Mở đầu
Thế giới đang chứng kiến những sự thay đổi lớn và phát triển nhanh chóng, đi đôi với đó là yêu cầu đảm bảo sự phát triển bền vững để việc phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và bền vững xã hội. Đây là nội dung cơ bản của thực hành kinh doanh có trách nhiệm – xu hướng được phát triển từ những thập nên 70 cho đến nay – khi triết lý kinh doanh được chuyển từ kinh doanh vì lợi ích chủ sở hữu sang kinh doanh vì lợi ích của các bên liên quan.
Chương trình hành động quốc gia (NAP) của Việt Nam về thúc đẩy kinh doanh có trách nhiệm
Nhằm thúc đẩy việc thực hiện nguyên tắc hướng dẫn của Liên Hợp Quốc về Kinh doanh và quyền con người (UN Guiding principle on Business and Human Righs 2011 – UNDPs) tại các quốc gia, nhóm công tác của Liên Hợp quốc (LHQ) về kinh doanh và quyền con người đã khuyến nghĩ các quốc gia ban hành chương trình hành động quốc gia (National Action Plan hay NAP). Tại thời điểm hiện tại, trên 30 quốc gia đã ban hành NAP, trong đó có một số quốc gia đã ban hành luật về Luật về rà soát tác động lên quyền con người (human rights due diligence hay HRDD), và 18 quốc gia khác đang xây dựng NAP.
Tại Việt Nam, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 14/7/2023 ban hành Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam giai đoạn 2023 – 2027.
Mục tiêu của Chương trình nhằm nâng cao nhận thức, năng lực; rà soát và hoàn thiện chính sách, pháp luật và nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành chính sách, pháp luật (trong đó có nâng cao hiệu quả và thúc đẩy việc tiếp cận các biện pháp khắc phục) nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam trong giai đoạn 2023 - 2027 để phát huy các mặt tích cực và giảm thiểu các mặt tiêu cực của các hoạt động phát triển kinh tế, kinh doanh đối với xã hội, môi trường (tập trung vào các lĩnh vực đầu tư, lao động, môi trường; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, người tiêu dùng và các nhóm dễ bị tổn thương), qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam.
Mục tiêu cụ thể của Chương trình là nâng cao nhận thức và năng lực của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng về thực hành kinh doanh có trách nhiệm; góp phần thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Đồng thời, đảm bảo Nhà nước ban hành chính sách và pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm theo đúng các cam kết quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; xây dựng các biện pháp ưu tiên, khuyến khích đối với các doanh nghiệp thực hành kinh doanh có trách nhiệm. Đảm bảo các doanh nghiệp tuân thủ đúng các quy định pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm; khuyến khích các doanh nghiệp thực hành kinh doanh có trách nhiệm trên mức quy định tối thiểu của pháp luật; qua đó đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Nâng cao hiệu quả, chất lượng của công tác tổ chức thi hành pháp luật liên quan đến thực hành kinh doanh có trách nhiệm của doanh nghiệp ở Việt Nam, bao gồm nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát và thúc đẩy việc tiếp cận các biện pháp khắc phục và hoàn thiện các chế tài để xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam.
Để đạt được những mục tiêu trên, Chương trình đưa ra các nhiệm vụ giải pháp cụ thể như: Tập huấn nhằm nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực cho cơ quan, tổ chức có liên quan và doanh nghiệp, người dân về chính sách, pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm; nâng cao năng lực của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, của điều tra viên, năng lực tư vấn pháp luật của đội ngũ luật sư trong các hoạt động liên quan đến thực hành kinh doanh có trách nhiệm; xây dựng các chuyên mục để tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm để phát trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Để hoàn thiện chính sách và pháp luật, Chương trình triển khai rà soát, nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện các văn bản về các lĩnh vực: đầu tư, lao động, bảo vệ quyền của nhóm dễ bị tổn thương, bảo vệ môi trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…
NAP của Việt Nam bao gồm 05 nhóm giải pháp chính liên quan đến 05 lĩnh vực (đầu tư, lao động, môi trường, bảo vệ nhóm dễ bị tổn thương và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng):
(i) Nhóm giải pháp 1 – Nâng cao nhận thức, năng lực cho các bên liên quan: thông qua các hoạt động tập huấn, truyền thông và đưa nội dung về kinh doanh có trách nhiệm vào chương trình đào tạo;
(ii) Nhóm giải pháp 2 – hoàn thiện chính sách pháp luật: các giải pháp trong nhóm này tập trung vào việc Nghiên cứu hoàn thiện chính sách pháp luật trong 05 lĩnh vực, bao trùm lên hầu hết các luật hiện hành ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh tại Việt Nam như luật đấu thầu, hệ thống pháp luật về lao động và việc làm, luật bảo vệ môi trường và cac văn bản hướng dẫn, luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;
(iii) Nhóm giải pháp thứ 3 – Nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật. Nhóm giải pháp này đi theo các hướng chính là: phát triển các biện pháp khuyến khích thực hành kinh doanh có trách nhiệm ở cấp độ tỉnh và ngành nghề, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ chế nhà nước nhằm thúc đẩy tiếp cận các biện pháp khắc phục hậu quả trong 05 lĩnh vực trọng tâm;
(iv) Nhóm giải pháp thứ 4 – các hoạt động chia sẻ và trao đổi thông tin;
(v) Nhóm giải pháp thứ 5 – Sơ kế, tổng kết và đánh giá thực thi NAP Ngoài các nhóm giải pháp chính nêu trên, NAP còn đưa ra một số giải pháp bao trùm để thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm, ví dụ như là phát triển bộ hướng dẫn thực hành kinh doanh có trách nhiệm cho doanh nghiệp.
NAP đang trong giai đoạn đầu thực thi và tác động của NAP vẫn chưa rõ rệt. Tuy nhiên, một số điểm chính sau cần lưu ý:
Thứ nhất, NAP của Việt Nam bao gồm các giải pháp nhằm thúc đẩy kinh doanh có trách nhiệm để ―phát huy mặt tích cực và giảm thiểu tác động tiêu cực từ hoạt động phát triển kinh tế, kinh doanh. Điều này thể hiện kì vọng rằng doanh nghiệp Việt Nam không chỉ dừng lại ở mức độ không tạo ra tác động tiêu cực mà còn cần đổi mới, sáng tạo để tạo ra tác động tích cực;
Thứ hai, NAP bao gồm cả các biện pháp hướng đến sự bắt buộc và cả các biện pháp hướng đến khuyến khích sự tự nguyện thực hành kinh doanh có trách nhiệm của doanh nghiệp. Vì vậy, xét trong bối cảnh chung, doanh nghiệp nên nhìn nhận thực hành kinh doanh có trách nhiệm là cơ hội;
Thứ ba, NAP đưa ra những giải pháp mang tính nguyên tắc và tạo nền tảng có việc thức đẩy kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, việc thực thi NAP cần có sự tham gia và tham vấn đối với tất cả các bên liên quan để hoàn thiện chính sách, pháp luật và đưa ra những hành động cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế của từng vùng, ngành tại Việt Nam. Sự tham gia của các bên liên quan – stakeholder engagement – là một trụ cột không thể thiếu trong tất cả các hoạt động thực thi UNGPs, đặc biệt với môi trường có nhiều đặc thù như Việt Nam.
Lời kết
Kinh doanh có trách nhiệm (RBP) là một khái niệm phức tạp, bao trùm và còn tương đối với tại Việt Nam. Tuy nhiên, sự phát triển của khung khổ về RBP đang diễn ra nhanh chóng, đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam cần cập nhật và chuẩn bị thực hành RBP để nắm bắt những cơ hội mới. Điều này đặt ra nhiều thách thức cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Doanh nghiệp không chỉ cần sự nỗ lực tự thân mà còn cần sự trợ giúp từ rất nhiều bên liên quan để bắt kịp xu thế, trước hết tập trung vào việc nâng cao nhận thức và năng lực.
Chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, góc tiếp cận, xu thế thực hành và tham vấn chính sách là những hoạt động cốt lõi nhất giúp doanh nghiệp bắt đầu con đường thực hành kinh doanh có trách nhiệm đầy thử thách nhưng cũng nhiều cơ hội.
PV