Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
  • Thư viện điện tử và kho tin
  • Đề tài nghiên cứu cấp bộ
  • Đề tài nghiên cứu cấp nhà nước
  • Tham khảo tạp chí
  • Sách toàn văn
  • Thư điện tử
  • Chính phủ

Gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và cơ hội nghề nghiệp đối với thanh niên Việt Nam

Đoàn Thị Thu Hương

07/10/2016

Hà Nội, 24/5/2016

GIA NHẬP CỘNG ĐỒNG KINH TẾ ASEAN (AEC) VÀ CƠ HỘI NGHỀ NGHIỆP ĐỐI VỚI THANH NIÊN VIỆT NAM

Đoàn Thị Thu Hương 

Viện Kinh tế Việt Nam

Tóm tắt

            Cộng đồng ASEAN chính thức được thành lập ngày 31 tháng 12 năm 2015 đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong tiến trình hợp tác và hội nhập ở khu vực Đông Nam Á. Trong đó, một trong ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN là Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) - Hiện thực hóa mục tiêu cuối cùng của Hội nhập kinh tế trong "Tầm nhìn ASEAN 2020", nhằm hình thành một khu vực kinh tế ASEAN ổn định, thịnh vượng, kinh tế phát triển đồng đều, giảm sự chênh lệch về kinh tế - xã hội. Hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN giúp thị trường lao động trong ASEAN sôi động hơn, thúc đẩy tạo việc làm cho từng quốc gia thành viên. Gia nhập AEC, thanh niên Việt Nam có cơ hội kiếm việc làm thu nhập cao, có cơ hội tìm kiếm việc làm tại các thị trường phát triển như Singapore, Thái Lan, Malaysia,... Bài viết sẽ khái quát về Cộng đồng Kinh tế ASEAN và cơ hội nghề nghiệp đối với thanh niên, từ đó đưa ra những phân tích, đánh giá về sự chuẩn bị của thanh niên đối với việc gia nhập AEC.  

Cộng đồng kinh tế ASEAN - tiềm năng phát triển và cơ hội nghề nghiệp đối với thanh niên

Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) là một khối kinh tế khu vực của 10 quốc gia thành viên ASEAN, chính thức được thành lập vào ngày 31 tháng 12 năm 2015. AEC là một trong ba trụ cột quan trọng của Cộng đồng ASEAN, cùng với cộng đồng Chính trị - An ninh, Cộng đồng Văn hóa - Xã hội. AEC được thành lập là để thực hiện mục tiêu cuối cùng của hội nhập kinh tế trong "Tầm nhìn ASEAN 2020", nhằm hình thành một khu vực kinh tế ASEAN ổn định, thịnh vượng và có khả năng cạnh tranh cao, trong đó hàng hóa, dịch vụ, đầu tư sẽ được chu chuyển tự do, và vốn được lưu chuyển tự do hơn, kinh tế phát triển đồng đều, đói nghèo và chênh lệch kinh tế - xã hội được giảm bớt vào năm 2020.

Cộng đồng Kinh tế ASEAN bao gồm 10 quốc gia với dân số hơn 620 triệu người, trong đó 300 triệu người tham gia lực lượng lao động. Ba quốc gia có số lao động chiếm tỷ trọng hơn 70% là Indonesia (40%), Philippines (16%) và Việt Nam (15%). Lực lượng lao động này khi được “giải phóng”, được tự do di chuyển trong thị trường chung sẽ là nhân tố cơ bản để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của các nước thành viên Cộng đồng Kinh tế ASEAN.

Không thể không nói đến một lợi ích thiết thực nhất của việc ra đời AEC là việc di chuyển tự do của lao động có kỹ năng. Trước mắt, có 8 ngành nghề lao động trong các nước ASEAN được tự do di chuyển thông qua các thỏa thuận công nhận tay nghề tương đương, gồm kế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sĩ, kỹ sư, y tá, vận chuyển và nhân viên ngành du lịch. Ngoài ra, nhân lực chất lượng cao (các chuyên gia, thợ lành nghề), trong đó có nhân lực được đào tạo chuyên môn hoặc có trình độ từ đại học trở lên, thông thạo ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, được di chuyển tự do hơn. Điều đó có lợi cho cả người lao động và doanh nghiệp.

Đối với người lao động, nhờ sự thỏa thuận này, người lao động Việt Nam sẽ có cơ hội học tập và làm việc trong các môi trường chuyên nghiệp phát triển của các nước trong AEC, đồng thời cũng làm thúc đẩy nguồn nhân lực, đặc biệt với thanh niên, tạo dựng tinh thần tự học tập, nâng cao trình độ tay nghề, và đặc biệt là ngoại ngữ.

Đối với người sử dụng lao động đó chính là khả năng tìm kiếm, tuyển dụng lao động có chất lượng cao từ các nước trong khối, đáp ứng yêu cầu của vị trí làm việc mà họ muốn tuyển khi lao động trong nước không đáp ứng được.

Hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN giúp thị trường lao động trong ASEAN sôi động hơn, thúc đẩy tạo việc làm cho từng quốc gia thành viên. Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), khi tham gia AEC, số việc làm của Việt Nam sẽ tăng lên 10,5% vào năm 2025[1]. Tuy nhiên, do trình độ phát triển không đồng đều, nên hiện nay, lao động có tay nghề và kỹ năng cao trong khối ASEAN chủ yếu di chuyển vào thị trường Singapore, Malaysia và Thái Lan. Còn lại, hầu hết các lao động di chuyển trong phạm vi ASEAN là lao động trình độ kỹ năng thấp hoặc không có kỹ năng. Kết quả khảo sát các chủ sử dụng lao động tại 10 quốc gia ASEAN do ILO thực hiện cho thấy, doanh nghiệp trong khối ASEAN hiện đang rất lo ngại về tình hình thiếu hụt lực lượng lao động có tay nghề và kỹ năng trước sự ra đời của Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015; gần 50% chủ sử dụng lao động trong khối ASEAN trong cuộc khảo sát cho biết, người lao động tốt nghiệp phổ thông không có được kỹ năng họ cần; cử nhân tốt nghiệp đại học có được những kỹ năng có ích nhưng cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp (cả về số lượng và chất lượng)...[2]

Gia nhập AEC, thanh niên Việt Nam có cơ hội kiếm việc làm thu nhập cao, có cơ hội tìm kiếm việc làm tại các thị trường phát triển như Singapore, Thái Lan, Malaysia,... Cùng với đó, thị trường Việt Nam cũng sẽ “mở cửa” để đón nhận nguồn lao động chất lượng cao từ các nước phát triển này đến làm việc. Việc tự do dịch chuyển lao động này cũng chính là một cuộc cạnh tranh chất lượng lao động của mỗi quốc gia. Lao động của Việt Nam sẽ đối mặt với việc phải cạnh tranh với lao động của các nước trong khối liên kết ngay trên sân nhà. Vì thế, chính bản thân lao động của Việt Nam sẽ phải “cạnh tranh” lẫn nhau. Lúc này, đòi hỏi mỗi lao động phải nâng cao tay nghề, kỹ năng và tác phong làm việc thật sự chuyên nghiệp.

Việt Nam sẽ có thể được hưởng lợi lớn trong tạo việc làm cho thanh niên, nâng cao đời sống vật chất thông qua chuyển dịch cơ cấu và phát triển kinh tế, đổi mới quá trình đào tạo tay nghề trang bị kỹ năng cũng như đổi mới hệ thống giáo dục đào tạo theo đúng yêu cầu của thị trường lao động ASEAN. Đồng thời, có cơ hội là một điểm đến hấp dẫn cho những dự án đầu tư mang tính tiên phong về công nghệ, hoặc quy mô lớn giúp thu hẹp khoảng cách về năng suất lao động. Bên cạnh đó, thu hút lao động chất lượng cao từ các nước đến làm việc và bù đắp sự thiếu hụt lao động chất lượng cao.

Lao động Việt Nam nói chung, thanh niên nói riêng có cơ hội kiếm được việc làm có thu nhập cao từ việc tự do dịch chuyển lao động nội khối AEC. Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận một thực tế, vấn đề kỹ năng, tay nghề của lao động còn nhiều hạn chế, chất lượng và cơ cấu lao động vẫn còn nhiều bất cập so với yêu cầu phát triển và hội nhập.

Một nghiên cứu của ILO công bố năm 2013 cho thấy năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất ở Châu Á - Thái Bình Dương (những nơi có thể thu thập số liệu) - thấp hơn Singapore gần 15 lần, thấp hơn Nhật 11 lần và Hàn Quốc 10 lần. Ngay cả so với các nước láng giềng ASEAN có mức thu nhập trung bình, đó vẫn là một khoảng cách lớn. Chẳng hạn, năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 1/5 Malaysia và 2/5 Thái Lan.

Một xu hướng đáng chú ý là tốc độ tăng của năng suất lao động giảm đi tại Việt Nam. Trong giai đoạn 2002 - 2007, năng suất lao động tăng trung bình 5,2% mỗi năm - mức cao nhất trong khu vực. Tuy nhiên, kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, tốc độ tăng năng suất trung bình hàng năm của Việt Nam chậm lại, chỉ còn 3,3%.

Theo một cuộc khảo sát về nhu cầu về kỹ năng với hơn 200 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch ở khu vực miền trung Việt Nam, tất cả chủ lao động đều cho rằng sinh viên tốt nghiệp các trường dạy nghề không đáp ứng được yêu cầu của họ. Nguyên nhân là vì thiếu sự tham gia của doanh nghiệp vào quá trình đào tạo.

Muốn dịch chuyển lao động thì phải có ngôn ngữ nhưng ngôn ngữ cũng là một điểm hạn chế của lao động Việt Nam. Trên thực tế, trình độ tiếng Anh của lao động Việt Nam còn thấp và rất ít người lao động học ngôn ngữ của các nước ASEAN như Thái Lan, Lào, Campuchia… Người Việt Nam được đánh giá là cần cù, sáng tạo, nhiều sáng kiến nhưng khi không giao tiếp được, không chia sẻ được thì sáng tạo, sáng kiến cũng “ngủ yên”, không đưa được vào thực tiễn đời sống và sản xuất, kinh doanh.

Vậy khi gia nhập AEC, thanh niên cần chuẩn bị những gì? Việc tự do luân chuyển lao động sẽ là cơ hội cho thị trường lao động Việt Nam, đồng thời cũng là một thách thức không nhỏ khi một lượng lớn lao động từ các nước AEC vào Việt Nam, tạo nên sự cạnh tranh với lao động trong nước.

AEC đã thống nhất công nhận giá trị tương đương của các chứng chỉ đào tạo từ bậc cao đẳng, đại học trở lên đối với 8 ngành: bác sĩ, nha sĩ, hộ lý, kỹ sư, kiến trúc sư, kiểm toán viên, giám sát viên và nhân viên du lịch. Đây sẽ là cơ hội cho lao động Việt Nam trong 8 lĩnh vực trên có thể sang các nước trong AEC làm việc. Tuy nhiên, thách thức cũng rất lớn vì cơ hội đó không chỉ dành cho lao động Việt Nam mà chia đều cho 10 nước trong AEC tạo nên sự cạnh tranh giữa các nước. Việt Nam có lợi thế về nguồn lao động trẻ đông đảo, năng động, khéo tay, chăm chỉ, có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực về lao động phổ thông. Tuy nhiên, trên thực tế, chất lượng nguồn nhân lực vẫn còn thấp và có khoảng cách khá lớn so với các nước trong khu vực.

Thanh niên Việt Nam nên chuẩn bị ngay từ bây giờ: Thứ nhất, trau dồi thêm các kỹ năng mềm: kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng trình bày, kỹ năng giao tiếp,… Để làm được điều đó thanh niên cần chủ động tham gia các hoạt động ngoại khóa và các câu lạc bộ để tăng sự tự tin và tích lũy kinh nghiệm. Thứ hai, trang bị khả năng ngoại ngữ tốt: tiếng Anh - ngôn ngữ chung trong AEC là ngoại ngữ không thể thiếu đối với thanh niên muốn hội nhập. Chúng ta hãy lên kế hoạch học tiếng Anh để đạt các chứng chỉ quốc tế. Ngoài ra, việc học thêm một chút ngoại ngữ của các quốc gia trong khu vực ASEAN cũng là điều cần thiết. Thứ ba, nắm vững kiến thức chuyên môn, học tốt các môn chuyên ngành từ trong trường đại học vì nó phản ánh năng lực của chúng ta trong mắt nhà tuyển dụng. Thứ tư, tìm hiểu văn hóa, con người các nước Đông Nam Á. Điều đó sẽ giúp chúng ta dễ dàng hòa nhập trong môi trường làm việc mới. Bản thân mỗi thanh niên cần chủ động trau dồi, nâng cao năng lực bản thân thật tốt. Bên cạnh đó, thanh niên cũng cần lập cho mình mục tiêu và kế hoạch cụ thể để nắm bắt được các cơ hội khi Việt Nam đã là một thành viên của AEC.

Hiện nay thanh niên Việt Nam vẫn còn chưa có sự chuẩn bị đủ để có thể cạnh tranh với lao động của các nước trong khu vực, họ còn rất nhiều khiếm khuyết mà các cơ quan quản lý, các cơ sở đào tạo cần phải khắc phục bởi nếu không thì lao động Việt Nam sẽ thua ngay trên sân nhà là điều không thể tránh khỏi. Bởi vậy, cần một số giải pháp để bảo vệ việc làm cho lao động Việt Nam. Đó là:

Trước tiên là cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Theo đó, cần tiếp tục công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục theo hướng khả năng thực hành và các kỹ năng nghề nghiệp. Phối hợp đồng bộ các chính sách, đặc biệt là chính sách phát triển nguồn nhân lực, việc làm, giáo dục đào tạo và các chính sách kinh tế. Để làm sao thu hẹp được khoảng cách giữa các kỹ năng được đào tạo trong nhà trường với kỹ năng làm việc tại doanh nghiệp.

Gắn kết giữa dạy nghề với thị trường lao động và sự tham gia của doanh nghiệp, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động. Xây dựng các mối quan hệ chặt chẽ giữa dạy nghề với trị trường lao động, hướng vào việc đáp ứng phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, từng ngành, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Hai là, cần tổ chức tốt hơn hệ thống thông tin thị trường lao động, cả thị trường trong nước để giới thiệu và chắp nối việc làm trong nước, giúp người lao động Việt Nam tiếp cận đến các vị trí làm việc trong nước trong thời gian ngắn nhất; phải cung cấp được cả thông tin thị trường lao động ngoài nước để giúp người lao động Việt Nam có cơ hội tiếp cận.

Ba là, hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm cũng cần tổ chức lại nhằm tăng cường sự liên kết, chia sẻ thông tin, hỗ trợ nhau trong công tác cung ứng và tuyển dụng lao động cho các doanh nghiệp, hạn chế tình trạng hết thời hạn tuyển dụng, các doanh nghiệp sẽ tuyển dụng lao động nước ngoài.

Bốn là cần nâng cao năng lực của các trung tâm dịch vụ việc làm, ít nhất là ở chỗ đánh giá các yêu cầu của các vị trí cần tuyển, thương lượng với người sử dụng lao động để đảm bảo các yêu cầu đạt ra là thực sự cần thiết, đúng với yêu cầu của vị trí việc làm, hạn chế tình trạng doanh nghiệp đặt yêu cầu quá cao nhằm tuyển dụng lao động nước ngoài.

Năm là phải tăng cường và nâng cao chất lượng dự báo nhu cầu lao động; làm cơ sở cho đổi mới công tác kế hoạch hóa giáo dục và đào tạo, kể cả đào tạo nghề để chuẩn bị nguồn nhân lực được đào tạo, hợp lý cả về số lượng, cơ cấu và kỹ năng, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Ngoài ra cần có hàng rào kỹ thuật đáp ứng được cả hai mục tiêu: vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư để Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn; và vẫn phải đạt được mục tiêu bảo vệ việc làm trong nước. Đó là: cấp giấy phép cho lao động nước làm việc tại Việt Nam; quản lý lao động nước ngoài làm việc lại Việt Nam sau khi được cấp phép,...

Việt Nam nhận thức rõ tầm quan trọng của AEC, cũng như những cơ hội và thách thức đi kèm. Với quyết tâm không để bỏ qua cơ hội này, Việt Nam đang nỗ lực hết sức để chuẩn bị hội nhập sâu rộng và đảm bảo rằng mọi người đều được hưởng lợi từ quá trình đó.

Khi tham gia AEC, để nắm bắt được cơ hội, thanh niên nói riêng, người lao động nói chung cần cố gắng có kiến thức kỹ năng theo khung trình độ đòi hỏi, đồng thời cần tự tìm hiểu, trau dồi thêm các kỹ năng. Đặc biệt, người lao động còn cần có ngoại ngữ, rèn luyện kỷ luật, tác phong công nghiệp và các kỹ năng mềm khác để có thể nắm bắt cơ hội tham gia làm việc tại các quốc gia của AEC.

 


[1] ILO và ADB, Diễn đàn “Cộng đồng ASEAN 2015: Quản lý hội nhập hướng tới việc làm tốt hơn và thịnh vượng chung”, 2014

[2] http://www.hvct.edu.vn/co-hoi-va-thach-thuc-doi-voi-lao-dong-viet-nam-khi-gia-nhap-cong-dong-kinh-te-asean.aspx?tabid=466&a=2050

 

Các tham luận khác