Năm 2023, Viện Nghiên cứu Kinh thành tập trung tổ chức thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là Dự án “Chỉnh lý, nghiên cứu, đánh giá giá trị và lập hồ sơ khoa học khu di tích Hoàng thành Thăng Long, năm 2023” theo kế hoạch đã được phê duyệt; đồng thời tổ chức thực hiện các nhiệm vụ thuộc Đề án “Nghiên cứu Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê, Nền Chùa (Văn hóa Óc Eo Nam Bộ). Với mục tiêu tổng quát của Dự án, năm 2023 tập trung giải quyết các nội dung cơ bản sau: (a) Duy trì tốt công tác bảo vệ, bảo quản di vật đang lưu giữ tại các kho trong khu Thành cổ Hà Nội; (b) Tổ chức thực hiện tổng thể, đồng bộ trong nghiên cứu, phân loại di vật của khu di tích Hoàng thành Thăng Long và khu vực xây dựng Nhà Quốc hội trên 4 lĩnh vực chính. Đó là Vật liệu kiến trúc, Đồ gốm sứ, Đồ sành và Đồ kim loại, Xương động vật, nhuyễn thể, thủy tinh theo kế hoạch, theo phương pháp và qui trình phân loại các loại hình di vật của khu di tích Hoàng thành Thăng Long nhằm phân định loại hình học theo nguồn gốc, niên đại và lựa chọn di vật mẫu; Hệ thống hóa tư liệu loại hình học, lập bảng thống kê số lượng hiện vật, làm hồ sơ tư liệu về di vật mẫu (ghi chép, đo vẽ, chụp ảnh, lập phiếu di vật)... để phục vụ tốt cho công tác lập hồ sơ khoa học về di vật; (c) Tổ chức nghiên cứu so sánh, thu thập tư liệu bên ngoài khu di tích Hoàng thành Thăng Long thông qua chương trình điều tra, khai quật, nghiên cứu khảo cổ học nhằm thu thập cơ sở dữ liệu, hệ thống hóa tư liệu phục vụ hiệu quả, thiết thực cho công tác nghiên cứu, phân tích so sánh, đánh giá giá trị về đặc trưng, niên đại, nguồn gốc, tính chất, chức năng... của di tích, di vật khu di tích Hoàng thành Thăng Long; (d) Xuất bản Kinh thành cổ Việt Nam năm 2022 và Biên tập nội dung các bài viết của ấn phẩm Kinh thành cổ Việt Nam năm 2023 theo kế hoạch; (e) Tổ chức bàn giao toàn bộ di vật và hệ thống hồ sơ khoa học về di vật đã thực hiện và hoàn thành công tác phân loại chỉnh lý trong năm 2021- 2022 cho Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội quản lý và phát huy giá trị.
Nhiệm vụ trọng tâm của Dự án là là nghiên cứu đánh giá giá trị các loại hình di tích, di vật của khu di tích Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu (khu ABCD) và khu vực xây dựng Nhà Quốc hội (khu E) để tiến tới lập hồ sơ tư liệu và hồ sơ khoa học về các loại hình di tích, di vật được khai quật từ những năm 2002-2004 và năm 2008-2009.
Trong năm 2023, Dự án được tổ chức triển khai với 4 nhóm nội dung chính: (i)- Tổ chức nghiên cứu, phân loại chỉnh lý và lập hồ sơ khoa học về toàn bộ di vật của khu di tích Hoàng thành Thăng Long khai quật được tại 18 Hoàng Diệu (khu ABCD) năm 2002-2004 và khu vực xây dựng Nhà Quốc hội (khu E) năm 2008-2009; (ii)- Tổ chức nghiên cứu so sánh thông qua các chương trình điều tra, khai quật khảo cổ học tại các địa phương để thu thập tư liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu về đặc trưng, niên đại, nguồn gốc, tính chất, chức năng của các loại hình di tích, di vật phục vụ cho công tác nghiên cứu xác định niên đại, nguồn gốc, chức năng về di tích, di vật của khu di tích Hoàng thành Thăng Long có cơ sở khoa học, đảm bảo chất lượng và hiệu quả khi phân tích đánh giá giá trị và lập hồ sơ khoa học; (iii) - Hệ thống hóa tư liệu và làm hồ sơ tư liệu các loại hình di vật (đo vẽ, chụp ảnh, dập hoa văn, lập bảng thống kê, lập phiếu đăng ký hiện vật...); (iv) - Viết báo cáo kết quả thực hiện của công tác phân loại, chỉnh lý di vật.
Dự án đã tiến hành:
(1). Tổ chức bảo vệ, bảo quản di vật tại các kho trong khu Thành cổ Hà Nội;
(2). Tổ chức thực hiện công tác nghiên cứu, chỉnh lý chi tiết di vật của khu di tích Hoàng thành Thăng Long tại khu Thành cổ Hà Nội:
- Dự án tập trung nghiên cứu, phân loại chi tiết và lập hồ sơ khoa học về các loại ngói thời Lý (thế kỷ 11-13).
- Dự án bắt đầu tổ chức nghiên cứu, chỉnh lý chi tiết Bao nung và dụng cụ sản xuất gốm của lò quan Thăng Long và đồ gốm sứ nước ngoài.
- Dự án tổ chức thực hiện công tác nghiên cứu, phân loại chi tiết Đồ sành thời Lê sơ (thế kỷ 15-16), đồng thời hoàn thành Báo cáo kết quả nghiên cứu đồ sành thời Trần.
- Dự án tập trung vừa xử lý bảo quản, vừa tổ chức nghiên cứu, phân loại chỉnh lý để hoàn tất việc làm hồ sơ khoa học về các loại hình di vật còn lại gồm: Đồ gỗ, Xương động vật, Nhuyễn thể, Thủy tinh.
(3). Nghiên cứu so sánh, thu thập tư liệu phục vụ cho công tác nghiên cứu, đánh giá giá trị và lập hồ sơ khoa học khu di tích Hoàng thành Thăng Long: Dự án tiến hành điều tra, khai quật, nghiên cứu khảo cổ học một số di chỉ gốm ở tỉnh Hải Dương, trong đó tập trung điều tra các di tích gốm ở Bình Giang, từ đó chọn điểm khai quật tại di chỉ gốm Bá Thủy. Đây là khu di chỉ đã từng được phát hiện từ những năm 80 của thế kỷ trước, nhưng chưa được khai quật, nghiên cứu khảo cổ học. Mục tiêu của các cuộc khai quật này là thu thập tư liệu về loại hình, nghiên cứu so sánh về đặc trưng kỹ thuật và hoa văn trang trí làm cơ sở dữ liệu cho việc nghiên cứu đánh giá về đồ gốm thời Lê sơ của khu di tích Hoàng thành Thăng Long, phục vụ hiệu quả và chất lượng cho nhiệm vụ chung của Dự án.
(4). Tổ chức lập hồ sơ tư liệu
(5). Tổ chức xuất bản và biên soạn thông báo khoa học Kinh thành cổ Việt Nam công bố kết quả nghiên cứu khoa học của Dự án năm 2022-2023
(6). Tổ chức bàn giao di vật đã phân loại.
Việc tổ chức nghiên cứu, phân loại chỉnh lý các loại ngói thời Lý, đồ sành thời Lê sơ hay bao nung và các dụng cụ sản xuất gốm của lò Thăng Long năm 2023 đã và đang đưa lại nhiều phát hiện mới rất có giá trị. Đặc biệt, nghiên cứu về bao nung và dụng cụ sản xuất đã phát hiện được nhiều bằng chứng sản xuất các loại hình đồ gốm cao cấp của lò Thăng Long, như các loại gốm men trắng, men ngọc thời Lý, các loại gốm men ngọc, hoa nâu thời Trần và các loại gốm trắng mỏng thấu quang trang trí rồng thời Lê sơ.
Việc nghiên cứu so sánh trong quá trình thực hiện cũng đã có thêm nhiều phát hiện khoa học mới, như đã xác định và làm rõ hơn những loại đấu gỗ trong hệ đấu củng, đó là loại Đấu xuyên tâm hay Tề tâm đấu theo cách gọi của kiến trúc cổ Trung Quốc hay loại “Bình áng đầu chim” trong kế cấu của “bộ đấu củng”…Từ phát hiện này, nghiên cứu so sánh với kiến trúc đấu củng trên các cung điện cổ tại các nước Đông Á, nhất là với Trung Quốc, các nhà nghiên cứu có thể xác định được hệ đấu củng nằm ở hàng hiên của công trình có kết cấu và kỹ thuật xây dựng tương đồng với các cung điện cổ ở Tử Cấm thành - Bắc Kinh (Trung Quốc).
Kết quả điều tra, khai quật di chỉ gốm Bá Thủy (huyện Bình Giang - Hải Dương) cũng là những phát hiện hoàn toàn mới, lần đầu tiên cho chúng ta nhận biết khá rõ ràng và phong phú các loại hình sản phẩm của khu lò gốm dân gian tại Bá Thủy. Phát hiện này cung cấp thêm nhiều bằng chứng khoa học mới, góp phần minh chứng lịch sử ra đời, phát triển, cũng như vai trò, tính chất của di chỉ gốm Bá Thủy trong lịch sử của trung tâm gốm Bình Giang, đưa lại nhiều giá trị cho những nghiên cứu đánh giá về lịch sử gốm cổ Việt Nam thời Lê, phục vụ hiệu quả và thiết thực cho công tác nghiên cứu, trưng bày của Bảo tàng tỉnh Hải Dương, mang lại nhiều giá trị khoa học cho công tác nghiên cứu so sánh, đánh giá giá trị và lập hồ sơ khoa học về đồ gốm sứ và đồ sành thời Lê sơ, Mạc và Lê Trung hưng của khu di tích Hoàng thành Thăng Long.
Khối lượng sản phẩm nghiên cứu đồ sộ của Dự án đã thực hiện; các kết quả nghiên cứu, điều tra, khai quật, nghiên cứu so sánh và các công bố trên tạp chí khoa học uy tín trong nước và quốc tế là sự khẳng những bước tiến rất dài trong nghiên cứu, đánh giá giá trị khu di tích Hoàng thành Thăng Long của Viện Nghiên cứu Kinh thành.
PV.