TS. Nguyễn Xuân Khoát,
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
Theo đó, tại Luật Đất đai 2024 đã bỏ quy định về khung giá đất so với quy định tại Luật Đất đai 2013. Việc bỏ khung giá đất, xác định giá theo thị trường được xem là bước đột phá lớn trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, tạo nên thay đổi căn bản về các vấn đề kinh tế trong chính sách pháp luật về đất đai.
Khung giá đất và sự bất hợp lý
Theo quy định tại Điều 114 Luật Đất đai 2013, các địa phương sẽ căn cứ vào khung giá đất để xây dựng và ban hành bảng giá đất cũng theo chu kỳ 05 năm/lần, mỗi năm sẽ ban hành hệ số giá đất (hệ số K). Bảng giá đất này không được quy định giá đất ngoài khung giá đất của Chính phủ đã ban hành.
Có thể hiểu đơn giản, khung giá đất sẽ quy định giá đất tối thiểu và tối đa của từng loại đất theo từng vùng, được dùng làm cơ sở xây dựng bảng giá đất của từng tỉnh, thành phố trên cả nước.
Tuy nhiên, trên thực tế thị trường đất đai đang tồn tại cơ chế 2 giá đất. Một giá đất theo khung Nhà nước ban hành, là cơ sở để tính tiền đóng thuế hoặc tính giá đất đền bù giải phóng mặt bằng. Giá đất thứ hai được gọi là giá trên thị trường, thường cao hơn gấp nhiều lần so với khung giá do Nhà nước quy định.
Thực tế thời gian qua chúng ta cũng đã thấy, khung giá đất ở tại hầu hết các tỉnh thành, đặc biệt là các đô thị lớn, có chênh lệch rất lớn so với giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường. Giá chuyển nhượng thực tế dễ bị bóp méo, khiến các giao dịch chuyển nhượng nhà đất hiện nay đang bị các bên mua - bán thao túng theo hướng có lợi cho mình.
Giá đất được xác định theo khung giá Nhà nước ban hành không theo kịp và thường thấp hơn nhiều so với giá đất trên thị trường. Lợi dụng cơ chế hai giá đó mà nhiều người thường kê khai giá trên hợp đồng công chứng thấp hơn mức giá thực tế khi chuyển nhượng đất đai để có thể giảm số thuế phải nộp. Mặt khác, với những trường hợp bị thu hồi đất, giải phóng mặt bằng thì người dân vô cùng thiệt hại do được đền bù (áp dụng giá Nhà nước) thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Từ đó gây nên khiếu kiện, tranh chấp đất đai kéo dài… Những bài học như ở Thủ Thiêm cũng như nhiều địa phương khác đã cho chúng ta thấy rõ điều đó.
Do vậy, khi bỏ khung giá đất, tính theo nguyên tắc thị trường, giá tài sản có thể cao hơn nhưng là giá trị thực tế, không phải là giá ảo. Đặc biệt, khi tạo ra giá đất đảm bảo xác định công khai, minh bạch và phù hợp với giá thị trường thì người dân và doanh nghiệp đều được hưởng lợi. Điều đó góp phần xác định được cùng nhau chia sẻ địa tô, chênh lệch. Người dân khi có đất bị thu hồi thì giá đất tại thời điểm thu hồi đó sẽ được đền bù thỏa đáng, phù hợp với giá đất. Về góc độ nhà nước cũng được lợi vì khi thu của người sử dụng đất cũng sẽ thu được đúng giá trị cần phải thu.
Luật Đất đai sửa đổi chính thức bỏ khung giá đất
Bỏ khung giá đất đồng nghĩa với việc Nhà nước sẽ không áp dụng mức giá tối thiểu và tối đa với từng loại đất theo từng khu vực nữa, thay vào đó, các tỉnh, thành phố sẽ căn cứ vào nguyên tắc, phương pháp định giá đất để xây dựng ra bảng giá đất.
Luật Đất đai sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua chính thức có hiệu lực từ 1/1/2025 đã bỏ khung giá đất và quy định bảng giá đất được xây dựng hằng năm.
Cụ thể, Điều 159 Luật Đất đai sửa đổi quy định Bảng giá đất. Theo đó, Bảng giá đất được áp dụng cho các trường hợp: Tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất ở của hộ gia đình, cá nhân; chuyển mục đích sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân; Tính tiền thuê đất khi Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm, trừ trường hợp cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất; Tính thuế sử dụng đất.
Tôi cho rằng, việc bỏ khung giá đất sẽ không làm tăng giá đất trên thị trường. Khi khung giá đất sát với thị trường sẽ khiến thuế, phí bất động sản chuyển nhượng cao hơn và sẽ làm giảm đi tính hấp dẫn của việc đầu tư vào đất đai. Do đó, người dân có nhu cầu mua nhà, đất để ở sẽ có cơ hội mua đúng giá hơn, tránh tình trạng đầu cơ, “thổi giá” đất. Về lâu dài, đây vẫn là tác động có lợi cho người dân. Qua đó, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển minh bạch, lành mạnh hơn, giảm tình trạng đầu cơ, sốt ảo.
Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, khó khăn nhất vẫn là làm thế nào để xác định được giá theo thị trường. Bởi giá cả thị trường thì vô cùng khó nắm bắt, nhưng giá trị thị trường thì khá ổn định và xác định được, đó là giá trị mang lại của đất. Khi mua bán trên thị trường, tùy thuộc vào thời điểm, nhu cầu của người mua, người bán, giá có thể dao động, nên giá cả thị trường thì biến động liên tục.
Ngoài ra, vẫn còn rất nhiều thách thức đặt ra như lo ngại khi bỏ khung giá đất sẽ khiến giá đất tăng lên, tiền đền bù giải phóng mặt bằng tăng, chi phí đầu tư tăng, người nghèo khó tiếp cận đất đai… Nhưng bên cạnh đó cũng có tính tích cực từ vấn đề này, đó là việc bỏ khung giá đất sẽ giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư thúc đẩy tiến độ giải phóng mặt bằng, do người dân được đền bù thỏa đáng, từ đó loại bỏ các doanh nghiệp yếu kém, chỉ đầu cơ vào địa tô chênh lệch. Tuy nhiên, doanh nghiệp sẽ phải chịu chi phí đầu tư cao hơn.
Cần làm gì khi bỏ khung giá đất
Có thể nói, việc bỏ khung giá đất là điểm đổi mới căn bản nhằm xóa bỏ cơ chế quản lý đất theo hành chính áp đặt sang xây dựng bảng giá đất sát với giá trị thị trường. Nhưng quan trọng hơn, phải xác định được đúng bản chất. Nhà nước cần hướng xác định giá trị và bảng giá đất phản ánh kịp thời giá trị đất. Khi có yếu tố làm thay đổi giá trị như quy hoạch đất đai, thay đổi mục đích sử dụng, vùng phát triển thì bảng giá phải thay đổi theo. Điều này giúp người dân và doanh nghiệp thích ứng và có những điều chỉnh phù hợp.
Theo quy định Luật Đất đai sửa đổi, Bảng giá đất được xây dựng theo khu vực, vị trí. Đối với khu vực có bản đồ địa chính số và cơ sở dữ liệu giá đất thì xây dựng bảng giá đất đến từng thửa đất trên cơ sở vùng giá trị, thửa đất chuẩn.
Về lộ trình thực hiện, theo khoản 3 Điều 159 Luật Đất đai 2024 thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định Bảng giá đất lần đầu để công bố và áp dụng từ ngày 01/01/2026.
Hằng năm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất để công bố và áp dụng từ ngày 01 tháng 01 của năm tiếp theo. Trường hợp Bảng giá đất cần thiết phải điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung trong năm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.
Cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp tỉnh có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức việc xây dựng, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất. Trong quá trình thực hiện, cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp tỉnh được thuê tổ chức tư vấn xác định giá đất để xây dựng, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất.
Quan trọng nhất khi bỏ khung giá đất, để đưa bảng giá đất sát với giá thị trường cần thành lập một cơ quan định giá đất độc lập để hỗ trợ xây dựng bảng giá đất, thẩm định lại kết quả xác định giá đất, điều chỉnh khi có biến động.
Tại khoản 5 Điều 158 Luật Đất đai quy định 4 phương pháp định giá đất, gồm: Phương pháp so sánh, phương pháp thu nhập, phương pháp thặng dư, phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất. Trong trường hợp cần thiết phải quy định “phương pháp định giá đất khác” chưa được quy định thì Chính phủ đề xuất và được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để đảm bảo vận hành thông suốt công tác định giá đất để phát triển kinh tế - xã hội.
Như vậy, giá đất mới đảm bảo được tính độc lập về chuyên môn, tính trung thực khách quan, đảm bảo giá đất phù hợp với thị trường và không chịu áp lực, chi phối từ các nhóm lợi ích…