CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC ĐỐI VỚI LỰC LƯỢNG LAO ĐỘNG THANH NIÊN VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH GIA NHẬP CỘNG ĐỒNG KINH TẾ ASEAN
Trần Đình Nuôi
Viện Kinh tế Việt Nam
Tóm tắt
Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được hình thành vào năm 2015 mở ra cơ hội và thách thức phát triển bền vững cho toàn khu vực cũng như các nước thành viên, trong đó có Việt Nam. Một trong những nội dung cơ bản nhất của AEC là tự do hóa di chuyển lao động có kĩ năng giữa các nước thành viên, điều này mang đến một thị trường lao động năng động hơn, cạnh tranh hơn. Trong đó, lao động thanh niên được coi là trụ cột, nền tảng của đất nước. Bài viết sẽ phân tích một số vấn đề về lực lượng lao động thanh niên Việt Nam, từ đó có những đánh giá về cơ hội và thách thức đối với lao động thanh niên khi tham gia vào AEC.
1. Tổng quan lao động thanh niên Việt Nam ( 2010-2015)
1.1. Đặc điểm về quy mô, cơ cấu
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước tính đến thời điểm 01/01/2016 là 54,61 triệu người, tăng 185 nghìn người so với cùng thời điểm năm 2014, trong đó lao động nam chiếm 51,7%; lao động nữ chiếm 48,3. Trong tổng số lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc năm 2015, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 44,3% (năm 2014 là 46,3%); khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 22,9% (năm 2014 là 21,5%); khu vực dịch vụ chiếm 32,8% (năm 2014 là 32,2%). Lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc năm 2015 khu vực thành thị chiếm 31,2% (năm 2014 là 30,4%); khu vực nông thôn chiếm 68,8% (năm 2014 là 69,6%). Cơ cấu lao động ở nước ta vẫn dịch chuyển rất chậm chạp. Lao động trong khu vực năng suất thấp vẫn chiếm tỷ trọng lớn khiến cho năng suất lao động của Việt Nam thấp và có nguy cơ tụt hậu so với các nước trong khu vực. Trong đó, số thanh niên nước ta tăng dần từ năm 2010 đến năm 2015, thể hiện qua bảng dưới đây:
Bảng 1: Cơ cấu dân số thanh niên 2010-2014
Năm
|
Dân số cả nước
|
Dân số thanh niên
|
% dân số TN/ dân số cả nước
|
|
|
Tổng số Nam Nữ
|
|
2010
|
86747807
|
25186772 12744507 12442265
|
29,0
|
2011
|
87610947
|
25328073 12816005 12512068
|
28,9
|
2012
|
88772900
|
25409821 12885784 12524037
|
28,6
|
2013
|
89716000
|
25382161 12889073 12493088
|
28,3
|
2014
|
90493000
|
25078764 12756842 12321922
|
27,7
|
Nguồn: Tổng cục thống kê
Cơ cấu dân số thanh niên theo giới tính có sự thay đổi so với những giai đoạn trước: tỷ lệ nam thanh niên luôn cao hơn nữ thanh niên với chênh lệch từ 1,2% đến 1,8%.
Đồ thị 1: Cơ cấu nam nữ thanh niên
Nguồn: Tổng cục thống kê
Về tỷ lệ chênh lệch giữa nhóm thanh niên nông thôn và thanh niên thành thị luôn ở mức cao, dao dộng 40% một năm. Sự chênh lệch này làm gia tăng mức độ đô thị hóa, ở nông thôn sẽ thiếu một nguồn nhân lực trẻ xây dựng nông thôn mới. Có thể nói, về quy mô nước ta có một đội ngũ lao động trẻ dồi dào đang trong thời kì dân số vàng, có thể đáp ứng một số ngành công nghiệp cần nhiều vốn lao động như dệt may, gia công.
1.2. Lao động và việc làm của thanh niên Việt Nam
Thanh niên là lực lượng quan trọng để thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội của Việt Nam. Nhưng thanh niên cũng là nhóm yếu thế trên thị trường lao động, dễ chịu tác động do các cú sốc kinh tế, do chuyển từ đi học sang đi làm, từ phụ thuộc gia đình sang độc lập với cuộc sống. Việc làm là nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống của thanh niên. Càng có nhiều việc làm được tạo ra trong xã hội, thanh niên càng có nhiều cơ hội làm việc và phát triển bản thân. Về tình trạng thất nghiệp của thanh niên qua số liệu điều tra lao động việc làm 2014 như sau : tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15-24 tuổi) năm 2015 là 6,85% (năm 2013 là 6,17%; năm 2014 là 6,26%), trong đó khu vực thành thị là 11,20% (năm 2013 là 11,12%; năm 2014 là 11,06%); khu vực nông thôn là 5,20% (năm 2013 là 4,62%; năm 2014 là 4,63%). Tỷ lệ thất nghiệp của lao động từ 25 tuổi trở lên năm 2015 là 1,27% (năm 2013 là 1,21%; năm 2014 là 1,15%), trong đó khu vực thành thị là 1,83% (năm 2013 là 2,29%; năm 2014 là 2,08%); khu vực nông thôn là 0,99% (năm 2013 là 0,72%; năm 2014 là 0,71%).
Có thể thấy ở những vùng có điều kiện kinh tế- xã hội tốt hơn như Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao hơn đáng kể so với các vùng khó khăn như Tây Nguyên hoặc Trung du và miền núi phía Bắc. Điều này có thể do ở các vùng khó khăn, thanh niên thường phải chấp nhận làm những công việc trong khu vực chính thức với mức lương thấp, bấp bênh để nuôi sống bản thân và gia đình.
1.3 Đặc điểm về chất lượng và năng suất lao động
Chất lượng lao động là yếu tố quyết định năng suất lao động, từ đó tác động đến mức thu nhập bình quân của các quốc gia. Ở Việt Nam, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng nhanh (từ 17,1% năm 2002 lên 45,5% năm 2012) cho thấy sự cải thiện về trình độ chuyên mô kĩ thuật của lao động Việt Nam. Nhưng trong số đó, lao động có trình độ sơ cấp hoặc công nhân kỹ thuật không có bằng cấp vẫn chiếm tỷ lệ cao (trên 11% ).
Bảng 2: Cơ cấu lực lương lao động theo trình độ kĩ thuật
|
Cơ cấu lực lượng lao động
|
Tốc độ tăng
|
|
2002 2007 2012
|
(%/năm)
|
Tổng số
|
100 100 100
|
2,6
|
Không có chuyên môn kĩ thuật
|
82,9 65,3 54,5
|
-1,4
|
Có chuyên môn
|
17,1 34,7 45,5
|
|
Lao động qua đào tạo nghề
|
7,8 23,2 33,4
|
8,1
|
Trung học chuyên nghiệp
|
4,6 5,2 3,7
|
2,9
|
Cao đẳng đại học trở lên
|
4,7 6,3 8,4
|
7,9
|
Nguồn : VHLSS 2009
Sự yếu kém về chất lượng lao động đã qua đào tạo ở Việt Nam dẫn đến hàng năm nhiều sinh viên ra trường không đáp ứng đủ nhu cầu của nhà tuyển dụng, mà nguyên nhân sâu xa ở đây là do phương thức đào tạo dựa nhiều vào lý thuyết và chưa quan tâm đúng mức đến các kỹ năng thực hành. Theo đánh giá của ngân hàng thế giới, chất lượng nhân lực của Việt Nam xếp thứ 11/12 các nước Châu Á tham gia xếp hạng. Xét về khía cạnh nguồn lao động thanh niên, theo báo cáo điều tra dân số và nhà ở Việt Nam 2009, tỷ lệ thanh niên chưa được đào tạo chuyên môn kĩ thuật là 85,8%; chỉ có 6,4% thanh niên có trình độ chuyên môn kĩ thuật cao. Một vấn đề nữa là xu hướng thanh niên làm những công việc không có kỹ năng ngày càng gia tăng vì nhu cầu kiếm sống, đây rõ ràng là nguồn nhân lực đang bị lãng phí lớn.
Trong một báo cáo về lao động Việt Nam của ILO, năng suất lao động ở nước ta kém hơn 15 lần so với Singapore, chỉ bằng 1/5 so với Malaysia, 2/5 so với Thái Lan. Trong giai đoạn 2002-2007, năng suất lao động tăng trung bình 5,2%/năm, từ năm 2008, tốc độ tăng trung bình chậm lại, chỉ còn 3,3%.
2. Đánh giá cơ hội và thách thức đối với lực lượng lao động thanh niên Việt Nam trong bối cảnh gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)
2.1. Cộng đồng kinh tế ASEAN và cam kết về tự do di chuyển lao động có kĩ năng
Với mục tiêu phát triển ASEAN thành một khu vực ổn định, thịnh vượng, cạnh tranh, phát triển kinh tế công bằng, giảm đói nghèo và phân hóa kinh tế- xã hội, Cộng đồng kinh tế ASEAN được hình thành vào năm 2015. ASEAN tạo điều kiện thuận lợi trong việc xin thị thực và việc làm cho các lao động chuyên môn lành nghề của ASEAN tham gia vào hoạt động đầu tư và thương mại trong khu vực (ASEAN, 2008). Việc kí kết các Thỏa thuận công nhận lẫn nhau (MRAs) cho phép chứng chỉ lao động lành nghề được cấp bởi cơ quan chức năng tương ứng tại một quốc gia sẽ được thừa nhận bởi các nước thành viên khác trong khu vực. Hiện tại, ASEAN đã kí kết 7 MRAs đối với lao động trong các lĩnh vực như dịch vụ kĩ thuật, dịch vụ điều dưỡng, dịch vụ kiến trúc, chứng chỉ giám sát, người hành nghề y, người hành nghề nha khoa và kế toán, du lịch. Hiệp định ASEAN về di chuyển thể nhân cũng được kí kết vào tháng 12/2012 tại Campuchia (Nguyễn Hồng Sơn và các cộng sự, 2014).
2.2. Cơ hội đối với lao động thanh niên
Hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN năm 2015 sẽ mang đến nhiều cơ hội việc làm và phát triển cho lao động Việt Nam nói chung và lao động thanh niên nói riêng.
AEC giúp thị trường lao động trong ASEAN sôi động hơn, thúc đẩy tạo việc làm cho từng quốc gia. Theo dự báo của ILO, khi Việt Nam tham gia AEC, số lượng việc làm sẽ tăng 14,5% vào năm 2025, tăng nhiều ở một số ngành như sản xuất gạo, xây dựng, vận tải, dệt may và chế biến lương thực. Việc làm mới được tạo ra có thể do sự phát triển của doanh nghiệp trong nước, hoặc do dòng vốn đầu tư nước ngoài. Như vậy, thanh niên sẽ có thêm nhiều cơ hội có việc làm, khởi nghiệp, tạo lập kinh doanh.
AEC giúp tự do di chuyển lao động có trình độ kĩ thuật cao một cách thuận lợi. Lao động thanh niên ở Việt Nam có thêm nhiều cơ hội học tập và làm việc ở các nước trong khu vực với một mưc thu nhập cao hơn. Nếu tận dụng được cơ hội này, nước ta sẽ có một nguồn nhân lực trẻ với sự tiếp cận được những tiến bộ khoa học kĩ thuật của thế giới, đây chính là vấn đề then chốt cho sự phát triển bền vững của đất nước.
AEC bao gồm nhiều quy định mang chuẩn quốc tế, do đó người lao động sẽ được bảo vệ quyền lợi tốt hơn. Đặc biệt, lao động thanh niên là đối tượng dễ chịu tác động tiêu cực của biến động kinh tế thị trường, khi tham gia hội nhập AEC, thanh niên sẽ được bảo vệ bởi những cam kết mang tính pháp lý cao, tạo môi trường làm việc năng động và cống hiến hơn.
2.3. Thách thức đối với lao động thanh niên
Bên cạnh các cơ hội cho thanh niên Việt Nam từ AEC, những thách thức và vấn đề đặt ra để có thể hội nhập hiệu quả hơn cũng cần được quan tâm.
Trong số các nước ASEAN, các nhà đầu tư nước ngoài luôn quan tâm đến Việt Nam, tỷ lệ FDI vào Việt Nam trên tổng FDI vào Asean được cải thiện và gần ngang với Thái Lan và Malaysia (giai đoạn 2008-2013: Việt Nam chiếm 9,2%, Thái Lan chiếm 10,2%, Malaysia chiếm 9,5%). Việt Nam là nước có mức độ hấp dẫn FDI cao (Nguyễn Hồng Sơn và cộng sự 2014), chí xếp sau Singapore, nên khi hội nhập vào AEC sẽ có nhiều cơ hội thu hút được luồng vốn FDI này hơn. Như vậy trong thời gian tới, sẽ có nhiều hơn yếu tố nước ngoài tham gia vào thị trường Việt Nam nói chung và thị trường lao động Việt Nam nói riêng bao gồm cả các doanh nghiệp, tập đoàn đầu tư nước ngoài, những lao động trong khu vực có chuyên môn kĩ thuật cao di cư. Lao động thanh niên Việt Nam không những phải đối mặt với các nhà tuyển dụng nước ngoài, mà còn phải cạnh tranh với các bạn quốc tế. Đây là thách thức lớn đối với lao động thanh niên, vì về cơ bản trình độ chuyên môn kĩ thuật của nhóm này còn rất thấp so với mặt bằng chung khu vực. Nguyên nhân chủ yếu là do công tác đào tạo hiện nay chưa phù hợp, chất lượng đào tạo còn hạn chế về kĩ năng thực hành. Tại Hội nghị Trung ương 8 khóa XI đã khẳng định: “Chất lượng giáo dục nhìn chung thấp, nhất là ở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu sử dụng nhân lực và nhu cầu của người học, chưa theo kịp sự chuyển biến của đất nước trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, là một trong những nguyên nhân làm hạn chế chất lượng nguồn nhân lực của đất nước.”
Đối với lao động thanh niên Việt Nam, kĩ năng mềm và ngoại ngữ còn nhiều hạn chế. Theo thống kê của Hệ thống tổ chức thực hiện thi IELTS, thí sinh Việt Nam có điểm trung bình là 5,78 thuộc vào nhóm các nước có điểm trung bình thấp, đứng sau Indonesia (5,97), Philippin (6,53), Malaysia (6,64). Một thực tế là nhiều sinh viên tốt nghiệp ra trường nhưng trình độ giao tiếp ngoại ngữ còn rất kém. Đây cũng là một vấn đề thách thức lớn trong công tác đào tạo của hệ thống giáo dục.
Mặt khác, công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về AEC đến với thanh niên chưa thực sự phù hợp và hiệu quả. Việc tuyên truyền về AEC tại Việt Nam là ít so với TPP và WTO. Bên cạnh đó, ngay bản thân thanh niên cũng không thực sự quan tâm đến AEC và không chủ động tìm hiểu về AEC. Những thông tin mà thanh niên cần như việc làm, các ngành tuyển dụng khi tham gia vào AEC thì chưa được tư vấn, rõ ràng sự chuẩn bị từ cả hai phía còn rất thấp.
3. Một số giải pháp và khuyến nghị
Các quốc gia ASEAN đang nỗ lực cải thiện nguồn nhân lực để vừa có thể cạnh tranh trong nội khối, vừa có thể cạnh tranh với các đối tác lớn như Trung Quốc, Ấn Độ. Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần nhận thức rõ tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng lao động nói chung và đặc biệt là chất lượng lao động thanh niên. Một số giải pháp đề cập trong khuôn khổ của bài viết này bao gồm:
Nhóm giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực, phát triển dạy nghề lao động thanh niên:
Một là, tổ chức triển khai có hiệu quả chương trình hành động của Chính phủ thực hiện nghị quyêt Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Tiếp tục thực hiện chiến lược dạy nghề giai đoạn 2011-2020 nhằm tăng quy mô và nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy nghề ở ba cấp trình độ, nhất là đào tạo nghề chất lượng cao. Tổ chức triển khai thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp theo hướng hoàn thiện hệ thống quản lý nhà nước các cấp; rà soát đánh giá và quy hoạch hệ thống giáo dục nghề nghiệp phù hợp với tình hình mới.
Hai là, đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả giáo dục theo cơ chế thị trường, gắn với nhu cầu xã hội. Bên cạnh đào tạo lý thuyết, nhà trường cần để cho thanh niên làm chủ các kĩ năng cần thiết như kĩ năng mềm, trình độ giao tiếp ngoại ngữ dạt chuẩn quốc tế. Xây dựng chuẩn ngoại ngữ đầu vào và đầu ra ở các trường đại học, cao đẳng, trung cấp; tham khảo, áp dụng và chuyển giao một số chương trình đào tạo nghề chất lượng từ các đối tác trong và ngoài khu vực.
Ba là, tăng cường nguồn lực đảm bảo chất lượng dạy học, dạy nghề. Tạo nhiều cơ hội cho thanh niên được đi du học hoặc vừa học vừa làm tại nước ngoài, nhằm nâng cao trình độ và tay nghề, chuyển giao công nghệ.
Nhóm giải pháp về tuyên truyền, phổ biến thông tin về AEC:
Một là, cần thiết lập nhiều kênh tuyên truyền về cộng đồng ASEAN đến xã hội. Thanh niên cần được cập nhật thông tin về thị trường lao động, việc làm, thông tin về học bổng, cơ hội trong và ngoài nước một cách đầy đủ. Điều này cần có sự phối hợp giữa chính quyền, các hiệp hội, các trường đại học, cao đẳng, tổ chức dạy nghề và các thành phần khác.
Hai là, cần tạo ra kênh đối thoại giữa lao động thanh niên với những tổ chức có thẩm quyền. Thanh niên được nói lên nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của mình. Các tổ chức có trách nhiệm giải trình, làm rõ những thắc mắc, đồng thời tạo điều kiện để lao động thanh niên có thể hội nhập quốc tế một cách toàn diện hơn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Báo cáo điều tra lao động việc làm 2013, Tổng cục Thống kê.
http://www.ncseif.gov.vn/sites/vie/Pages/cohoivathachthuckhi-nd-16857.html
2. http://www.hvct.edu.vn/co-hoi-va-thach-thuc-doi-voi-lao-dong-viet-nam-khi-gia-nhap-cong-dong-kinh-te-asean.aspx?tabid=466&a=2050
3. http://dangcongsan.vn/thoi-su/-cong-dong-kinh-te-asean-nhieu-co-hoi-cho-lao-dong-viet-nam-369078.html
4. Trần Thế Lữ, “ Một số giải pháp phát triển dạy nghề góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam”, Tạp chí Lao động và xã hội số 499, 03/2015
5. Niên giám thống kê 2010, 2012, 2014
6. Phạm Đỗ Nhật Tân, “ Thực trạng và giải pháp ổn định phát triển một số thị trường trọng điểm tiếp nhận lao động Việt Nam”, Tạp chí Lao động và xã hội số 509, 08/2015.
7. Bùi Thị Minh Tiệp, “ Nguồn nhân lực của các nước ASEAN và những tham chiếu cho Việt Nam trước thềm hội nhập”, Tạp chí Kinh tế và Phát triển ,02/2015
8. Nguyễn Hồng Sơn, Nguyễn Anh Thu, Vũ Thanh Hương, Nguyễn Thị Minh Phương, “ Việt Nam hội nhập AEC : cơ hội cho thách thức và phát triển”, Tạp chí kinh tế và phát triển 02/2015.
9. UNFPA, Báo cáo quốc gia về thanh niên Việt Nam, 06/2015