Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
  • Thư viện điện tử và kho tin
  • Đề tài nghiên cứu cấp bộ
  • Đề tài nghiên cứu cấp nhà nước
  • Tham khảo tạp chí
  • Sách toàn văn
  • Thư điện tử
  • Chính phủ

Tác động của quy định di chuyển thể nhân đối với thanh niên gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN

Trần Thị Mai Thành; Đồng Bích Ngọc; Bùi Thị Hồng Ngọc

07/10/2016

Hà Nội, 24/5/2016

TÁC ĐỘNG CỦA QUY ĐỊNH DI CHUYỂN THỂ NHÂN ĐỐI VỚI THANH NIÊN KHI GIA NHẬP CỘNG ĐỒNG KINH TẾ ASEAN (AEC)

Trần Thị Mai Thành – Đồng Bích Ngọc – Bùi Thị Hồng Ngọc

Viện Kinh tế Việt Nam

Tóm tắt

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sau gần năm thập kỷ tồn tại và phát triển với nhiều thăng trầm đã có huyển hóa căn bản về chất và chính thức trở thành Cộng đồng chung vào ngày ngày 31/12/2015. Một trong những mục tiêu cơ bản mà AEC hướng đến là vấn đề lưu chuyển tự do dịch vụ và lao động có kỹ năng. Bởi vậy, Hiệp định ASEAN về di chuyển thể nhân (ASEAN Agreement on Movement of Natural Persons-Hiệp định MNP) đã được thông qua ngày 19/11/2012 tại Phnompenh, Campuchia và được coi là một thỏa thuận toàn diện về Mode 4 trong Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ với nhiều quy định quan trọng. Theo đó, các nước ASEAN có chủ trương tự do di chuyển lao động có chất lượng cao trong các lĩnh vực thuộc 8 ngành (kiểm toán, kiến trúc, kỹ sư, nha sĩ, bác sĩ, y tá, điều tra viên và du lịch) sau khi AEC hình thành. 

Hiệp  định này được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều cơ hội phát triển ở cả thị trường lao động trong nước và nước ngoài cho lao động trẻ Việt Nam (có độ tuổi từ 22-34), đặc biệt là sinh viên các trường đại học, được đào tạo bài bản. Tuy nhiên, so với lực lượng lao động thanh niên của một số quốc gia như Singapore, Malaysia, Phillipines thì khả năng giao tiếp và vận dụng tiếng Anh thành thạo cũng như các kỹ năng mềm trong quá trình làm việc là thấp hơn. Do vậy, để lực lượng lao động thanh niên Việt Nam có thể tận dụng tối đa những cơ hội mà hiệp định MNP mang lại khi Việt Nam gia nhập AEC, chính phủ cần củng cố hệ thống đào tạo phát triển kỹ năng, và tham gia chương trình công nhận và ban hành chứng chỉ chung toàn khu vực. Về phía các bạn trẻ, chủ động củng cố vốn ngoại ngữ, hoàn thiện kỹ năng mềm, tìm hiểu những khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ và tôn giáo trước khi tham gia vào thị trường lao động của một nước thành viên của Cộng đồng là  rất cần thiết.

1. Giới thiệu Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC)

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập ngày 8/8/1967 trên cơ sở là một tuyên bố chính trị (Tuyên bố Bangkok) với năm thành viên ban đầu. Sau gần năm thập kỷ tồn tại và phát triển với nhiều thăng trầm, ASEAN đã chuyển hóa căn bản về chất và chính thức trở thành Cộng đồng chung vào ngày 31/12/2015.

1. 1. Lịch sử hình thành

Tại Tuyên bố Tầm nhìn ASEAN 2020 thông qua tháng 12/1997, các nhà lãnh đạo ASEAN đã định hướng phát triển ASEAN thành một Cộng đồng ASEAN.

Ý tưởng đó được tái khẳng định tại Hội nghị cấp cao ASEAN 9 tháng 10/2003, thể hiện trong Tuyên bố Hoà hợp ASEAN II (hay còn gọi là Tuyên bố Ba-li II). Theo đó, ASEAN nhất trí hướng đến mục tiêu hình thành một cộng đồng ASEAN vào năm 2020 với 3 trụ cột chính là hợp tác chính trị - an ninh (Cộng đồng an ninh ASEAN – ASC), hợp tác kinh tế (Cộng đồng Kinh tế ASEAN – AEC) và hợp tác văn hoá xã hội (Cộng đồng Văn hoá Xã hội ASEAN – ASCC).

Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 12 tháng 1/2007 các nước ASEAN đã quyết định rút ngắn thời hạn hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN từ 2020 xuống 2015.

1.2. Mục tiêu

Bốn mục tiêu cũng là bốn yếu tố cấu thành AEC:

-         Một thị trường đơn nhất và cơ sở sản xuất chung, được xây dựng thông qua: Tự do lưu chuyển hàng hoá; Tự do lưu chuyển dịch vụ; Tự do lưu chuyển đầu tư; Tự do lưu chuyển vốn và Tự do lưu chuyển lao động có tay nghề.

-         Một khu vực kinh tế cạnh tranh, được xây dựng thông qua các khuôn khổ chính sách về cạnh tranh, bảo hộ người tiêu dùng, quyền sở hữu trí tuệ, phát triển cơ sở hạ tầng, thuế quan và thương mại điện tử.

-         Phát triển kinh tế cân bằng, được thực hiện thông qua các kế hoạch phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và thực hiện sáng kiến hội nhập nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN.

-         Hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, được thực hiện thông qua việc tham vấn chặt chẽ trong đàm phán đối tác và trong tiến trình tham gia vào mạng lưới cung cấp toàn cầu (WTO).

1.3. Một số hiệp định chính trong AEC

-         Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA)

-         Hiệp định Khung về Dịch vụ ASEAN (AFAS)

-         Hiệp định Đầu tư Toàn diện ASEAN (ACIA)

-         Hiệp định ASEAN về di chuyển thể nhân (MNP)

2. Tác động của di chuyển thể nhân đối với thanh niên khi gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN

2.1. Quy định về di chuyển thể nhân trong Cộng đồng kinh tế ASEAN

Một trong những mục tiêu cơ bản mà AEC hướng đến là vấn đề lưu chuyển tự do dịch vụ và lao động có kỹ năng. Bởi vậy, hợp tác trong lĩnh vực lao động và di chuyển thể nhân nội khối là một trong những nội dung quan trọng trong việc hình thành AEC.

Hiệp định ASEAN về di chuyển thể nhân (ASEAN Agreement on Movement of Natural Persons-Hiệp định MNP) đã được các nước thành viên ASEAN thống nhất thông qua ngày 19/11/2012 tại Phnompenh, Campuchia. Hiệp định này góp phần thực hiện nhiệm vụ trong Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Kinh tế ASEAN được thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 13 tại Singapore.

Hiệp định MPN không phải là hiệp định đầu tiên tạo điều kiện cho di chuyển lao động tại ASEAN (Fukunaga và Ishido, 2015). Trước đó, Hiệp định khung ASEAN về Dịch vụ (AFAS) năm 1995 cho phép tự do hóa thương mại dịch vụ trong Mode 4 (Hiện diện thể nhân). Các nước ASEAN có chủ trương tự do di chuyển lao động có chất lượng cao trong các lĩnh vực thuộc 8 ngành (kiểm toán, kiến trúc, kỹ sư, nha sĩ, bác sĩ, y tá, điều tra viên và du lịch) sau khi AEC hình thành. ASEAN cũng thực hiện miễn thị thực cho công dân các quốc gia thành viên đi lại trong khối. Trong bản Kế hoạch AEC thông qua năm 2007, “dòng chảy tự do của lao động có tay nghề cao” được công nhận là một trong những yếu tố cốt lõi của một thị trường và cơ sở sản xuất duy nhất.

Hiệp định MNP được coi là một thỏa thuận toàn diện về Mode 4 trong Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ với nhiều quy định quan trọng. Tuy nhiên, hiệp định này không cho phép lao động nhập cư, và do đó, hoàn toàn khác với các hiệp định khung trong khối Schengen châu Âu. Cụ thể, Hiệp định MNP không quy định “di chuyển lao động tự do” ngay cả trên cơ sở tạm thời (ví dụ, lao động phổ thông). Qua đó, Mode 4 cho phép các công ty ASEAN gửi nhân viên của họ sang quốc gia khác để cung cấp dịch vụ. Trong lời mở đầu, Hiệp định đã đề cập đến “di chuyển lao động có tay nghề cao” được nêu trong bản Kế hoạch AEC (“tạo thuận lợi cho di chuyển thể nhân”). Điều 2.2 tiếp tục ghi rõ rằng Hiệp định này:

“…sẽ không áp dụng đối với các biện pháp ảnh hưởng đến các thể nhân tìm kiếm cơ hội tiếp cận thị trường việc làm của một nước thành viên khác, hoặc không áp dụng các biện pháp liên quan đến quyền công dân, quá trình cư trú hoặc việc làm trên cơ sở cư trú lâu dài.” (Điều 2.2)

Điều khoản này hoàn toàn tương tự với phần Phụ lục về Di chuyển thể nhân cung cấp dịch vụ trong Hiệp định chung về Thương mại Dịch vụ (GATS).

Hiệp định MNP quy định bốn loại hình di chuyển thể nhân (Điều 2.1): (a) Khách kinh doanh/khách thương gia, (b) Người di chuyển trong nội bộ công ty, (c) Các nhà cung cấp dịch vụ theo hợp đồng, (d) Các loại thể nhân khác có thể được quy định tại Danh mục cam kết cụ thể về tạm thời nhập cảnh và tạm thời lưu trú của thể nhân đến từ các nước thành viên. Đây là các loại hình điển hình của các cam kết trong Mode 4 như ở trong Hiệp định GATS (METI, 2013). Một số thành viên trong WTO cũng liệt kê thêm “các chuyên gia độc lập.” Hiệp định AANZFTA bổ sung thêm hai loại hình “người cài đặt và vận hành” và “các nhà đầu tư” (Chương 9, điều 2.1). “Các nhà đầu tư” được ghi trong Hiệp định Đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA) (Điều 22), trong khi “người cài đặt và vận hành” được sáp nhập vào “Các loại thể nhân khác” trong Hiệp định MNP.

Hiệp định MPN cũng không bao gồm các lĩnh vực phi dịch vụ. Điều 1 (Mục tiêu của Hiệp định MNP) quy định rằng hiệp định này là để tạo thuận lợi cho việc di chuyển thể nhân “tham gia triển khai hoạt động thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và đầu tư giữa các nước thành viên”.

Tại điều 3 của Hiệp định đưa ra các định nghĩa về khách kinh doanh, người cung cấp dịch vụ theo hợp đồng, nước thành viên cấp phép, thủ tục nhập cảnh, người di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp (ICT), nhập cảnh tạm thời hoặc lưu trú tạm thời. Trong đó, Người di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp (ICT) có nghĩa là một thể nhân là nhân viên của một pháp nhân được thành lập trong lãnh thổ của một nước thành viên ASEAN, là người được chuyển việc tạm thời để cung cấp một dịch vụ thông qua một hiện diện thương mại (hoặc thông qua một văn phòng đại diện, chi nhánh, công ty con hoặc hội viên/liên kết) trong lãnh thổ của một nước thành viên, và đã là nhân viên của một pháp nhân trong một khoảng thời gian có thể được quy định tại Biểu cam kết cụ thể, có thể là một giám đốc điều hành, nhà quản lý hay chuyên gia.

Điều 4 của Hiệp định đề cập đến các nghĩa vụ chung của các nước thành viên để cấp phép nhập cảnh hoặc lưu trú tạm thời cho người đủ điều kiện. Theo đó, mỗi nước thành viên, theo Biểu cam kết cụ thể của nước thành viên đó trong Phụ lục 1, sẽ cấp phép nhập cảnh tạm thời hoặc lưu trú tạm thời phù hợp với Hiệp định này cho các thể nhân của nước thành viên khác với điều kiện là những thể nhân này:

(a) tuân thủ các thủ tục yêu cầu đối với yêu cầu nhập cảnh; và

(b) đáp ứng các yêu cầu pháp lý liên quan về nhập cảnh tạm thời hoặc lưu trú tạm thời của nước thành viên sẽ cấp phép.

Điều 5 Hiệp định yêu cầu các nước thành viên giải quyết các đơn xin nhập cảnh trong một thời gian hợp lý sau khi nhận được bộ hồ sơ hoàn chỉnh về thủ tục nhập cảnh từ một thể nhân của một nước thành viên khác nằm trong diện thể nhân tại Điều 2 (Phạm vi), phải thông báo cho người nộp đơn về việc nhận được, tình trạng hồ sơ và quyết định liên quan đến hồ sơ, bao gồm quyết định có được phê duyêt hay không, thời gian được ở lại và các điều kiện khác.

Biểu cam kết cụ thể đối với việc nhập cảnh tạm thời và lưu trú tạm thời của thể nhân được ghi rõ tại điều 6. Trong đó, mỗi nước thành viên sẽ phải quy định trong Phụ lục 1 một biểu phụ lục bao gồm những cam kết về việc nhập cảnh tạm thời và lưu trú tạm thời trong lãnh thổ của mình của các thể nhân của các nước thành viên khác được đề cập trong Điều 2 (Xem bảng 1). Những Biểu cam kết này sẽ chỉ rõ những điều kiện và hạn chế chi phối những cam kết này, bao gồm cả thời gian lưu trú, đối với mỗi phạm trù thể nhân nằm trong Biểu cam kết cụ thể của mỗi nước thành viên. Sau khi Hiệp định MNP có hiệu lực, Biểu cam kết được nêu tại khoản 1 của Điều này sẽ thay thế các cam kết được xây dựng trong khuôn khổ AFAS liên quan đến Mode 4.

Bảng 1. Cam  kết  của  các  nước  thành  viên  theo Hiệp  về  định  ASEAN  Di  chuyển  thể  nhân  (MNP)

 

a. Khách kinh doanh/khách thương gia

b. Người di chuyển trong nội bộ công ty

c. Các nhà cung cấp dịch vụ theo hợp đồng

d. Khác

 

Mức độ bao phủ,

%

Số lượng cam kết (tối đa: 154)

Thời gian lưu trú

Mức độ bao phủ,

%

Số lượng cam kết (tối đa:

154)

Thời gian lưu trú

Mức độ bao phủ,

%

Số lượng cam kết (tối đa:

154)

Thời gian lưu trú

Mức độ bao phủ,

%

Số lượng cam kết (tối đa: 154)

Thời gian lưu trú

Brunei

0.0

0

N/A

99.4

153

3 năm

0.0

0

N/A

0

0

N/A

Campuchia

99.4

153

30 ngày

99.4

153

2 năm

99.4

153

2 năm

0

0

N/A

Indonesia

61.0

94

60 ngày

61.0

94

2 năm

0.0

0

N/A

0

0

N/A

Lào

68.8

106

30 ngày

 

68.8

106

1 tháng

0.0

0

N/A

0

0

N/A

Malaysia

70.8

109

90 ngày

70.8

109

Không quá 10 năm

0.0

0

N/A

0

0

N/A

Myanmar

0.0

0

N/A

38.3

59

1 năm

0.0a

0a

N/A

0

0

N/A

Philippines

59.1

91

59 ngày

59.1

91

1 năm

59.1b

91b

1 năm

0

0

N/A

Singapore

0.0

0

N/A

98.7

152

2 năm

0.0

0

N/A

0

0

N/A

Thái Lan

55.2

85

90 ngày

days

55.2

85

1 năm

0.0

0

N/A

0

0

N/A

Việt Nam

70.1

108

90 ngày

days

70.1

108

3 năm

70.1

108

90 ngày

0

0

N/A

Nguồn: Fukunaga và Ishido, 2015.

Theo điều 7 của Hiệp định MNP, Các nước thành viên sẽ tiến hành thảo luận/đàm phán rà soát/xem xét Biểu cam kết cụ thể trong khuôn khổ Hiệp định này với quan điểm đạt được sự tự do hóa hơn nữa về di chuyển thể nhân. Cuộc thảo luận/đàm phán đầu tiên rà soát Biểu cam kết cụ thể sẽ diễn ra sau một năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực. Các cuộc thảo luận/đàm phán tiếp theo sẽ được thống nhất bởi các nước thành viên.

Điều 8 của Hiệp định quy định các yêu cầu minh bạch hóa, điều 9 quy định về ngoại lệ chung trong đó tùy theo các yêu cầu về việc không áp dụng các biện pháp có thể tạo ra sự phân biệt đối xử tùy tiện và không có cơ sở giữa các quốc gia thành viên hoặc trở thành một hạn chế trá hình đối với di chuyển thể nhân, không quy định nào trong Hiệp định này ngăn cản các nước thành viên việc thông qua hoặc thực hiện các biện pháp về trật tự công cộng, sức khỏe hoặc cuộc sống của con người, động vật hoặc thực vật, tuân thủ pháp luật hoặc các quy định về gian lận, sự riêng tư và an toàn.

Điều 11 quy định về các cơ chế giải quyết tranh chấp. Điều 12 quy định rằng hiệp định MNP là thỏa thuận duy nhất cho di chuyển thể thân và không áp dụng các biện pháp được duy trì hoặc thông qua bởi mỗi nước thành viên trong chừng mực phạm vi Hiệp định Đầu tư Toàn diện ASEAN (ACIA).

Điều 13 quy định về công nhận lẫn nhau về trình độ chuyên môn hoặc giấy phép tại các nước thành viên. Theo đó, một nước thành viên tham gia hiệp định hoặc thỏa thuận với một nước thành viên khác có thể công nhận trình độ học vấn, kinh nghiệm, khả năng đáp ứng các yêu cầu, giấy phép hoặc chứng chỉ được cấp bởi một nước thành viên khác nhằm mục đích thực hiện một phần hoặc tất cả các tiêu chuẩn hoặc tiêu chí tương ứng đối với việc phê duyệt, cấp phép hoặc chứng nhận của những người cung cấp dịch vụ, và theo các quy định trong điều 13.3 của hiệp định.

Qua Hiệp định MNP, ASEAN mong muốn xây dựng một cơ chế hiệu quả để tiếp tục tự do hóa và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc di chuyển thể nhân hướng tới tự do hóa lao động có kỹ năng trong ASEAN và giảm thiểu các hạn chế việc di chuyển thể nhân tạm thời qua biên giới tham gia cung cấp thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và đầu tư. Hiệp định MNP có phạm vi rộng, ngoài tạo thuận lợi di chuyển thể nhân còn bao gồm di chuyển của người bán hàng hóa và nhà đầu tư.

2.2. Tác động của qui định di chuyển thể nhân đối với thanh niên khi gia nhập AEC

Trước hết, nghiên cứu điểm qua một số nét chính về thị trường lao động Việt Nam. Việt Nam có lực lượng lao động đông và tăng trưởng đều qua các năm từ 51,4 triệu người năm 2011 lên tới 53,7 triệu người năm 2014. Việt Nam cũng là quốc gia đứng thứ ba về số lượng lao động trong số 10 quốc gia ASEAN, cụ thể Việt Nam có lao động chiếm tỷ trọng 15%, sau hai quốc gia là Indonesia (40%) và Philippines (16%). Điểm sáng của lực lượng lao động của Việt Nam là tương đối trẻ, khoảng 50,2% lực lượng lao động trong độ tuổi từ 15-39. Tuy nhiên, điểm yếu là tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng chứng chỉ vẫn còn ở mức thấp (18,7% năm 2014).

Bảng 2: Lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc hàng năm phân theo nhóm tuổi chia theo Nhóm tuổi và Năm

 

2009

2010

2011

2012

2013

2014

TỔNG SỐ

47.743,6

49.048,5

50.352,0

51.422,4

52.207,8

52.744,5

15-19

3.795,4

3.170,9

2.924,7

2.550,9

2.601,5

2.395,4

20-24

5.987,0

5.422,1

5.096,7

4.904,8

4.826,4

4.714,9

25-29

6.728,8

6.618,5

6.449,4

6.258,0

6.119,1

6.121,1

30-34

6.229,9

6.342,1

6.301,9

6.232,2

6.352,2

6.514,6

35-39

5.995,6

6.225,4

6.387,9

6.520,9

6.449,6

6.456,7

40-44

5.494,4

5.778,4

6.067,1

6.412,3

6.462,2

6.525,1

45-49

4.898,6

5.418,4

5.835,2

6.212,2

6.122,7

6.085,9

50+

8.613,9

10.072,5

11.289,2

12.331,0

13.274,2

13.930,7

Nguồn: Tổng cục thống kê

Trong năm 2014, tỷ trọng lao động có độ tuổi từ 20-24, 25-29, 30-34 trong tổng lực lượng lao động của Việt Nam lần lượt là 20%, 13% và 11%. Trong số các nhóm tuổi trên, nhóm tuổi từ 25-29 và 30-34 được dự đoán sẽ chịu ảnh hưởng của Hiệp định MPN nhiều nhất, do nhóm tuổi này tập trung cao lượng lao động có bằng cấp, đã qua đào tạo và có khả năng học hỏi nhanh các kỹ năng cần thiết để hội nhập vào thị trường lao động khu vực. Bên cạnh đó, do các nhóm ngành điều chỉnh của Hiệp định MPN tập trung vào các chuyên gia và những lao động đã qua đào tạo, có bằng cấp thuộc các nhóm ngành: kiểm toán, kiến trúc, kỹ sư, nha sĩ, bác sĩ, y tá, điều tra viên và du lịch, nên trong các nhóm lao động phân theo trình độ chuyên môn kỹ thuật, nhóm có trình độ đại học trở nên, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp sẽ có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm hơn tại thị trường lao động của toàn khối ASEAN.

Đồ thị 1: Tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong nền kinh tế đă qua đào tạo phân theo trình độ chuyên môn kỹ thuật chia theo Chuyên môn kỹ thuật và Năm (sửa lại bản này)

Nguồn: Tổng cục thống kê

Có thể thấy bất cập trong tỷ lệ lao động đã qua đào tạo phân theo trình độ chuyên môn của Việt Nam là lao động có tình độ từ đại học trở lên lớn hơn so với lao động có trình độ cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề. Điều này luôn được coi là một điểm bất hợp lý đối về cơ cấu. Tuy vậy, tổng cơ cấu lao động có kỹ năng và chất lượng lao động của Việt Nam so với mặt bằng chung của cả khu vực vẫn khá thấp. Theo xếp hạng của Ngân hàng thế giới, Việt Nam chỉ đạt 3.79/10 cho chất lượng nhân lực của mình, xếp thứ 11/12 nước châu Á tham gia xếp hạng của Ngân hàng Thế giới trong khi Hàn Quốc đạt 6,91/10 điểm, Ấn Độ đạt 5,76/10 điểm, Malaysia đạt 5,59/10 điểm...  Không chỉ có vậy, năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp ở châu Á - Thái Bình Dương, cụ thể, chỉ số này của Việt Nam thấp hơn Singapore gần 15 lần, thấp hơn Nhật Bản 11 lần và thấp hơn Hàn Quốc 10 lần. So với khu vực ASEAN, năng suất lao động của Việt Nam bằng 1/5 Malaysia và 2/5 Thái Lan.

Bảng 3. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm của lực lượng lao động trong độ tuổi năm 2014 phân theo vùng và phân theo nhóm tuổi

 

Tỷ lệ thất nghiệp

Tỷ lệ thiếu việc làm

Chung

15-24

25-49

50+

Chung

15-24

25-49

50+

CẢ NƯỚC

2,10

6,26

1,18

3,52

2,35

3,18

2,22

1,76

Đồng bằng sông Hồng

2,82

9,30

1,38

8,37

2,44

3,44

2,25

2,89

Trung du và miền núi phía Bắc

0,76

1,88

0,44

1,34

1,45

2,69

1,16

0,62

Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung

2,23

7,24

1,19

1,35

2,58

3,89

2,37

1,35

Tây Nguyên

1,22

3,51

0,58

1,61

2,49

3,58

2,27

0,99

Đông Nam Bộ

2,47

7,11

1,62

2,46

0,61

0,90

0,59

0,00

Đồng bằng sông Cửu Long

2,06

6,77

1,23

1,01

4,20

4,35

4,24

2,82

Nguồn: Tổng cục thống kê

So với các nhóm tuổi thì nhóm tuổi khác thì tỷ lệ thất nghiệp ở độ tuổi 25-49 thấp hơn, cho thấy đây là độ tuổi lao động chính của lực lượng lao động tại Việt Nam.

Bên cạnh những con số thống kê trên, dưới đây là một số cơ hội và thách thức của lao động thanh niên Việt Nam được xây dựng dựa trên mô hình SWOT.

Bảng 4. Mô hình SWOT cho lao động thanh niên Việt Nam khi Việt Nam thực hiện cam kết MNP

Điểm mạnh

- Việt Nam chiếm 1/6 tổng lực lượng lao động của khu vực ASEAN

- Tỷ lệ lao động được đào tạo đang được cải thiện

- Tỷ trọng lao động trẻ lớn, có khả năng học hỏi cao

Cơ hội

- Mang lại cơ hội làm việc tại thị trường lao động rộng lớn của toàn khối ASEAN

- Trao đổi lao động, tác động lan toả tích cực, cải thiện chất lượng lao động

- Mức thu nhập cao và môi trường làm việc chuyên nghiệp hơn

Điểm yếu

- Nhìn chung, năng suất và mức tiền lương của Việt Nam khá tháp so với các nền kinh tế ASEAN khác, như Malaysia, Singapore và Thái Lan.

- Thiếu các kỹ năng “cứng và mềm”, do đó ít có khả năng đáp ứng được các yêu cầu của thị trường lao động trong các nước thành viên phát triển hơn của ASEAN.

- Trình độ tiếng Anh của lao động Việt Nam thấp, ít người thông thạo ngôn ngữ của các nước ASEAN như Thái Lan, Lào, Campuchia

 

Thách thức

- Khó cạnh tranh được với lực lượng lao động trình độ cao, khả năng ngoại ngữ tốt của một số quốc gia khác trong ASEAN

- ASEAN là một khu vực có rất nhiều sự khác biệt về chính trị, văn hóa, tôn giáo

- Khó khăn trong khâu nhập cảnh do thủ tục nhập cảnh chưa thống nhất.

Như đã phân tích ở trên, lợi thế lớn nhất của Việt Nam là có lực lượng lao động trẻ dồi dào. Bên cạnh đó, chất lượng lao động cũng đã từng bước được nâng lên; tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 14% lên 18%[1] từ năm 2009 tói năm 2014. Lao động qua đào tạo đã phần nào đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Lực lượng lao động kỹ thuật của Việt Nam đã làm chủ được khoa học - công nghệ, đảm nhận được hầu hết các vị trí công việc phức tạp trong sản xuất kinh doanh mà trước đây phải thuê chuyên gia nước ngoài.

Khi gia nhập AEC và thực hiện các cam kết theo MNP, Việt Nam sẽ là quốc gia hưởng lợi lớn, với mức hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng GDP là 14.5% và góp phần vào tăng trưởng việc làm thêm 10.5% vào năm 2025.[2] Đặc biệt, nếu quyết tâm và nỗ lực, Việt Nam có thể cải thiện gia tăng gấp đôi năng suất lao động so với mức năm 2010 vào năm 2025.

Bên cạnh đó, trong khối ASEAN, Singapore, Malaysia và Thái Lan là những nước nhận nhiều lao động nước ngoài nhất (nhận thuần) trong khi các nước như Việt Nam, Phillippines, Campuchia và Lào là những nước xuất khẩu thuần lao động. Các nước Singapore, Malaysia và Thái Lan được cho là đang bước vào giai đoạn phát triển cao hơn, nhu cầu về lao động kỹ năng cao đang tăng trong khi nguồn cung lại chưa được đáp ứng. Đây là một yếu tố tốt đối với lao động ở các nước phát triển kém hơn, có thu nhập kém hơn.

Tuy có rất nhiều cơ hội, nhưng bên cạnh đó cũng tồn tại không ít thách thức đối với lao động thanh niên Việt Nam khi Việt Nam thực hiện cam kết MNP.

Với gần một nửa lực lượng lao động việt nam vẫn làm trong lĩnh vực nông nghiệp, với năng suất và thu nhập thấp và khoảng 3/5 lao động Việt Nam hiện đang làm các công việc dễ bị tổn thương, Việt Nam sẽ phải đối mặt với thực tế rằng trong ngắn hạn, lợi ích về kinh tế và việc làm từ AEC sẽ không được phân chia đồng đều và những lao động thiếu kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết sẽ không nắm bắt được cơ hội. Nhưng xét về dài hạn, các chính sách hội nhập tốt sẽ góp phần thúc đẩy tăng năng suất lao động thông qua việc di cư của lao động có tay nghề.

Đối tượng lao động trẻ của Việt Nam (có độ tuổi từ 22-34), đặc biệt là sinh viên các trường đại học, được đào tạo bài bản sẽ là những người được hưởng lợi nhiều nhất và có cơ hội phát triển ở cả thị trường lao động trong nước và nước ngoài. Tuy nhiên, so với lực lượng lao động thanh niên của một số quốc gia như Singapore, Malaysia, Phillipines thì khả năng giao tiếp và vận dụng tiếng Anh thành thạo trong quá trình làm việc là thấp hơn.

Không chỉ có vậy, kỹ năng mềm của thanh niên Việt Nam, đặc biệt là sinh viên chưa tốt. Rất nhiều người còn gặp khó khăn trong cả những khâu khởi đầu của con đường tìm việc làm như viết CV hoặc thiếu kỹ năng trả lời phỏng vấn. Một phần do trong chương trình đào tạo của các trường đại học chưa chú trọng đào tạo các kỹ năng trên, một phần do chính bản thân các bạn trẻ chưa tự tìm hiểu và trang bị cho mình các kỹ năng cần thiết.

Đồng thời, số lượng lao động thanh niên học các thứ tiếng Thái Lan, Lào, Campuchia hoặc tiếng của các quốc gia ASEAN chưa nhiều, do đó sẽ khó để các lao động Việt Nam có thể hoà nhập tốt trong môi trường làm việc tại các nước này.

Bên cạnh đó, một thách thức không nhỏ nữa đối với các lao động thanh niên Việt Nam là sự khác biệt văn hóa, chính trị và tôn giáo là rất lớn giữa các nước ASEAN. Trong số các quốc gia thành viên ASEAN, một số quốc gia có tôn giáo chính thức là phật giáo, một số khác có tôn giáo chính thức là hồi giáo, một số quốc gia theo chế độ quân chủ lập hiến… Sự khác biệt về cả văn hóa, tôn giáo và chính trị này dẫn tới các chuẩn mực khác nhau về ứng xử trong môi trường công sở, do đó, gây rất nhiều khó khăn cho các bạn trẻ Việt Nam.

Để lực lượng lao động thanh niên Việt Nam có thể tận dụng tối đa những cơ hội mà hiệp định MNP mang lại khi Việt Nam gia nhập AEC, chính phủ cần củng cố hệ thống đào tạo phát triển kỹ năng, tập trung cải thiện giáo dục trung học và đào tạo nghề để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với lao động có kỹ năng trung bình.

Các hệ thống thương lượng tập thể mới cũng đang là một yêu cầu bức thiết để tạo ra môi trường kinh doanh bền vững hơn. Điều này góp phần đảm bảo rằng tăng năng suất lao động đi kèm tiền lương cao hơn và điều kiện làm việc tốt hơn, đồng thời đảm bảo một thị trường nội địa vững mạnh.

Cuối cùng, cần cải thiện công tác bảo vệ nhóm lao động di cư và các hệ thống phục vụ việc công nhận kỹ năng của họ, đặc biệt là ở những ngành nghề mà trong đó các lao động với kỹ năng thấp và trung bình chiếm tỷ lệ cao như xây dựng.

3. Kết luận và các khuyến nghị

Thứ nhất, tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN đem lại những cơ hội kèm theo những thách thức lớn cho Việt Nam. Những lợi thế của Việt Nam bao gồm lực lượng lao động dồi dào, cơ cấu lao động trẻ, lao động kỹ thuật có trình độ tay nghề. Tuy nhiên, do khung trình độ quốc gia hiện nay trong khối ASEAN vẫn tồn tại những khoảng cách cùng những rào cản về ngôn ngữ và luật pháp nên hiện nay lao động Việt Nam chưa thể di chuyển sang các nước làm việc và ngược lại rào cản lớn nhất đối với di chuyển trong cộng đồng kinh tế ASEAN. Để khắc phục được rào cản này, việc trang bị kỹ năng mềm, kiến thức về văn hóa và pháp luật chung của các nước ASEAN cũng như ngoại ngữ cần được thực hiện một cách hệ thống và toàn diện trong hệ thống giáo dục của Việt Nam. Nhờ vậy, lao động Việt Nam sẽ có khả năng cạnh tranh lớn hơn khi tham gia vào thị trường lao động khu vực.

Ngoài ra, để đảm bảo điều kiện di chuyển tự do trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN, một số ngành nghề yêu cầu người lao động phải có chứng chỉ được công nhận bên cạnh yêu cầu về ngoại ngữ và kỹ năng mềm. Để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động, chính phủ Việt Nam cần tham gia chương trình công nhận và ban hành chứng chỉ chung toàn khu vực. Tiếp đó, các thông tin về chứng chỉ này cần được phổ biến đến người lao động, và tổ chức đào tạo lao động Việt Nam để thi lấy chứng chỉ này. Bên cạnh đó, chính phủ Việt Nam cũng nên tạo điều kiện thuận lợi cho những lao động nước ngoài nhập cư vào Việt Nam thông qua thuận lợi hóa thủ tục cấp giấy phép lao động.

Thứ ba, cộng đồng ASEAN là một cộng đồng đa dạng về văn hóa, ngôn ngữ và tôn giáo. Những yếu tố này ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng thích nghi của lao động Việt Nam tại nước nhận lao động. Việc tìm hiểu những khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ và tôn giáo trước khi tham gia vào thị trường lao động của một nước thành viên của cộng đồng là rất cần thiết. Do đó, các thông tin về văn hóa và tôn giáo của các nước thành viên trong cộng đồng cần được phổ biến rộng trên các phương tiện truyền thông để người lao động quan tâm có thể dễ dàng tìm hiểu.

Cuối cùng, Việt Nam cần hợp tác chặt chẽ với các quốc gia thành viên ASEAN nhằm tăng cường công tác quản lý di cư và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người di cư. Việt Nam đã tham gia vào các khuôn khổ và diễn đàn để tạo cơ hội và thúc đẩy ban hành các chính sách tốt hơn về phối hợp và đối thoại nhằm tăng cường sự bảo vệ đối với người di cư. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của lao động Việt Nam ở nước ngoài.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.      ADB, ILO (2014), Cộng đồng ASEAN 2015: Quản lý hội nhập hướng tới việc làm tốt hơn và thịnh vượng chung, Ngân hàng phát triển Châu Á và Tổ chức Lao động Quốc tế.

2.      Lê Triệu Dũng, 2015. Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2015: Tác động, cơ hội và thách thức. Kỷ yếu hội thảo “Cộng đồng Kinh tế ASEAN – Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam”

3.      Ministry of Economy, Trade and Industry of Japan, 2013. 2013 Report on Compliance by Major Trading Partners with Trade Agreements – WTO, FTA/EPA and BIT, Tokyo: METI.

4.      Yoshifumi Fukunaga và Hikari Ishido, 2015, “Values and Limitations of the ASEAN Agreement on the Movement of Natural Persons”. ERIA Discussion Paper Series, March 2015.

5.      Website: www.trungtamwto.vn: Các Hiệp định thương mại trong khuôn khổ ASEAN.

6.      Website www.asean.org: Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)

7.      Website www.ilo.org: Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO)

8.      Website www.gso.org Tổng cục thống kê (GSO)

 


[1] Tỷ lệ lao động đa qua đào tạo từ bậc dạy nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học trở lên.

[2] ADB, ILO (2014), Cộng đồng ASEAN 2015: Quản lý hội nhập hướng tới việc làm tốt hơn và thịnh vượng chung, Ngân hàng phát triển Châu Á và Tổ chức Lao động Quốc tế. 

 

Các tham luận khác