Sau hơn mười năm biên soạn, với sự tham gia của các nhà ngữ pháp hàng đầu của Việt Nam như Nguyễn Kim Thản, Nguyễn Tài Cẩn, Hoàng Tuệ, Lưu Vân Lăng, thì đến năm 1983, cuốn Ngữ pháp tiếng Việt của Ủy ban Khoa học xã hội đã được in, đây là cuốn cẩm nang tra cứu về ngữ pháp tiếng Việt cho nhiều ứng dụng khác nhau như biên soạn sách giáo khoa tiếng Việt cho học sinh các cấp, góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, làm tài liệu tham khảo cho công tác biên phiên dịch, ứng dụng cho ngôn ngữ học tính toán v.v… Từ đó đến nay đã gần 40 năm, xã hội cần có một cuốn ngữ pháp tiếng Việt mới, phản ánh những thành tựu lý thuyết về ngữ pháp trong gần 40 năm qua, trong bối cảnh một loạt trào lưu ngữ pháp mới ra đời, chứng tỏ năng lực giải thích và miêu tả nhưngữ pháp chức năng, ngôn ngữ học tri nhận.
Đề tài được thực hiện nhằm biên soạn cuốn cú pháp tiếng Việt mới theo hai giai đoạn, giai đoạn thứ nhất sẽ tập trung vào các thành phần chính, làm nên nòng cốt câu, giai đoạn thứ hai sẽ tập trung vào các thành phần phụ của câu và các chỉ tố phản ánh quan hệ giữa câu và diễn ngôn. Ngoài phần mở đầu và kết luận, nội dung nghiên cứu chính của đề tài được thể hiện ở bảy chương: Chương 1: Những đặc điểm loại hình của tiếng Việt chi phối đến cơ cấu ngữ pháp tiếng Việt; Chương 2: Vấn đề về các bình diện nghiên cứu của câu tiếng Việt, nhìn từ quan điểm truyền thống, quan điểm của ngữ pháp chức năng và ngôn ngữ học tri nhận; Chương 3: Những tranh luận về cấu trúc cú pháp của câu: Cấu trúc cú pháp cơ bản, thành phần chính, thành phần phụ của câu; Chương 4: Thành phần chính: Nòng cốt câu và những thành phần tham gia nòng cốt câu; Chương 5: Vị Ngữ; Chương 6: Chủ ngũ; Chương 7: Bổ ngữ.
Đề tài khẳng định việc miêu tả cấu trúc ngữ pháp của câu tiếng Việt không thể không đề cập đến các đặc điểm loại hình của tiếng Việt. Đề tài đã nêu ra và thảo luận các đặc điểm loại hình quan trọng nhất của tiếng Việt, có ảnh hưởng quyết định đến toàn bộ cơ cấu ngữ pháp của tiếng Việt. Đề tài cũng nêu ra và thảo luận các phương thức ngữ pháp của tiếng Việt, với 3 phương thức ngữ pháp quan trọng là trật tự từ, hư từ và ngữ điệu. Đề tài cũng dành thời lượng để thảo luận vai trò của hư từ trong việc góp phần làm nên lực ngôn trung của câu.
Đề tài đã trình bày quan niệm của các đường hướng lí thuyết khác nhau trên thế giới về nòng cốt câu, trong đó có việc lựa chọn cấu trúc cú pháp cơ bản để miêu tả nòng cốt câu nói riêng và cấu trúc cú pháp của câu nói chung. Theo thông lệ trong nghiên cứu cú pháp, sau khi chọn cấu trúc cú pháp cơ bản, thì tất cả các loại câu trong một ngôn ngữ được xem là dạng đầy đủ (câu đơn), dạng phức tạp hoá (câu phức và câu ghép) hay dạng khuyết thiếu (câu đặc biệt) của cấu trúc cú pháp cơ bản. Tuy nhiệm vụ chính là miêu tả các thành phần chính của câu tiếng Việt, nhưng sau khi xác định nòng cốt (bao gồm các thành phần chính của câu) đề tài cũng dành một dung lượng cần thiết để nói về các thành phần phụ, nhất là từ quan điểm mới mẻ của ngữ pháp tri nhận.
Đề tài đã trình bày sự tranh chấp về phương diện lí thuyết lẫn thực tiễn của hai ứng cử viên cho kết cấu cú pháp cơ bản của câu tiếng Việt, là kết cấu Chủ- Vị và kết cấu Đề- Thuyết. Sau khi cân nhắc các khía cạnh, với các điểm mạnh điểm yếu của hai loại kết cấu, cũng như dựa trên cơ sở loại hình tiếng Việt, đề tài chọn kết cấu Chủ- Vị làm kết cấu cú pháp cơ bản để miêu tả cú pháp câu tiếng Việt.
Trong các đơn vị ngôn ngữ, câu là đơn vị phức tạp nhất, có thể nhìn nhận từ nhiều góc độ khác nhau, thậm chí có ý kiến cho rằng câu thuộc đơn vị lời nói chứ không phải đơn vị ngôn ngữ. Để thấy được tính đa bình diện của câu, đề tài đã trình bày các bình diện nghiên cứu của câu từ quan điểm của ngữ pháp truyền thống, ngữ pháp chức năng và ngôn ngữ học tri nhận.
Nhìn lại các đường hướng nghiên cứu câu, cả ở diện đồng đại lẫn lịch đại, có thể thấy rằng hiện nay quan điểm nghiên cứu câu theo 3 bình diện (kết học, nghĩa học và dụng học) là quan điểm được thừa nhận rộng rãi. Ở mỗi bình diện như vậy, đề tài cố gắng trình bày vừa đủ rõ các nội dung quan yếu, tiếp cận từ nhiều đường hướng khác nhau.
Sau khi trình bày quan niệm của ngữ pháp truyền thống và ngữ pháp chức năng về các thành phần chính hay nòng cốt câu, đề tài đã áp dụng các khái niệm và thao tác của ngôn ngữ học tri nhận để tìm hiểu cấu trúc ý niệm đằng sau khuôn cấu trúc cú pháp của câu. Đề tài cho rằng việc chỉ ra được các sơ đồ sự tình đó cũng chính là đóng góp của ngôn ngữ học tri nhận trong định hướng vươn tới thoả đáng giải thích trong ngữ pháp. Dĩ nhiên, đề tài chỉ mới dừng lại ở việc giới thiệu một số khái niệm và thao tác của ngôn ngữ học tri nhận, thử áp dụng chúng vào việc phân tích một số khuôn cấu trúc cú pháp với các thành phần chính của câu, giúp thấy được cấu trúc ý niệm, thông qua các kiểu sơ đồ sự tình, đằng sau các thành phần chính của câu mà những cách tiếp cận khác chưa cho thấy được.
Đi vào miêu tả các thành phần chính của câu, đề tài bắt đầu từ Vị ngữ bởi cương vị quan trọng của thành phần câu này trong tổ chức ngữ nghĩa và ngữ pháp của câu. Có thể thấy, từ lí thuyết kết trị của Tesnière, đã có sự thay đổi trong quan niệm về đỉnh của câu. Từ quan niệm câu có hai đỉnh là chủ ngữ và vị ngữ, ngày càng có nhiều nhà ngữ pháp xem vị ngữ là đỉnh duy nhất của câu, nhất là các tác giả theo đường hướng chức năng và tri nhận.
Điều thú vị là trong khuôn khổ ngữ pháp truyền thống, bổ ngữ cũng được xếp vào số các thành phần chính của câu, cùng với vị ngữ và chủ ngữ tạo thành nòng cốt khi vị ngữ là vị từ ngoại động. Dĩ nhiên, việc thừa nhận chủ ngữ, vị ngữ, bổ ngữ là 3 thành phần làm nên nòng cốt của câu không hề phủ nhận vai trò của vị ngữ như là “đỉnh” của câu. Chính vị ngữ chứ không phải là thành tố nào khác quy định các thành tố cú pháp bắt buộc của câu, tức ngoài chủ ngữ thì có hay không có bổ ngữ trong nòng cốt câu, và nếu có thì số lượng bổ ngữ và tính chất của các bổ ngữ đó như thế nào.
Bên cạnh những góc nhìn về vị ngữ theo ngữ pháp truyền thống, đề tài đã thảo luận cương vị và chức năng của vị ngữ theo đường hướng của ngữ pháp chức năng và ngữ pháp tri nhận, tất cả để có một cái nhìn toàn diện hơn về thành phần cú pháp quan trọng nhất của câu.
Với vị trí thường ở đầu câu, chủ ngữ là giao cắt của nhiều bình diện, vì thế đã tồn tại các loại chủ ngữ khác nhau: chủ ngữ ngữ pháp, chủ ngữ tâm lí, chủ ngữ lôgic. Xét đến đặc trưng loại hình học, chủ ngữ còn có sự tranh chấp chức năng và các đặc quyền ngữ pháp, ngữ nghĩa, ngữ dụng với Chủ đề, từ đó có sự phân biệt các ngôn ngữ thiên chủ ngữ và các ngôn ngữ thiên chủ đề.
Đề tài tập trung nói đến chủ ngữ ngữ pháp. Theo đó, nói đến chủ ngữ là nói đến một cương vị, một chức năng cú pháp trong câu. Hệ luận là cấu tạo vật chất của chủ ngữ rất đa dạng: chủ ngữ có thể là từ hay ngữ, có thể là một kết cấu chủ- vị. Trong số các ngữ có thể làm chủ ngữ, có danh ngữ, động ngữ, tính ngữ và cả giới ngữ (ngữ đoạn chỉ vị trí trong câu tồn tại). Đề tài cho rằng chủ ngữ là thành phần chính, tham gia vào nòng cốt câu.
Để tránh những tranh cãi về việc nhận diện chủ ngữ, nhóm nghiên cứu chủ trương dựa vào nòng cốt để xác định chủ ngữ, với thao tác nhận biết đơn giản, chấp nhận những ngữ đoạn chỉ vị trí trong câu tồn tại cũng là chủ ngữ. Như vậy đề tài chấp nhận có chủ ngữ đứng trước và chủ ngữ đứng sau vị ngữ.
Bên cạnh quan điểm truyền thống và chức năng, đề tài cũng đề cập đến quan niệm của ngữ pháp tri nhận về chủ ngữ, theo đó, chủ ngữ là thành tố bắt buộc, tham gia vào cấu hình ý niệm cốt lõi của câu.
Thành phần cuối cùng được thảo luận là bổ ngữ. Tuy là một một thành phần câu rất quen thuộc trong nghiên cứu ngữ pháp, nhưng cương vị của bổ ngữ rất bấp bênh, đi từ thái cực này sang thái cực khác: ngữ pháp truyền thống cho bổ ngữ là thành phần phụ của câu nhưng các đường hướng ngữ pháp chức năng hay ngữ nghĩa lại cho bổ ngữ là thành phần chính của câu. Trường hợp cực đoan nhất là ý kiên của những tác giả theo lí thuyết từ tổ. Khi vận dụng lí thuyết từ tổ vào phân tích cú pháp, họ cho rằng bổ ngữ không phải là thành phần của câu mà chỉ là thành phần của một loại từ tổ là động ngữ.
So với những thảo luận về vị ngữ và chủ ngữ, bên cạnh những vấn đề chung, như cách nhận biết, phân loại theo cấu tạo và ngữ nghĩa, khái quát bổ ngữ đi từ ngữ pháp truyền thống đến ngữ pháp chức năng và ngữ pháp tri nhận, đề tài dành nhiều dung lượng hơn để khảo sát bổ ngữ không phải theo đường hướng chức năng chung, mà đi vào cụ thể hơn, theo các đường hướng chức năng cụ thể, đồng thời cũng thảo luận bổ ngữ gắn với các mô hình ý niệm cốt lõi theo đường hướng ngữ pháp tri nhận. Tất cả là để phục vụ cho việc biện luận cương vị của bổ ngữ như một thành phần chính của câu, tham gia vào nòng cốt.
Tất cả các thành phần chính của câu (chủ ngữ, vị ngữ, bổ ngữ) đều được nhận biết, phân loại (theo cấu tạo và theo ngữ nghĩa). Chúng cũng được trình bày trong giao diện của 3 góc nhìn: ngữ pháp truyền thống, ngữ pháp chức năng và ngữ pháp tri nhận.
Theo nhóm nghiên cứu, đề tài chỉ mới đi được một nửa đoạn đường. Cần có thêm đề tài nghiên cứu (trong tương lai) về các thành phần phụ của câu và các yếu tố hiện diện trong câu nhưng là chỉ tố liên kết diễn ngôn, gắn câu với tình huống. Kết hợp hai đề tài, đề tài hy vọng sẽ có một cuốn Cú pháp tiếng Việt phản ánh được thành tựu lí luận cú pháp trên thế giới hiện nay và phản ánh bức tranh sinh động của cú pháp tiếng Việt.
Đề tài được Hội đồng nghiệm thu xếp loại xuất sắc. Dự kiến đề tài sẽ được in thành sách và ra mắt bạn đọc trong thời gian tới./.
PV.