Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
  • Thư viện điện tử và kho tin
  • Đề tài nghiên cứu cấp bộ
  • Đề tài nghiên cứu cấp nhà nước
  • Tham khảo tạp chí
  • Sách toàn văn
  • Thư điện tử
  • Chính phủ

Cơ hội và thách thức đối với thanh niên Việt Nam khi tham gia cộng đồng ASEAN

TS. Lê Thị Hòa

07/10/2016

Hà Nội, 24/5/2016

CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC ĐỐI VỚI THANH NIÊN VIỆT NAM KHI THAM GIA CỘNG ĐỒNG ASEAN

TS. Lê Thị Hòa

Viện Nghiên cứu Đông Nam Á

Tóm tắt

Xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN 2015 vì mục tiêu hòa bình, ổn định, phát triển và hướng tới người dân là dấu mốc quan trọng trong lịch sử của ASEAN. Dưới một mái nhà chung, các dân tộc ở Đông Nam Á sẽ chung sống, gắn kết, chia sẻ lợi ích và phát triển trên chặng đường mới của mình. Để hiện thực hóa điều này, các quốc gia ASEAN trong đó có Việt Nam chúng ta đã đề ra những mục tiêu, biện pháp cụ thể, thiết thực trong lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, đồng thời phát huy vai trò, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân trong việc chung tay xây dựng “Một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng”, trong đó tuổi trẻ thanh niên được đánh giá là một phần không thể thiếu trong việc đẩy nhanh lộ trình tiến đến cộng đồng năm 2015 và việc thực hiện chiến lược ASEAN sau năm 2015. Trong những năm qua, thanh niên Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực nhằm thúc đẩy mối quan hệ giao lưu với các nước ASEAN, tạo cơ hội quảng bá nền văn hóa nước nhà,  giới thiệu việc làm, học bổng du học nước ngoài, mở ra cơ hội nghề nghiệp và học tập nâng cao trình độ ...; Tuy nhiên, cùng với quá trình hội nhập vào Cộng đồng ASEAN, thanh niên chúng ta đang đứng trước nhiều khó khăn thách thức lớn đó là: trình độ học vấn, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức kinh tế, quản lý, kiến thức pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật của một số bộ phận thanh niên nhìn chung còn thấp. Trước những cơ hội và thách thức đặt ra, mỗi một thanh niên cần nhận thức và ý thức được vai trò của mình trong tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN, đây vừa là trách nhiệm, nghĩa vụ, vừa là quyền lợi của thanh niên để cùng đất nước gặt hái được nhiều thành công trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế năm 2016 và những năm tiếp theo.

 

1.Nhận thức của thanh niên Việt Nam về Hội nhập ASEAN

Xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN 2015 vì mục tiêu hòa bình, ổn định, phát triển[H1]  và hướng tới người dân là dấu mốc quan trọng trong lịch sử của ASEAN. Dưới một mái nhà chung, các dân tộc ở Đông Nam Á sẽ chung sống, gắn kết, chia sẻ lợi ích và phát triển trên chặng đường mới của mình. Để hiện thực hóa điều này, các quốc gia ASEAN trong đó có Việt Nam chúng ta đã đề ra những mục tiêu, biện pháp cụ thể, thiết thực trong lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, đồng thời phát huy vai trò, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân trong việc chung tay xây dựng “Một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng”, trong quá trình đó, tuổi trẻ thanh niên được đánh giá là một phần không thể thiếu trong việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng Cộng đồng năm 2015 và việc thực hiện chiến lược ASEAN sau năm 2015.

Nguồn lực và tiềm lực của thanh niên Việt Nam là rất lớn. Dân số thanh niên tính đến năm 2014 là 25.078.764 người, chiếm 27,7% dân số cả nước, trong đó dân số nam thanh niên là 12.756.842 người (chiếm 50,9% trong tổng số thanh niên) và nữ thanh niên là 12.321.922 người (chiếm 49,1%)[1]. Hiện nay, thanh niên đã tham gia hoạt động trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội như kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và an ninh - quốc phòng. Trong nhiều lĩnh vực, thanh niên giữ vai trò chủ chốt. Điều này cho thấy, vai trò, nhiệm vụ của thanh niên đã ngày càng được tăng cường.

Ngày 31 tháng 12 năm 2015, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á chính thức trở thành Cộng đồng ASEAN. Quá trình hội nhập khu vực ngày càng sâu rộng đã tác động, ảnh hưởng sâu sắc tới thế hệ thanh niên trong toàn khu vực nói chung và Việt Nam nói riêng. Sự tác động đó được thể hiện ở cả trong tư duy và hành động của giới trẻ. Đó là sự thay đổi nhận thức của thanh niên về đời sống xã hội, về giá trị của văn hóa, đạo đức, lối sống, về việc làm... Tuy vậy, trong quá trình hội nhập, đa số thanh niên Việt Nam có nhận thức đúng về sự cần thiết, mục đích và nội dung hội nhập khu vực. Kết quả nghiên cứu năm 2006 của Viện Nghiên cứu Thanh niên cho thấy, tuyệt đại đa số thanh niên cho rằng, hội nhập khu vực trong bối cảnh hiện nay là cần thiết và cấp bách (99,7%). Điều này cũng phản ánh nhu cầu tự thân, mong muốn của thanh niên là được mở rộng cơ hội học tập, lao động, giao lưu, hợp tác quốc tế, bắt kịp sự phát triển của thế giới, tiếp thu thành tựu khoa học, công nghệ. Đa số thanh niên Việt Nam cho rằng, hội nhập kinh tế cần được ưu tiên hàng đầu (76,6%), đào tạo nguồn nhân lực (69,3%), giao lưu văn hoá, du lịch, thể thao, hợp tác y tế, ngăn ngừa tội phạm, tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu (trên 40%). Đa số thanh niên hiểu rằng, hội nhập và hợp tác về văn hoá phải được tiến hành trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hoá nhân loại để làm giàu văn hoá dân tộc và không để mất bản sắc dân tộc trong văn hoá Việt Nam (76,1%). Điểm đáng chú ý là, đa số thanh niên thể hiện sự thận trọng trong hội nhập và khẳng định sự cần thiết phải giữ vững độc lập dân tộc và định hướng XHCN (88%)[2]. Bên cạnh đó, nhận thức của nhiều thanh niên về hội nhập khu vực còn thiếu toàn diện, đơn giản. Thực tế cho thấy, hội nhập quốc tế đang ngày càng thấm sâu và tác động toàn diện tới mọi mặt đời sống của thanh niên, từ cách ứng xử trong giao tiếp; thẩm mỹ, nhu cầu âm nhạc, thể thao, giải trí đến tâm lý, mục tiêu, định hướng nghề, tìm kiếm việc làm... Do vậy, thanh niên Việt Nam, dù ở trong nước hay ngoài nước, dù ở nông thôn, miền núi hay thành thị đều đã, đang và sẽ chịu sự tác động ngày càng sâu sắc của quá trình hội nhập khu vực theo hai chiều hướng: đón nhân thuận lợi cơ hội và đối mặt với khó khăn thách thức.

2.Cơ hội và thách thức của thanh niên Việt Nam khi tham gia Cộng đồng ASEAN

2.1. Về cơ hội

Là một thành viên tích cực trong Cộng đồng ASEAN, Việt Nam ngày càng tham gia hội nhập sâu rộng và toàn diện. Điều này tạo ra nhiều cơ hội cho mọi công dân Việt Nam (đặc biệt là tầng lớp thanh niên) có thể mở rộng sự giao lưu và tìm kiếm cơ hội phát triển. Kết quả khảo sát từ 240 sinh viên cho thấy, có 71,5% số sinh viên cho rằng AEC sẽ giúp họ “có điều kiện trong việc giao lưu, học hỏi kinh nghiệm với bạn bè quốc tế”, 64,4% cho rằng cộng đồng kinh tế này sẽ mang lại cho họ cơ hội “có thể làm việc trong môi trường năng động và chuyên nghiệp”, và đứng thứ ba là giúp họ “nâng cao kinh nghiệm, kỹ năng chuyên môn ở các thị trường trong khu vực” với 62,8%[3].

Cộng đồng Kinh tế ASEAN bao gồm 10 quốc gia với dân số hơn 620 triệu người, trong đó 300 triệu người tham gia lực lượng lao động. Ba quốc gia có số lao động chiếm tỷ trọng hơn 70% là Indonesia (40%), Philippines (16%) và Việt Nam (15%). Lực lượng lao động này khi được “giải phóng”, được tự do di chuyển trong thị trường chung sẽ là nhân tố cơ bản để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của các nước thành viên Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Trước mắt, trong năm 2015 có 8 ngành nghề lao động trong các nước ASEAN được tự do di chuyển thông qua các thỏa thuận công nhận tay nghề tương đương, gồm kế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sĩ, kỹ sư, y tá, vận chuyển và nhân viên ngành du lịch. Ngoài ra, nhân lực chất lượng cao (các chuyên gia, thợ lành nghề), trong đó có nhân lực được đào tạo chuyên môn hoặc có trình độ từ đại học trở lên, thông thạo ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, được di chuyển tự do hơn.

Như vậy, việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ giúp thị trường lao động trong ASEAN sôi động hơn, thúc đẩy tạo việc làm cho từng quốc gia thành viên. Theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), khi tham gia AEC,  tỉ lệ việc làm của Việt Nam sẽ tăng lên 14,5% vào năm 2025. Đây là cơ hội tốt để thanh niên Việt Nam có điều kiện học tập, làm việc, phát huy trình độ và khả năng của bản thân

Ngoài những cơ hội về kinh tế, việc tham gia hội nhập ASEAN còn mở ra cho thanh niên Việt Nam nhiều cơ hội trong lĩnh vực văn hóa – xã hội. Với mục tiêu “lấy người dân làm trung tâm”, “xây dựng một ASEAN đùm bọc, tương thân tương ái, vượt qua những khó khăn và thách thức của quá trình toàn cầu hóa", Cộng đồng văn hóa - xã hội ra đời là một môi trường sinh hoạt thân thiện, nhân ái và văn minh giữa các nước ASEAN. Thanh niên Việt Nam cũng như thanh niên các nước ASEAN sẽ có nhiều cơ hội học tập, giao lưu văn hóa, từ đó có thể hiểu đúng những giá trị văn hóa của mình trong sự so sánh với các nền văn hóa khác trong khu vực, hiểu rõ hơn những di sản và những thành tựu văn hóa của các nước thành viên ASEAN. Về an sinh xã hội, chất lượng cuộc sống của thanh niên được quan tâm cải thiện. Thanh niên Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội đón nhận sự hỗ trợ từ phía các nước ASEAN phát triển trong việc giải quyết những khó khăn và thách thức của quá trình toàn cầu hóa.  

Thực tế, trong những năm qua, thanh niên Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa, thiết thực nhằm thúc đẩy mối quan hệ giao lưu với các nước ASEAN với các nội dung chính như: giao lưu văn hóa văn nghệ, trao đổi kinh nghiệm công tác trên các lĩnh vực, triển lãm văn hóa - nơi các đại biểu thanh niên được trao cơ hội quảng bá nền văn hóa nước nhà, giới thiệu việc làm, học bổng du học nước ngoài, mở ra cơ hội nghề nghiệp và học tập nâng cao trình độ cho thanh niên... Sự kiện Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Bến Tre phối hợp với Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh và Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức chương trình Trại hè dành cho các bạn thanh thiếu niên kiều bào sinh sống tại nước ngoài, trong đó có thanh niên các nước ASEAN tham gia là cơ hội, là cầu nối để cho thanh niên Việt Nam có dịp để giao lưu với thanh niên nước ngoài, qua đó giúp thanh niên Việt Nam bắt nhịp sâu vào xu thế hội nhập khu vực và thế giới[4].

Có thể nói, Hội nhập ASEAN là một cơ hội lớn để Việt Nam nói chung và thanh niên Việt Nam nói riêng ngày càng nâng cao khả năng và vị thế của mình trên trường quốc tế.

 Tuy[H2]  nhiên, cùng với nhiều cơ hội thuận lợi, quá trình hội nhập vào Cộng đồng ASEAN cũng đặt ra cho thanh niên Việt Nam nhiều khó khăn thách thức lớn.

2.2. Về khó khăn thách thức

Thực tế cho thấy, trình độ học vấn, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức kinh tế, quản lý, kiến thức pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật của một số bộ phận thanh niên Việt Nam hiện nay nhìn chung còn thấp. Trong thanh niên, nhận thức về học nghề, chọn nghề, định hướng nghề nghiệp còn nhiều lệch lạc, việc làm và thu nhập thấp vẫn đang là những vấn đề bức xúc trong thanh niên Việt Nam; ngôn ngữ giao tiếp, nghiên cứu, tìm hiểu về văn hóa, tôn giáo, chính trị, kinh tế của các nước chưa nhiều; chất lượng tay nghề còn thấp và còn khoảng cách khá lớn so với các nước trong khu vực. Sức khoẻ và thể chất của thanh niên Việt Nam còn thấp hơn các nước trên thế giới rất nhiều, bên cạnh đó một bộ phận không nhỏ trong thanh niên Việt Nam thiếu ý thức rèn luyện để hoàn thiện nhân cách của mình, non kém về nhận thức chính trị, chưa xác định được lý tưởng sống đúng đắn

Thực tế đó đặt ra nhiều thách thức đối với thanh niên Việt Nam, đó là sự tương thích giữa trình độ học vấn với các cơ hội tìm kiếm việc làm có thu nhập cao; đó là sự tác động của lối sống thực dụng, chạy theo đồng tiền; đó là việc làm thế nào để dung hòa được giữa truyền thống và hiện đại trong lối sống, nếp sống,... Rõ ràng, sự tụt hậu về trình độ học vấn đã làm cho cơ hội tìm kiếm việc làm của thanh niên Việt Nam trong bối cảnh hội nhập khu vực trở nên bấp bênh hơn ngay ở trong nước.

Kết quả khảo sát 240 sinh viên cho thấy, hai thách thức lớn nhất đối với thanh niên Việt Nam khi tham gia AEC đó là “yêu cầu cao về ngoại ngữ” và phải “cạnh tranh với lao động nước ngoài” với cùng 80,8% số sinh viên chọn và đứng thứ ba là “công việc đòi hỏi chuyên môn cao” với 73,8%[5].

Nhìn vào các thách thức được sinh viên nêu ra, chúng ta có thể nhận thấy rõ là nguồn nhân lực trẻ của chúng ta đang yếu về ngoại ngữ. Điều này cho thấy việc đào tạo ngoại ngữ của chúng ta trong thời gian qua là không đạt hiệu quả cao, trong khi ngoại ngữ là một trong những kỹ năng tối quan trọng trong cạnh tranh lao động với các nước.

Có một ý nhận định cũng rất đáng quan tâm là có 39% số bạn e ngại “doanh nghiệp nước ngoài đánh giá thấp tác phong làm việc của lao động Việt Nam”[6], đây rõ ràng là một trong những điểm yếu mà chúng ta cần phải khắc phục.

Tác phong công nghiệp, tính chuyên nghiệp trong lao động luôn là những phẩm chất quan trọng để tham gia thị trường lao động quốc tế.

Nhận diện được thách thức và khó khăn là điều quan trọng để chuẩn bị những điều kiện cần thiết, vì vậy có đến 87,1% sinh viên cho biết họ sẽ nâng cao trình độ ngoại ngữ, đứng thứ hai là “trang bị các kiến thức chuyên ngành” với 65,4% và thứ ba là “kỹ năng giao tiếp” với 61,7%[7].

Mặt khác, hội nhập khu vực với sự đầu tư, hỗ trợ ngày càng nhiều từ bên ngoài vào Việt Nam là một cơ hội tốt, nhưng nó cũng dẫn đến sự xáo trộn xã hội, đặc biệt là đối với thanh niên. Do phải vật lộn với cơ hội tìm kiếm việc làm, nhiều thanh niên đã di chuyển khỏi địa bàn cư trú của mình tới các khu vực đô thị và các khu công nghiệp. Điều đó đã làm cho việc tổ chức, quản lý thanh niên gặp khó khăn, thanh niên mất đi điều kiện được sinh hoạt trong tổ chức của chính mình - Đoàn Thanh niên, hoạt động của tổ chức thanh niên bị xáo trộn. Ở nhiều vùng quê hiện nay, hoạt động của tổ chức thanh niên đã gần như bị tê liệt vì không còn thanh niên, không còn đoàn viên. Đối với lực lượng thanh niên đã chuyển cư, do những sự khó khăn về nơi ở, thủ tục hành chính nên họ cũng không được tập hợp lại trong những tổ chức của Đoàn Thanh niên tại nơi họ làm việc. Rất ít thanh niên và đoàn viên tham dự hoạt động của tổ chức thanh niên trong các cơ sở sản xuất kinh doanh mặc dù họ còn đang trong độ tuổi. Hiện trạng này đã và đang làm cho vai trò của tổ chức thanh niên bị giảm sút, quyền, lợi ích và nghĩa vụ của thanh niên bị suy giảm nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, nhận thức của nhiều thanh niên về hội nhập khu vực còn thiếu toàn diện, đơn giản. Kết quả khảo sát 240 sinh viên cho thấy chỉ có 72% số sinh viên được hỏi cho biết họ có nghe nói đến AEC, trong đó, tỉ lệ sinh viên khối ngành KHXH&NV có tỉ lệ cao nhất với 81%, trong khi sinh viên khối ngành kỹ thuật chỉ có 65,5%. Dù đa số sinh viên có biết đến AEC nhưng vẫn còn khoảng 1/3 sinh viên không biết đến cộng đồng kinh tế này[8]. Như vậy, giới trẻ mà cụ thể là giới sinh viên vốn là những người lẽ ra phải thường xuyên cập nhật, theo dõi tình hình kinh tế - xã hội lại hình như còn thờ ơ với chuyện hội nhập kinh tế và điều này sẽ là một thách thức nội tại cho chính bản thân họ.

Một bộ phận thanh niên còn mơ hồ trong xác định mục đích hội nhập khu vực, chỉ thấy mặt tích cực mà chưa thấy được tiêu cực, thách thức. Một số thanh niên cho rằng cần hội nhập bằng bất cứ giá nào; không chỉ hội nhập kinh tế mà còn cần hội nhập về văn hoá, tư tưởng và chính trị; họ dễ ngộ nhận, tôn thờ cuộc sống vật chất hay về tự do, dân chủ ở các nước khác. Lối sống, lối ứng xử ở một bộ phận thanh niên còn thiếu sự chọn lọc, thiếu chắt chiu những giá trị tích cực, đôi khi bắt chước một cách máy móc. Lối sống thực dụng, lối sống hưởng thụ, sùng ngoại và hướng ngoại thái quá của một bộ phận thanh niên đang có xu hướng lan toả trong giới trẻ. Một bộ phận thanh niên thiếu ý thức rèn luyện, non kém về nhận thức chính trị, chưa xác định được lý tưởng sống đúng đắn, thụ động, dễ bị lôi kéo xa rời định hướng XHCN, ca ngợi một chiều CNTB và các giá trị phương Tây; bản lĩnh và khả năng lựa chọn thông tin đúng đắn, các giá trị văn hoá đích thực trong một bộ phận thanh niên rất đáng lo ngại.

Như vậy, trước tác động của hội nhập khu vực, “Năng lực hội nhập, kỹ năng xã hội của thanh niên Việt Nam ngày nay được nâng lên nhưng chưa đáp ứng được đòi hỏi của quá trình hội nhập; trong đó thanh niên đang thiếu hụt cả về kiến thức lịch sử và văn hóa dân tộc cũng như kỹ năng, khả năng tư duy độc lập. Đa số thanh niên thiếu kiến thức về ngoại ngữ, tin học, chưa có thói quen trong môi trường lao động và đời sống công nghiệp... Trước những diễn biến phức tạp của tình hình chính trị, kinh tế, xã hội trong khu vực và trên thế giới, một bộ phận thanh niên bản lĩnh chính trị non kém, dễ bị dao động về lập trường tư tưởng chính trị, có biểu hiện lệch lạc về giá trị đạo đức và lối sống, đề cao hưởng thụ, sống thực dụng, ích kỷ, cá nhân chủ nghĩa, thiếu trách nhiệm với cộng đồng[9][H3] .

Kết luận: Việc tham gia Cộng đồng ASEAN có thể tạo ra nhiều cơ hội thuận lợi cho thanh niên Việt Nam phát triển nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức mà thanh niên phải vượt qua. Đây cũng là những vấn đề mà công tác thanh niên của Đảng và Nhà nước cần phải giải quyết trong thời gian tới. Trước những thời cơ thuận lợi và những khó khăn thách thức đặt ra, bản thân mỗi thanh niên Việt Nam, hơn lúc nào hết phải nhận thấy rõ vị trí, vai trò của mình đối với sự phát triển của đất nước, nhận thức được khó khăn lớn nhất của mình trong giai đoạn này là sự cạnh tranh quyết liệt về trí tuệ để đạt tới những đỉnh cao của khoa học, kỹ thuật và công nghệ cũng như trình độ quản lý để không lạc hậu so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Mỗi một thanh niên cần nhận thức và ý thức được vai trò của mình trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, cần tích cực tự học tập, tự rèn luyện và tự nghiên cứu để nâng cao trình độ về mọi mặt, phải trau dồi bản lĩnh chính trị, giữ vững lý tưởng xã hội chủ nghĩa, đồng thời cần tìm hiểu về văn hóa, tôn giáo, chính trị, kinh tế, ngôn ngữ,… của các nước trong khu vực để chủ động nâng cao năng lực hội nhập. Đây vừa là trách nhiệm, nghĩa vụ, vừa là quyền lợi của thanh niên, của tổ chức Đoàn các cấp để cùng đất nước gặt hái được nhiều thành công trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế năm 2016 và những năm tiếp theo.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.      Báo cáo quốc gia về thanh niên Việt Nam, Bộ Nội vụ (Quỹ dân số Liên Hiệp quốc tại Việt Nam) Nguồn từ http://web.unfpa.org

2.      TS. Luận Thùy Dương (2015), “Cộng đồng văn hóa – xã hội ASEAN: Từ tầm nhìn đến hiện thực”, Tạp chí Nghiên cứu quốc tế, số 3.

3.      TS. Trương Duy Hòa (cb) (2013), Hiện thực hóa Cộng đồng ASEAN – Bối cảnh tác động và những vấn đề đặt ra, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.

4.      TS. Nguyễn Huy Hoàng (cb), Đánh giá thực hiện các cam kết xây dựng Cộng đồng ASEAN, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội.

5.      .http://tuoitrexudua.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=1651:nhng-thach-thc-va-vai-tro-ca-tui-tr-trong-qua-trinh-hi-nhp-cng-ng-asean-va-quc-t&catid=111:tuoitrebentrehoinhapquocte&Itemid=81

6.       http://www.molisa.gov.vn,  Phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

7. http://tuoitre.vn/tin/ban-doc/20160222/gia-nhap-cong-dong-kinh-te-asean-ban-tre-lo-yeu-ngoai-ngu-thieu-ky-nang/1055047.html

8.      GS.TS Đức Ninh (cb) (2013), Xây dựng Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

9.      www. lyluanchinhtri.vn, www.tgvn.com.vn

10. www.vietnamplus.vn

11. www. ASEAN2016.gov.la

 


[1]http://web.unfpa.org/webdav/site/vietnam/shared/Publications%202011/2015/B%C3%A1o%20c%C3%A1o%20Qu%E1%BB%91c%20gia%20v%E1%BB%81%20thanh%20ni%C3%AAn%20Vi%E1%BB%87t%20Nam.pdf     (Báo cáo quốc gia về thanh niên Việt Nam, Bộ Nội vụ (Quỹ dân số Liên Hiệp quốc tại Việt Nam)

[2] Theo: lyluanchinhtri.vn

[3] Xem http://tuoitre.vn/tin/ban-doc/20160222/gia-nhap-cong-dong-kinh-te-asean-ban-tre-lo-yeu-ngoai-ngu-thieu-ky-nang/1055047.html

[4]http://tuoitrexudua.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=1651:nhng-thach-thc-va-vai-tro-ca-tui-tr-trong-qua-trinh-hi-nhp-cng-ng-asean-va-quc-t&catid=111:tuoitrebentrehoinhapquocte&Itemid=81

[5] Xem http://tuoitre.vn/tin/ban-doc/20160222/gia-nhap-cong-dong-kinh-te-asean-ban-tre-lo-yeu-ngoai-ngu-thieu-ky-nang/1055047.html

[6] Xem http://tuoitre.vn/tin/ban-doc/20160222/gia-nhap-cong-dong-kinh-te-asean-ban-tre-lo-yeu-ngoai-ngu-thieu-ky-nang/1055047.html

[7] Xem http://tuoitre.vn/tin/ban-doc/20160222/gia-nhap-cong-dong-kinh-te-asean-ban-tre-lo-yeu-ngoai-ngu-thieu-ky-nang/1055047.html

[8] Xem http://tuoitre.vn/tin/ban-doc/20160222/gia-nhap-cong-dong-kinh-te-asean-ban-tre-lo-yeu-ngoai-ngu-thieu-ky-nang/1055047.html

[9] Xem: http://www.molisa.gov.vn,  Phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.


 

 

Các tham luận khác