Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
  • Thư viện điện tử và kho tin
  • Đề tài nghiên cứu cấp bộ
  • Đề tài nghiên cứu cấp nhà nước
  • Tham khảo tạp chí
  • Sách toàn văn
  • Thư điện tử
  • Chính phủ

Tranh chấp biển đông và trách nhiệm của tri thức trẻ Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam trong việc thúc đẩy mối quan tâm của thanh niên cộng đồng ASEAN (AC) đối với vấn đề này

TS. Phạm Xuân Hoàng; ThS. Đoàn Thị Quý

07/10/2016

Hà Nội, 24/5/2016

TRANH CHẤP BIỂN ĐÔNG VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA TRÍ THỨC TRẺ VIỆN HÀN LÂM KHXH VIỆT NAM TRONG VIỆC THÚC ĐẨY MỐI QUAN TÂM CỦA THANH NIÊN CỘNG ĐỒNG ASEAN (AC) ĐỐI VỚI VẤN ĐỀ NÀY

TS. Phạm Xuân Hoàng

ThS. Đoàn Thị Quý

Viện Thông tin Khoa học xã hội

 

Tóm tắt

Tranh chấp Biển Đông đã và đang có ảnh hưởng lớn đối với các nước ASEAN, đặc biệt là vấn đề an ninh, gắn kết khu vực. Tuy nhiên, mối quan tâm của các quốc gia ASEAN đối với tranh chấp Biển Đông là không giống nhau, thậm chí có một số quốc gia đang đứng ngoài sự nỗ lực tìm kiếm giải pháp chung cho vấn đề này. Hiện nay, những xung đột ở Biển Đông vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu và thậm chí còn được dự báo là một vấn đề địa chính trị hết sức căng thẳng, đòi hỏi cộng đồng ASEAN phải có sự thống nhất chặt chẽ về lập trường và hành động. Với bối cảnh như vậy, thanh niên ASEAN –những chủ nhân chuẩn bị gánh vác những trọng trách của khu vực, không thể không quan tâm đến tranh chấp Biển Đông. Để góp phần thúc đẩy sự tìm kiếm sự nhất trí cao và giải pháp chung có hiệu quả trong ASEAN xoay quanh vấn đề Biển Đông, trí thức Việt Nam nói chung, trí thức trẻ Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam nói riêng phải ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong nghiên cứu Biển Đông, đóng vai trò cầu nối, gắn kết thanh niên ASEAN nhằm tận dụng sức mạnh của cộng đồng chung ASEAN trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo đất nước cũng như giữ vững sự ổn định an ninh khu vực.

1. Biển Đông và một số diễn biến trong tranh chấp Biển Đông thời gian gần đây

Biển Đông nằm ở phía Tây Thái Bình Dương, là một biển nửa kín được bao bọc bởi 9 quốc gia và một vùng lãnh thổ gồm Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Singapore và Đài Loan. Vùng biển này có các nhóm đảo là: Pratas Islands (Quần đảo Đông Sa), Paracel Islands (quần đảo Hoàng Sa), Spratly Islands (Quần đảo Trường Sa), cùng Macclesfield Bank (bãi ngầm Macclesfield) và Scarborough Reef (bãi cạn Scarborough).

Cho đến nay, Biển Đông được nhìn nhận có 3 lợi ích căn bản đối với nhiều nước trên thế giới, đó là:

i, Lợi ích hàng hải. Đây là biển duy nhất nối liền Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, là nơi tập trung các tuyến hàng hải quốc tế quan trọng nhất, kiểm soát hơn một nửa lượng tàu bè toàn cầu. 80% lượng hàng hóa của thế giới được chu chuyển qua con đường này.

ii, Lợi ích tài nguyên. Biển Đông có nguồn tài nguyên dồi dào, phong phú (trữ lượng dầu lớn, khoảng 130 - 230 tỷ thùng[1], có hơn 2.500 loài hải sản và 500 loại san hô ngầm[2], có lượng khí đốt và dầu đá phiến tương đối lớn, đáy biển có nhiều kim loại quý hiếm như cô–ban, măng–gan, sản lượng đánh bắt cá chiếm khoảng 7 - 8% của cả thế giới…).

iii, Lợi thế địa chính trị. Với diện tích gần 4 triệu km vuông nằm giữa vành đai châu Á- Thái Bình Dương, Biển Đông có ý nghĩa địa chính trị- chiến lược hết sức to lớn. Các đảo, quần đảo nằm trong vùng Biển Đông có ý nghĩa vô cùng quan trọng về chiến lược phòng thủ của mỗi quốc gia. Hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam nằm ở trung tâm Biển Đông. TS.Chris Rahman và GS. Martin Tsamenyi, thuộc Trung tâm tài nguyên và an ninh Đại dương Quốc gia Úc, Đại học New South Wales- Úc, nhận định: “địa lý của khu vực Biển Đông là một yếu tố quan trọng trong việc phân tích chiến lược. Vị trí trung tâm của nó ở Đông Á khiến nó có tầm quan trọng đối với giao thông thương mại và chiến lược. Sự phức tạp của nó mang lại mối hiểm nguy thực tế đối với an toàn hàng hải và hiểm nguy chính trị với vai trò là một tranh chấp quốc tế”[3].

Với ý nghĩa địa chính trị, chiến lược quan trọng, Biển Đông từ lâu đã trở thành địa bàn tranh chấp (về lãnh hải và quyền lợi – lợi ích) giữa các bên: Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia, và Đài Loan – Trung Quốc, trong đó trọng tâm tranh chấp chính là tại quần đảo Trường Sa[4].

Qua gần một thế kỷ nay, tranh chấp vùng biển này có liên quan trực tiếp tới 6 nước – 7 bên như đã nêu trên vẫn chưa được giải quyết và đang bị đẩy lên thành xung đột khá trầm trọng trong những năm gần đây. Nguyên nhân chính là do “không chỉ tồn tại đồng thời nhiều mâu thuẫn, tranh chấp chồng chéo, đan xen giữa các lợi ích, có nhiều đối tượng, chủ thể tham gia, hay can dự, mà còn do chưa có một cơ chế hay giải pháp có tính khả thi được đưa ra và thực hiện. Xu hướng này đang tác động sâu sắc đến môi trường an ninh và hợp tác khu vực, làm thay đổi nhận thức và hành động chiến lược của các quốc gia, trong đó có việc chạy đua vũ trang và tập hợp lực lượng nhằm thích ứng với tình hình biến động khó lường.”[5]

      Nhân tố chính và khởi đầu cho những rắc rối ở Biển Đông là Trung Quốc. Trong thời gian từ năm 2010 đến nay, để hiện thực hóa tham vọng trở thành cường quốc biển, độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc đã tiến hành hàng loạt hành vi cứng rắn làm cho tình hình an ninh khu vực Biển Đông trở nên xấu đi. Những hành động đó tập trung trên nhiều phương diện, đáng chú ý là các động thái sau của Trung Quốc:

      - Xác lập chủ quyền bằng các hành động đơn phương chiếm hữu hòa bình trái luật pháp quốc tế bằng các hành động như: cắm cờ tại đáy Biển Đông ở độ sâu 3,759m (26/8/2010); xây dựng các đảo nhân tạo, bồi vét và tiến hành thiết lập các cơ sở dân dụng và các dịch vụ dân sinh trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngày 31/5/2011, tàu hải giám, tàu hải quân Trung Quốc tiến hành dỡ vật liệu xây dựng một số cột trụ và thả phao ở vị trí phía Tây Nam Bãi Cỏ Rong (Reed Bank) trong phạm vi vùng đặc quyền 200 hải lý của Philippines.

      Ngày 13/6/2014, Trung Quốc tiến hành khai phá 5 bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa là Gạc Ma, Châu Viên, Ga Ven, Én Đất và Tư Nghĩa. Ngày 23/6/2014, Trung Quốc công bố bản đồ dọc, sửa đường 9 đoạn trên biển thành đường 10 đoạn nuốt trọn Biển Đông (bản đồ này còn vẽ luôn bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ vào lãnh thổ Trung Quốc). Từ năm 2014 đến nay: Trung Quốc đã không ngừng cải tạo các bãi đá và xây dựng đảo nhân tạo ở Trường Sa.

      - Tổ chức tập trận và xây dựng lực lượng hải quân mạnh để thị uy. Vào ngày 2/11/2010, Trung Quốc tổ chức cuộc tập trận thứ tư được gọi là Giao Long 2010 tại biển Đông với sự tham gia của hơn 1.800 binh sĩ cùng ít nhất 100 tàu chiến, tàu đổ bộ, tàu ngầm và máy bay; quyết định do tỉnh Hải Nam ban hành có hiệu lực từ ngày 1/1/2014 có nội dung tăng cường quyền hạn cho Lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc tại khu vực biển Đông và bắt buộc tàu cá nước ngoài phải xin phép khi vào hoạt động bên trong vùng biển được Bắc Kinh gọi là “vùng cấm tàu cá nước ngoài”.[6] Tháng 5/2013, Trung Quốc cử một tàu chiến và 3 tàu hải giám chiếm Bãi Cỏ Mây (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bị Philippines chiếm đóng phi pháp).

      - Gây rối các hoạt động bình thường, hợp pháp trên Biển Đông của Việt Nam như hoạt động khai thác dầu khí, đánh bắt hải sản. Ngày 26/5/2011, tàu Bình Minh 02 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong khi đang thăm dò địa chấn tại lô 148 trong thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam đã bị 3 tàu hải giám Trung Quốc lao vào cắt cáp, làm hỏng một số thiết bị của tàu. Ngày 9/6/2011, tàu Viking 2 do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thuê đang tiến hành thu nổ địa chấn 3D lô 136/03 tại khu vực thềm lục địa của Việt Nam thì bị tàu cá Trung Quốc mang biển hiệu 6226 lao vào tuyến cáp. Bộ phận cắt cáp thông dụng của tàu 6226 đã bị mắc vào tuyến cáp của Viking 2 khiến tàu thăm dò của Việt Nam không thể hoạt động bình thường. Hai tàu ngư chính 311 và 303 cùng một số tàu cá khác của Trung Quốc sau đó đã tiến hành giải cứu tàu 6226.

      Nguy hiểm hơn, Bắc Kinh đã huy động các đội tàu đánh cá và bán quân sự cho những mục đích địa chính trị, theo đuổi lộ trình “đánh bắt (khai thác), bảo vệ, tranh giành và chiếm giữ”, kiên trì chiến thuật “tằm ăn rỗi” vốn được thiết kế nhằm củng cố chủ quyền, và những tuyên bố về tài nguyên trên các đảo tranh chấp ở biển Đông, buộc các nước tuyên bố chủ quyền khác phải chấp nhận lập trường của Trung Quốc[7]

      - Thông qua tuyên truyền, Trung Quốc chứng minh  kiểu “cả vú lấp miệng em” chủ quyền Trung Quốc trên Biển Đông, đặc biệt là đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Năm 2011, bằng Công hàm gửi Liên hợp quốc, Trung Quốc khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với Hoàng Sa và Trường Sa, công khai phân tích và chỉ trích các lập luận pháp lý trong yêu sách chủ quyền đối với Trường Sa của một bên tranh chấp ngoài Việt Nam.[8]

      - Tạo ra các sự kiện, lấy cớ để để khẳng định chủ quyền một cách vô căn cứ. Đáng chú ý là năm 2014, Trung Quốc đã hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Mới đây, năm 2016 Trung Quốc đưa giàn khoan HD943 đặt ở Cửa Vịnh Bắc bộ nơi có tranh chấp với Việt Nam.

      Trung Quốc thực hiện sự tuyên truyền rộng rãi về cái gọi là chủ quyền không tranh cãi ở Trung Quốc trên Biển Đông. Ngày 31/7/2013, tại lớp học chuyên đề về biển của các Ủy viên Bộ Chính trị đóng tại Bãi Cỏ Mây, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã phát biểu: Việc trở thành cường quốc biển là nhiệm vụ quan trọng của Trung Quốc, bởi đại dương và biển ngày càng có vị trí chiến lược quan trọng trong cuộc cạnh tranh toàn cầu ở các lĩnh vực chính trị, quân sự, khoa học công nghệ. Vì thế, Trung Quốc không từ bỏ các quyền và lợi ích hợp pháp cũng như các lợi ích quốc gia cốt lõi của mình.[9] Trong chuyến thăm Malaysia và Indonesia tháng 10/2013, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đề xuất tái khôi phục “con đường tơ lụa trên biển” từ nhiều thế kỷ trước, nối eo biển Malacca với Biển Đông thành tuyến hàng hải mới của thế kỷ XXI.

      Đến thăm nhiều quốc gia trên thế giới, Chủ tịch Tập Cận Bình luôn miệng lặp đi lặp lại rằng chủ quyền của Trung Quốc với Hoàng Sa, Trường sa là không tranh cãi, Trung Quốc đã chiếm cứ từ thời cổ đại !.

      Cho dù chính quyền Trung Quốc tuyên bố “sẽ không gây bất ổn trên biển Đông… Người dân Trung Quốc yêu chuộng hòa bình và luôn theo đuổi, cũng như truyền cho thế hệ sau niềm tin vững chắc vào hòa bình, hữu nghị, hòa hợp… Trung Quốc không có gien xâm lược”,[10] nhưng điều đó không làm suy giảm lòng tin của các nước vào cái gọi là thiện chí hòa bình của Trung Quốc. Những động thái gây hấn nêu trên cho thấy Bắc Kinh đã kết thúc giai đoạn “trỗi dậy hòa bình” với “chính sách ve vãn”, thay vào đó là chiến lược “làm chủ thực tế” thông qua các chính sách kết hợp giữa hợp tác và cưỡng ép, giữa trấn an và mở rộng ảnh hưởng. Trung Quốc từ chối quốc tế hóa vấn đề Biển Đông thông qua đàm phán đa phương, chú trọng đàm phán song phương để có thể chia rẽ các nước trong khu vực bằng kinh tế và ngoại giao, cưỡng ép những quốc gia có vị thế yếu hơn nhằm đoạt lợi toàn cục cho mình.

2. Lập trường của ASEAN đối với giải quyết tranh chấp Biển Đông

      Trước hành động gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông, các quốc gia có tranh chấp chủ quyền tại vùng biển này đã có những cách hành xử khác nhau. Philippines lựa chọn cách phản ứng cứng rắn cả trên mặt trận ngoại giao và pháp lý. Trên mặt trận pháp lý, chính quyền Aquino đã tiến hành đưa vụ việc lên tòa án quốc tế. Ngày 23/1/2013, Philippines chính thức đơn phương đệ đơn kiện Trung Quốc lên Tòa án Trọng tài căn cứ vào Công ước của Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS) năm 1982. Trong khi đó, các nước có liên quan khác lại lựa chọn biện pháp giải quyết thông qua ngoại giao và thúc đẩy cơ chế đàm phán các bên…

      Như đã nói ở trên, tranh chấp Biển Đông có liên quan tới 5 thành viên ASEAN và có ảnh hưởng trực tiếp tới an ninh và ổn định khu vực Đông Nam Á, do đó ASEAN không thể không quan tâm tới vấn đề này. Hơn nữa, khi Biển Đông trở thành địa bàn cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc, việc tham gia giải quyết xung đột tại Biển Đông giúp ASEAN củng cố và thể hiện vai trò thể chế trung tâm, thúc đẩy và kết nối các cơ chế đa phương ở châu Á – Thái Bình Dương, nâng cao vị thế của mình.

            Tuy nhiên, có thể nói, ASEAN chưa thể hiện được vai trò trung tâm trong giải quyết tranh chấp chủ quyền trên biển Đông. Từ năm 2009 đến nay, ASEAN thúc đẩy tiến trình giải quyết vấn đề này nhưng không mang lại kết quả khả quan. Năm 2011, khi tình hình Biển Đông trở nên căng thẳng hơn, ASEAN đã cùng Trung Quốc thông qua “Bản quy tắc hướng dẫn DOC”. Bản quy tắc gồm 8 điểm, có cách thức diễn giải chung chung và không có sự khác biệt so với bản DOC năm 2002. Giữa tháng 7/2012, Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 45 được tổ chức tại Phnom Penh (Campuchia). Do có sự bất đồng nội bộ nghiêm trọng trong vấn đề Biển Đông, lần đầu tiên sau 45 năm, ASEAN đã không đưa ra được Thông cáo chung. Nguyên nhân trực tiếp dẫn tới thất bại của Hội nghị là Philippines kiên quyết đưa sự kiện Trung Quốc chiếm giữ bãi cạn Scarborough (Hoàng Nham) vào thông cáo chung trong khi chủ tịch luân phiên ASEAN là Campuchia lại cho rằng đó là tranh chấp song phương nên không tán thành. Trước phản ứng này của Campuchia, Ngoại trưởng Philippines Rorasio khẳng định Hội nghị không đạt được Thông cáo chung là do Campuchia bị khuất phục bởi sức ép và lợi ích từ phía Trung Quốc.[11] Ngoài bất đồng giữa những nước có tuyên bố chủ quyền với những nước không có chủ quyền ở Biển Đông, nội bộ các nước có tuyên bố chủ quyền cũng tồn tại bất đồng. Ví dụ, trong đàm phán COC, Philippines và Việt Nam tán thành phương thức ASEAN đưa ra nhận thức chung về COC rồi mới tiến tới đàm phán với Trung Quốc, trong khi đó Indonesia lại chủ trương bao gồm Trung Quốc ngay từ đầu. Những sự kiện này không những bộc lộ mâu thuẫn tồn tại trong nội bộ ASEAN mà còn gây tổn hại đến quá trình nhất thể hóa ASEAN. Tuy nhiên, sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông, tái cân bằng của Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và sự can dự của siêu cường này vào vấn đề Biển Đông khiến các nước nhận thức được rằng đoàn kết ASEAN là nhiệm vụ cấp thiết lúc này.

   Để đóng vai trò “cân bằng” giữa hai nước lớn, các nước ASEAN phải củng cố nội bộ, tránh bị lôi kéo, chia rẽ và phân tán sức mạnh. Trước hành vi gây hấn của Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam (5/2014), các nước ASEAN đã bày tỏ sự quan ngại và lần đầu tiên sau gần 20 năm (kể từ năm 1995), Cuộc họp Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN lần thứ 47 (10/8/2014) đã ra Tuyên bố riêng về tình hình Biển Đông. Và nếu trong các Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN trước đây, vấn đề Biển Đông thường gây ra những tranh luận gay gắt dẫn tới bất đồng giữa các thành viên thì Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 25 diễn ra tại Naypyidaw - thủ đô Myanmar (9-13/11/2014), những căng thẳng xoay quanh vấn đề này đã hạ nhiệt một cách đáng kể. Các nước đều thống nhất tuân thủ đầy đủ và nghiêm túc DOC, thúc đẩy đàm phán nhanh để có thể thông qua COC.

            Đặc biệt, kể từ khi Cộng đồng ASEAN chính thức đi vào hoạt động (31/12/2015), ASEAN có sự thống nhất hơn về vấn đề tranh chấp Biển Đông. Tại Hội nghị giữa Mỹ - ASEAN được tổ chức vào tháng 2/2016, hai bên đã bàn luận về tranh chấp lãnh hải nhưng không đưa tranh chấp Biển Đông vào tuyên bố chung. Tuy nhiên, hơn một tuần sau, tại Hội nghị hẹp Ngoại trưởng ASEAN diễn ra vào ngày 27/2/2016 (tại Lào), các Bộ trưởng ngoại giao ASEAN đã nêu cụ thể phương thức giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, trong đó nhấn mạnh các quy trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa vũ lực. Có thể nói, lần đầu tiên trong tuyên bố chính thức của ASEAN khi đề cập tới vấn đề Biển Đông có nhắc đến biện pháp pháp lý trong giải quyết tranh chấp chủ quyền. Tại các hội nghị SOM ASEAN (diễn ra vào 6-8/5), vấn đề Biển Đông cũng được đưa ra thảo luận. Mặc dù sau khi chuyển sang giai đoạn Cộng đồng chung, ASEAN đã thể hiện mối quan tâm hơn đối với tranh chấp Biển Đông cũng như có sự đồng thuận nhất định trong vấn đề này nhưng vẫn có những dấu hiệu cho thấy Cộng đồng ASEAN vẫn chưa thực sự thống nhất về lập trường chung. Nhiều thành viên ASEAN chưa sẵn lòng hy sinh “lợi ích quốc gia” để đổi lấy lợi ích chung cho cộng đồng dù cho lợi ích đó có mang lại hòa bình, ổn định trong khu vực cũng như tạo ra nền tảng để họ phát triển đất nước mình.

Mặc dù sau khi chuyển sang giai đoạn Cộng đồng chung, ASEAN đã thể hiện mối quan tâm hơn đối với tranh chấp Biển Đông và cũng có được sự đồng thuận nhất định trong vấn đề này nhưng vẫn có những dấu hiệu cho thấy Cộng đồng ASEAN chưa thực sự thống nhất về lập trường chung. Hiện trước âm mưu chia rẽ mạnh mẽ của Trung Quốc lôi kéo đơn lẻ các quốc gia ASEAN đồng thuận với mình về giải pháp giải quyết tranh chấp bằng đàm phán song phương, nhiều quốc gia ASEAN đang ở vào thế “kẹt”, trong đó đáng chú ý là Campuchia- một quốc gia từ lâu được xem là thân cận Trung Quốc và thiếu sự sự đồng thuận với ASEAN trong giải quyết tranh chấp Biển Đông. Một số quốc gia ASEAN đang do dự giữa một bên là sự vỗ về, lôi kéo với những hứa hẹn hấp dẫn từ phía Trung Quốc, một bên là tình nhà ASEAN với mong muốn khối cần thống nhất đối phó với các tranh chấp. Gần đây, chuyến công du Đông Nam Á vào tháng 4/2016 của Ngoại trưởng Vương Nghị nhằm kéo 3 nước Campuchia, Lào, Brunei ủng hộ “nhận thức chung 4 điểm” của Trung Quốc đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của nhiều học giả trong khu vực Đông Nam Á. Đề cập về việc này, Paul Chambers, Giám đốc Viện nghiên cứu Các vấn đề Đông Nam Á tại Chiang Mai, Thái Lan nhận xét: "Bất kỳ sự đồng thuận nào giữa Trung Quốc và 3 quốc gia nói trên đều tiếp tục chia rẽ ASEAN và chỉ bảo vệ lợi ích của Trung Quốc"[12].

3. Vai trò của trí thức trẻ Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam trong việc thúc đẩy mối quan tâm của thanh niên Cộng đồng ASEAN đối với tranh chấp Biển Đông

Vấn đề Biển Đông có ảnh hưởng lớn tới sự thống nhất và phát triển của Cộng đồng ASEAN. Sức mạnh của Cộng đồng chung ASEAN chỉ có thể được phát huy nếu nó có sự đoàn kết và đồng thuận. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là sự đồng thuận ấy chưa có hoặc có nhưng chỉ trong một nhóm nhỏ chứ chưa tạo ra sự đồng thuận chung, nhất trí ở mức cao.

Quan tâm tới vấn đề này, thái độ của thanh niên ASEAN hiện nay là như thế nào?

Hiện chúng tôi chưa thấy có một nghiên cứu hay khảo sát nào về thái độ của thanh niên ASEAN đối với vấn đề tranh chấp Biển Đông, nhưng có hai lý do khiến chúng tôi suy nghĩ:

Thứ nhất, thanh niên thường hành động theo những chủ trương của nhà nước mình, khi mà nhà nước trung ương có sự quan tâm sâu sắc đến một vấn đề chính trị quốc tế, thì lẽ đương nhiên- thanh niên với tư cách là công dân đất nước ấy sẽ có sự tìm hiểu, nghiên cứu trước các vấn đề mà nhà nước quan tâm. Trái lại, sự quan tâm của nhà nước chưa thấu đáo thì lẽ đương nhiên, sự quan tâm của thanh niên nếu có cũng chỉ ở dừng lại mức độ hiểu biết thông thường mà thôi. Hiện thời, với tranh chấp Biển Đông, một số quốc gia ASEAN đang có tình trạng đó.

Thứ hai, có dịp đi Lào, một quốc gia láng giềng “núi liền núi, sông liền sông”, qua quan sát và vấn hỏi chúng tôi nhận thấy thanh niên nước bạn không dành nhiều quan tâm cho tranh chấp Biển Đông, thậm chí có những người không hề biết đến vấn đề này.

Tuy nhiên, chúng tôi lại có niềm lạc quan tin tưởng rằng, thanh niên ASEAN khá hào hứng với việc hình thành cộng đồng chung ASEAN, đặc biệt là những thanh niên trí thức. Năm 2007, Quỹ ASEAN thực hiện một khảo sát nhằm xác định bản sắc ASEAN đối với các sinh viên trong khu vực. Với tiêu đề là “Thái độ và nhận thức với ASEAN, khảo sát nhằm kiểm tra kiến thức và thái độ các các nhóm công chúng về khu vực và hiệp hội và khát vọng hội nhập của họ. Kết quả nghiên cứu 2.170 sinh viên đến từ 10 trường đại học trong khu vực cho thấy, 76,8% những người tham gia tán thành tuyên bố “Tôi là một công dân của ASEAN”. Đây là một con số hết sức khả quan. Với kết quả này, các nhà nghiên cứu nhận định, sinh viên trong khu vực thể hiện kiến thức ở mức độ cao và có thái độ tích cực với hiệp hội[13].

Từ những lý do nêu trên, cũng như niềm tin vào thái độ của thanh niên ASEAN khi thừa nhận cộng đồng chung này, chúng tôi cho rằng, việc nâng cao nhận thức của thanh niên Cộng đồng ASEAN đối với tranh chấp Biển Đông là một việc làm cần thiết. Riêng đối với trí thức trẻ Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, việc nâng cao nhận thức về tranh chấp Biển Đông cũng như thúc đẩy mối quan tâm của thanh niên Cộng đồng ASEAN đối với vấn đề này không chỉ giúp củng cố sức mạnh Cộng đồng ASEAN mà trước hết là vì lợi ích dân tộc Việt Nam.

Một phương thức được nhiều nhà phân tích cho là phù hợp với Việt Nam trong tình huống này là tăng cường quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, tận dụng sức mạnh của cộng đồng chung ASEAN, cũng như sự hỗ trợ của nhiều cường quốc khác có lợi ích chiến lược liên quan tới Biển Đông.

Trí thức trẻ Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam trong thời gian gần đây cũng đã có đóng góp nhất định trong việc quốc tế hóa vấn đề Biển Đông. Nhiều người đã có một số bài viết đăng trên các tạp chí nước ngoài, hội thảo quốc tế và diễn đàn quốc tế liên quan tới tranh chấp Biển Đông và chủ quyền của Việt Nam tại vùng lãnh hải này. Tuy nhiên, cũng phải nhấn mạnh rằng số lượng những bài viết như thế còn rất hạn chế. Và nếu so sánh với Trung Quốc thì việc đấu tranh trên mặt trận học thuật của Việt Nam nói chung vẫn còn thua kém, xét về số lượng các cơ quan nghiên cứu chuyên sâu về Biển Đông, số lượng các bài tạp chí và công trình nghiên cứu, sự phổ biến vấn đề này trên truyền thông đại chúng, sự đầu tư của chính phủ cho vấn đề nghiên cứu Biển Đông…

Cũng cần thừa nhận một thực tế là nhận thức của trí thức trẻ Viện Hàn lâm KHXH về tranh chấp Biển Đông còn có sự khác biệt, trình độ ngoại ngữ để đọc và phản biện các nghiên cứu quốc tế là chưa cao. Đó là những lý do cơ bản dẫn tới số lượng những trí thức trẻ là chuyên gia về Biển Đông vẫn còn hạn chế.

Vậy khi trở thành “Công dân ASEAN”, trí thức trẻ Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam có thể làm gì để thúc đẩy nhận thức của thanh niên Cộng đồng ASEAN về tranh chấp Biển Đông?

Ngoài việc tuân thủ những vấn đề thuộc về cơ chế, về chiến lược phát triển của đất nước, thanh niên chúng ta phải:

-  Không ngừng cập nhật thông tin về Biển Đông, đào luyện ngoại ngữ để có thể tự tin và mạnh dạn tham gia các diễn đàn trao đổi về vấn đề này;

- Mạnh dạn nghiên cứu, viết bài đăng tải ở các bài tạp chí quốc tế cũng như góp mặt trong các Hội thảo Quốc tế, thể hiện tiếng nói của bản thân mình về chủ quyền đất nước, về lợi ích chung của Cộng đồng ASEAN trong việc thống nhất lập trường về giải quyết tranh chấp Biển Đông.

- Đồng thời, thông qua các chương trình giao lưu văn hóa với các nước, qua các diễn đàn tổ chức trong Cộng đồng ASEAN hay các nước khác, thanh niên Việt Nam cũng có thể lồng ghép các nội dung liên quan tới vấn đề này.

Thêm nữa, với từng cá nhân thanh niên, thông qua môi trường trao đổi nghiên cứu, giao lưu học giả, các mối quan hệ bạn bè khu vực ASEAN phải tạo cơ hội nắm bắt thái độ của các bạn về tranh chấp Biển Đông, nói rõ cho họ chính nghĩa và lập trường của Việt Nam, tuyên truyền và tranh thủ sự đồng thuận của các bạn về giải quyết tranh chấp Biển Đông- chính các học giả đó sẽ là người có tiếng nói mạnh mẽ và có hiệu quả đối với chính phủ nước mình.  

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.      Đỗ Minh Cao (2012), Ý nghĩa địa chính trị của Biển Đông, Nghiên cứu Trung Quốc, số 06.

2.      Lê Văn Sang (2014), Cục diện địa chính trị Đông Á trong bối cảnh Mỹ xoay trục chiến lược về châu Á - Thái Bình Dương, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, Số 02.

3.      Lương Văn Kế (2013), Ý nghĩa địa chiến lược của Biển Đông đối với cục diện quan hệ quốc tế, Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 4 (146).

4.      Nguyễn Thị Lan Anh (2011), Về những yêu sách mới của Trung Quốc trên Biển Đông, Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc, số 06.

5.      Robert D. Kplan (2011), The south china sea is the future of Conflict, Foreign Policy, Sep/Oct.

6.      Thông tấn xã Việt Nam (2014), “Biển Đông: Thực chất diễn biến và xu hướng phát triển”, Các vấn đề quốc tế số 1.

7.      Thông tấn xã Việt Nam (2014), “Tranh chấp trên biển ở Đông Á: thừa nước đục thả câu”, Các vấn đề quốc tế, số 8.

8.      Thông tấn xã Việt Nam (2016), “Ba mặt trận của ASEAN trong bối cảnh xung đột Mỹ - Trung”, Tin tham khảo thế giới,  số 079-TTX.

9.      Trần Khánh (2013), “Xung đột ở Biển Đông: thực trạng và giải pháp”, Tạp chí Nghiên cứu quốc tế, số 04.

Zheng Wang (2015), How scholars can help solve the South China sea disputes. http://thediplomat.com/2015/02/how-scholars-can-help-solve-the-south-china-sea-disputes/

 


[1] Theo Lương Văn Kế (2013), Ý nghĩa địa chiến lược của Biển Đông đối với cục diện quan hệ quốc tế, Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 4 (146), trang 4.

[2] Đỗ Minh Cao (2012), Ý nghĩa địa chính trị của Biển Đông, Nghiên cứu Trung Quốc, số 06.

[3]TS. Chris Rahman và GS. Martin Tsamenyi (2011),“Địa chính trị, Hải quân và Chiến lược ở Biển Đông”, http://nghiencuubiendong.vn/nghien-cuu-nuoc-ngoai/1738-a-chinh-tr-hi-quan-va-chin-lc--bin-ong

[4] Xem yêu sách cụ thể của các quốc gia trong tranh chấp biển Đông ở bài viết “Yêu sách và cơ sở pháp lý của các bên ở Biển Đông” của TS. Trần Trường Thủy, được đăng tải tại: http://www.biendong.net/tu-lieu/nghien-cuu-viet-nam/741-yeu-sach-va-c-s-phap-ly-oi-ch-quyn-ca-cac-ben--bin-ong.html

[5] Trần Khánh (2013), Xung đột ở Biển Đông: thực trạng và giải pháp, Tạp chí Nghiên cứu quốc tế, số 04. Trang 69.

[6] Lê Văn Sang (2014), Cục diện địa chính trị Đông Á trong bối cảnh Mỹ xoay trục chiến lược về châu Á - Thái Bình Dương, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, Số 02.

[7] Thông tấn xã Việt Nam (2014), Tranh chấp trên biển ở Đông Á: thừa nước đục thả câu, Các vấn đề quốc tế, số 8, trang 2.

[8] Nguyễn Thị Lan Anh (2011), Về những yêu sách mới của Trung Quốc trên Biển Đông, Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc, số 06.

[9] Trần Công Trục (2013), Phải chăng Mỹ bắt đầu xoay trục châu Á - Thái Bình Dương, Báo Đại đoàn kết. http://daidoanket.vn/index.aspx?Menu=1434&Chitiet=67992&Style=1.

[10] Minh Thu (2014), Tín hiệu mới từ Tập Cận Bình và lối hành xử của Trung Quốc.

http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/tin-hieu-moi-tu-tap-can-binh-va-loi-hanh-xu-tq-3042357/

[11] Thông tấn xã Việt Nam (2014), Biển Đông: Thực chất diễn biến và xu hướng phát triển, Các vấn đề quốc tế số 1, trang 5.

[12] Hồng Thủy, Campuchia mắc kẹt trong vấn đề Biển Đông, http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Campuchia-mac-ket-trong-van-de-Bien-Dong-post168021.gd, truy cập ngày 21/5/2016.

[13] Vũ Thanh Vân (2016), “Chiến lược truyền thông vì cộng đồng ASEAN”, Hồ sơ sự kiện, số 321, tr.34.

 

Các tham luận khác