Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
  • Thư viện điện tử và kho tin
  • Đề tài nghiên cứu cấp bộ
  • Đề tài nghiên cứu cấp nhà nước
  • Tham khảo tạp chí
  • Sách toàn văn
  • Thư điện tử
  • Chính phủ

Cộng đồng ASEAN và những vấn đề đặt ra với công tác thanh niên ở Việt Nam hiện nay

ThS. Nguyễn Tô Hoài

07/10/2016

Hà Nội, 24/5/2016

CỘNG ĐỒNG ASEAN VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA VỚI CÔNG TÁC THANH NIÊN Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

ThS. Nguyễn Tô Hoài

 Viện Nghiên cứu văn hóa

Trong quá trình lãnh đạo đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, hội nhập khu vực và quốc tế, trong nhiều Văn kiện của mình, Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định về vai trò của thanh niên rằng: thanh niên là cánh tay phải của Đảng và là rường cột của nước nhà, thanh niên là đội quân xung kích của cách mạng, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là đội dự bị tin cậy của Đảng và công tác thanh niên là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, là vấn đề sống còn của Đảng. Qua đó cho thấy, Đảng đã rất coi trọng vai trò của thanh niên, tổ chức thanh niên và công tác thanh niên; dành cho thanh niên nhiều chính sách ưu đãi để phát triển và góp công vào việc xây dựng đất nước. Được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, thanh niên Việt Nam trong những năm qua cũng đã có sự phát triển vững mạnh cả về số lượng và chất lượng; thành quả trong lao động, sáng tạo của thanh niên đã góp công rất lớn cho thành tựu của đất nước trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, nhìn lại thực tiễn chúng ta thấy, vẫn còn đó những bất cập, hạn chế của thanh niên Việt Nam nhất là khi đặt trong bối cảnh hội nhập khu vực và quốc tế ngày càng sâu rộng. Những bất cập, hạn chế ấy đã đặt ra nhiều vấn đề cho công tác thanh niên trong thời gian tới, nó đòi hỏi công tác thanh niên phải được đổi mới để có thể giúp cho thanh niên khắc phục được những hạn chế, bất cập của mình, để thanh niên mạnh dạn, đủ bản lĩnh vững bước tham gia vào hội nhập khu vực, quốc tế.

1. Quá trình ra đời của cộng đồng ASEAN 

Từ sau năm 1945, nhiều quốc gia ở Đông Nam Á đã tuyên bố độc lập dưới nhiều hình thức. Và, vào những thập niên sau đó, trong bối cảnh phức tạp của quan hệ quốc tế với sự hình thành của chủ nghĩa khu vực ở nhiều nơi[1], thì ngày 8/8/1967 Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập phản ánh nguyện vọng của 5 nước Đông Nam Á là Indonesia, Malaysia, Singapore, Thailand và Philippines với mong muốn hình thành một tổ chức khu vực vì mục tiêu hòa bình, hợp tác và phát triển.

ASEAN ra đời như là một xu thế chung xu thế khu vực hóa tất yếu của thời đại. Từ 5 nước thành viên ban đầu, đến những thập niên cuối cùng của thế kỷ XX, ASEAN đã bao gồm 10 nước thành viên (trong đó lần lượt các quốc gia gia nhập là: Brunei năm 1984; Việt Nam năm 1995; Lào và Myanmar năm 1997; Campuchia năm 1999). Với chặng đường gần 45 năm xây dựng và phát triển, ASEAN từ Hiệp hội của các nước nghèo, chậm phát triển đã vươn lên thành khu vực phát triển kinh tế năng động với ước tính năm 2009 là: dân số khoảng 575 triệu người, diện tích 4,5 triệu km2 và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 2.487 tỷ  USD.

Trong quá trình phát triển, xây dựng và phát triển Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á đã đạt được nhiều dấu mốc quan trọng như: Tuyên bố Bangkok (1967) đánh dấu sự thành lập của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á với mục tiêu đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội, phát triển văn hóa, tăng cường hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau cũng như thúc đẩy hòa bình, ổn định trong khu vực; Tuyên bố về khu vực hòa bình tự do và trung lập (1971) định ra các mục tiêu cơ bản và lâu dài của ASEAN là xây dựng Đông Nam Á thành một khu vực hòa bình, tự do và trung lập, không có sự can thiệp dưới bất cứ hình thức nào của các cường quốc bên ngoài; Hiến chương ASEAN (2007), Hiến chương chính thức có hiệu lực sau khi được tất cả các nước thành viên ASEAN phê chuẩn vào năm 2008, đây là một sự kiện quan trọng đánh dấu một bước chuyển mình cơ bản của Hiệp hội sang một giai đoạn mới, trở thành một tổ chức liên chính phủ, có tư cách pháp nhân và hoạt động dựa trên cơ sở pháp lý là Hiến chương ASEAN; đồng thời, phản ánh sự trưởng thành của ASEAN, thể hiện tầm nhìn và quyết tâm chính trị mạnh mẽ của các nước thành viên ASEAN, nhất là của các vị lãnh đạo, về mục tiêu xây dựng một ASEAN liên kết chặt chẽ, vững mạnh hơn, để hỗ trợ cho mục tiêu hòa bình và phát triển của cả khu vực cũng như của từng nước thành viên.

Cùng với việc thực hiện Hiến chương ASEAN, năm 2007 Lãnh đạo các nước ASEAN đã quyết tâm đẩy nhanh tiến trình liên kết khối nhằm để kịp thích ứng với những chuyển biến nhanh chóng của quốc tế và khu vực. Theo đó, Lãnh đạo các nước đã nhất trí mục tiêu hình thành cộng đồng ASEAN vào năm 2015 với việc khẩn trương xúc tiến xây dựng các kế hoạch tổng thể để xây dựng Cộng đồng Chính trị - An ninh (APSC), Cộng đồng Kinh tế (AEC) và Cộng đồng Văn hóa – Xã hội (ASCC).

Tháng 2/2009, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 14 đã thông qua Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN kèm theo 3 Kế hoạch tổng thể xây dựng 3 trụ cột Cộng đồng ASEAN và Kế hoạch công tác về IAI giai đoạn 2 (2008-2015), đây là một văn kiện quan trọng như một chương trình hành động tổng thể đề ra khuôn khổ và các bước triển khai cụ thể để ASEAN tiếp tục đẩy mạnh nỗ lực thực hiện mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, kế tục Chương trình Hành động Viên Chăn (VAP). Để triển khai và kế tục Chương trình Hành động Hà Nội (HPA), ASEAN đã đề ra Chương trình Hành động Viên Chăn (VAP) cho giai đoạn 2004-2010 và các Kế hoạch hành động để xây dựng ba trụ cột Cộng đồng về chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội, trong đó có phần quan trọng là thực hiện Sáng kiến Liên kết ASEAN (IAI) nhằm giúp thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN với kế hoạch hành động và các dự án cụ thể.

Theo đúng lộ trình, ngày 31.12.2015, Cộng đồng ASEAN (gọi tắt là AC) đã chính thức ra đời với ba trụ cột gồm Cộng đồng Chính trị - An ninh (APSC), Cộng đồng Kinh tế (AEC) và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội (ASCC). Mục tiêu cụ thể của các trụ cột chính là: APSC có mục tiêu tạo dựng một mô trường an ninh và an toàn cho người dân và các nhà đầu tư ở khu vực Đông Nam Á thông qua việc nâng hợp tác chính trị - an ninh lên tầm cao mới với sự đóng góp xây dựng của các đối tác bên ngoài, không hướng tới một thỏa thuận quốc phòng, một liên minh quân sự hay một cộng đồng với chính sách an ninh và đối ngoại chung; AEC có mục tiêu tạo ra một thị trường chung duy nhất và cơ sở sản xuất thống nhất trong đó có sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề, từ đó nâng cao tính cạnh tranh và thúc đẩy sự thịnh vượng chung cho cả khi vực, tạo sự hấp dẫn với đầu tư – kinh doanh từ bên ngoài; ASCC có mục tiêu là phục vụ và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân ASEAN, sẽ tập trung xử lý các vấn đề liên quan đến bình đẳng và công bằng xã hội, bản sắc văn hóa, môi trường, tác động của toàn cầu hóa và cách mạng khoa học công nghệ.

Sự ra đời của AC đã đánh dấu bước phát triển vượt bậc trong quá trình hợp tác phát triển của 10 nước thành viên ASEAN. Với dân số 625 triệu người và tổng GDP ước 2,6 nghìn tỉ USD, trong thời điểm hiện tại, AC đang là nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới và theo Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), thì với đà tăng trưởng hiện nay, ASEAN có tiềm năng trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 trên thế giới vào năm 2050.

2. Tác động của Cộng đồng ASEAN đối với thanh niên Việt Nam

Sự ra đời của Cộng đồng ASEAN (AC) đánh dấu một bước phát triển vượt bậc trong quá trình hợp tác phát triển giữa các quốc gia Đông Nam Á trên mọi lĩnh vực. Sau khi thành lập, hàng loạt biện pháp/hoạt động cụ thể đã được đề ra trong từng lĩnh vực hợp tác giữa các quốc gia. Điều đó, đã và đang thực sự tạo ra rất nhiều cơ hội cho các nước thành viên nói chung cũng như lực lượng thanh niên của các quốc gia nói riêng. Đối với thanh niên Việt Nam thì sự ra đời của AC càng trở nên quan trọng bởi sẽ tạo ra nhiều cơ hội để có thể mở rộng sự giao lưu, trao đổi học hỏi và tìm kiếm cơ hội phát triển.

Trong đó, việc làm chính là một cơ hội có thể nhìn thấy rõ khi Việt Nam tham gia vào AC và thanh niên chính là đối tượng được hưởng lợi rõ ràng từ cơ hội này. Theo một Thông cáo báo chí ngày 04 tháng 09 năm 2014 tại Hà Nội về kết quả nghiên cứu mới của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), cho thấy sự ra đời của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) trong năm tới sẽ hỗ trợ thúc đẩy tăng tưởng GPD của Việt Nam thêm 14,5% và tăng trưởng việc làm thêm 10,5% vào năm 2025[2]. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể đạt được nếu có được sự quản lý hợp lý và quyết liệt để thực thi một cách hiệu quả. Bởi lẽ, trong bối cảnh hiện nay, tình trạng thất nghiệp nói chung, tình trạng thất nghiệp của thanh niên nói riêng đang là một bài toán khó của Việt Nam. Theo thống kê từ năm 2010 tới năm 2013 thì, hằng năm có khoảng 1,2 - 1,6 triệu thanh niên nước ta bước vào tuổi lao động. Cụ thể năm 2010, số thanh niên hoạt động kinh tế của cả nước là hơn 17,1 triệu người, chiếm 75,9% tổng số thanh niên (33,7% lực lượng lao động xã hội)[3]. Có thể nói, nguồn lực và tiềm lực của thanh niên như vậy là rất lớn. Tuy nhiên, tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm của thanh niên Việt Nam hiện nay cũng rất đáng lo, vì theo thống kê của Tổng cục Thống kê thì tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên (trong độ tuổi từ 15 – 24) qua các năm lần lượt là: năm 2010: 656 nghìn người; năm 2011: 441 nghìn người; năm 2012: 432 nghìn người; năm 2013: 488 nghìn người (chiếm 47,0% tổng số người thất nghiệp của cả nước)[4]. Và, tính đến thời điểm quý IV năm 2015 thì số lao động thất nghiệp thanh niên chiếm tới 51,3% tổng số lao động của cả nước; lao động thanh niên thiếu việc làm chiếm 23,3% tổng số lao động của cả nước[5]. Trước tình trạng thất nghiệp thanh niên ngày càng gia tăng như vậy thì con số việc làm mà ILO và ADB đưa ra thực sự lý tưởng đối với thanh niên Việt Nam hiện nay.

Cơ hội là như vậy, song, một thách thức lớn cũng đang đặt ra cho thanh niên Việt Nam hiện nay là sự chưa tương thích giữa trình độ học vấn với các cơ hội tìm kiếm việc làm có thu nhập cao. AC ra đời với những mục tiêu kinh tế vô cùng thuận lợi nhưng cũng đòi hỏi sự cống hiến rất lớn của lực lượng lao động có tay nghề cao. Do vậy, sự mất cân đối về trình độ học vấn hiện nay đang làm cho cơ hội tìm kiếm việc làm của thanh niên Việt Nam cũng trở nên bấp bênh hơn ngay cả ở trong nước.

            Bên cạnh đó, một mặt trái của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế hiện nay đang tác động không nhỏ đến thanh niên chính là sự phát triển và phổ rộng của nhiều luồng thông tin chưa chính xác trong điều kiện trình độ văn hóa của một bộ phận  thanh niên còn thấp đã làm cho thanh niên Việt Nam bị “lóa” và không xác định được đâu là thông tin chính xác và cần cho mình, là hành trang cho mình. Từ đó, dẫn đến những lệch lạc trong văn hóa, lối sống của thanh niên Việt Nam trong những năm gần đây. Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội năm 2009: lực lượng lao động là thanh niên có trình độ trung cấp chuyên nghiệp tăng từ 4,1% (năm 2008) lên 6,2% (năm 2009) và 6,5% (năm 2010); có trình độ cao đẳng, đại học tăng nhanh từ 5,5% (năm 2008) lên 7,8% (năm 2009) và 8,7% (năm 2010). Mỗi năm có từ 70.000 - 80.000 sinh viên hệ cao đẳng và 143.000 - 160.000 sinh viên đại học tốt nghiệp, bổ sung cho lực lượng lao động xã hội[6]. Thống kê này cho thấy, lượng lao động là thanh niên có tay nghề, được đào tạo tay nghề đã ngày càng tăng lên, nhưng tỉ lệ vẫn còn rất thấp so với tổng số lao động thanh niên (chưa bao giờ vượt lên được 10%). Trong tình trạng như vậy, thanh niên Việt Nam sẽ không thể tận dụng được hết những cơ hội mà AC có thể mang lại hiện nay, mặt khác họ sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn rất lớn nếu không chủ động và tích cực để nắm bắt, tận dụng.

Trong khi đó, việc mưu sinh và vật lộn để tìm kiếm cơ hội và việc làm hiện nay đang buộc thanh niên Việt Nam phải thường xuyên di cư, chuyển cư khỏi địa bàn cư trú của mình, chủ yếu là di/chuyển cư về khu vực đô thị và các khu công nghiệp. Sự dịch chuyển này đã làm cho việc tổ chức, quản lý thanh niên bị gián đoạn về mặt hành chính, nhưng đáng lo hơn là thanh niên đã mất đi điều kiện để có thể sinh hoạt ngay trong tổ chức của chính mình - Đoàn Thanh niên. Điều này đã làm cho hoạt động của tổ chức thanh niên bị xáo trộn, ở nhiều vùng quê hiện nay, hoạt động của tổ chức thanh niên đã gần như bị tê liệt vì không còn thanh niên, không còn đoàn viên. Hoặc giả nếu có thì cũng chỉ là học sinh, và họ chỉ sinh hoạt ở trong nhà trường mà không hoạt động ở nơi cu trú. Còn đối với lực lượng thanh niên đã chuyển cư, do những sự khó khăn về nơi ở, thủ tục hành chính nên họ cũng không được tập hợp lại trong những tổ chức của Đoàn Thanh niên tại nơi họ làm việc. Rất ít thanh niên và đoàn viên tham dự hoạt động của tổ chức thanh niên trong các nhà máy, xí nghiệp mặc dù họ còn đang trong độ tuổi. Hiện trạng này đã và đang làm cho vai trò của tổ chức thanh niên bị giảm sút; đồng thời, cũng làm cho quyền, lợi ích và nghĩa vụ của thanh niên bị suy giảm nghiêm trọng, bởi họ không còn được tổ chức của mình bảo vệ. Nhất là đối với khu vực nông thôn, thì, sự thiếu vắng hoạt động của tổ chức thanh niên đã và đang làm cho vai trò, vị thế chính trị của tổ chức này bị suy giảm, mất đi.

Ngoài ra, AC ra đời trong thời điểm Việt Nam đã và đang trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng. Quá trình đó đã có những tác động, ảnh hưởng sâu sắc tới xã hội Việt Nam nói chung và thanh niên Việt Nam nói riêng. Sự ảnh hưởng, tác động đó được thể hiện, biểu hiện ra ở cả trong tư duy và hành động thực tiễn của giới trẻ. Đó là sự thay đổi nhận thức của thanh niên về đời sống xã hội như: giá trị của văn hóa, đạo đức, lối sống, giá trị đồng tiền, về việc làm, gia đình, đất nước, dân tộc… Nhìn nhận một cách khách quan có thể khẳng định, trong quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam, đa số thanh niên đều có nhận thức đúng về sự cần thiết, mục đích và nội dung hội nhập[7]. Điều này phản ánh nhu cầu tự thân của thanh niên mong muốn được mở rộng cơ hội học tập, lao động, giao lưu, hợp tác quốc tế, bắt kịp tiến trình phát triển của thế giới, tiếp thu thành tựu khoa học, công nghệ và phát triển đất nước trên mọi phương diện. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, về tổng thể, có thể thấy rõ một số điểm yếu của thanh niên trong quá trình hội nhập, đó là nhận thức của thanh niên về hội nhập quốc tế còn thiếu toàn diện, đơn giản chỉ là sự tham gia trong các hoạt động quốc tế hay ra nước ngoài. Bên cạnh đó, lối sống thực dụng, lối sống hưởng thụ, sự sùng ngoại và hướng ngoại thái quá của một bộ phận thanh niên đang có xu hướng lan toả trong giới trẻ. Một bộ phận thanh niên thiếu ý thức rèn luyện, non kém về nhận thức chính trị, chưa xác định được lý tưởng sống đúng đắn, thụ động, dễ bị lôi kéo, dụ dỗ, đi từ thờ ơ, xa rời định hướng xã hội chủ nghĩa đến phủ nhận chủ nghĩa xã hội, ca ngợi một chiều chủ nghĩa tư bản và các giá trị phương Tây.

Đánh giá về tác động của hội nhập quốc tế đối với thanh niên Việt Nam và những thách thức mà thanh niên Việt Nam đang gặp phải trong bối cảnh hội nhập quốc tế của đất nước, nguyên Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh - PGS, TS Nguyễn Đắc Vinh đã thẳng thắn nhận định: “Năng lực hội nhập, kỹ năng xã hội của thanh niên ngày nay được nâng lên nhưng chưa đáp ứng được đòi hỏi của quá trình hội nhập quốc tế; trong đó thanh niên đang thiếu hụt cả về kiến thức lịch sử và văn hóa dân tộc cũng như kỹ năng, khả năng tư duy độc lập. Đa số thanh niên thiếu kiến thức về ngoại ngữ, tin học, chưa có thói quen trong môi trường lao động và đời sống công nghiệp. Điều đó đã ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực, bản lĩnh và năng lực bảo tồn văn hóa dân tộc Việt Nam trong hội nhập quốc tế. Trước những diễn biến phức tạp của tình hình chính trị, kinh tế, xã hội trong khu vực và trên thế giới, một bộ phận thanh niên bản lĩnh chính trị non kém, dễ bị dao động về lập trường tư tưởng chính trị, có biểu hiện lệch lạc về giá trị đạo đức và lối sống, đề cao hưởng thụ, sống thực dụng, ích kỷ, cá nhân chủ nghĩa, thiếu trách nhiệm với cộng đồng”[8].

Như vậy, trong đời điểm hiện tại, khi mà quá trình hội nhập quốc tế và hội nhập khu vực của Việt Nam đang ngày càng sâu rộng, toàn diện thì sự ra đời của AC lại càng gia tăng thêm nhiều cơ hội để thanh niên Việt Nam có thể nắm bắt cơ hội, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập và phát triển. Tuy nhiên, điều đó cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức đòi hỏi thanh niên cần có trí tuệ, bản lĩnh để vượt qua. Do vậy, việc đào tạo và nâng cao trình độ; việc định hướng về lối sống và tư tưởng cho thanh niên hiện nay để thanh niên có thể tận dụng được các ở hội mà AC mang lại là vô cùng cần thiết, cấp bách. Đây đồng thời cũng là những vấn đề mà công tác thanh niên của Đảng và Nhà nước cần phải giải quyết trong thời gian tới

3. Những vấn đề đặt ra cho công tác thanh niên trong bối cảnh hiện nay

Thanh niên là lực lượng xã hội to lớn, một trong những nhân tố quan trọng quyết định tương lai, vận mệnh dân tộc. Ngay từ khi thành lập, Đảng ta đã rất quan tâm đến công tác thanh niên và coi công tác thanh niên là một trong những nội dung quan trọng, xuyên suốt trong mọi thời kỳ. Đảng  khẳng định: “Công tác thanh niên là vấn đề sống còn của dân tộc, là một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng"[9].

Ngày nay, xu hướng toàn cầu hoá và hội nhập khu vực đang trở thành xu thế khách quan, tất yếu, lôi cuốn ngày càng nhiều nước tham gia nhưng cũng chứa đựng nhiều mâu thuẫn, vừa có mặt tích cực, vừa có mặt tiêu cực, vừa hợp tác, vừa đấu tranh. Điều này càng làm cho công tác thanh niên của Đảng và Nhà nước ta trở nên quan trọng hơn lúc nào hết bởi thanh niên được coi là rường cột của nước nhà. Công tác thanh niên do Đảng tổ chức và lãnh đạo hàm chứa các nội dung cơ bản sau:

- Giáo dục, thuyết phục và vận động thanh niên tham gia thực hiện các nhiệm vụ của cách mạng và góp phần giải quyết các vấn đề xã hội của thanh niên và các vấn đề của dân tộc.

- Tạo ra môi trường kinh tế, văn hóa, xã hội thuận lợi và là trường học cộng sản cho thanh niên học tập, rèn luyện và trưởng thành.

- Đưa thanh niên vào hoạt động thực tiễn, các phong trào cách mạng; đồng thời là quá trình định hướng giúp thanh niên tự giáo dục, tự hoàn thiện nhân cách của mình.

Có thể nói, thời gian qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, công tác thanh niên đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Sự góp mặt của thanh thiếu niên vào quá trình xây dựng đất nước đã ngày càng rõ rệt, đặc biệt là trên phương diện đào tạo, giáo dục, rèn luyện thế hệ cán bộ kế cận. Nhất là, đội ngũ cán bộ trong các cơ quan công quyền đã ngày càng được trẻ hóa, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp cũng đã xuất hiện ngày càng nhiều những gương mặt trẻ sáng giá.

Tuy nhiên, nhìn vào thực tế của công tác thanh niên trong bối cảnh hiện nay thì có thể thấy cũng vẫn còn đó nhiều hạn chế. Hạn chế đầu tiên rất dễ nhận thấy, đó là tư tưởng coi thanh niên thuần tuý là khách thể của sự giáo dục, coi nhẹ, đôi khi không chú ý hoặc phủ nhận vai trò chủ thể của thanh niên trong quá trình giáo dục. Do đó, vẫn còn những chủ trương, chính sách, phong trào hay cuộc vận động không thích hợp với thanh niên, có chủ trương được xây dựng mà thiếu những điều tra, nghiên cứu khoa học đối tượng thanh niên một cách sâu sắc, toàn diện. Không ít hoạt động mang tính hình thức, chủ quan, duy ý chí, không thiết thực giải quyết những vấn đề nóng bỏng của thanh niên. Còn những biểu hiện quan liêu, hành chính trong công tác thanh niên. Hạn chế thứ hai là, hiện nay trong một bộ phận cán bộ làm công tác quản lý vẫn có biểu hiện chưa thật hiểu, chưa thật tin thanh niên, một số nơi có biểu hiện gia trưởng, coi nhẹ thanh niên, làm giảm tính chủ động, năng động, sáng tạo của thanh niên, chưa thực sự chú ý đến định hướng và tạo môi trường để thanh niên tự làm việc cho chính họ. Hạn chế thứ ba đó chính là sự thiếu những chính sách nhất quán, đồng bộ và lâu dài ở tầm vĩ mô đối với công tác thanh niên. Về điều này, mặc dù Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách nhằm bồi dưỡng và phát huy thanh niên, nhưng vẫn là chính sách mang tính giải quyết tình thế, chưa mang tính hệ thống, tính pháp lý chưa cao; và mặc dù thanh niên và công tác thanh niên luôn được xác định là có ý nghĩa rất quan trọng, song trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, phần về công tác thanh niên chưa được thể hiện và đầu tư thoả đáng. Hạn chế cuối cùng, đó là khả năng xã hội hóa công tác thanh niên còn gặp khó khăn. Nhận thức của nhiều cấp, nhiều ngành về công tác thanh niên chưa đầy đủ, coi công tác thanh niên là việc của Đảng, của Đoàn, do đó chưa tạo sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong việc bồi dưỡng và phát huy thanh niên.

Từ những hạn chế đó có thể thấy, trong bối cảnh ra đời của AC hiện nay thì rõ ràng là công tác thanh niên đang đứng trước nhiều xu hướng cũng như thách thức mới:

- Một là, công tác thanh niên không chỉ mang tính dân tộc, quốc gia mà hiện nay nó còn mang tính khu vực và quốc tế sâu sắc do sự lan tỏa và ảnh hưởng của khu vực hóa sẽ ngày càng sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, cả an ninh, quốc phòng, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa. Điều này đỏi hỏi phải có chiến lược cụ thể hơn đối với công tác thanh niên trong thời gian tới nhằm định hướng cho sự hội nhập khu vực của công tác thanh niên để thanh niên có thể chủ động, tích cực tránh tình trạng bỡ ngỡ, bị động từ đó xây dựng nền tảng để thanh niên có thể có đủ bản lĩnh để tận dụng và phát triển các cơ hội mà AC mang lại.

- Hai là, hiện nay, thanh niên đã tham gia góp mặt trong hầu hết các hoạt động cơ bản của đời sống xã hội như kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và an ninh - quốc phòng. Thậm chí, trong nhiều lĩnh vực thanh niên giữ vai trò chủ chốt. Tuy nhiên, công tác thanh niên lại chưa đáp ứng được điều này, hiện nay có rất nhiều tổ chức xã hội mới được thành lập và có sự tham gia của thanh thiếu niên nhưng lại thiếu vắng hẳn sự có mặt của tổ chức thanh niên. Điều này làm giảm hiệu quả và vai trò của thanh niên trong sự phát triển năng lực cá nhân và tập thể. Đây là một trong những vấn đề cần được đổi mới của công tác thanh niên trong thời gian tới.

- Ba là, cùng với quá trình tham gia vào AC thì nhu cầu được học hỏi, trao đổi nâng cao trình độ, năng lực của thanh niên cũng gia tăng. Đó là một nhu cầu rất chính đáng. Song, hiện nay, việc hội nhập, giao lưu, học hỏi này của thanh niên đang diễn ra theo kiểu “rơi tự do” mà thiếu vắng những định hướng, quản lý của các cơ quan chức năng và tổ chức thanh niên. Điều này làm cho những ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài rất dễ bén rễ vào trong thanh niên Việt Nam, đặc biệt là về lĩnh vực đạo đức, lối sống. Đây là một thách thức không hề nhỏ đổi với việc đào tạo và rèn luyện thanh thiếu niên của công tác thanh niên, bởi vậy, trong thời gian tới công tác thanh niên phải có chiến lược cụ thể để kiểm soát vấn đề này.

- Bốn là, đội ngũ cán bộ, bộ máy làm công tác thanh niên có xu hướng công chức hóa, hành chính hóa, nhưng thực tiễn cũng đã cho thấy hiện nay những người làm công tác thanh niên hầu hết đều kiêm nhiệm, rất hiếm cán bộ chuyên trách có chuyên môn về vấn đề này. Trong bối cảnh hiện nay thì đây là một yếu điểm, một hạn chế lớn đối với công tác thanh niên. Thậm chí, nhiều cán bộ làm công tác thanh niên là vì mưu sinh, không phải trước hết do say mê và đức hy sinh vì sự phát triển của thế hệ trẻ. Tinh thần xung phong tình nguyện và đức hy sinh vốn là những đức tính tự nhiên của mỗi cán bộ quần chúng, cán bộ đoàn thể dần được thay thế bởi trách nhiệm của một công chức, viên chức Nhà nước. Chỉ có những người thực sự lựa chọn con đường đi cho mình, nghề cho mình thì họ mới có tâm huyết với nghề, trung thành với con đường mình đã lựa chọn. Thiếu cán bộ được đào tạo, rèn luyện, chuẩn hóa chuyên về công tác thanh niên là một vấn đề lớn, một thách thức lớn, khó khăn lớn đối với công tác thanh niên hiện nay.

- Cuối cùng là, trong điều kiện phát triển ngày càng sâu rộng của kinh tế thị trường, của hội nhập quốc tế thì nhiều nơi trong cả nước đã diễn ra tình trạng “chi đoàn không có thanh niên” bởi phần lớn thanh niên hiện nay đã mang trong mình một cái bản mệnh mới là “thân thiên cư di. Họ thường xuyên di chuyển cho nên họ không còn điều kiện để tham gia hoạt động trong các tổ chức của mình. Điều này làm cho vai trò, chức năng của tổ chức thanh niên bị mai một, hạn chế dần ở một số địa phương đòi hỏi công tác thanh niên phải có sự đổi mới sao cho phù hợp với thực tiễn mới này. Thực tiễn đã cho thấy, cơ chế thị trường và hội nhập, mở rộng giao lưu đã cho thanh niên nhiều cơ hội nhưng cũng có khả năng tiềm tàng làm “chia rẽ”, “cạnh tranh” “phân hóa” thanh niên. Trong khi công tác thanh niên của Đảng chưa “phủ khắp” tới các đối tượng, vùng miền, thành phần kinh tế.

Từ những hạn chế và thách thức như vậy, thiết nghĩ công tác thanh niên trong thời gian tới cần phải được đổi mới theo hướng: Nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng và đảng viên đối với công tác thanh niên, theo đó, coi công tác thanh niên là công tác của Đảng, của mỗi đảng viên và của mỗi một tổ chức đảng; từ đó tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về chủ trương, đường lối, sự chỉ đạo, công tác cán bộ, kiểm tra và nêu gương đảng viên trong công tác thanh niên; đồng thời tăng cường lãnh đạo và phát huy vai trò quản lý nhà nước đối với công tác thanh niên, đẩy mạnh quá trình hoạch định chính sách, pháp luật liên quan đến thanh niên và công tác thanh niên; Lãnh đạo thực hiện xã hội hóa công tác thanh niên. Điều này có nghĩa là, quan tâm đầu tư cho các chủ thể làm công tác thanh niên;… Và muốn làm được điều đó, trước hết cần phải đổi mới hoạt động của công tác thanh niên về mặt: công tác tổ chức, công tác giáo dục, rèn luyện tư tưởng chính trị, phương thức hoạt động, có như vậy mới có thể khắc phục được những hạn chế của công tác thanh niên những năm đã qua và hướng công tác thanh niên đi đúng hướng, đạt hiệu quả cao hơn trong những năm tới./.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thống kê: Báo cáo lao động và việc làm năm 2013, H.2014, tr.7.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thống kê: Báo cáo lao động và việc làm quý 4 năm 2015, H.2015, tr.6.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2006): Văn kiện Đảng toàn tập, tập 52, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

4. GS, TS Đặng Cảnh Khanh: “Một số vấn đề về lao động và việc làm của thanh niên hiện nay”- đăng tải trên website của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cập nhật ngày02/07/2012 http://www.molisa.gov.vn/news/detail/tabid/75/newsid/55125/language/vi-VN/Default.aspx.

5. PGS, TS Nguyễn Đắc Vinh -“Phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” đăng tải trên website của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cập nhật ngày 12 tháng 6 năm 2012, http://www.molisa.gov.vn/news/detail/tabid/75/newsid/54991/language/vi-VN/Default.aspx.

6.http://www.ilo.org/hanoi/Informationresources/Publicinformation/Pressreleases/WCMS_304624/lang--vi/index.htm

7.http://media.vovnews.vn/Home/Thanh-nien-Viet-Nam-voi-hoi-nhap-va-phat-trien/20064/29090.vov.

8.http://www.mofahcm.gov.vn/vi/mofa/nr040807104143/nr040807105001/ns151123155914.

 


[1]Cụ thể là: Liên đoàn Ả Rập (1950), Tổ chức các nước Trung Mỹ OCAS (1951), Cộng đồng kinh tế châu Âu EEC(1957), Tổ chức thống nhất Châu Phi – OAU (1963).

[3] Dẫn theo bài viết của GS, TS Đặng Cảnh Khanh - “Một số vấn đề về lao động và việc làm của thanh niên hiện nay”- đăng trên website của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cập nhật ngày: 02/07/2012: http://www.molisa.gov.vn/news/detail/tabid/75/newsid/55125/language/vi-VN/Default.aspx

[4] Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thống kê: Báo cáo lao động và việc làm năm 2013, H.2014, tr.7.

[5] Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thống kê: Báo cáo lao động và việc làm quý 4 năm 2015, H.2015, tr.6.

[6] Dẫn theo bài viết của GS, TS Đặng Cảnh Khanh – Như trên

[7] Kết quả nghiên cứu năm 2006 của Viện Nghiên cứu Thanh niên cho thấy: 99,7%  thanh niên cho rằng, hội nhập quốc tế trong bối cảnh hiện nay là cần thiết và cấp bách; 88% thanh niên thể hiện sự thận trọng chung trong hội nhập và khẳng định sự cần thiết phải giữ vững độc lập dân tộc và định hướng xã hội chủ nghĩa không vì cái lợi trước mắt mà để mất mục tiêu chiến lược, mất chủ nghĩa xã hội... (xin xem thêm bài viết: “Thanh niên Việt Nam với hội nhập và phát triển” đăng trên website của VOV http://media.vovnews.vn/Home/Thanh-nien-Viet-Nam-voi-hoi-nhap-va-phat-trien/20064/29090.vov

[8] Xem bài viết của PGS, TS Nguyễn Đắc Vinh -“Phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” được đăng tải trên website của Bộ Lao động - Thương binh và XÃ hội, cập nhật ngày 12 tháng 6 năm 2012, http://www.molisa.gov.vn/news/detail/tabid/75/newsid/54991/language/vi-VN/Default.aspx.

[9] . Đảng Cộng sản Việt Nam (2006): Văn kiện Đảng toàn tập, tập 52, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 365.

 

Các tham luận khác