SỰ CHUẨN BỊ CỦA THANH NIÊN VỚI VIỆC GIA NHẬP CỘNG ĐỒNG VĂN HÓA – XÃ HỘI ASEAN NÓI RIÊNG VÀ CỘNG ĐỒNG ASEAN NÓI CHUNG
Lê Thị Thu Trang
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Tóm tắt
Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (gọi tắt là ASCC) là một trong ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN. Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN, với mục tiêu lấy con người làm trung tâm, xây dựng một cộng đồng các dân tộc ASEAN hài hòa, đoàn kết, đùm bọc và chia sẻ; chăm lo thể chất, môi trường sống, tạo phúc lợi ngày càng tốt hơn cho người dân và tạo dựng một bản sắc chung của khu vực.
Mục tiêu xây dựng ASCC được cụ thể hóa thông qua các chương trình hợp tác, gần đây nhất là Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN 2025. Kế hoạch này tiếp tục khẳng định: trọng tâm của ASCC là cam kết nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thông qua các hoạt động hợp tác hướng vào người dân, thân thiện với môi trường và hướng tới thúc đẩy bền vững.
Bên cạnh những cơ hội về hợp tác văn hóa – xã hội thì thách thức đặt ra với Việt Nam khi gia nhập Cộng đồng ASEAN là không nhỏ. Đó là các vấn đề liên quan đến thực hiện chủ trương tăng trưởng kinh tế đi đôi với xóa đói, giảm nghèo, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 được triển khai đó là hòa bình và tự cường với năng lực được nâng cao nhằm ứng phó với những thách thức một cách hiệu quả cũng như nắm bắt cơ hội kịp thời.
Hiện nay, nguồn lực trẻ - nguồn lực thanh niên - chiếm khoảng 70% dân số Việt Nam, có vai trò vô cùng quan trọng đối với công cuộc hội nhập của Việt Nam vào Cộng đồng ASEAN. Cộng đồng ASEAN sẽ không phải là một tổ chức siêu quốc gia và không khép kín mà mở rộng hợp tác với bên ngoài. Vì vậy, mỗi thanh niên Việt Nam đều có thể trở thành những đại sứ thiện trí trong các hoạt động văn hóa – xã hội. Mỗi hành động đúng, mỗi nhận thức đầy đủ về Cộng đồng ASEAN của thanh niên sẽ góp phần tăng cường tinh thần đoàn kết, tình hữu nghị trong sự đa dạng văn hóa giữa các nước. Đó chính là sức mạnh văn hóa và sức mạnh thanh niên.
1. Cộng đồng ASEAN
1.1. Sự thành lập Cộng đồng ASEAN
Năm 2003, lãnh đạo các nước ASEAN ký Tuyên bố Hòa hợp ASEAN II với mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2020. 4 năm sau, để thích ứng với xu hướng phát triển của thế giới, ASEAN quyết định thúc đẩy mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 với 3 trụ cột là: Cộng đồng Chính trị - An ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội.
Cộng đồng ASEAN cũng thể hiện lợi ích, nhận thức, tầm nhìn chung cũng như ý chí, quyết tâm chính trị của các nước thành viên về nhu cầu tăng cường liên kết ở mức cao hơn để kịp thời ứng phó và thích ứng trước các cơ hội, thách thức đặt ra cho khu vực; đưa ASEAN chính thức trở thành một cộng đồng gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế, cùng chia sẻ trách nhiệm xã hội, tạo nền tảng quan trọng để ASEAN tiếp tục củng cố và làm sâu sắc liên kết, mang lại lợi ích chung cho tất cả các nước thành viên.
Việc hình thành Cộng đồng ASEAN sẽ tiếp tục mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân và các nước thành viên, như tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận thị trường, giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ nhờ việc xóa bỏ thuế quan, giảm tỷ lệ thất nghiệp, tạo thuận lợi đi lại.
1.2. Mục tiêu và định hướng phát triển của Cộng đồng ASEAN
Mục tiêu tổng quát của Cộng đồng ASEAN là xây dựng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á thành một tổ chức hợp tác liên Chính phủ, liên kết sâu rộng hơn và ràng buộc hơn trên cơ sở pháp lý là Hiến chương ASEAN; nhưng không phải là một tổ chức siêu quốc gia và không khép kín mà vẫn mở rộng hợp tác với bên ngoài.
Xây dựng Cộng đồng ASEAN là một giai đoạn của tiến trình phát triển, do đó mốc 31/12/2015 khi Cộng đồng ASEAN hình thành không phải là đích cuối cùng của liên kết ASEAN, mà là sự khởi đầu của một giai đoạn phát triển mới của Hiệp hội. Trên cơ sở nhận thức chung như vậy, các quốc gia thành viên ASEAN đã nhất trí xây dựng nội dung Tầm nhìn của Cộng đồng ASEAN sau 2015 (giai đoạn 2016 - 2025).
Theo đó, Cộng đồng Chính trị- An ninh hướng tới 4 mục tiêu lớn: Một là hoạt động theo luật lệ, hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm. Hai là duy trì hòa bình, an ninh và ổn định khu vực. Ba là tăng cường đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN. Bốn là tăng cường năng lực thể chế và sự hiện diện của ASEAN.
Cộng đồng Kinh tế hướng tới 5 mục tiêu: Trước hết ASEAN hướng đến một nền kinh tế thống nhất và liên kết cao. Thứ hai, ASEAN sẽ là một nền kinh tế năng động, đổi mới và cạnh tranh. Tiếp đó là mục tiêu kết nối kinh tế và liên kết theo ngành. Mục tiêu tiếp theo là tự cường, dung nạp và chú trọng người dân. Mục tiêu cuối cùng là gắn kết nền kinh tế ASEAN vào nền kinh tế toàn cầu.
Cộng đồng Văn hóa- Xã hội ASEAN cũng đề ra 5 mục tiêu bao gồm: Một là thu hút sự tham gia của người dân và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Hai là cộng đồng dung nạp nhằm đáp ứng tốt hơn lợi ích của người dân về phúc lợi, bảo trợ xã hội, bình đẳng giới, quyền con người, giảm nghèo, y tế, việc làm, giáo dục và thông tin. Ba là cộng đồng bền vững. Bốn là cộng đồng tự cường. Năm là cộng đồng năng động.
1.3. Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN
Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (gọi tắt là ASCC) là một trong ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN, có mối quan hệ bổ trợ chặt chẽ cũng như tạo thuận lợi cho việc hình thành Cộng đồng Chính trị-An ninh và Cộng đồng Kinh tế ASEAN.
Mục tiêu cơ bản của trụ cột thứ ba thể hiện trong Tuyên bố Hòa hợp ASEAN (Bali II) và Kế hoạch Tổng thể xây dựng Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN là góp phần xây dựng một Cộng đồng ASEAN lấy con người làm trung tâm; có trách nhiệm xã hội, xây dựng tình đoàn kết và thống nhất bền lâu giữa các quốc gia và dân tộc ASEAN bằng cách tiến tới một bản sắc chung; xây dựng một xã hội chia sẻ, đùm bọc, hòa thuận và rộng mở nơi mà cuộc sống, mức sống và phúc lợi của người dân được nâng cao.
Bên cạnh những cơ hội về hợp tác văn hóa – xã hội thì thách thức đặt ra với Việt Nam khi gia nhập Cộng đồng ASEAN là không nhỏ. Đó là các vấn đề liên quan đến thực hiện chủ trương tăng trưởng kinh tế đi đôi với xóa đói, giảm nghèo, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Vì vậy, Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 được triển khai với nội dung: hòa bình và tự cường với năng lực được nâng cao nhằm ứng phó với những thách thức một cách hiệu quả cũng như nắm bắt cơ hội kịp thời.
Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 đã nêu ý tưởng về một cộng đồng khu vực có những nhân tố sau: nhận thức rõ về các mối quan hệ lịch sử, di sản văn hóa, gắn bó với nhau bởi bản sắc khu vực được tăng cường; gắn kết và đùm bọc nhau về mặt xã hội, trong đó nghèo đói, suy dinh dưỡng không còn là vấn đề lớn; gia đình, đơn vị cơ bản của xã hội, quan tâm chăm sóc lẫn nhau, đặc biệt là trẻ em, vị thành niên, phụ nữ và người già; những người khuyết tật được quan tâm đặc biệt; công bằng xã hội và nền pháp trị được đề cao; không ma túy; có khả năng cạnh tranh cao; một ASEAN ‘xanh và sạch’, có sự tham gia của nhiều hơn của người dân, tập trung vào vấn đề phúc lợi và nhân phẩm con người.
Bên cạnh đó, Kế hoạch tổng thể ASCC 2025 tiếp tục khẳng định “trọng tâm của Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN là cam kết nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thông qua các hoạt động hợp tác hướng vào người dân, thân thiện với môi trường và hướng tới thúc đẩy phát triển bền vững”. Đó là những điểm chính sau:
- Gắn kết và mang lại lợi ích cho người dân: một cộng đồng cam kết, tăng cường sự tham gia của các bên liên quan bao gồm các đối tác đối thoại và phát triển các tổ chức, viện hàn lâm, chính quyền địa phương, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức chính trị - xã hội, người dân... và có trách nhiệm xã hội thông qua một cơ chế có trách nhiệm giải trình và hoà nhập vì lợi ích của tất cả các dân tộc ASEAN và được duy trì bằng các nguyên tắc quản trị tốt thông qua việc nâng cao năng lực cho người dân và củng cố các thể chế.
- Hòa nhập: một cộng đồng hòa nhập trong đó sẽ thúc đẩy cuộc sống có chất lượng cao, mọi người được tiếp cận bình đẳng với các cơ hội, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người của phụ nữ, trẻ em, thanh niên, người cao tuổi, người khuyết tật, lao động di cư và các nhóm dễ bị tổn thương và thiệt thòi khác. Thành tố này được thực hiện thông qua giải quyết các mối quan tâm của tất cả người dân ASEAN về các vấn đề liên quan đến phúc lợi, an sinh xã hội, bình đẳng giới, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, tiếp cận và cơ hội bình đẳng, xóa đói giảm nghèo, y tế, việc làm bền vững, giáo dục và thông tin; giải quyết các rào cản đối với việc hưởng các quyền tiếp cận bình đẳng với cơ hội cho tất cả người dân ASEAN, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người.
- Môi trường bền vững: một cộng đồng bền vững thúc đẩy phát triển xã hội và bảo vệ môi trường thông qua các cơ chế hiệu quả để đáp ứng nhu cầu hiện tại và tương lai của người dân thông qua bảo tồn và quản lý bền vững đa dạng sinh học và nguồn tài nguyên thiên nhiên, xây dựng các thành phố bền vững về môi trường, khí hậu bền vững và thúc đẩy tiêu thụ và sản xuất bền vững.
- Tự cường: một cộng đồng tự cường được nâng cao về năng lực và khả năng thích nghi và ứng phó với những tổn thương về kinh tế và xã hội, thiên tai, biến đổi khí hậu cũng như các mối đe dọa và thách thức mới nổi. Theo đó, cần xây dựng một ASEAN tự cường trước thảm họa có khả năng dự tính, phản ứng, đối phó, thích ứng, và xây dựng lại tốt hơn, thông minh hơn, và nhanh hơn; một ASEAN an toàn hơn có thể ứng phó với tất cả các mối nguy cơ có hại đến sức khỏe bao gồm những đe doạ về mặt sinh học, hóa học, phóng xạ và hạt nhân, và các mối đe dọa mới nổi; thích ứng với khí hậu và nâng cao năng lực thể chế và con người để thích ứng với những tác động của biến đổi khí hậu; tăng cường an sinh xã hội cho người dân; Tăng cường và tối ưu hóa các hệ thống tài chính, chuẩn bị sẵn thức ăn, nước, năng lượng và các lưới an sinh xã hội trong thời kỳ khủng hoảng thông qua việc tạo thêm nguồn tài nguyên có sẵn, dễ tiếp cận, giá cả phải chăng, và bền vững hơn; và nỗ lực đạt tới một ASEAN “không ma túy”.
- Năng động: một cộng đồng năng động và hài hòa với nhận thức và niềm tự hào về bản sắc, văn hóa, và di sản, được tăng cường năng lực nhằm đổi mới và chủ động đóng góp cho cộng đồng toàn cầu với việc hướng tới một ASEAN cởi mở và thích ứng, một ASEAN sáng tạo, đổi mới và đáp ứng cũng như xây dựng một văn hoá kỹ năng kinh doanh trong ASEAN.
2. Vai trò của thanh niên với Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN
2.1. Cơ hội và thách thức của Việt Nam
Sự hình thành Cộng đồng ASEAN 2015 tạo ra cả cơ hội và thách thức đan xen đối với Việt Nam. Nhìn chung, các cơ hội về cơ bản là những lợi ích có được trong quá trình tham gia hợp tác ASEAN trong 20 năm qua nhưng sẽ lớn hơn và cụ thể hơn, bên cạnh đó các thách thức cũng nhiều hơn và trực tiếp hơn.
Về văn hóa- xã hội, Việt Nam có điều kiện nâng cao năng lực thông qua cơ hội tiếp nhận được thông tin, khoa học- công nghệ, kinh nghiệm quản lý hiện đại và nguồn lực, đào tạo và nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, tạo chuyển biến tích cực trong việc xây dựng và hoàn thiện chính sách, luật lệ và thủ tục trong nước cho phù hợp hơn với yêu cầu hội nhập quốc tế. Tuy vậy, khó khăn chính là các hoạt động trải rộng trên nhiều lĩnh vực khác nhau, thiếu sự gắn kết, trong khi nguồn lực tham gia của ta có hạn.
Ngoài ra, bên cạnh việc Việt Nam có thể tiếp cận thị trường rộng lớn và hấp dẫn của ASEAN: với khoảng 625 triệu dân – GDP 2.600 tỉ USD thì với năng lực cạnh tranh còn hạn chế, Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp nhỏ trong nước nói riêng cũng sẽ gặp không ít khó khăn trong quá trình hội nhập và cạnh tranh tự do trong khu vực. Vấn đề dư thừa nguồn lực trình độ thấp, thiếu hụt lao động chuyên môn cao sẽ là bài toán mà Việt Nam cần giải quyết thận trọng và khẩn trương để theo kịp, hòa nhịp với sự phát triển của Cộng đồng
Như vậy, có thể hiểu người dân Việt Nam sẽ là đối tượng được thụ hưởng những lợi ích thiết thực như: được sống trong môi trường hòa bình, an ninh, an toàn, hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau; có nhiều lựa chọn về hàng hóa và dịch vụ với giá cả thấp và chất lượng cao hơn; có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm có tay nghề tại các nước ASEAN khác (đến nay ASEAN đã ký Hiệp định về di chuyển thể nhân và 8 thỏa thuận công nhận lẫn nhau đối với 8 ngành nghề: kế toán, kỹ sư, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sĩ, điều dưỡng, vận chuyển và du lịch); người dân cũng sẽ đi lại thuận tiện hơn trong các nước ASEAN (được miễn thị thực 15-30 ngày) và được thụ hưởng nhất định từ sự cải thiện của mạng an ninh xã hội. Bên cạnh đó, người dân cũng sẽ phải đối mặt với một số thách thức, nhất là phải cạnh tranh về tìm kiếm việc làm, đặc biệt trong các công việc yêu cầu lao động có tay nghề cao ở Việt Nam và khu vực.
Với những mục tiêu, trọng tâm cũng như thách thức đặt ra khi gia nhập Cộng đồng ASEAN nói chung, Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN nói riêng, vấn đề nguồn lực trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
2.2. Vai trò của thanh niên
Hiện nay, mặc dù Việt Nam đang trong quá trình “già hóa dân số” nhưng số lượng người trong độ tuổi lao động vẫn chiếm đa số. Vì vậy, thời gian để chúng ta tận dụng ưu thế nguồn lực lao động dồi dào là có nhưng không phải mãi mãi. Dự báo dân số Việt Nam sẽ đạt đỉnh vào năm 2050 và bắt đầu giảm dần sau đó.
Về mặt lực lượng thanh niên hay còn gọi là nguồn lực trẻ sẽ là những người hiện tại và trong tương lai làm chủ đất nước. Những gì thanh niên làm và nhận thức ngay từ bây giờ là vô cùng quan trọng, có vai trò quyết định vận mệnh đất nước, vì chính họ sẽ là những người hành động để thực hiện các kế hoạch, chủ trương xây dựng, phát triển đất nước.
Việc gia nhập Cộng đồng ASEAN chính là cơ hội và cũng là nhiệm vụ mà các nhà lãnh đạo đặt lên vai những người trẻ phải trách nhiệm với đất nước. Cộng đồng ASEAN không phải là một tổ chức siêu quốc gia và không khép kín mà mở rộng hợp tác với bên ngoài. Vì vậy, mỗi thanh niên Việt Nam đều có thể trở thành những đại sứ thiện trí trong các hoạt động văn hóa – xã hội.
2.3. Sự chuẩn bị của thanh niên Việt Nam
Hợp tác về văn hóa – xã hội trong ASEAN là lĩnh vực rộng và đan xen. Để Việt Nam có thể hội nhập Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN một cách tự tin, thì thanh niên – những người lao động - cần tự chuẩn bị cho mình hành trang đầy đủ cả về lượng và chất, sẵn sàng cho một hành trình nhiều cơ hội thú vị và cũng nhiều thử thách, khó khăn.
Một trong các thử thách với Việt Nam đó là vấn đề việc làm cho lao động có tay nghề thấp. Lý do bởi khi gia nhập Cộng đồng ASEAN, Việt Nam sẽ có cơ hội dịch chuyển lớn về tỷ trọng lao động qua đào tạo nhưng cũng đối mặt với quy định lao động không có kỹ năng không được di chuyển tự do. Như vậy, điều đó đồng nghĩa với việc lao động không có kỹ năng sẽ hầu như không có cơ hội tìm việc làm ở các nước ASEAN. Đây là áp lực của Việt Nam vì hiện giờ lượng lao động này chiếm số lượng không nhỏ trong tổng số lao động. Yêu cầu cấp thiết đặt ra là Việt Nam buộc phải đổi mới quá trình đào tạo tay nghề, trang bị kỹ năng cũng như đổi mới hệ thống giáo dục, đào tạo theo đúng yêu cầu của thị trường lao động ASEAN.
Bên cạnh đó, ngoài yếu tố cần thì còn phải đủ để lao động Việt có thể cạnh tranh với lao động trong khu vực – nơi mà trình độ và chuyên môn lao động nhiều nước có khả năng cạnh tranh rất lớn. Yếu tố đủ đó chính là ngoại ngữ. Ngôn ngữ là cầu nối giữa các quốc gia, giữa các lao động và nước sở tại, và đó còn là yếu tố làm tăng giá trị của lao động Việt Nam trong mặt bằng lao động chung giữa các nước.
Thêm nữa, để có thể bám sát nhu cầu của xã hội, lao động Việt Nam cần hiểu rõ các bước đi, chủ trương của đất nước trong quá trình hội nhập và gia nhập Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN. Đó là:
1. Bám sát mục tiêu và biện pháp thực hiện các nội dung gắn kết và mang lại lợi ích cho người dân, hòa nhập, bền vững, tự cường và năng động của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN;
2. Nâng cao năng lực và tăng cường sự tham gia của tất cả các bên liên quan trong quá trình xây dựng và thực hiện các hoạt động của Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN đến năm 2025;
3. Chủ động, tích cực đưa ra các sáng kiến, giải pháp phù hợp với điều kiện và lợi ích quốc gia, có trách nhiệm trong hội nhập và xây dựng Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN hướng tới một Cộng đồng ASEAN một bản sắc với quan điểm hội nhập toàn diện của Việt Nam trong Cộng đồng ASEAN.
4. Thực hiện đa phương hóa, đa dạng hóa các hình thức hợp tác với các quốc gia thành viên ASEAN trong các lĩnh vực thuộc trụ cột văn hóa – xã hội; tranh thủ tối đa các cơ hội và nguồn lực để hội nhập và phát triển.
5. Tăng cường sáng kiến của Việt Nam, lồng ghép các ưu tiên trong nước vào ưu tiên của khu vực nhằm tận dụng tối đa sự hỗ trợ của các nước thành viên và các đối tác trong quá trình thực hiện ưu tiên trong nước.
Vậy, sự chuẩn bị của thanh niên phải xuất phát từ sự hiểu rõ bản thân và tình hình xã hội. Cái được khi tham gia Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN là rất lớn với các cơ hội đào tạo, nâng cao năng lực, quảng bá du lịch, phát triển kinh tế, củng cố nền chính trị…Vì thế, nắm bắt được tình hình, hoàn thiện bản thân là yêu cầu mà thanh niên cần chuẩn bị ra nhập một sân chơi lớn và khốc liệt hơn trước rất nhiều.
Bên cạnh đó, một việc cũng không kém phần quan trọng đó chính là thái độ của thanh niên đối với nhóm người dễ bị tổn thương như người nghèo, người khuyết tật, người bệnh, trẻ em và người già… Đây là nhóm người chịu thiệt thòi nhất trong xã hội và sẽ bị tổn thương đầu tiên khi tình hình xã hội, kinh tế hay chính trị có biến động. Thanh niên – những người đại diện cho thế hệ trẻ, được hưởng những ưu đãi, điều kiện tốt trong xã hội thì không thể thờ ơ với các vấn đề xã hội và với cuộc sống của những nhóm người đặc biệt. Bằng hành động cụ thể như hoạt động tình nguyện, hiến máu, xây dựng nông thôn…. thanh niên Việt Nam đã đang và sẽ sẵn sàng đi đến mọi nẻo đường để giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn, cùng chung sức đùm bọc che chở lẫn nhau, cùng nhau tạo nên một cộng đồng vững mạnh.
Văn hóa – xã hội là lĩnh vực rộng, gắn tới quyền và lợi ích của mọi tầng lớp dân cư, liên quan đến trách nhiệm không chỉ của các Bộ, ngành mà đến tất cả mỗi cá nhân. Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN nói riêng và Cộng đồng ASEAN sẽ chỉ phát triển khi mỗi cá thể trong đó cùng nhìn một hướng, đồng tâm xây dựng một Cộng đồng ổn định, vững mạnh.
Thanh niên Việt Nam sẽ là những đại sứ văn hóa – xã hội cùng cam kết đảm bảo chất lượng cuộc sống, tăng phúc lợi người dân thông qua các hoạt động hợp tác hướng vào người dân, thân thiện với môi trường. Cộng đồng ASEAN vững mạnh sẽ là nơi tụ hợp của các quốc gia cùng chung trí hướng, mục tiêu, đó là “Một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng”.