Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
  • Thư viện điện tử và kho tin
  • Đề tài nghiên cứu cấp bộ
  • Đề tài nghiên cứu cấp nhà nước
  • Tham khảo tạp chí
  • Sách toàn văn
  • Thư điện tử
  • Chính phủ

Cộng đồng ASEAN và tác động của cộng đồng đối với thanh niên

Nguyễn Hồng Tân

07/10/2016

Hà Nội, 24/5/2016

CỘNG ĐỒNG ASEAN VÀ TÁC ĐỘNG CỦA CỘNG ĐỒNG ĐỐI VỚI THANH NIÊN

                                                                             Nguyễn Hồng Tân Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Tóm tắt

Kể từ khi thành lập (ngày 08-08-1967) đến nay, Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) không chỉ phát triển về quy mô, mà ngày càng phát huy vai trò đẩy mạnh hợp tác và liên kết khu vực, tăng cường đoàn kết, hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa các nước trong khu vực. Ngày 31-12-2015, Cộng đồng ASEAN (ASEAN Community - AC) chính thức ra đời. Đây là một bước ngoặt đánh dấu sự hội nhập khu vực một cách toàn diện của các nước Đông Nam Á. Việc hình thành Cộng đồng ASEAN có thể mang đến cho Việt Nam nhiều cơ hội để phát triển, cũng như các thách thức. Những chuyển biến này sẽ có những tác động sâu rộng đến thanh niên Việt Nam.

Qua 20 năm là thành viên của ASEAN, từ những bước đi bỡ ngỡ ban đầu, Việt Nam ngày càng trưởng thành, chủ động tham gia và đóng góp tích cực vào các hoạt động chung của ASEAN với tinh thần trách nhiệm cao. Việt Nam là một trong số những nước đạt tỷ lệ thực thi cao các chương trình, biện pháp liên kết kinh tế của ASEAN. Tiếp nối nhưng thành tựu đã đạt được, thanh niên Việt Nam cần có sự trau dồi kiến thức cũng như kĩ năng để có thể đóng góp nhiều hơn nữa cho quá trình hội nhập và phát triển của đất nước. 

 

1. Khái quát về cộng đồng ASEAN

Kể từ khi thành lập (08/08/1967) đến nay, Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) không ngừng phát triển, đã phát huy vai trò để đẩy mạnh hợp tác và liên kết khu vực, tăng cường đoàn kết, hiểu biết, tin cậy lẫn nhau giữa các nước trong khu vực. Năm 1997, ý tưởng về Cộng đồng ASEAN đã được đề cập sau khi 10 nước Đông Nam Á cùng tham gia và thông qua Tầm nhìn ASEAN 2020. Đến năm 2003, các Lãnh đạo ASEAN chính thức quyết định sẽ xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2020. Tuy nhiên, đến năm 2007, các nước ASEAN đã nhất trí sẽ thực hiện mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Năm 2009, các Lãnh đạo đã thông qua Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN (2009-2015) cùng các kế hoạch triển khai cụ thể trên 3 trụ cột về chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa – xã hội.

Hiến chương ASEAN được ký tháng 11/2007 và có hiệu lực từ tháng 12/2008 đã tạo cơ sở pháp lý và khuôn khổ thể chế cho tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN. Ngày 31/12/2015, Cộng đồng ASEAN (ASEAN Community - AC) chính thức được ra đời. Đây là một bước ngoặt đánh dấu sự hội nhập khu vực một cách toàn diện của các nước Đông Nam Á, tạo ra một thị trường chung cho một khu vực có dân số 600 triệu người và GDP hàng năm khoảng 2.000 tỷ USD.

Cộng đồng ASEAN được hình thành dựa trên 3 trụ cột chính: Cộng đồng Chính trị - An ninh (APSC), Cộng đồng Kinh tế (AEC) và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội (ASCC). Cộng đồng Chính trị - An ninh (APSC) có mục tiêu tạo dựng  môi trường hòa bình và an ninh ở khu vực thông qua việc nâng hợp tác chính trị - an ninh ASEAN lên tầm cao mới, với 3 đặc trưng chính gồm: Cộng đồng hoạt động theo luật lệ với các giá trị, chuẩn mực chung; Một khu vực gắn kết, hòa bình và tự cường, có trách nhiệm chung bảo đảm an ninh toàn diện; Và một khu vực năng động, quan hệ rộng mở với bên ngoài. Cộng đồng Kinh tế (AEC) nhằm tạo ra một thị trường duy nhất và cơ sở sản xuất thống nhất, trong đó có sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, lao động có tay nghề và phần nào là vốn; có sức cạnh tranh cao; phát triển đồng đều; và hội nhập đầy đủ vào nền kinh tế toàn cầu. Cộng đồng Văn hóa - Xã hội (ASCC) có mục tiêu phục vụ và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, thúc đẩy bình đẳng và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, tăng cường ý thức cộng đồng và bản sắc chung.

Để thực hiện mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, ASEAN đã thông qua các Kế hoạch tổng thể (KHTT) để triển khai trên từng trụ cột với hơn 800 biện pháp/hoạt động cụ thể, cùng với Kế hoạch về Kết nối ASEAN (MPAC) và Sáng kiến Liên kết ASEAN (IAI) về thu hẹp khoảng cách phát triển. Ngoài ra, quan hệ của ASEAN với các đối tác cũng được đẩy mạnh thông qua nhiều khuôn khổ khu vực do ASEAN giữ vai trò chủ đạo (ASEAN+1, ASEAN+3, EAS, ARF và ADMM+) và được lồng ghép vào hoạt động của từng trụ cột Cộng đồng ASEAN[1].

2. Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025

Tháng 11/2015, các Lãnh đạo ASEAN đã ký “Tuyên bố Kuala Lumpur về ASEAN 2025: Cùng vững vàng tiến bước”, trong đó kèm theo văn kiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và 3 kế hoạch tổng thể để triển khai trên từng trụ cột Cộng đồng; và nhất trí bộ văn kiện này sẽ bao gồm cả Kế hoạch kết nối ASEAN 2025 và Kế hoạch công tác IAI giai đoạn 3 về thu hẹp khoảng cách phát triển (sẽ được thông qua trong năm 2016)[2].   

Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 đề ra định hướng tiếp tục củng cố và làm sâu sắc hơn Cộng đồng ASEAN, với mục tiêu bao trùm là đưa ASEAN trở thành một tổ chức hợp tác khu vực mở có mức độ liên kết sâu rộng hơn và có vai trò quan trọng hơn ở khu vực; một Cộng đồng vận hành theo luật lệ, có sự tham gia rộng rãi hơn của người dân và mang lại những lợi ích thiết thực hơn cho người dân.

Cộng đồng Chính trị - An ninh hướng tới 04 mục tiêu lớn: Một là, hoạt động theo luật lệ, hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm, với 03 nội dung chính gồm: (i) tuân thủ và phát huy các nguyên tắc, giá trị và chuẩn mực của ASEAN cũng như các nguyên tắc của luật pháp quốc tế; (ii) củng cố các giá trị dân chủ, pháp trị, quản trị tốt, chống tham nhũng, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người và các quyền tự do cơ bản; (iii) thúc đẩy các giá trị hòa bình, khoan dung và ôn hòa). Hai là, duy trì hòa bình, an ninh và ổn định khu vực, với 6 nội dung chính gồm: (i) nâng cao năng lực xử lý các thách thức; (ii) ứng phó kịp thời với những trường hợp khẩn cấp/khủng hoảng; (iii) giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình; (iv) tăng cường an ninh và hợp tác trên biển, trong đó có Biển Đông; (v) giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống; (vi) khu vực không có vũ khí hạt nhân và các vũ khí hủy diệt khác). Ba là, tăng cường đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN,  với 6 nội dung chính gồm: ((i) củng cố vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình; (ii) nâng cao hiệu quả của các cơ chế khu vực do ASEAN giữ vai trò chủ đạo; (iii) tăng cường hợp tác thực chất với các đối tác Đối thoại; (iv) thúc đẩy hợp tác hiệu quả với các đối tác khác; (v) Xem xét mở rộng hợp tác với các đối tác tiềm năng mới; (vi) tăng cường đóng góp cho các vấn đề toàn cầu. Bốn là, tăng cường năng lực thể chế và sự hiện diện của ASEAN, với 2 nội dung chính gồm: (i) nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN; (ii) tăng cường sự hiểu biết và hiện diện của ASEAN[3].       

Cộng đồng Kinh tế hướng tới 5 mục tiêu lớn: Một là, một nền kinh tế thống nhất và liên kết cao, nhằm tạo thuận lợi cho sự lưu chuyển thông thoáng của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có kỹ năng cũng như tạo một thị trường thống nhất hơn, thông qua các biện pháp chiến lược về : (i) thương mại hàng hóa; (ii) thương mại dịch vụ; (iii) môi trường đầu tư; (iv) tạo thuận lợi cho di chuyển của lao động có tay nghề và doanh nhân; (v) tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Hai là, một nền kinh tế năng động, đổi mới và cạnh tranh, thông qua các biện pháp chiến lược về: (i) chính sách cạnh tranh hiệu quả để tạo sân chơi bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp; (ii) bảo vệ người tiêu dùng; (iii) bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; (iv) thương mại hóa các sản phẩm công nghệ, nghiên cứu và phát triển (R&D), sáng chế và tăng trưởng theo năng suất; (v) hợp tác về thuế; (vi) quản trị tốt; (vii) thực tiễn tốt về quản lý; (viii) phát triển kinh tế bền vững; (ix) chiến lược phù hợp về các xu hướng lớn trên toàn cầu liên quan đến thương mại. Ba là, kết nối kinh tế và liên kết theo ngành, thông qua các biện pháp chiến lược về: (i) giao thông; (ii) công nghệ thông tin và truyền thông; (iii) thương mại điện tử; (iv) năng lượng; (v) thực phẩm, nông nghiệp và lâm nghiệp; (vi) du lịch; (vii) chăm sóc y tế; (viii) khoáng sản; (ix) khoa học và công nghệ. Bốn là, tự cường, dung nạp và chú trọng người dân, thông qua các biện pháp chiến lược về: (i) vai trò của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; (ii) vai trò của khu vực tư nhân; (iii) quan hệ đối tác công – tư; (iv) thu hẹp khoảng cách phát triển; (v) đóng góp của các nhóm/giới khác cho liên kết khu vực. Năm là, gắn kết vào nền kinh tế toàn cầu, chủ yếu thông qua các Hiệp định Thương mại tự do (FTAs/CEPs) với các đối tác, từ đó tạo cơ sở bảo đảm vai trò trung tâm của ASEAN trong các liên kết kinh tế khu vực[4]

Cộng đồng Văn hóa – Xã hội hướng tới 5 mục tiêu lớn: Một là, thu hút sự tham gia của người dân và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, thông qua các biện pháp chiến lược về: (i) thu hút sự tham gia của các nhóm/giới vào các tiến trình của ASEAN; (ii) tăng quyền cho người dân và tăng cường các thể chế bảo đảm. Hai là, cộng đồng dung nạp, nhằm đáp ứng tốt hơn lợi ích của người dân về phúc lợi, bảo trợ xã hội, bình đẳng giới, quyền con người, giảm nghèo, y tế, việc làm, giáo dục và thông tin, thông qua các biện pháp chiến lược về: (i) xóa bỏ các rào cản và đối xử bất bình đẳng để tất cả mọi người dân được hưởng quyền con người và tiếp cận bảo trợ xã hội; (ii) thúc đẩy khả năng tiếp cận cơ hội đồng đều cho tất cả mọi người dân; (iii) thúc đẩy và bảo vệ quyền con người. Ba là, cộng đồng bền vững, thông qua các biện pháp chiến lược về: (i) bảo tồn và quản lý bền vững các nguyên tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học; (ii) phát triển các thành phố bền vững về môi trường; (iii) bền vững về khí hậu (thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, quản lý các nguy cơ của biến đổi khí hậu); (iv) sản xuất và tiêu dùng bền vững. Bốn là, một cộng đồng tự cường, nhằm nâng cao năng lực để cùng xử lý những thách thức, thông qua các biện pháp chiến lược về: (i) khả năng dự báo, xử lý và quản lý thảm họa; (ii) khả năng ứng phó với các mối đe dọa đối với sức khỏe; (iii) khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu; (iv) bảo vệ và chăm sóc phụ nữ, trẻ em, thanh thiếu niên, người già, người khuyết tật, dân tộc thiểu số, lao động di cư, các nhóm dễ bị tổn thương và yếu thế khác; (v) bảo đảm cung cấp các nhu yếu phẩm thiết yếu (nước, thực phẩm, năng lượng, …) và các dịch vụ phúc lợi xã hội khác khi xảy ra khủng hoảng; (vi) hướng tới một ASEAN “không có ma túy”. Năm là, một cộng đồng năng động, nhằm tạo môi trường thuận lợi (chính sách, thể chế) để khuyến khích người dân và doanh nghiệp thích ứng, đổi mới, sáng tạo và trách nhiệm hơn, thông qua các biện pháp chiến lược về: (i) rộng mở và có khả năng thích nghi; (ii) đổi mới, sáng tạo và có khả năng ứng phó: (iii) xây dựng văn hóa kinh doanh trong ASEAN[5].

3. Tác động của Cộng đồng ASEAN đối với Việt Nam

Sự hình thành Cộng đồng ASEAN 2015 và việc triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 tạo ra cả cơ hội và thách thức đan xen cho Việt Nam. Nhìn chung, các cơ hội về cơ bản là những lợi ích có được trong quá trình tham gia hợp tác ASEAN trong 20 năm qua, nhưng sẽ lớn hơn và cụ thể hơn, các thách thức cũng sẽ nhiều hơn và trực tiếp hơn.

3.1 Đối với quốc gia

Về tổng thể, tham gia tiến trình liên kết ASEAN sâu rộng hơn sẽ tiếp tục mang lại cho ta những lợi ích quan trọng và thiết thực, hỗ trợ đắc lực cho việc triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại mà Đại hội Đảng XII đề ra. Tuy nhiên, hội nhập khu vực sâu rộng hơn cũng đòi hỏi ta phải có chủ trương và biện pháp phù hợp hơn, sự chuẩn bị nội bộ tốt hơn, nhất là về nguồn lực và điều chỉnh luật lệ trong nước.

Về chính trị - an ninh, ta tiếp tục có những điều kiện thuận lợi hơn để góp phần duy trì môi trường hòa bình và ổn định khu vực, nâng cao khả năng xử lý những thách thức an ninh phi truyền thống; hỗ trợ đấu tranh bảo vệ chủ quyền và lợi ích của ta ở Biển Đông. Mặt khác, ta sẽ gặp khó khăn hơn khi thỏa thuận hoặc triển khai một số biện pháp nhạy cảm và có mức liên kết sâu hơn, nhất là về dân chủ - nhân quyền và chính sách quốc phòng. Ta cũng phải xử lý nhiều vấn đề phức tạp hơn liên quan đến an ninh xã hội như tội phạm qua biên giới, lao động nhập cư, …

Về kinh tế, ta có thị trường rộng lớn cho xuất khẩu sang các nước ASEAN và cơ hội tiếp cận thị trường rộng lớn hơn (các nước đối tác của ASEAN), gia tăng sức hấp dẫn đối với đầu tư và kinh doanh từ bên ngoài, đồng thời thúc đẩy đầu tư của Việt Nam ra các nước ASEAN. Tuy nhiên, ta sẽ gặp sự cạnh tranh gay gắt hơn trong quá trình thỏa thuận và thực thi các cam kết về liên kết kinh tế sâu rộng hơn, do năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nước ta còn hạn chế[6]

Về văn hóa – xã hội, ta có điều kiện nâng cao năng lực thông qua cơ hội tiếp nhận được thông tin, khoa học - công nghệ,  kinh nghiệm quản lý hiện đại và nguồn lực, đào tạo và nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, tạo chuyển biến tích cực trong việc xây dựng và hoàn thiện chính sách, luật lệ và thủ tục trong nước cho phù hợp hơn với yêu cầu hội nhập quốc tế. Khó khăn chính là các hoạt động trải rộng trên nhiều lĩnh vực khác nhau, thiếu sự gắn kết, trong khi nguồn lực tham gia của ta có hạn.  

Về đối ngoại, ta có điều kiện thuận lợi hơn để mở rộng và tăng cường quan hệ song phương với các đối tác của ASEAN, nhất là các nước lớn, cũng như tham gia sâu rộng hơn vào các khuôn khổ hợp tác quốc tế hay liên khu vực rộng lớn hơn; qua đó góp phần nâng cao vai trò và vị thế quốc tế của Việt Nam. Mặt khác, chúng ta cũng gặp nhiều khó khăn trong việc bảo đảm đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN trước tác động của các nước lớn đối với ASEAN.

3.2. Đối với thanh niên

Thanh niên sẽ có các cơ hội chính như: Được sống trong môi trường hòa bình, an ninh, an toàn, hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau; Có nhiều lựa chọn về hàng hóa và dịch vụ với giá cả thấp và chất lượng cao hơn; Có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm có tay nghề tại các nước ASEAN khác (đến nay, ASEAN đã ký Hiệp định về di chuyển thể nhân và 8 thoả thuận công nhận lẫn nhau trong 08 ngành nghề: kế toán, kỹ sư, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sĩ, điều dưỡng, vận chuyển và du lịch); Đi lại thuận tiện hơn trong các nước ASEAN (miễn thị thực 15-30 ngày); Được thụ hưởng nhất định từ sự cải thiện của mạng an ninh xã hội. Tuy nhiên, việc hình thành Cộng đồng ASEAN cũng mang đến cho Việt Nam nhiều thách thức. 

Thứ nhất, giữa Việt Nam và các nước ASEAN còn có sự chênh lệch về trình độ phát triển và năng lực cạnh tranh. Sự chênh lệch này thể hiện không chỉ ở quy mô vốn của nền kinh tế, các doanh nghiệp, mà còn ở trình độ khoa học kỹ thuật, tay nghề lao động,… Những quốc gia có trình độ phát triển kinh tế thấp hơn trong khối như Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự xâm nhập của các nền kinh tế mạnh hơn. Để hội nhập kinh tế quốc tế hiệu quả, đóng góp chung vào xây dựng Cộng đồng ASEAN, có tính cạnh tranh cao, Việt Nam và các nước ASEAN cần có những chính sách phù hợp để thu hẹp khoảng cách phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh hiệu quả hơn. Do đó, thanh niên cần nắm vững, nắm chắc những yêu cầu đòi hỏi của quá trình hội nhập để chủ động rèn luyện, chuẩn bị về kiến thức, ngoại ngữ, đào tạo nghề, kỹ năng làm việc nhóm… để tham gia hội nhập cùng cộng đồng chung ASEAN hiệu quả, bền vững.

Thứ hai, Việt Nam đứng trước sức ép rất lớn về cải cách thể chế, tái cơ cấu kinh tế, nâng cao trình độ khoa học - công nghệ và năng lực cạnh tranh. Hiện nay, trình độ phát triển của Việt Nam còn kém xa nhiều quốc gia trong ASEAN do vậy, sức ép cải cách đặt ra với Việt Nam là rất lớn. Nền quản lý hành chính lạc hậu, nhiều thủ tục rườm rà gây ảnh hưởng tiêu cực nghiêm trọng đến năng lực cạnh tranh, chi phí về thời gian và tiền bạc của doanh nghiệp Việt Nam. Có thể nói, cải cách thể chế, tái cơ cấu kinh tế, nâng cao trình độ khoa học - công nghệ và năng lực cạnh tranh đang là đòi hỏi cấp thiết đặt ra cho Việt Nam khi gia nhập Cộng đồng ASEAN. Vì vậy, thanh niên cần nghiên cứu những chuyển biến mới của tình hình quốc tế, tổng kết kết quả hoạt động của ASEAN và trên cơ sở những nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội, đối ngoại, cần chủ động đề xuất thêm những sáng kiến, cách thức và biện pháp để cải cách thể chế, nâng cao hiệu quả lao động, năng lực cạnh tranh nhằm củng cố và tăng cường đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực; đẩy mạnh quan hệ đối ngoại của ASEAN.

Thứ ba, Việt Nam sẽ phải đối mặt với âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Thế hệ thanh niên cần rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng; trong quá trình hội nhập cần tranh thủ thời cơ, tiếp thu tinh hoa nhân loại, nhất là văn hóa, khoa học công nghệ tiên tiến, kinh nghiệm quản lý… tuy nhiên, cần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp thu có chọn lọc. Ngoài ra, thanh niên cần tích cực và chủ động đóng góp vào việc phát huy vai trò, sự đoàn kết của ASEAN trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực thông qua việc đẩy mạnh xây dựng lòng tin, đề cao luật pháp quốc tế, các chuẩn mực ứng xử chung liên quan đến ngăn ngừa xung đột, giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế; trong đó có việc thực hiện DOC, xây dựng COC, củng cố và nâng cao giá trị các công cụ và cơ chế hợp tác chính trị - an ninh hiện có ở khu vực.

Qua 20 năm là thành viên của ASEAN, từ những bước đi bỡ ngỡ ban đầu, Việt Nam ngày càng trưởng thành, chủ động tham gia và đóng góp tích cực vào các hoạt động chung của ASEAN với tinh thần trách nhiệm cao. Việt Nam là một trong số những nước đạt tỷ lệ thực thi cao các chương trình, biện pháp liên kết kinh tế của ASEAN. Tiếp nối nhưng thành tựu đã đạt được, thanh niên Việt Nam cần có sự trau dồi kiến thức cũng như kĩ năng để có thể đóng góp nhiều hơn nữa cho quá trình hội nhập và phát triển của đất nước.

 

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.        Phương Chi (2016), “Cộng đồng ASEAN 2015 - người dân thụ hưởng nhiều lợi ích”, Báo điện tử Đài tiếng nói Việt Nam.

2.        Đào Hồng Lan (2015), “Cộng đồng văn hóa – xã hội ASEAN (ASCC) và sự tham gia của Việt Nam”, Cổng thông tin điện tử Bộ Lao động – thương binh và xã hội.

3.        Vũ Tấn (2015), “Cộng đồng Chính trị - An ninh: Trụ cột quan trọng của Cộng đồng các nước Đông Nam Á”, Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam.

4.        Lê Hoài Trung (2015), “Xây dựng Cộng đồng ASEAN 2015 vì mục tiêu hòa bình, ổn định, phát triển và hướng tới người dân”, Tạp chí quốc phòng toàn dân.

5.        Trung tâm WTO – VCCI Việt Nam (2014), “Tóm lược Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC)”.

6.        Viện Kinh tế và Chính trị thế giới (2015), “Cộng đồng ASEAN và những tác động đến Việt Nam”, Tạp chí tài chính, kỳ 1 tháng 12.

 


[1] Lê Hoài Trung (2015), “Xây dựng Cộng đồng ASEAN 2015 vì mục tiêu hòa bình, ổn định, phát triển và hướng tới người dân”, Tạp chí Quốc phòng Toàn dân.

[2] Phương Chi (2016), “Cộng đồng ASEAN 2015 - người dân thụ hưởng nhiều lợi ích”, Báo điện tử Đài tiếng nói Việt Nam.

[3] Vũ Tấn (2015), “Cộng đồng Chính trị - An ninh: Trụ cột quan trọng của Cộng đồng các nước Đông Nam Á”, Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam.

[4] Trung tâm WTO – VCCI Việt Nam (2014), “Tóm lược Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC)”.

[5] Đào Hồng Lan (2015), “ Cộng đồng văn hóa – xã hội ASEAN (ASCC) và sự tham gia của Việt Nam”, Cổng thông tin điện tử Bộ Lao động – thương binh và xã hội.

[6] Viện Kinh tế và Chính trị thế giới (2015), “Cộng đồng ASEAN và những tác động đến Việt Nam”, Tạp chí tài chính, kỳ 1, tháng 12.

 

Các tham luận khác