Từ sau khi trở thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2012, Tập Cận Bình đã lãnh đạo thực hiện một chương trình cải cách toàn diện với quy mô chưa từng có về an ninh quốc gia. Chiến lược an ninh quốc gia của Trung Quốc bao gồm hai bộ phận cấu thành: An ninh đối nội và an ninh đối ngoại.
Đề tài xác định khái niệm Chiến lược an ninh đối ngoại của Trung Quốc; phân tích, nhìn nhận vấn đề trong khuôn khổ các khung phân tích lý thuyết về an ninh trên thế giới, đặc biệt là sử dụng lý thuyết của chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa kiến tạo trong quá trình phân tích) kết hợp với cách tiếp cận lịch sử, đưa ra những nhận định về tính liên tục trong quan niệm và hành vi an ninh đối ngoại được định hình, tiếp nối suốt mấy nghìn năm lịch sử Trung Quốc, nhằm tổng kết, đúc rút những quy luật mang tính bản chất trong chiến lược an ninh đối ngoại của Trung Quốc.
Nghiên cứu Chiến lược an ninh đối ngoại của Trung Quốc thời đại Tập Cận Bình là đưa ra nhận định về những nguy cơ an ninh đến từ bên ngoài đối với Trung Quốc, mục tiêu mà chiến lược an ninh đối ngoại của nước này hướng đến, thứ bậc ưu tiên lợi ích trước mắt, quá trình nhận thức và điều chỉnh tư duy chiến lược, phương cách mà Trung Quốc huy động các nguồn lực để hiện thực hóa các mục tiêu an ninh khiến quốc gia họ trở nên an toàn hơn, đồng thời đánh giá hiệu quả, tác động của chiến lược an ninh đối ngoại Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình.
Mục tiêu hướng đến của đề tài nhằm trả lời các câu hỏi sau: (1) Chiến lược an ninh đối ngoại của Trung Quốc là gì?; (2) Mục tiêu chiến lược an ninh đối ngoại của Trung Quốc thời đại Tập Cận Bình; (3) Vì sao Trung Quốc đưa ra một chiến lược an ninh đối ngoại có những điểm khác biệt so với các giai đoạn trước? Phân tích sự thay đổi môi trường an ninh đối ngoại và những động lực từ bên trong khiến Trung Quốc có sự chuyển biến trong quan niệm nhận thức, từ đó đưa ra một chiến lược phù hợp với điều kiện mới; (4) Bên cạnh những đặc điểm mang tính thời đại, làm rõ tính liên tục và tiếp nối trong chiến lược an ninh đối ngoại trải dài suốt quá trình lịch sử phát triển của nền văn minh Trung Hoa?; (5) Chính quyền Tập Cận Bình đã và đang điều động các nguồn lực quan trọng để triển khai chiến lược an ninh đối ngoại như thế nào? (6) Đánh giá hiệu quả, tác động và đưa ra một vài dự báo đối với chiến lược an ninh đối ngoại của Trung Quốc trong tương lai; (7) Đưa ra một số hàm ý chính sách bao gồm các kiến nghị mang tính nguyên tắc và một số đề xuất cụ thể đối với chính sách đối ngoại của Việt Nam nói chung và đối với Trung Quốc nói riêng.
Ngoài phần mở đầu và kết luận, đề tài được kết cấu 03 chương: Chương 1, an ninh đối ngoại Trung Quốc: Cơ sở lý luận và thực tiễn; Chương 2, thực trạng triển khai chiến lược an ninh đối ngoại của Trung Quốc thời đại Tập Cận Bình; Chương 3, đánh giá chiến lược an ninh đối ngoại Trung Quốc thời đại Tập Cận Bình và hàm ý chính sách đối với Việt Nam. Đó là chính sách ngoại giao của Việt Nam đối với Trung Quốc hiện nay chủ yếu được hình thành bởi sự tổng hòa giữa nhân tố hằng số là địa lý và lịch sử, cùng với nhân tố biến số là chiến lược của Trung Quốc và sự thay đổi trong tương quan lực lượng giữa các nước lớn. Khi xem xét để lựa chọn một đối sách phù hợp trong quan hệ song phương với Trung Quốc ở mỗi thời kỳ, cần xem xét kĩ sự tương tác giữa các yếu tố trên. Theo đó đề tài đưa ra một số biện pháp cụ thể trên các phương diện về kinh tế, vấn đề tham gia sáng kiến “vành đai và con đường”, về đối phó với cạnh tranh Mỹ- Trung, về vấn đề Biển Đông, về vấn đề Hong Kong, về nâng cao năng lực tác chiến của QĐNDVN nhằm ứng phó nguy cơ.
|
Đề tài được Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao về mặt lý luận và thực tiễn, đặc biệt là tính mới của công trình nghiên cứu thể hiện ở chỗ phân tích một cách hệ thống và toàn diện tư tưởng Tập Cận Bình về chiến lược an ninh đối ngoại, làm rõ cách xác định của giới lãnh đạo Trung Quốc về lợi ích quốc gia cốt lõi, về mục tiêu của chiến lược an ninh đối ngoại (an ninh chính trị và củng cố quyền lực, tăng cường tính chính danh, xác lập trật tự an ninh khu vực và phục hung dân tộc Trung Hoa). Công trình nghiên cứu đã nêu rõ hệ thống quan điểm an ninh đối ngoại của Trung Quốc thời đại Tập Cận Bình, từ đó nêu lên 5 nhóm vấn đề quan trọng triển khai Chiến lược an ninh đối ngoại về thể chế, ngoại giao, kinh tế, quân sự và nguồn lực biển. Bên cạnh đó, trên cơ sở phân tích ý đồ chiến lược an ninh đối ngoại thời Tập Cận Bình, các tác giả công trình đã đưa ra một bản kiến nghị khá cân nhắc về đối sách của Việt Nam trong mối quan hệ với Trung Quốc. Lập luận của các tác giả xuất phát từ căn cứ thực tiễn của mối quan hệ bấy lâu giữa hai bên, những thách thức ngày càng căng thẳng trước mục tiêu lâu dài của Trung Quốc và thực lực của Việt Nam, những nguy cơ mà Việt Nam sẽ vấp phải trong mối tương quan bất cân xứng. Từ cách tính toán giữa mối quan hệ quốc tế đầy phức tạp, các tác giả đã nêu lên kiến nghị về đối sách của Việt Nam. Đó là đóng góp có giá trị cao về mặt khoa học. Đây là công trình nghiên cứu nghiêm túc, nguồn tài liệu phong phú, các tác giả đã cố gắng vận dụng lý thuyết về quan hệ quốc tế vào việc phân tích thực tiễn nên rút ra được những kết luận có giá trị về mặt khoa học cũng như gợi mở những vấn đề thiết thực trong quan hệ hai nước.
Đề tài được Hội đồng nghiệm thu đánh giá đạt loại xuất sắc. Đề tài đã có 05 bài công bố trên các Tạp chí quốc tế và kỷ yếu hội thảo khoa học của Viện Hàn lâm. Dự kiến đề tài sẽ xuất bản sách vào năm 2021.
Nguyễn Thu Trang