AEC VÀ TÁC ĐỘNG THỰC TẾ ĐẾN DI CHUYỂN LAO ĐỘNG KỸ NĂNG Ở CAMPUCHIA, LÀO VÀ MYANMAR
NCS. Phạm Thị Mùi
NCS. Trương Quang Hoàn
Viện Nghiên cứu Đông Nam Á
Tóm tắt
Trước ngưỡng cửa hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), di cư lao động thực sự đã trở thành chủ đề thu hút sự quan tâm của toàn khu vực. Trong khu vực Đông Nam Á, Campuchia, Lào và Myanmar (CLM) là ba nước có số lượng lao động di cư lớn nhất. Xét về địa điểm di cư, Thái Lan là nơi tập trung phần lớn lao động tới từ CLM. Việc tự do hóa di chuyển lao động có kỹ năng[1], trước tiên với 8 lĩnh vực thuộc thỏa thuận công nhận lẫn nhau (MRAs) trong AEC nhằm hướng đến xây dựng thị trường lao động nội khối hiệu quả hơn, từ đó hỗ trợ cho quá trình phát triển kinh tế chung của khu vực. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, việc thực thi tự do hóa di chuyển lao động có kỹ năng trong AEC không có nhiều tác động đến dòng dịch chuyển lao động kỹ năng ra bên ngoài của các nước CLM nói riêng và của cả ASEAN nói chung. Bằng việc phân tích tình hình dịch chuyển lao động của CLM trong ASEAN những năm gần đây, nghiên cứu đưa ra đánh giá các tác động thực tế của AEC đến dịch chuyển lao động kỹ năng của các nước CLM.
Bài nghiên cứu gồm 3 phần chính như sau: Phần 1 phân tích thị trường lao động hiện nay của các nước CLM; Phần 2 phân tích, đánh giá tác động thực tế của AEC đến di chuyển lao động kỹ năng của CLM; Phần 3 đưa ra một số kết luận liên quan.
1. Đôi nét về thị trường lao động của các nước CLM
Các nước thành viên ASEAN nói chung và 3 nước CLM nói riêng khác nhau rõ rệt về nguồn cung lao động, kỹ năng, tiền lương và năng suất. Về số lượng lực lượng lao động, ở Lào là 3.080 nghìn người (năm 2010), ở Campuchia là 7.400 nghìn người (năm 2012) và ở Myanmar là 30.121 nghìn người (năm 2013).[2]
Về mặt kỹ năng, hầu hết các nước đều có tỷ lệ biết chữ cao trong dân số thuộc độ tuổi lao động. Tỷ lệ biết chữ trên 15 tuổi ở Campuchia chiếm 73,9% dân số, ở Lào là 72,7% trong khi tỷ lệ này ở Myanmar lên tới 92,7%. Tuy nhiên, tỷ lệ tuyển sinh vào các chương trình giáo dục đào tạo kỹ thuật nghề (TVET) vẫn ở mức rất thấp mặc dù tỷ lệ lao động tốt nghiệp đại học ở CLM đang được cải thiện. Chẳng hạn, tỉ lệ tham gia TVET trên tổng số học sinh trung học ở Campuchia là 2,3%, trong khi tỷ lệ lao động có bằng đại học là 15,8%. Ở Lào, các tỷ lệ tương ứng lần lượt là 0,8% so với 16,7%. Ở Myanmar, hiện vẫn chưa có các thống kê về tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề trong khi tỷ lệ đào tạo đại học gần 15%.[3]
Một điểm đáng chú ý khác, những người di cư từ Myanmar thường có học vấn thấp, tỷ lệ biết chữ thấp hơn so với mức bình quân của dân bản xứ, thể hiện một dạng di cư “đẩy”, hay sự tự chọn lọc tiêu cực. Trái lại, sự tự chọn lọc lại mang tính tích cực trong nhóm di cư từ Campuchia, những người thường có học vấn tốt hơn so với dân cư ở quê nhà của họ.[4]
Ngoài ra, năng suất lao động (được đo lường bằng sản lượng đầu ra trên mỗi lao động) giữa CLM với các thành viên phát triển hơn trong hiệp hội chênh lệch tương đối lớn, phản ánh sự khác biệt về mức độ thành thạo kỹ năng của lực lượng lao động giữa các nước này. Ví dụ, năng suất lao động bình quân một lao động khu vực sản xuất chế biến, chế tạo ở Thái Lan cao hơn gần 4 lần so với năng suất lao động ở Campuchia. Tiền lương cũng có chênh lệch. Chẳng hạn, mức lương trung bình một công nhân ở Thái Lan nhận được hàng tháng là 357 USD, cao gần gấp ba lần so với một công nhân ở Campuchia.[5]
Khác biệt về giới trong tiền lương cũng khá rõ nét. Ví dụ, lương trung bình của lao động nữ giới ở Campuchia ít hơn khoảng một phần tư lương của nam giới (98 USD so với 128 USD). Ở Lào, tỷ lệ này chênh lệnh ít hơn, 107 USD so với 126 USD.[6] Nhìn tổng thể, phụ nữ ở ASEAN nói chung và 3 nước CLM nói riêng cũng gặp bất lợi trong việc đảm bảo việc làm tốt. Ở Campuchia khoảng 60% lao động nữ làm những việc dễ bị tổn thương so với gần 50% nam giới; ở Lào tỷ lệ này là khoảng 90% so với gần 80%.[7]
Khi các doanh nghiệp mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, họ sẽ cạnh tranh quyết liệt hơn để thu hút nhân lực chất lượng cao thể hiện qua việc nâng cao thu nhập cho những lao động có kỹ năng phù hợp. Lao động có kỹ năng cao gồm các nhà quản lý, lao động chuyên môn kỹ thuật bậc cao và lao động chuyên môn kỹ thuật bậc trung có thể được tăng lương nhiều nhất khi có hội nhập kinh tế chặt chẽ hơn trong AEC. Lao động có kỹ năng cao tại các nước CLM có khả năng sẽ có mức tăng lương lớn nhất trong khuôn khổ AEC: tại Campuchia: 20,1% và tại Lào: 17,8%. Tuy nhiên, tại các quốc gia này, tất cả tiền lương, bao gồm cả lương của lao động lành nghề thường có mức khởi điểm thấp hơn nhiều so với các nước khác. Tương tự như vậy, lao động kỹ năng trung bình tại 3 nước CLM được cho sẽ hưởng lợi từ AEC, mặc dù ở mức độ thấp hơn. Tiền lương của lao động chưa qua đào tạo chỉ tăng một chút, nhưng nhiều cơ hội việc làm trong các ngành mới lại được tạo ra.[8] Kỹ năng của người lao động tỷ lệ thuận với năng suất và tiền lương là thước đo phản ánh khá rõ ràng sự khác biệt về kỹ năng của người lao động ở 3 nước CLM so với các nước khác trong khu vực.
2. Tác động thực tế của AEC đến di chuyển lao động kỹ năng trong các quốc gia CLM
Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đã chính thức có hiệu lực vào ngày cuối cùng của năm 2015. Theo tuyên bố chính thức của Hiệp hội, phần lớn các mục tiêu đề ra đã được thực hiện, gồm: thiết lập một thị trường và cơ sở sản xuất đơn nhất; xây dựng ASEAN thành khu vực cạnh tranh và linh hoạt; đưa ra các cơ chế và biện pháp mới để thúc đẩy thực thi các sáng kiến kinh tế đang có; thúc đẩy hội nhập khu vực trong các lĩnh vực ưu tiên; thuận lợi hóa di chuyển doanh nhân, lao động kỹ năng; và tăng cường cơ chế tổ chức của ASEAN.
Đối với mục tiêu tự do hóa di chuyển lao động kỹ năng, một loạt các sáng kiến đã được đưa ra, cụ thể là: 1. Thuận lợi hóa chứng thực visa và thẻ làm việc cho các chuyên gia và lao động kỹ năng trong ASEAN; 2. Thuận lợi hóa dòng chảy tự do của dịch vụ; 3. Thúc đẩy hợp tác giữa thành viên của Mạng lưới trường đại học ASEAN để tăng cường tính lưu động cho các sinh viên và nhân viên trong khu vực; 4. Phát triển năng lực và chất lượng nòng cốt cho các kỹ năng nghề nghiệp được quy định trong các khu vực dịch vụ ưu tiên hội nhập và lĩnh vực khác; 5. Tăng cường năng lực nghiên cứu của mỗi quốc gia thành viên ASEAN trong việc thúc đẩy kỹ năng, yêu cầu công việc cũng như phát triển mạng lưới thông tin thị trường lao động giữa các quốc gia ASEAN (ILO, 2014). Để thuận lợi hóa di chuyển lao động kỹ năng trong khu vực, các quốc gia ASEAN đã nhất trí thông qua thỏa thuận công nhận lẫn nhau (MRAs)[9], trước tiên trong 8 lĩnh vực. Các ngành nghề cụ thể gồm: kỹ sư; y tá; kiến trúc; khảo sát; y tế; nha sĩ; kế toán; và du lịch.
Việc đánh giá tác động của AEC (ở đây chủ yếu là MRAs) đến dịch chuyển lao động kỹ năng của CLM có thể theo 2 hướng: tác động đến dịch chuyển lao động kỹ năng của CLM tới các thành viên ASEAN; và tác động đến dịch chuyển lao động kỹ năng trong nội bộ mỗi quốc gia CLM.
2.1. Tác động đến dịch chuyển lao động kỹ năng của CLM tới các nước thành viên ASEAN
Thực tế, bảy trong số những ngành nghề hiện được đề cập trong các MRA gộp lại cũng chỉ chiếm từ 0,3% đến 1,4% trong tổng số việc làm tại các nước thành viên ASEAN.[10] Tại Campuchia (năm 2012), tỷ lệ lao động 7 ngành nghề chiếm 1,0% tổng lao động đang làm việc, trong khi tỷ lệ này tại Lào (năm 2010) thậm chí còn thấp hơn (0,3%).[11] Do đó, các ngành nghề được phép tự do di chuyển trong MRA chiếm một phần không đáng kể trong tổng số việc làm ở ASEAN.
Từ năm 1990, trong tổng số kiều dân ở nước ngoài của các nước Myanmar, Lào, Campuchia, lao động di cư trong ASEAN từ mỗi quốc gia này đã tăng khoảng 40%.[12] ASEAN có 3 nước là điểm đến chính của lao động di cư - Malaysia, Singapore, và Thái Lan. Gộp lại, ba nước này chiếm gần 90% tổng số lao động di cư của khu vực và 97% trong tổng số lao động di cư giữa các nước trong ASEAN. Tuy nhiên, số lượng người di cư của 3 nước CLM vào Singapore và Malaysia chiếm một lượng không đáng kể, nhiều nhất là Myanmar chiếm 10% số lượng người nhập cư ở Malaysia. Tuy nhiên, số lượng di cư của 3 nước này lại chi phối nguồn lao động nhập cư ở Thái Lan (Campuchia 20,2%, Lào 4,9%, Myanmar 50,8%).[13]
Mặc dù số liệu từ Liên Hợp Quốc đã ghi nhận 57 hành lang liên quan đến di cư nội khối ASEAN, 5 hành lang dẫn đầu - Myanmar đến Thái Lan, Indonesia đến Malaysia, Malaysia đến Singapore, CHDCND Lào đến Thái Lan, và Cambodia đến Thái Lan- đại diện cho 88% nguồn di cư nội khối ASEAN (UN, 2013). Bảng 1 chỉ ra các dòng dịch chuyển lao động tại 3 nước CLM trong nội khối ASEAN chiếm hơn 60%, dẫn đầu là Myanmar đến Thái Lan chiếm đến 29%.
Bảng 1: Các dòng lao động dịch chuyển ở trong 3 nước CLM
Stt
|
Hành lang di cư
|
Nguồn di cư nội khối ASEAN
|
Tỷ lệ trong tổng nguồn di cư nội khối ASEAN (%)
|
1
|
Myanmar đến Thái Lan
|
1.892.480
|
29
|
2
|
Lào đến Thái Lan
|
926.427
|
14
|
3
|
Campuchia đến Thái Lan
|
750.109
|
12
|
4
|
Myanmar đến Malaysia
|
247.768
|
4
|
5
|
Việt Nam đến Campuchia
|
37.225
|
1
|
6
|
Thái Lan đến Campuchia
|
31.427
|
-
|
7
|
Campuchia đến Malaysia
|
13.876
|
-
|
8
|
Việt Nam đến Lào
|
11.447
|
-
|
9
|
Myanmar đến Việt Nam
|
9.783
|
-
|
10
|
Lào đến Việt Nam
|
4.284
|
-
|
Nguồn: Trích từ bảng Top 25 Intra-ASEAN Migration Corridors, 2013; Department of Economic and Social Affairs, “Trends in International Migrant Stock: Migrants by Origin and Destination,” 2013 Revision.
Số liệu thống kê về các dòng di chuyển trong nội khối ASEAN của 3 nước CLM nói riêng và của các nước trong khu vực nói chung hiện nay vẫn là một vấn đề gây nhiều bàn luận. Thông thường, các tài liệu thường chỉ đề cập đến số lượng lao động đi theo con đường chính thức mà bỏ qua những dòng di cư lao động phi chính thức. Những di cư theo con đường chính thức thường là những lao động có kỹ năng. Những người di cư tự do (chủ yếu là lao động phổ thông và một số rất ít lao động có kỹ năng) thường không đăng ký và khai báo với nơi xuất cư và nơi nhận cư. Do đó, số liệu người di cư lao động do nước xuất cư và nước nhận cư cung cấp rất khác nhau. (Xem thêm phụ lục 1 và 2)
Trong giai đoạn 2009 - 2010, Tổ chức Di cư Quốc tế ước tính có khoảng 1.445.000 lao động ở Campuchia, Lào và Myanmar so với chỉ 79.000 lao động nhập cư chính thức và 932.000 người đã được hợp pháp hóa theo chương trình Thẩm tra Quốc tịch.[14]
Hầu hết lao động di cư trong nội khối ASEAN đều là công nhân tay nghề thấp hoặc trung bình. Do nguồn di cư lao động 3 nước đang đề cập chiếm tỷ lệ chi phối ở Thái Lan nên chúng tôi lấy Thái Lan làm điểm phân tích. Dòng dịch chuyển hàng năm của lao động di cư quốc tế của tất cả các nước đến Thái Lan đa số gia nhập công việc kỹ năng thấp hoặc trung bình. Năm 2012, những vị trí kỹ năng cao (quản lý, chuyên gia và kỹ thuật viên) chỉ chiếm 3,1% trong dòng lao động vào Thái Lan. Hầu hết những lao động mới nhập cư đều làm việc ở những vị trí kỹ năng thấp (lao động phổ thông) hoặc trung bình – như vận hành máy móc và lắp ráp hay nhân công nông nghiệp, ngư nghiệp và lâm nghiệp lành nghề - và ở những vị trí sơ đẳng kỹ năng thấp.[15]
Phân tách dữ liệu theo trình độ học vấn của lao động di cư cũng cho thấy đặc điểm như vậy, với phần lớn có trình độ học vấn thấp hơn giáo dục cao đẳng, đại học và nhiều người trong số đó chỉ có bằng phổ thông hoặc thấp hơn. Phần lớn lao động di cư trong ASEAN nói chung và lao động đến từ CLMV nói riêng thuộc nhóm kỹ năng thấp và trung bình làm việc ở khu vực phi chính thức. Vì vậy, có thể thấy tác dộng của AEC đến việc dịch chuyển lao động kỹ năng từ các nước CLM tới các thành viên ASEAN là chưa lớn.
2.2. Tác động đến dịch chuyển lao động kỹ năng trong nội bộ mỗi nước CLM
Các nước thành viên ASEAN đã chuyển sang việc sản xuất và xuất khẩu hàng hóa thâm dụng kỹ năng với năng suất lao động cao hơn. Nhưng cách thức thay đổi có khác nhau giữa các nước.[16] Ở Singapore, nơi có kỹ năng sản xuất cao nhất trong khu vực, trong khoảng thời gian từ 2000 đến 2012, tỷ trọng hàng xuất khẩu thuộc các ngành chế tác thâm dụng công nghệ và kỹ năng đã tăng từ 36% lên 48%. Trái lại, tại các quốc gia CLM, hàng xuất khẩu thuộc ngành chế tác có kỹ năng cao còn hạn chế, cộng lại chỉ chiếm dưới 1% tổng số hàng xuất khẩu. Điều này có thể cho thấy tỷ lệ dịch chuyển lao động có kỹ năng trong nội địa của các nước này cũng không cao.
Mặt khác, từ năm 1992, một số quốc gia đã chứng kiến sự gia tăng việc làm nổi bật trong các ngành công nghiệp. Trong các nước thành viên ASEAN (trừ Lào, Myanmar và Philippines) công nghiệp đóng góp trong khoảng từ 18% đến 28% tổng số việc làm. Trong khi ở tất cả các nước thành viên ASEAN những năm gần đây, tỷ trọng của ngành dịch vụ trong tổng số việc làm tăng đáng kể, thì tại Campuchia, giá trị này vẫn ổn định ở mức 30%.
Thách thức đối với các nước CLM là trong khi việc làm trong ngành công nghiệp chế biến gia tăng, các cơ sở sản xuất vẫn còn hạn hẹp. Dệt may là một ví dụ, mặc dù ngành này chiếm đến 60,7% tổng số việc làm trong các ngành công nghiệp chế biến tại Campuchia. Tại CHDCND Lào, 1/3 lao động trong các ngành công nghiệp hiện làm việc trong ngành chế biến thực phẩm.[17] Những ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động (dệt may, chế biến thực phẩm) có vai trò rất quan trọng ở những nước này trong việc thu hút những người đang tìm việc. Như vậy, nhu cầu tuyệt đối lớn nhất tập trung ở những việc làm đòi hỏi kỹ năng thấp và trung bình.
Các công việc dự kiến phát triển nhanh nhất ở một số nước nhìn chung thường đòi hỏi kỹ năng trung bình và cao. Ví dụ như ở Campuchia, quản lý bán lẻ và bán buôn, lắp đặt thiết bị điện và sửa chữa được dự kiến sẽ tăng nhanh nhất. Trong khi đó ở Lào, thợ xử lý gỗ, thợ mộc và công nhân trong ngành khai thác gỗ, ngành cao su, khai thác nhựa và các sản phẩm giấy được dự báo là những nghề phát triển nhanh nhất.[18] Sự phát triển các ngành nghề trên sẽ quyết định số lượng và tính chất của lao động kỹ năng phục vụ trong tương lai.
Tuy vậy, các ngành nghề do MRA quy định chỉ chiếm 1% lao động tại 3 nước CLM và Các quy tắc và quy định của các nước thành viên vẫn được áp dụng song song với MRA và tạo ra rào cản đối với việc dịch chuyển lao động. Như vậy, có thể kết luận sự ra đời của AEC sẽ không dẫn đến sự thay đổi ngay lập tức thị trường lao động kỹ năng trong các quốc gia CLM.
3. Một số kết luận
Qua việc phân tích thực tế thị trường lao động, số lượng và mức độ thành thạo kỹ năng của lao động các nước CLMV, có rút ra một số kết luận sau:
Thứ nhất, di cư trong nội khối ASEAN, gồm di cư từ CLM chủ yếu vẫn là di chuyển vẫn lao động có kỹ năng phổ thông, thấp. Do đó, Mặc dù AEC đã chính thức có hiệu lực, tác động thực tế của nó đến dịch chuyển lao động kỹ năng của CLM ra bên ngoài các thành viên ASEAN cũng như dịch chuyển lao động kỹ năng bên trong từng nước này hiện nay là chưa rõ nét.
Thứ hai, mặc dù di cư nội khối ASEAN, chủ yếu di cư lao động từ CLM đã tăng về số lượng nhưng vẫn chỉ tập trung cao vào một vài hành lang, trong đó tập trung vào các nước Thái Lan, Malaysia và Singapore, phản ánh sự mất cân bằng dòng chảy lao động..
Thứ ba, mặc dù tăng các biện pháp chính sách để điều chỉnh quá trình kiều hối và thắt chặt kiểm soát biên giới, di cư bất hợp pháp, chủ yếu là lao động các quốc gia CLM trong khu vực ASEAN vẫn còn khó kiểm soát. Số liệu của loại hình di cư lao động này là rất khó kiểm soát. Đối với Thái Lan, di dân là nguồn dự trữ lớn về lao động rẻ và linh hoạt và thúc đẩy tính cạnh tranh trong một số ngành ở nhiều nước nhận lao động, đặc biệt là Thái Lan.
Trong tương lai, AEC sẽ thúc đẩy cầu với lao động kỹ năng. Chính phủ các nước CLM có thể ưu tiên chính sách giáo dục và đào tạo, và liên kết chúng với các chính sách phát triển quốc dân và việc làm để đảm bảo những lợi ích thu được từ hội nhập sẽ có lợi ích cho những người dễ bị tổn thương nhất, trong đó có phụ nữ và thanh niên. Mặc dù cam kết hạn vào năm 2015, tiến trình về hiện thực hóa tầm nhìn ASEAN và cộng đồng AEC nhìn chung là rất chậm và thất thường. Vì điều này, mốc thời gian 2015 nên được nhìn nhận như là một sự kiện quan trọng hơn là thời hạn sau cùng. Sự thực hiện các thỏa thuận và khuôn khổ vẫn còn nhiều khó khăn đặc biệt là việc hài hòa hóa các chính sách lao động, giáo dục nội địa để đáp ứng với các tiêu chuẩn, quy tắc đặt ra trong MRAs.
PHỤ LỤC
Phụ lục 1: Số lượng về di cư nội khối ASEAN, do nước đến cung cấp, 2013.
Nguồn: Gunter Sugiyarto and Dovelyn Rannveig Agunias (2014). A ‘freer’ flow of skilled Labour within ASEAN: Aspirations, Opportunities and Challenges in 2015 and Beyond. Issue No.11. ILO.
Phụ lục 2: Số lượng về di cư nội khối ASEAN, do nước xuất cư cung cấp, 2013.
Nguồn: Gunter Sugiyarto and Dovelyn Rannveig Agunias (2014). A ‘freer’ flow of skilled Labour within ASEAN: Aspirations, Opportunities and Challenges in 2015 and Beyond. Issue No.11. ILO.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. A.C. Orbeta (2013). Đẩy mạnh sự di chuyển lao động ở ASEAN: Tập trung vào những lao động có tay nghề thấp hơn. Phillippines Institute for Development Studies, Discussion Paper Series.
2. Agunias et.al., (2011). Labour Migration from Colombo Process Countries: Good Practices, Challenges and Ways forward. International Organization for Migration, Dhaka. http://publications.iom.int/bookstore/index.php?main_page=product_info&cPath=1&products_id=758.
3. D. Nilomborirak và S. Jitdumrong (2013). Đánh giá về tự do hóa khu vực dịch vụ trong ASEAN. In S.Basu Das (cb.). “Thẻ điểm Cộng đồng kinh tế ASEAN: Hiệu qủa hoạt động và nhận thức”. ISEAS, Singapore, 2013.
4. Gunter Sugiyarto and Dovelyn Rannveig Agunias (2014). A ‘freer’ flow of skilled Labour within ASEAN: Aspirations, Opportunities and Challenges in 2015 and Beyond. Issue No.11. ILO. http: www.migrationpolicy.org/.../freer-flow-skilled-...
5. ILO (2011). Báo cáo di cư Thái Lan 2011.
6. ILO (2014). Xu hướng mô hình kinh tế, 1/2014.
7. ILO (2015). Báo cáo An sinh xã hộ Thế giới 2014/15: Xây dựng khả năng phục hồi kinh tế, phát triển toàn diện vào công bằng xã hội
8. ILO và ADB (2014). Cộng đồng ASEAN 2015: Quản lý hội nhập hướng tới thịnh vượng chung và việc làm tốt.
9. Migration Policy Institute (MPI, 2015). Bilateral Remittance Flows. www.migrationpolicy.org/programs/data-hub/global-remittances-guide)
10. Orbeta Jr., A (2013). Enhancing Labor in ASEAN: Focus on Lower-skilled Workers. Phillippines Institute for Development Studies, Discussion Paper. Manila. www.pids.gove.ph/dp.php?id=5153.
11. Ngân hàng thế giới (2008). Báo cáo phát triển Thế giới 2009. NXB Văn hóa Thông tin.
12. S. Basu Das và cộng sự (cb., 2013). Cộng đồng kinh tế ASEAN: Công việc đang tiến triển. ISEAS, Singapore.
13. Sugiyarto, G., (2014). Chapter 13: Internal and International migration in Southeast Asia. In Lan Coxhead (edited) “Handbook of Southeast Asian Economics”.
14. UN (2013). Xu hướng nhập cư lao động quốc tế: Dữ liệu sửa đổi năm 2013. United Nation. http://www.un.org/en/index.html
15. United Nations (2013). Trends in International Migrant Stock: Migrants by Orgin and Destination. 2013 Revision. United Nations database. http://esa.un.org/unmigration/TIMSO2013/migrantstocks2013.htm
16. Viện Thống kê UNESCO (2015), Các chỉ số về giáo dục, đào tạo, và mức độ biết chữ, http://www.uis.unesco.org/Pages/default.aspx
[1] Lao động có kỹ năng được hiểu là lao động có các kỹ năng về kỹ thuật. Các kỹ năng bao gồm sự khéo léo để sử dụng các công cụ, thiết bị phức tạp cho đến các kiên thức cụ thể liên quan đến công việc và các kỹ năng trong các lĩnh vực chuyên ngành như kỹ sư hay y khoa.
[2] Cộng đồng ASEAN 2015, tr.26
[3] Nguồn: Viện Thống kê UNESCO
[4] Ngân hàng thế giới 2008, tr.241
[5] Nguồn: ILO ước tính dựa trên các nguồn số liệu chính thức của các nước, Trích theo ILO và ADB 2014
[6] Nguồn: ILO ước tính dựa trên nguồn số liệu chính thức của các nước; Mức lương trung bình hàng tháng phân theo giới tính trong những năm gần đây.
[7] Nguồn: Các nguồn lực quốc gia chính thức; ILO: Dữ liệu ILOSTAT; ILO: Mô hình kinh tế lượng xu hướng, tháng 1/2014; Lao động phân theo tình trạng lao động và giới tính trong những năm gần đây 2013; trích theo ILO và ADB 2014
[8]Nguồn: Ước tính ILO dựa trên M.Plummer, P.Petri và F.Zai; Thay đổi lương trong kịch bản có tác động của AEC so với kịch bản cơ sở, 2015; trích theo ILO và ADB 2014
[9] Bên cạnh MRA, một sáng kiến khác để thuận lợi hóa di chuyển lao động kỹ năng trong AEC là việc thiết lập Khung chất lượng ASEAN (AQF). Tương tự như mô hình Khung chất lượng châu Âu (EQF), AQF hướng đến đo lường mức độ đạt được về giáo dục và đào tạo thông qua hài hóa các thỏa tuận quy tắc, khung chất lượng quốc gia giữa các thành viên ASEAN.
[10] Ngành nghề thứ tám của MRA là nghề du lịch, tuy nhiên nó lại không có danh mục vị trí nghề nghiệp để có thể tính toán được tỉ lệ tương ứng
[11] Nguồn: ILO ước tính dựa trên các nguồn tài liệu quốc gia chính thức; Số lao động trong 7 ngành nghề theo ASEAN MRA, trong nhiều năm
[12] Tổ chức lao động quốc tế ILO và Ngân hàng châu Á ADB, 2014, tr.95
[13] Nguồn: UN: Xu hướng nhập cư lao động quốc tế:-Dữ liệu sửa đổi năm 2013
[14] Theo Tổ chức di cư Quốc tế: Báo cáo di cư Thái Lan 2011, Geneva 2011.
[15] Nguồn: Cơ quan Thống kê Quốc gia Thái Lan, Bộ Thông tin và Công nghệ Truyền thông: Khảo sát Lực lượng Lao động Thái Lan (Bangkok, trong nhiều năm); Cơ quan Thống kê Quốc gia Thái Lan, Bộ Thông tin và Công nghệ Truyền thông: Khảo sát Nhập cư (Bangkok, 2011 và 2012)
[16] Nguồn: ILO ước tính dựa trên UNCTAD
[17] Nguồn: Ước tính của ILO dựa trên nguồn dữ liệu của các quốc gia.
[18] Nguồn: ước tính của ILO dựa trên S. El Achkar Hilal: Tác động của hội nhập kinh tế ASEAN vào triển vọng nghề nghiệp và nhu cầu kỹ năng, trích theo ILO và ADB 2014.