hòa bình và phát triển ở Đông Nam Á. Điểm khác biệt ở chỗ, Việt Nam chỉ xem Cộng đồng ASEAN là một tổ chức liên chính phủ mạnh, trong khi đó, Philippin xem Cộng đồng ASEAN như một Liên minh Đông Nam Á và Indonexia cho rằng, trong Cộng đồng ASEAN, các nước thành viên sẽ chia sẻ các giá trị chung và một “cảm nhận chung về chúng ta – we felling”. Điều này được thể hiện rõ trong Hiến chương ASEAN.
Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN đề ra định hướng tiếp tục củng cố và làm sâu sắc hơn Cộng đồng ASEAN với mục tiêu bao trùm là đưa ASEAN trở thành một tổ chức hợp tác khu vực mở có mức độ liên kết sâu rộng hơn và có vai trò quan trọng hơn ở khu vực; một Cộng đồng vận hành theo luật lệ, có sự tham gia rộng rãi hơn của người dân và mang lại những lợi ích thiết thực hơn cho người dân[3].
1.2. Các trụ cột của AC
Văn kiện Tuyên bố thành lập Cộng đồng ASEAN là sự tuyên bố chính thức đối với thế giới về việc thành lập Cộng đồng ASEAN. Đây là bước ngoặt lịch sử của Hiệp hội khẳng định vị thế mới của Cộng đồng ASEAN trong cộng đồng quốc tế, biểu thị mạnh mẽ cam kết của ASEAN sẽ nỗ lực củng cố vững mạnh Cộng đồng ASEAN vì mục tiêu chung hòa bình, ổn định và phát triển. Bên cạnh đó, các nước thành viên cũng đã ký Tuyên bố Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025. Đây là văn kiện chủ đạo, làm cơ sở và khuôn khổ cho liên kết của ASEAN trong 10 năm tới. Định hướng bao trùm của Tầm nhìn là củng cố và nâng tầm liên kết ASEAN một cách toàn diện và sâu rộng hơn trên cả 3 trụ cột: Cộng đồng Chính trị -An ninh (APSC) trước là Cộng đồng An ninh ASEAN (ASC), Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC)[4].
1.2.1 Cộng đồng chính trị - an ninh ASEAN (APSC)
Nhận thức rõ vai trò của hợp tác chính trị và an ninh đối với việc duy trì hòa bình, ổn định khu vực, năm 2003, cùng với thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực, các nước ASEAN đã quyết định xây dựng Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN (APSC), coi đây là nhân tố chính để bảo đảm hòa bình, an ninh và ổn định khu vực. Cộng đồng này được hình thành từ tinh thần đoàn kết và quá trình hợp tác chặt chẽ trong gần 5 thập kỷ qua giữa các nước thành viên. Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN tổ chức ở Kuala Lampua hồi tháng 12 năm 1997, các nhà Lãnh đạo của các chính phủ thành viên ASEAN đã định hướng về một cộng đồng mở, hòa hợp giữa các quốc gia Đông Nam Á, chung sống trong hòa bình, ổn định và thịnh vượng, gắn kết với nhau trong sự phát triển năng động và trong một cộng đồng xã hội quan tâm chu đáo[5].
Mục tiêu của APSC là xây dựng một môi trường hòa bình và an ninh cho phát triển ở khu vực Đông Nam Á thông qua việc nâng cao hợp tác chính trị - an ninh trong khối ASEAN, kết hợp với sự tham gia và đóng góp xây dựng của các đối tác bên ngoài. APSC không nhằm tạo ra một khối phòng thủ chung.
Trong kế hoạch tổng thể APSC 2009-2015 thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN năm 2009[6] đã xác định 3 thành tố chính của APSC gồm:
Một là, xây dựng một cộng đồng vận hành dựa trên luật lệ, có các chuẩn mực và giá trị chung.
Hai là, tạo dựng một khu vực bền vững, gắn kết, hòa bình, ổn định, có sức tự hồi phục và cùng chịu trách nhiệm về toàn bộ các vấn đề an ninh trong khu vực.
Ba là, hướng tới một khu vực năng động và rộng mở trong một thế giới không ngừng hội nhập và phụ thuộc lẫn nhau. Để thúc đẩy thành tố đầu tiên của APSC, ASEAN đang không ngừng tăng cường hợp tác chính trị, hình thành và chia sẻ các chuẩn mực thể hiện trong Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC), Hiệp ước về Khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), thúc đẩy hợp tác an ninh biển...
Trong bài phát biểu của mình nhân dịp hình thành Cộng đồng ASEAN, Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định: “Trong 20 năm đồng hành cùng ASEAN, với phương châm “chủ động, tích cực và có trách nhiệm”, Việt Nam nghiêm túc hoàn thành các cam kết và nghĩa vụ của một thành viên, có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển và lớn mạnh của ASEAN, được các nước trong và ngoài khu vực ghi nhận, đánh giá cao”[7].
Ngoài ra, trong bài viết về hợp tác Chính trị - An ninh ASEAN đăng trên đặc san của báo Thế giới và Việt Nam số ra nhân kỷ niệm 40 năm ngày thành lập ASEAN, Nguyên Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm cho rằng: “Cộng đồng an ninh ASEAN không nhằm tạo ra khối phòng thủ chung, mà mục tiêu là tạo dựng một môi trường hòa bình và an ninh cho phát triển ở khu vực Đông Nam Á thông qua việc nâng hợp tác Chính trị - An ninh ASEAN lên tầm cao mới, với sự tham gia, đóng góp xây dựng của các đối tác bên ngoài”[8].
Có thể nói, trên đây là những quan điểm có tính nguyên tắc, phản ánh tôn chỉ, mục tiêu nhất quán của Việt Nam đối với các mục tiêu chung của APSC.
1.2.2. Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)
Tại Hội nghị Thượng đỉnh tổ chức tại Kuala Lumpur vào tháng 12/1997, Lãnh đạo các nước ASEAN đã quyết định xây dựng ASEAN thành một khu vực ổn định, thịnh vượng, có khả năng cạnh tranh cao, có trình độ phát triển đồng đều, giảm đói nghèo và cải thiện tình trạng bất bình đẳng kinh tế - xã hội (Tầm nhìn ASEAN 2020).
Cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức thành lập khi bản tuyên bố thành lập cộng đồng ASEAN được ký kết bởi 10 lãnh đạo của các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có hiệu lực vào ngày 31/12/2015. Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) là một trong ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN, cùng với Cộng đồng Chính trị - An ninh, Cộng đồng Văn hóa - Xã hội. Hiện tại, đây được đánh giá là khu vực phát triển sôi động trên thế giới với hơn 640 triệu dân, tổng GDP khoảng 2.480 tỷ USD và kim ngạch thương mại đạt 2.530 tỷ USD vào năm 2014[9].
Theo như Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN 2009 - 2015, AEC được coi là mục tiêu cuối cùng của tiến trình hội nhập kinh tế được hiện thực hóa như đã nêu trong Tầm nhìn 2020. Mục tiêu này được đưa ra dựa trên lợi ích chung của các quốc gia thành viên ASEAN nhằm thúc đẩy hội nhập kinh tế sâu và rộng hơn nữa thông qua các sáng kiến hiện tại và sáng kiến mới với những thời hạn rõ ràng[10].
Đối với trụ cột này, các nhà Lãnh đạo Việt Nam không phát triển thêm nội dung của khái niệm mà chỉ truyền bá các nội dung về AEC đã được các nước ASEAN nhất trí. Nguyên Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm khẳng định: “Cộng đồng kinh tế ASEAN nhằm mục tiêu tạo ra một thị trường chung duy nhất và cơ sở sản xuất thống nhất, trong đó có sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề, từ đó nâng cao tính cạnh tranh và thúc đẩy sự thịnh vượng chung cho cả khu vực, tạo sự hấp dẫn với đầu tư và kinh doanh từ bên ngoài”[11].
Trong bài viết “Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC): Cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam” của nhóm tác giả Trần Văn Hùng, Lê Thị Mai Hương và ThS. Nguyễn Lê Vân Anh đăng trên Tạp chí Phát triển và Hội nhập số 20 năm 2015 có nhấn mạnh: AEC chính là sự đẩy mạnh những cơ chế liên kết hiện có của ASEAN như Hiệp định khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ (AFAS), Khu vực đầu tư ASEAN (AIA), Hiệp định khung về hợp tác công nghiệp ASEAN (AICO), … để xây dựng ASEAN thành “một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất”. Nói cách khác, AEC là mô hình liên kết kinh tế khu vực.
Qua đó, chúng ta thấy rằng, việc hình thành AEC có vai trò quan trọng trong việc mở rộng hợp tác kinh tế giữa các nước với thế giới bên ngoài và điều này đặc biệt có ý nghĩa với nền kinh tế Việt Nam hiện nay.
1.2.3. Cộng đồng văn hóa - xã hội (ASCC)
Trong văn kiện Tầm nhìn ASEAN 2020 được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN không chính thức lần thứ hai vào tháng 12 năm 2007 đã đề cập đến ý tưởng về Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN nói riêng trong tổng thể Cộng đồng ASEAN nói chung.
Bài viết của Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Hồng Lan đã đề cập đến mục tiêu của ASCC: ASCC là một trong ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN, với mục tiêu góp phần xây dựng một Cộng đồng ASEAN “cam kết nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thông qua các hoạt động hợp tác hướng tới con người, xây dựng một cộng đồng ASEAN hướng vào người dân, lấy người dân làm trung tâm và có trách nhiệm xã hội nhằm đạt được tình đoàn kết và thống nhất lâu bền giữa các quốc gia và người dân ASEAN thông qua việc tạo dựng một bản sắc chung và một xã hội chia sẻ, đùm bọc, hoà thuận và rộng mở, nơi cuộc sống và phúc lợi của người dân được nâng cao”[12]. Qua đó ta thấy, Cộng đồng Văn hóa - Xã hội tập trung nhiều vào khía cạnh con người, vào những nội dung thiết thực với cuộc sống của toàn thể người dân trong khu vực. Việc đẩy mạnh xây dựng Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN sẽ thúc đẩy sự gắn kết người dân giữa các quốc gia, khuyến khích người dân tham gia vào tiến trình xây dựng Cộng đồng; đồng thời bổ trợ tích cực cho việc xây dựng hai trụ cột còn lại.
Kế hoạch Tổng thể xây dựng Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN gồm 6 thành tố chính: (1) Phát triển con người; (2) Phúc lợi và bảo hiểm xã hội; (3) Các quyền và bình đẳng xã hội; (4) Đảm bảo môi trường bền vững; (5) Tạo dựng bản sắc ASEAN; (6) Thu hẹp khoảng cách phát triển và 40 thành tố cùng với 340 biện pháp thực hiện trong giai đoạn 2009-2015 cũng như thể chế thực hiện và giám sát[13].
Quan điểm của Việt Nam về ASCC nhìn chung cũng giống như quan điểm của các nước ASEAN khác. Tuy nhiên, có một điểm khác biệt là trong khi các nước ASEAN 6 nhấn mạnh nhiều tới an ninh con người, coi an ninh con người là một mục tiêu của ASSC, thì Việt Nam lại không đề cập tới khía cạnh trên.
Có thể nói, mỗi trụ cột của Cộng đồng ASEAN có một bản Kế hoạch tương ứng nêu các mục tiêu và kế hoạch hành động mà các nước thành viên đã cam kết thực hiện. Việt Nam cũng không nằm ngoài bản Dự thảo đó. Chúng ta luôn nỗ lực hết mình thực hiện tốt các mục tiêu đề ra.
2. Một số đóng góp của Việt Nam trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN
Sau 20 năm kể từ khi trở thành thành viên của ASEAN, Việt Nam đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình và có đóng góp tích cực vào công việc của ASEAN, góp phần quan trọng vào sự phát triển và thành công của Hiệp hội. Thực tiễn cho thấy, chỉ sau 3 năm gia nhập ASEAN, Việt Nam đã chủ trì và tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 6 (năm 1998), đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch Ủy ban thường trực ASEAN (ASC) (nhiệm kỳ 2000 - 2001), đóng góp tích cực vào việc mở rộng thành viên của ASEAN (kết nạp các nước Lào, Mianma, Campuchia), phát huy vai trò nước điều phối quan hệ đối thoại của ASEAN với các đối tác quan trọng như: Nga, Mỹ, Úc, Canađa, Trung Quốc và là nước điều phối quan hệ đối thoại ASEAN - EU (nhiệm kỳ 2012 - 2015). Việt Nam cũng hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch ASEAN 2010, góp phần tăng cường đoàn kết nội khối, phát huy “văn hóa thực thi” trong ASEAN, đưa hợp tác ASEAN chuyển biến về chất theo hướng hành động và thực chất hơn, tạo đà mạnh mẽ cho Hiệp hội hướng tới mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015[14].
Hòa cùng với nỗ lực chung của ASEAN, đẩy nhanh tiến trình liên kết khu vực và xây dựng Cộng đồng, Việt Nam tiếp tục tham gia hiệu quả và có những đóng góp tích cực trong quá trình xây dựng cũng như triển khai lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN gồm các kế hoạch tổng thể xây dựng 3 trụ cột của Cộng đồng ASEAN và kế hoạch công tác về Sáng kiến liên kết ASEAN (IAI) giai đoạn 2 (2009-2015), được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 14 (tháng 2/2009).
Những đóng góp của Việt Nam trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN có thể gói gọn trong những mặt sau:
Về chính trị - an ninh, Việt Nam đã cùng các nước ASEAN tiếp tục thúc đẩy 14 lĩnh vực ưu tiên, triển khai các mục tiêu còn lại của Kế hoạch tổng thể APSC. Việt Nam đã tích cực triển khai sáng kiến của Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) về thiết lập đường dây liên lạc trực tiếp giữa Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN; chủ trì tổ chức thành công Diễn đàn Biển ASEAN (AMF) và Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng (EAMF), góp phần nâng cao vai trò của diễn đàn đối với hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn biển cũng như tự do hàng hải trong khu vực và tham gia các hoạt động cụ thể của ASEAN cũng như giữa ASEAN với các đối tác về phòng, chống khủng bố và các loại tội phạm…
Về kinh tế, Việt Nam là một trong ba nước đạt tỷ lệ cao nhất trong việc thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (84,5%)[15]; tham gia tích cực trong đàm phán về các biện pháp thuận lợi hóa thương mại, đầu tư, dịch vụ; chủ động thực hiện các cam kết về giảm thuế nhập khẩu xuống mức từ 0 - 5% theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (đối với đa số các dòng thuế trong danh mục cắt giảm thông thường) và nỗ lực hoàn thành cam kết về xóa bỏ thuế quan đối với các sản phẩm trong các ngành ưu tiên hội nhập, mở rộng hợp tác và liên kết kinh tế giữa ASEAN với các đối tác…
Về văn hóa - xã hội, Việt Nam đã chủ động đề xuất sáng kiến, ủng hộ hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên của ASEAN hiện nay như: an sinh xã hội, môi trường, quản lý thiên tai, biến đổi khí hậu và thúc đẩy, bảo vệ quyền của lao động di cư. Trên cương vị là Chủ tịch Nhóm Công tác ASEAN về Biến đổi khí hậu (giai đoạn 2014 - 2015), Việt Nam chủ trì cùng các nước thành viên xây dựng Tuyên bố chung ASEAN về Biến đổi khí hậu 2014 và được Lãnh đạo ASEAN thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN-25 vừa qua (tháng 11-2014)…
Bên cạnh việc tăng cường thúc đẩy hợp tác và liên kết nội khối, Việt Nam đã tích cực tham gia thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN với các nước đối tác bên ngoài trên nhiều lĩnh vực khác nhau, đồng thời góp phần đề cao và giữ vững vai trò chủ đạo của ASEAN tại các tiến trình hợp tác khu vực…
Những đóng góp trên của Việt Nam phần nào cho thấy Việt Nam luôn nỗ lực hết mình trong việc cùng các nước thành viên ASEAN hoàn thành mục tiêu xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN, góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển, vì cuộc sống tốt đẹp hơn của người dân trong khu vực.
3. Thanh niên Việt Nam với Cộng đồng ASEAN
Cộng đồng ASEAN ra đời là một lợi thế vô cùng lớn đối với người dân Việt Nam nói chung và tầng lớp thanh niên nói riêng. Nó mở ra nhiều cơ hội về học tập, tìm kiếm việc làm và giao lưu văn hóa cho thanh niên. Song bên cạnh đó, nó cũng đặt thanh niên vào nhiều thách thức mà cần phải nỗ lực hết mình mới hoàn thành tốt được. Tuy nhiên, phần lớn thanh niên, trí thức trẻ của Việt Nam hiện nay - đối tượng bị tác động trực tiếp từ thị trường lao động chung lại hiểu khá mơ hồ về Cộng đồng ASEAN. Bài viết của tác giả Trần Anh Tuấn đăng trên Báo điện tử Người Lao động ngày 16/1/2016 phản ánh: Đa số thanh niên, sinh viên, người học nghề vẫn chưa suy nghĩ nhiều về hội nhập và coi AEC là một cái gì đó xa lạ, không có tác động và ảnh hưởng nhiều đến bản thân. Đặc biệt, nhiều em còn chưa hình dung ra cộng đồng này sẽ như thế nào và bản thân phải chuẩn bị những gì. Các bản trẻ chỉ đơn giản nghĩ rằng, cứ tốt nghiệp xong ra trường rồi xin vào làm ở một cơ quan trong nước, chứ chưa nghĩ đến chuyện sẽ làm việc ở quốc gia khác[16].
Qua đó cho thấy, sự hiểu biết của một bộ phận giới trẻ hiện nay về Cộng đồng ASEAN còn quá ít ỏi trong khi thông tin về nó được cập nhật hàng ngày trên các trang tin điện tử. Vậy, thanh niên cần chuẩn bị những gì để đáp ứng được quá trình hội nhập trong Cộng đồng ASEAN? Theo chúng tôi, giới trẻ chúng ta cần chuẩn bị tốt những mặt sau để có thể hòa cùng quá trình hội nhập Cộng đồng ASEAN:
Trước hết, thanh niên cần chuẩn bị tốt kiến thức về ngoại ngữ mà cụ thể ở đây là tiếng Anh. Mặc dù thế hệ trẻ hiện nay đã có nhiều tiến bộ hơn so với thế hệ trước đây rất nhiều, song khả năng tiếng Anh và giao tiếp của nhiều sinh viên, thanh niên chúng ta vẫn còn chưa tốt, nhất là so với các nước trong khu vực. Sách giáo khoa cũng như chương trình học của chúng ta quá đặt nặng vào ngữ pháp, trong khi các trung tâm tiếng Anh đa phần tập trung vào luyện test, nên nhiều sinh viên đại học không được chuẩn bị tiếng Anh từ sớm rất khó đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của ngay cả doanh nghiệp trong nước, chứ chưa nói đến doanh nghiệp, các công ty nước ngoài. Do vậy, việc làm chủ ngôn ngữ, giao tiếp là một bước cơ bản để hội nhập, để tìm kiếm cơ hội việc làm trong nền kinh tế hội nhập khi mà nhiều quốc gia trong Cộng đồng ASEAN như Singapore, Malaysia, Indonexia… coi tiếng Anh đóng vai trò quan trọng.
Thứ hai, thanh niên phải nâng cao kỹ năng mềm (soft skills) cho bản thân như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc theo nhóm, kỹ năng vượt qua khủng hoảng, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng thư giãn, kỹ năng tổ chức công việc... Thực tế, kỹ năng mềm của sinh viên tốt nghiệp trong nước cũng như của thanh niên Việt Nam chưa được tốt. Rất nhiều sinh viên mới ra trường còn chưa làm tốt cả khâu viết sơ yếu lý lịch cho bản thân khi đi xin việc, rồi khi phỏng vấn nhiều bạn thể hiện rõ sự thiếu chuẩn bị và suy nghĩ cho sự nghiệp của mình. Phần đông những người Việt trẻ chỉ chăm chăm gây ấn tượng với nhà tuyển dụng bằng những kỹ năng “cứng” (hard skills), nghĩa là những thứ thường xuất hiện trên hồ sơ lý lịch: bằng cấp, khả năng chuyên môn, kinh nghiệm làm việc..., thế nhưng trên thực tế, World Bank (Ngân hàng Thế giới) đã gọi thế kỷ 21 là kỷ nguyên của kinh tế dựa vào kỹ năng (Skills Based Economy)[17]. Vậy, liệu các bạn thiếu kỹ năng có khả năng xin việc ở các nước trong khu vực hay không? Câu trả lời chắc chắn là không. Do đó, việc phát triển kỹ năng mềm trong giới trẻ Việt hiện nay là vô cùng quan trọng. Những kỹ năng đó giúp chúng ta có thể học tập, làm việc, phát triển đơn lẻ hoặc cộng đồng, thích nghi được với tất cả môi trường làm việc khắc nghiệt.
Cuối cùng, để có thể hòa nhập được với các bạn trong cộng đồng, giới trẻ chúng ta đặc biệt là tầng lớp thanh niên, sinh viên cần học tập, trau dồi hơn nữa về trình độ chuyên môn, tay nghề mới có thể theo kịp đà phát triển của các nước bạn. Đây là một vấn đề luôn luôn được quan tâm. Trên thực tế, có nhiều bạn trẻ ra trường được nhận vào làm đúng với chuyên ngành mình đã học nhưng cũng phải mất đến nhiều năm mới có thể coi là tạm hoàn thành tốt công việc của mình. Việc học của chúng ta trên ghế nhà trường thường nặng về lý thuyết trong khi ở các nước khác họ lại coi trọng thực hành hơn. Đây cũng là lý do giải thích cho việc sinh viên ra trường không tìm được việc làm đúng chuyên ngành.
Trên đây là ba bước mà chúng tôi thiết nghĩ thanh niên chúng ta cần phải tăng cường trau dồi hơn nữa thì mới có đủ sức cạnh tranh với các bạn trẻ ở các nước trong khu vực. Biết xác định mục tiêu, kế hoạch nghề nghiệp, xây dựng giá trị hành nghề là những yếu tố cốt lõi mà trí thức trẻ phải xác lập ngay từ bây giờ. Trong đó, giá trị hành nghề là cái mà lao động Việt Nam còn thiếu, còn kém cạnh tranh, bị “mất điểm” trong đánh giá của nhà tuyển dụng nước ngoài. Do vậy, hơn ai hết, các bạn trẻ, nhất là sinh viên, phải xây dựng được những giá trị năng lực hành nghề. Đó là ý chí, quyết tâm, hoài bão và không ngừng học tập. Việc học ở nhà trường chỉ là giai đoạn đầu của quá trình học tập suốt đời.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hà Thắng, Lê Bảo (2015), “Việc thành lập cộng đồng ASEAN có ý nghĩa rất quan trọng”, Báo Điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam, http://vov.vn/thegioi/viec-thanh-lap-cong-dong-asean-co-y-nghia-rat-quan-trong-464346.vov ngày 32/12/1015.
2. Phương Chi (2016), “Cộng đồng ASEAN 2015 - Người dân thụ hưởng nhiều lợi ích”, Báo Điện tử Đài tiếng nói Việt Nam, http://vov.vn/the-gioi/quan-sat/cong-dong-asean-2015-nguoi-dan-thu-huong-nhieu-loi-ich-464526.vov ngày 1/1/2016.
3. Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, Ủy ban Quốc gia về Hợp tác Kinh tế Quốc tế (2010), “Lộ trình xây dựng cộng đồng ASEAN 2009 - 2015”, Bản dịch của Văn phòng Ủy ban Quốc gia về Hợp tác Kinh tế Quốc tế. Nxb Thời Đại. Tr 13.
4. Vũ Quỳnh Hương (2010), “Kỹ năng mềm - Bài toán khó của người Việt trẻ”, Báo điện tử Lao động, http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/ky-nang-mem-bai-toan-kho-cua-nguoi-viet-tre-53240.bld ngày 11/7/2010.
5. Trần Khánh (2013), “Hiện thực hóa cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN: Vấn đề và Triển vọng”, Nxb Khoa học xã hội, HN.
6. Phạm Gia Khiêm (2008), “ASEAN bước vào giai đoạn phát triển mới”, Báo Nhân dân. Số ra ngày 8/8/2008. HN - Tr. 4.
7. Đào Hồng Lan (2015), “Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC) và sự tham gia của Việt Nam”, Trang Điện tử Bộ Lao động Thương Binh & Xã hội, http://www.molisa.gov.vn/vi/Pages/chitiettin.aspx?IDNews=24026 ngày 15/12/2015.
8. Phương Linh (2015), “Cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức thành lập”, Báo điện tử VnExpress, http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/vi-mo/cong-dong-kinh-te-asean-chinh-thuc-thanh-lap-3335863.htm ngày 31/12/2015.
9. PGS.TS Nguyễn Thu Mỹ, “Cộng đồng ASEAN: Trong nhận thức và quan điểm của Việt Nam”, Viện nghiên cứu Đông Bắc Á, http://www.hids.hochiminhcity.gov.vn/c/document_library/get_file?uuid=40344755-fe41-4075-a6e9-6afac5540fb1&groupId=13025
10. TS. Vũ Tiến Trọng (2016), “Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN và vai trò của Việt Nam”, Tạp chí Quốc phòng toàn dân, http://tapchiqptd.vn/vi/quoc-phong-quan-su-nuoc-ngoai/cong-dong-chinh-tri-an-ninh-asean-va-vai-tro-cua-viet-nam/8657.html ngày 22/2/2016.
11. Lê Hoài Trung (2015), “Xây dựng Cộng đồng ASEAN 2015 vì mục tiêu hòa bình, ổn định, phát triển và hướng tới người dân”, Tạp chí Quốc phòng toàn dân, http://tapchiqptd.vn/zh/nhung-chu-truong-cong-tac-lon/xay-dung-cong-dong-asean-2015-vi-muc-tieu-hoa-binh-on-dinh-phat-trien-va-huong-toi-nguoi-dan/7073.html ngày 6/3/2015.
12. Trung tâm Dữ kiện - Tư liệu Thông tấn xã Việt Nam (2007), “Vai trò của Việt Nam trong ASEAN”, Nxb Thông Tấn, HN.
13. Trần Anh Tuấn (2016), “Người trẻ mù mờ về AEC”, Báo điện tử Người lao động, http://nld.com.vn/cong-doan/nguoi-tre-mu-mo-ve-aec-20160116221629972.htm ngày 16/1/2016
14. Tấn Vũ (2015), “Cộng đồng Chính trị - An ninh: Trụ cột quan trọng của cộng đồng các nước Đông Nam Á”, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, http://www.dangcongsan.vn/su-kien-binh-luan/cong-dong-chinh-tri-an-ninh-tru-cot-quan-trong-cua-cong-dong-cac-nuoc-dong-nam-a-360563.html ngày 12/12/2015.
[1] Hà Thắng, Lê Bảo (2015). “Việc thành lập cộng đồng ASEAN có ý nghĩa rất quan trọng”. Báo Điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam. http://vov.vn/thegioi/viec-thanh-lap-cong-dong-asean-co-y-nghia-rat-quan-trong-464346.vov ngày 32/12/1015.
[2] PGS.TS Nguyễn Thu Mỹ. “Cộng đồng ASEAN: Trong nhận thức và quan điểm của Việt Nam”. Viện nghiên cứu Đông Bắc Á. http://www.hids.hochiminhcity.gov.vn/c/document_library/get_file?uuid=40344755-fe41-4075-a6e9-6afac5540fb1&groupId=13025
[3] Phương Chi (2016). “Cộng đồng ASEAN 2015 - Người dân thụ hưởng nhiều lợi ích”. Báo Điện tử Đài tiếng nói Việt Nam. http://vov.vn/the-gioi/quan-sat/cong-dong-asean-2015-nguoi-dan-thu-huong-nhieu-loi-ich-464526.vov ngày 1/1/2016.
[4] Phương Chi (2016). “Cộng đồng ASEAN 2015 - Người dân thụ hưởng nhiều lợi ích”. Nguồn đã dẫn 3.
[5] Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, Ủy ban Quốc gia về Hợp tác Kinh tế Quốc tế (2010). “Lộ trình xây dựng cộng đồng ASEAN 2009 - 2015”. Bản dịch của Văn phòng Ủy ban Quốc gia về Hợp tác Kinh tế Quốc tế. Nxb Thời Đại. Tr 13.
[6] Tấn Vũ (2015). “Cộng đồng Chính trị - An ninh: Trụ cột quan trọng của cộng đồng các nước Đông Nam Á”. Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. http://www.dangcongsan.vn/su-kien-binh-luan/cong-dong-chinh-tri-an-ninh-tru-cot-quan-trong-cua-cong-dong-cac-nuoc-dong-nam-a-360563.html ngày 12/12/2015.
[7] TS. Vũ Tiến Trọng (2016). “Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN và vai trò của Việt Nam”. Tạp chí Quốc phòng toàn dân. http://tapchiqptd.vn/vi/quoc-phong-quan-su-nuoc-ngoai/cong-dong-chinh-tri-an-ninh-asean-va-vai-tro-cua-viet-nam/8657.html ngày 22/2/2016.
[8] PGS.TS Nguyễn Thu Mỹ. “Cộng đồng ASEAN: Trong nhận thức và quan điểm của Việt Nam”. Viện nghiên cứu Đông Bắc Á. Nguồn đã dẫn 2.
[9] Phương Linh (2015). “Cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức thành lập”. Báo điện tử VnExpress. http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/vi-mo/cong-dong-kinh-te-asean-chinh-thuc-thanh-lap-3335863.htm ngày 31/12/2015.
[10] Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, Ủy ban Quốc gia về Hợp tác Kinh tế Quốc tế (2010). “Lộ trình xây dựng cộng đồng ASEAN 2009 - 2015”. Nguồn đã dẫn 5.
[11] Phạm Gia Khiêm (2008). “ASEAN bước vào giai đoạn phát triển mới”. Báo Nhân dân. Số ra ngày 8/8/2008. HN - Tr. 4.
[12] Đào Hồng Lan (2015). “Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC) và sự tham gia của Việt Nam”. Trang Điện tử Bộ Lao động Thương Binh & Xã hội. http://www.molisa.gov.vn/vi/Pages/chitiettin.aspx?IDNews=24026 ngày 15/12/2015.
[13] “Thông tin cơ bản về Cộng đồng ASEAN”. Trang điện tử Bộ Ngoại Giao Việt Nam. http://www.mofahcm.gov.vn/vi/mofa/cn_vakv/ca_tbd/nr040819160321/ns130808071827
[14] Lê Hoài Trung (2015). “Xây dựng Cộng đồng ASEAN 2015 vì mục tiêu hòa bình, ổn định, phát triển và hướng tới người dân”. Tạp chí Quốc phòng toàn dân. http://tapchiqptd.vn/zh/nhung-chu-truong-cong-tac-lon/xay-dung-cong-dong-asean-2015-vi-muc-tieu-hoa-binh-on-dinh-phat-trien-va-huong-toi-nguoi-dan/7073.html ngày 6/3/2015.
[15] Lê Hoài Trung (2015). “Xây dựng Cộng đồng ASEAN 2015 vì mục tiêu hòa bình, ổn định, phát triển và hướng tới người dân”. Nguồn đã dẫn 14.
[16] Trần Anh Tuấn (2016). “Người trẻ mù mờ về AEC”. Báo điện tử Người lao động. http://nld.com.vn/cong-doan/nguoi-tre-mu-mo-ve-aec-20160116221629972.htm ngày 16/1/2016.
[17] Vũ Quỳnh Hương (2010). “Kỹ năng mềm - Bài toán khó của người Việt trẻ”. Báo điện tử Lao động. http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/ky-nang-mem-bai-toan-kho-cua-nguoi-viet-tre-53240.bld ngày 11/7/2010.