Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
  • Thư viện điện tử và kho tin
  • Đề tài nghiên cứu cấp bộ
  • Đề tài nghiên cứu cấp nhà nước
  • Tham khảo tạp chí
  • Sách toàn văn
  • Thư điện tử
  • Chính phủ

Việt Nam gia nhập ASEAN và sự tác động của ASEAN đối với thanh niên Việt Nam trong giai đoạn hiện nay

Ngô Thị Nhung

07/10/2016

Hà Nội, 24/5/2016

VIỆT NAM GIA NHẬP ASEAN VÀ SỰ TÁC ĐỘNG CỦA ASEAN ĐỐI VỚI THANH NIÊN VIỆT NAM TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

Ngô Thị Nhung

Viện Khảo cổ học

 

1. Sự kiện Việt Nam gia nhập ASEAN

Ngày 28 tháng 7 năm 1995, Việt Nam trở thành thành viên thứ bảy của ASEAN, việc Việt Nam gia nhập ASEAN là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của Việt Nam nói riêng, lịch sử ASEAN nói chung:

Đối với Việt Nam, việc trở thành thành viên đầy đủ của  ASEAN đã báo hiệu một thời kỳ mới của Việt Nam, là bước tiến đầu tiên để nước ta thực hiện mục tiêu hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng mối quan hệ, xóa đi phần nào những hàng rào thuế quan, tạo điều kiện cho việc liên doanh giữa các nước nhằm để thúc đẩy nền kinh tế phát triển, thúc đẩy quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa các nước trong khu vực Đông Nam Á. Việt Nam còn là môi trường rất tốt để các nước trong khu vực học hỏi, giúp đỡ lẫn nhau về mọi mặt. Không những thế, gia nhập ASEAN còn giúp Việt Nam dần dần gia nhập các tổ chức quốc tế khác như WTO, APEC... Những điều trên đã làm cho vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao hơn. Cùng với những thắng lợi trong đường lối đối ngoại ở khu vực khác trên thế giới, việc Việt Nam gia nhập ASEAN chứng minh đường lối đa dạng hoá, đa phương hoá, muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển là hoàn toàn đúng đắn.

Mặt khác, Việt Nam gia nhập ASEAN không chỉ bảo vệ được độc lập chủ quyền và an ninh của đất nước, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, mà còn góp phần vào bảo vệ hoà bình, độc lập và phát triển ở khu vực Đông Nam Á và trên thế giới.

Đối với ASEAN, đây là lần đầu tiên ASEAN có một nước thành viên mới đến từ khối Đông Dương xã hội chủ nghĩa. Sự tham gia của Việt Nam sẽ mở đầu quá trình đưa các nước Đông Dương còn đứng ngoài hiệp hội, gia nhập ASEAN.

Năm 1997: Hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội ASEAN diễn ra tại Kualar Lumpur, Malaysia đã ra Tuyên bố về Tầm nhìn ASEAN 2020 với ý tưởng biến ASEAN thành một khu vực phát triển ổn định, hội nhập và cạnh tranh, thiết lập một cộng đồng kinh tế khu vực vào năm 2020. Cùng năm này, Lào và Myanmar cũng đã gia nhập vào ASEAN vào ngày 23 tháng 7. Campuchia đã dự định gia nhập cùng Lào và Myanmar, nhưng bị trị hoãn vì cuộc tranh giành chính trị nội bộ.

Năm 1998: Tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 6 tại Hà Nội, ASEAN đã thông qua Chương trình hành động Hà Nội (HPA) nhằm triển khai thực hiện Tuyên bố về Tầm nhìn ASEAN 2020, giai đoạn 1998-2004.

Năm 1999: Campuchia chính thức gia nhập ASEAN vào ngày 30 tháng 4, sau khi đã ổn định chính phủ. Đưa ASEAN trở thành một tổ chức khu vực gồm 10 thành viên Ðông-Nam Á.

Năm 2002: Trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình cho vấn đề Biển Ðông, ASEAN và Trung Quốc ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Ðông (DOC).

Vào năm 2003, Hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Bali đã quyết đinh đẩy nhanh quá trình hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN (Asean Economic Community - AEC) gồm ba trụ cột là Chính trị-An ninh (APSC), Kinh tế (AEC) và Văn hóa-Xã hội (ASCC), thay vì thời hạn 2020, các nước quyết định hình thành AEC vào cuối năm 2015.

Năm 2005: Hội nghị cấp cao Ðông Á (EAS) lần đầu được tổ chức tại thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia) với sự tham gia của lãnh đạo các nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Ðộ, Australia và New Zealand.

Năm 2007: Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-13 diễn ra vào tháng 11, lãnh đạo 10 nước đã ký Hiến chương ASEAN nhằm tạo cơ sở pháp lý và khuôn khổ thể chế cho gia tăng liên kết khu vực, trước mắt là hỗ trợ mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Kế hoạch AEC bao gồm 04 trụ cột (04 nội dung then chốt): tạo lập một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất; tạo lập một khu vực kinh tế cạnh tranh cao; thúc đẩy sự phát triển kinh tế công bằng; xây dựng một khu vực hội nhập hoàn toàn với nền kinh tế toàn cầu AEC sẽ biến ASEAN thành một khu vực với sự tự do dịch chuyển hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, lao động có kỹ năng và tự do dịch chuyển dòng vốn. Liên quan đến việc tạo lập một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất.

Ngày 15/12/2008, Hiến chương ASEAN chính thức có hiệu lực sau khi được tất cả các nước thành viên ASEAN phê chuẩn. Đây là một sự kiện quan trọng, là bước ngoặt lịch sử của Hiệp hội trong hơn 40 năm hình thành và phát triển. Hiến chương ASEAN đánh dấu một bước chuyển mình cơ bản của Hiệp hội sang một giai đoạn mới, trở thành một tổ chức liên chính phủ, có tư cách pháp nhân và hoạt động dựa trên cơ sở pháp lý là Hiến chương ASEAN; đồng thời, phản ánh sự trưởng thành của ASEAN, thể hiện tầm nhìn và quyết tâm chính trị mạnh mẽ của các nước thành viên ASEAN, nhất là của các vị lãnh đạo, về mục tiêu xây dựng một ASEAN liên kết chặt chẽ, vững mạnh hơn, để hỗ trợ cho mục tiêu hòa bình và phát triển của cả khu vực cũng như của từng nước thành viên.

Năm 2009: Ủy ban Liên Chính phủ ASEAN về Nhân quyền (AICHR) được thành lập.

Tháng 2/2009: Hội nghị Cấp cao ASEAN-14 đã thông qua Tuyên bố về Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN kèm theo 3 kế hoạch tổng thể nhằm xây dựng 3 trụ cột của Cộng đồng ASEAN, gồm Chính trị-An ninh (APSC), Kinh tế (AEC) và Văn hóa-Xã hội (ASCC); và Kế hoạch thực hiện IAI giai đoạn 2 (2008-2015). Đây là một văn kiện quan trọng đóng vai trò kim chỉ nam cho giai đoạn tiếp theo để tiếp tục thực hiện mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.

Năm 2010: tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 17 tại Hà Nội, các nhà lãnh đạo ASEAN đã thông qua Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN (MPAC), trong đó đề ra các biện pháp cụ thể thực hiện kết nối ASEAN về hạ tầng, thể chế và người dân.

Đây cũng là năm Việt Nam hoàn thành xuất sắc trọng trách Chủ tịch ASEAN. Với những đóng góp chủ động, tích cực và có trách nhiệm vào các mục tiêu chung của ASEAN. Năm Chủ tịch ASEAN 2010 của Việt Nam đã góp phần duy trì đoàn kết ASEAN; trực tiếp đóng góp vào Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN và triển khai Hiến chương, đưa ASEAN đến năm 2015 trở thành một cộng đồng đoàn kết, gắn bó, liên kết chặt chẽ về kinh tế vì mục tiêu hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển của khu vực; nâng cao và làm sâu sắc hơn quan hệ nội khối ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác, vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển của khu vực.

Năm 2011: Thông qua “Tuyên bố Bali về Cộng đồng ASEAN trong Cộng đồng các quốc gia toàn cầu”. Tuyên bố khẳng định quyết tâm cũng như cam kết của các nước ASEAN xây dựng lập trường, quan điểm chung trong việc hợp tác ứng phó với các vấn đề toàn cầu; nâng cao vai trò và tiếng nói của ASEAN tại các cơ chế quốc tế như Liên hợp quốc (UN), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), qua đó đóng góp tích cực hơn vào các nỗ lực chung nhằm duy trì môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển trong khu vực cũng như trên thế giới.

Năm 2015: Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 27 tại Kuala Lumpur diễn ra vào ngày 18-22/11/2015, các nhà lãnh đạo ASEAN đã ký Tuyên bố Kuala Lumpur về việc thành lập Cộng đồng ASEAN vào ngày 31/12/2015. Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo ASEAN cũng đã thông qua Kế hoạch tổng thể AEC 2025, tiếp tục củng cố cộng đồng với các đặc trưng như hội nhập và liên kết kinh tế ở mức độ cao; xây dựng một ASEAN cạnh tranh, sáng tạo và năng động; một ASEAN tăng cường kết nối và hợp tác sâu rộng hơn; một ASEAN mạnh mẽ, toàn diện, hướng tới người dân, lấy người dân làm trung tâm; và một ASEAN toàn cầu.

2. Sự kiện Cộng đồng ASEAN ra đời

Ngày 31/12/2015 Cộng đồng ASEAN chính thức thành lập, đánh dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, nó có ý nghĩa hết sức to lớn, cụ thể là đã phản ánh được sự lớn mạnh của ASEAN sau 48 năm hình thành và phát triển vươn lên trở thành một cộng đồng liên kết chặt chẽ trên cả 3 trụ cột là: Chính trị-An ninh, kinh tế, Văn hóa-Xã hội, với vị thế ngày càng cao ở cả khu vực và thế giới. Đây là bước phát triển cao của quá trình hợp tác và hội nhập kinh tế của 10 nước thành viên ASEAN. 

Về kinh tế, Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ xây dựng một khu vực tạo điều kiện dòng chảy tự do về hàng hóa, dịch vụ, vốn đầu tư, lao động có tay nghề, vì vậy mở ra cho Việt Nam cơ hội một thị trường rộng lớn cho xuất khẩu, và những người nông dân Việt Nam sẽ chính là những người được hưởng lợi thế này, nông sản do người nông dân sản xuất ra có thể được xuất khẩu sang các nước khác, làm cho giá cả nông sản trong nước tăng lên, cải thiện phần nào đời sống của người nông dân; hơn nữa, tiếp cận thị trường này sẽ làm gia tăng sức hấp dẫn đối với đầu tư và kinh doanh từ bên ngoài vào Việt Nam, đồng thời thúc đẩy đầu tư của Việt Nam ra các nước ASEAN. Tuy nhiên bên cạnh những cơ hội đó, người nông dân và các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải chịu một sức ép cạnh tranh rất lớn trên thị trường ngay cả trong nước, nông dân sản xuất ra sản phẩm nhưng sản phẩm đó muốn tiêu thụ được, cạnh tranh được với sản phẩm của các quốc gia khác thì phải đạt những tiêu chuẩn nào và đảm bảo chất lượng như thế nào?

 Về chính trị- an ninh, Việt Nam tiếp tục có những điều kiện thuận lợi hơn để góp phần duy trì môi trường hòa bình và ổn định khu vực, hỗ trợ đấu tranh bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ gặp khó khăn hơn khi thỏa thuận hoặc triển khai một số biện pháp nhạy cảm, có thể tạo ra các dòng di cư lớn, trong đó có “chảy máu chất xám”, làm tăng nạn thất nghiệp và tệ nạn xã hội do nhiều công ty bị phá sản.

Về văn hóa- xã hội, Việt Nam có cơ hội giao lưu, quảng bá văn hóa của Việt Nam với các nước trông khu vực và trên thế giới, mở ra cơ hội học tập, tiếp thu thông tin, khoa học kỹ thuật tiên tiến, kinh nghiệm quản lý để phát triển và tạo chuyển biến tích cực trong việc xây dựng và hoàn thiện chính sách, luật lệ và thủ tục trong nước cho phù hợp hơn với yêu cầu hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, nếu chúng ta hòa nhập mà không đứng vững sẽ dễ dẫn đến tình trạng hòa tan về văn hóa, mất dần đi yếu tố truyền thống trong văn hóa.

Xây dựng Cộng đồng ASEAN là một giai đoạn của tiến trình phát triển, do đó mốc 31/12/2015 không phải là đích cuối cùng của sự liên kết ASEAN, mà là sự khởi đầu của một giai đoạn phát triển mới của hiệp hội. Trong những năm qua ASEAN đã thực hiện sự hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhiều hội nghị quan trọng đã được tổ chức, nhiều văn kiện cơ bản gồm các hiệp ước, hiệp định, tuyên bố đã được ký kết, là những dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của ASEAN.

3. Sự tác động của ASEAN đến thế hệ trẻ thanh niên

Từ khi Việt Nam tham gia ASEAN cho đến nay và đặc biệt là sự kiện thành lập Cộng đồng ASEAN vào ngày 31/12/2015 vừa qua đã và có những tác động mạnh mẽ đến thế hệ trẻ là thanh niên Việt Nam.

Trước hết là những tác động tích cực, mở ra những cơ hội lớn cho thế hệ trẻ:

+ Khi Việt Nam tham gia ASEAN thanh niên Việt Nam có cơ hội được hội nhập với các bạn trong khu vực Đông Nam Á. Tạo điều kiện giao lưu, trao đổi về văn hóa giữa các nước để thanh niên các nước hiểu sâu hơn về văn hóa của mỗi nước trong khu vực, đồng thời thanh niên Viên Nam có thể tuyên truyền, quảng bá nền văn hóa truyền thống của Việt Nam mình đến các bạn thanh niên của các nước trong khu vực;

 + Mở rộng việc học tập và nghiên cứu khoa học.

Mục đích của ASEAN là tạo ra sự liên kết, giúp đỡ nhau giữa các nước thành viên để cùng phát triển, vì vậy thanh niên Việt Nam có thể tiếp thu những thông tin, công nghệ khoa học tiên tiến của các nước bạn, các bạn trẻ được hưởng nhiều nguồn học bổng sang các nước Đông Nam Á do các dự án và nguồn đầu tư từ các tổ chức nước ngoài, hơn nữa thanh niên chúng ta có thể học được nhiều kiến thức, kỹ năng, năng lực quản lý, kinh nghiệm từ các bạn thanh niên của các nước thông qua sự trao đổi, giao lưu, học tập.

 + Cơ hội tìm kiếm, lựa chọn việc làm của thanh niên Việt Nam sẽ dễ dàng hơn, nhiều công ty nước ngoài với nguồn thu nhập rất hấp dẫn được mở ra ngay ở trong nước, Cộng đồng ASEAN tạo ra một sự dễ dàng trong việc di cư vì vậy thanh niên Việt Nam nói riêng và người dân Việt Nam nói chung  có thể sinh sống và làm việc ngay trên đất nước của các nước bạn và ngược lại.

+ Tạo điều kiện cho thanh niên Việt Nam nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng mềm, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc theo nhóm.

+ Kích thích sự năng động, sáng tạo, nhiệt tình, sôi nổi của thanh niên.

+ Thủ tục xuất nhập cảnh sang các nước để học tập, nghiên cứu, sinh sống và làm việc cũng dễ dàng hơn.

+ Tạo sự đoàn kết, gắn bó giữa thanh niên các nước Đông Nam Á với nhau, đưa thanh niên Việt Nam xích lại gần hơn với thanh niên các nước trong khu vực.

Tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi, cơ hội khi Cộng đồng ASEAN được thành lập thì cũng và sẽ tạo ra nhiều vấn đề bất cập và thách thức cho thanh niên Việt Nam.

+ Những tệ nạn xã hội cũng tăng lên như ma túy, mại dâm, cờ bạc, bắt cóc, buôn người xuyên quốc gia. Khi hội nhập nhiều thanh niên đã không đứng vững lập trường, tư tưởng, bị cám dỗ, lôi kéo và sa ngã.

 + Tình trạng chảy máu chất xám, những người có năng lực thì chạy hết sang nước ngoài để làm việc mong tìm cho mình hướng phát triển tốt hơn.

+ Khi cộng đồng ASEAN ra đời đồng nghĩa với việc nhiều người nước ngoài sẽ sang Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc sẽ tạo ra một sự cạnh tranh giữa thanh niên Việt Nam với các bạn thanh niên trong khu vực. Nhiều cơ hội việc làm mở ra nhưng cũng có thể xảy ra tình trạng thất nghiệp do sự đòi hỏi về nguồn lao động có chất lượng cao.

+ Hơn nữa, đa số thanh niên Việt Nam chúng ta yếu trình độ ngoại ngữ, thiếu các kỹ năng mềm, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc theo nhóm, kỹ năng quản lý v.v…

+ Tạo ra sự giao lưu, hội nhập về văn hóa tuy nhiên nếu không cẩn thận sẽ dẫn đến việc hòa tan, đánh mất văn hóa truyền thống; mở rộng việc học tập, nghiên cứu tuy nhiên có những thanh niên không học những cái tốt, cái mới, cái tiến bộ của nước bạn mà lại học những cái xấu, cái đồi trụy, làm suy giảm đạo đức. Hiện nay thanh niên chính là những người nắm bắt thông tin trong khu vực và trên thế giới nhanh nhất thông qua internet, tuy nhiên không phải ai cũng sử dụng mạng toàn cầu đúng nghĩa.

Vì vậy trong bối cảnh hiện nay, khi mà Cộng đồng ASEAN đã chính thức được thành lập, để hội nhập, đuổi kịp được với các bạn thanh niên trong khu vực và trên thế giới, thanh niên Việt Nam chúng ta cần phải chuẩn bị nhiều hành trang cho mình: học tập trau dồi các kỹ năng, vốn ngoại ngữ, tác phong công nghiệp, có ý thức mở rộng kiến thức nghề nghiệp, nâng cao năng lực tư duy khoa học, độc lập, lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, áp dụng công nghệ mới trong lao động v.v… và đặc biệt là chuẩn bị cho mình lòng nhiệt huyết, sự năng động, sức trẻ để hình thành một thế hệ thanh niên Việt Nam có tri thức, bản lĩnh, vững vàng hội nhập với khu vực và quốc tế.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Phan Ngọc Liên (1998), Lược sử Đông Nam Á, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

2. Nguyễn Thu Mỹ (2012), Lịch sử Đông Nam Á, tập 6, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội:130-142

3. Phạm Đức Thành  (2012), Lịch sử Đông Nam Á, tập 5, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội:227-235

4. Viện Châu Á và Thái Bình Dương (1992), Quan hệ Việt Nam – Asean. Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Hà Nội: 92, 103-109

5. Viện Đông Nam Á (1983), Những vấn đề lịch sử văn hóa Đông Nam Á, Viện Đông Nam Á, Hà Nội:18-29

Các tham luận khác