Mộ táng trẻ em có niên đại 11.000 năm tuổi được phát hiện tại Bắc Sơn, Lạng Sơn
  • 3.1 top logo - tin tuc hoat dong khoa hoc

Mộ táng trẻ em có niên đại 11.000 năm tuổi được phát hiện tại Bắc Sơn, Lạng Sơn

10/11/2021

Được sự đồng ý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) phối hợp Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn vừa tiến hành khai quật khảo cổ tại địa điểm Hang Dơi (xã Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn). Khu vực thám sát này nằm trong dãy núi đá vôi Bắc Sơn, cách thành phố Lạng Sơn trên 100km và đã được xếp hạng Di tích cấp quốc gia năm 2004.

Hình ảnh di cốt được chụp tại địa điểm thám sát

Tại đây, phòng nghiên cứu Khảo cổ học Tiền sử thuộc Viện Khảo Cổ Học đã phát hiện di cốt tại Hang Dơi, xã Vũ Lễ (Bắc Sơn, Lạng Sơn), đầu quay về hướng Bắc, chân hướng Nam và mặt quay về hướng Đông, trong tư thế bó gối.

Tiến sĩ Phạm Thanh Sơn - Viện Khảo cổ học (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho biết mộ táng trẻ em được tìm thấy trong tư thế nằm co, bó gối. Di cốt này nằm trong tầng và thuộc nền văn hóa Bắc Sơn. Trong quá khứ, tầng văn hóa chứa di cốt đã được xác định niên đại tuyệt đối khoảng 11.000 năm cách ngày nay (chưa hiệu chỉnh). Đầu di cốt quay về hướng Bắc, chân hướng Nam và mặt quay về hướng Đông. Hiện trạng và kích thước di cốt cho thấy đây là mộ táng của trẻ em với xương sọ đã bị mủn nát một phần, xương chậu, xương tay chân còn khá nguyên vẹn; xung quanh di cốt có chôn theo một số mảnh tước bằng đá cuội, nanh nhím và cạnh đó là vết tích của bếp lửa. Tuy nhiên, việc xác định độ tuổi trước khi mái táng sẽ cần có thêm thời gian để nghiên cứu thêm.

TS. Phạm Thanh Sơn báo cáo kết quả thám sát tại khu vực Hang Dơi

Tiến sĩ Sơn cho biêt thêm: khu vực Hang Dơi được Viện Khảo cổ học phát hiện năm 1983 và khai quật năm 1985 với tổng diện tích là 36m2, gồm 3 hố. Có hơn 500 hiện vật được tìm thấy bao gồm nhóm các công cụ định hình, công cụ không định hình, dấu Bắc Sơn, mảnh tước, đồ gốm và một số lượng đáng kể hiện vật không xác định. Ngoài ra, một số lượng lớn vỏ nhuyễn thể bao gồm ốc suối, ốc núi, xương răng động vật cũng được phát hiện.

Toàn cảnh báo cáo kết quả nghiên cứu Hang Dơi của TS. Phạm Thanh Sơn

Mục tiêu của việc khai quật Hang Dơi nhằm nghiên cứu đặc trưng và sự phát triển có tính chất sớm muộn dựa trên sưu tập hiện vật đá thu được từ hố khai quật; Lấy mẫu niên đại của tầng văn hóa giai đoạn sớm để tìm hiểu về thời điểm hình thành di chỉ và lúc di chỉ bị chiếm cứ bởi cư dân tiền sử; Lấy mẫu phân tích bào tử phấn hoa và cổ từ cảm để tìm hiểu điều kiện môi trường mà cư dân hang Dơi đã từng sinh tồn. Đồng thời làm rõ hơn vai trò của hang Dơi trong bối cảnh các di tích văn hóa Bắc Sơn sớm ở miền Bắc Việt Nam.

Những hiện vật thu được từ quá trình khai quật nêu trên sẽ được bàn giao và lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn để phục vụ công tác bảo tồn, lưu trữ và nghiên cứu.

Phạm Vĩnh Hà

 

Các tin đã đưa ngày: