Đề tài cấp Bộ “Nghiên cứu hệ thống di tích khảo cổ học Tiên sứ ở tỉnh Lai Châu” nghiệm thu đạt loại xuất sắc
  • 3.1 top logo - tin tuc hoat dong khoa hoc

Đề tài cấp Bộ “Nghiên cứu hệ thống di tích khảo cổ học Tiên sứ ở tỉnh Lai Châu” nghiệm thu đạt loại xuất sắc

23/12/2022

Sáng ngày 21/12/2022, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức nghiệm thu cấp Bộ đề tài “Nghiên cứu hệ thống di tích khảo cổ học Tiên sứ ở tỉnh Lai Châu” do TS. Lê Hải Đăng làm chủ nhiệm, Viện Khảo cổ học là cơ quan chủ trì, đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu đánh giá đạt loại xuất sắc.

Tỉnh Lai Châu là vùng đất đầu nguồn dòng sông Đà, thuộc địa bàn khu vực Tây Bắc nước ta.  Đây là địa bàn chiến lược quan trọng về kinh tế, xã hội, văn hóa và an ninh quốc phòng của cả nước.

Tỉnh Lai Châu, nơi có điều kiện môi trường sinh thái mang tính đa dạng sinh học cao; quần động thực vật phong phú, đa dạng; nguồn nước tự nhiên dồi dào, nhiều thung lũng, bãi bồi ven sông suối màu mỡ, phì nhiêu thuận lợi cho việc cư trú, sinh sống của con người. Chính vì vậy mà suốt thời tiền sử, cư dân cổ đã tới chiếm cư, sinh tụ tại đây để bảo tồn, phát triển xã hội của mình để lại chứng tích là hàng chục di chỉ khảo cổ học từ sớm đến muộn ở vùng đất này.

Đặc điểm nổi bật của hệ thống các di tích tiền sử ở Lai Châu là phân bố tập trung trong không gian văn hóa hang động-thung lũng-đồi gò-thềm sông - cửa suối. Sống bám rừng, bám sông suối trên địa bàn truyền thống hang động, mái đá và thềm sông suối với phương thức kinh tế chính là hái lượm-săn bắt.

Về lịch sử phát hiện và nghiên cứu khảo cổ học tiền sử Lai Châu luôn gắn liền với khảo cổ tiền sử miền Tây Bắc được biết đến với cuộc khai quật di chỉ mái đá Bản Mòn của nữ học giả người Pháp M. Colani năm 1927. Đầu những năm 1970, với các cuộc khai quật Nậm Tun, Thẩm Khương, Bản Phố và Hang Pông của các nhà khảo cổ Việt Nam tạo ra bước khởi đầu cho việc nghiên cứu khảo cổ học tiền sử khu vực này. Từ sau năm 1990, công tác nghiên cứu khảo cổ học tiền sử miền Tây Bắc trong đó có Lai Châu bùng phát mạnh mẽ với việc giải phóng lòng hồ các nhà máy thủy điện Sơn La, Huổi Quảng-Bản Chát và Lai Châu. Ngành khảo cổ đã điều tra, phát hiện 99 di tích, khai quật di dời 51 di tích, đồng thời thu nhặt hiện vật ở các di tích còn lại trong vùng lòng hồ các nhà máy thủy điện, thu được một khối sử liệu vật chất đa dạng, phong phú.

Cho đến nay ở khu vực tỉnh Lai Châu đã phát hiện được 60 địa điểm khảo cổ học tiền sử, phân bố chủ yếu trong lòng hồ các nhà máy thủy điện Sơn La, Huổi Quảng-Bản Chát và Lai Châu; Và có 32 di tích đã được khai quật, di dời. Tư liệu của các cuộc khai quật này có ý nghĩa quan trọng không chỉ với tỉnh lai Châu và miền Tây Bắc đất nước.

Việc nghiên cứu toàn diện vùng đất này-trong đó có khảo cổ học-tạo cơ sở khoa học cho việc hoạch định chiến lược kinh tế-xã hội cho vùng Tây Bắc, trong đó có thượng du sông Đà là yêu cầu cấp thiết không chỉ với giai đoạn hiện nay.

TS. Lê Hải Đăng, Chủ nhiệm đề tài trình bày báo cáo

Đề tài ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Danh mục tài liệu tham khảo và Phụ lục, nội dung được kết cấu thành 4 chương: Chương 1. Tổng quan Tư liệu; Chương 2. Hệ thống di tích tiền sử ở tỉnh Lai Châu; Chương 3. Diện mạo, tiến trình phát triển văn hóa, đời sống và tổ chức xã hội của cư dân thời tiền sử Lai Châu; Chương 4: Nghiên cứu so sánh mối quan hệ văn hóa giữa các nhóm cư dân tiền sử ở Lai Châu và rộng hơn. Ngoài ra, đề tài còn có phụ lục minh hoạ gồm: nhiều biểu đồ, bản đồ, không ảnh, bản vẽ, bản ảnh.

Hệ thống các di tích khảo cổ học tiền sử lai Châu phân rất phong phú. Những tư liệu thu được qua khai quật và tham khảo kết quả giám định tuổi tuyệt đối và khung niên đại tương đối - các di tích này có thể xếp vào hai nhóm sau: (i) Nhóm di tích Đá cú hay Tiền Hòa Bình và Hòa Bình; (ii) Nhóm di tích Đá mới hay Hòa Bình phát triển - Hậu Hòa Bình và Hậu kỳ Đá mới-sơ kỳ Kim khí.

Qua nghiên cứu cho thấy, cư dân khảo cổ học tiền sử Lai Châu cư trú ở cả trong các di tích hang động, mái đá và cả ở ngoài trời, nơi gần nguồn nước nhất. Về cơ bản địa tầng và tầng văn hóa của các di tích khảo cổ học tiền sử khu vực này có độ dày trung bình. Tư liệu nghiên cứu mộ táng tại một số di tích ở hệ thống di tích khảo cổ học tiền sử Lai Châu cho biết về mặt nhân học thuộc về những chủng tộc thường thấy trong văn hóa Hòa Bình. Các đặc trưng kỹ thuật chế tác công cụ đá, công cụ xương và đồ gốm. Kỹ thuật chủ đạo chế tác đồ đá ở đây một mặt duy trì và bảo lưu truyền thống kỹ nghệ ghè đẽo kiểu văn hóa Sơn Vi, mặt khác phát triển mạnh những kỹ thuật mới, tiên tiến như bổ cuội, ghè tách mảnh từ khối hạch cuội tảng để tạo ra công cụ mảnh, kỹ thuật mài phát triển.

Suốt thời tiền sử, cư dân cổ ở Lai Châu đã từng bước nâng cao sự phát triển của mình. Từ việc rời hang động ra cư trú ngoài trời cho đến sự xuất hiện nhiều ngành nghề sản xuất mới đặc biệt là khả năng xuất hiện nghề nông giúp cho kết cấu và quan hệ xã hội ngày càng phát triển cao hơn. Nhờ đó sự phân công lao động cũng tiến bộ hơn và đời sống tinh thần của họ ngày càng cao hơn. Đó là tiền đề cho họ vững bước tiến vào Văn minh ở giai đoạn tiếp theo.

Đề tài cung cấp hệ thống tư liệu khảo cổ học đầy đủ nhất về hệ thống di tích khảo cổ học tiền sử Lai Châu đã biết cho tới nay. Đề tài cung cấp những kết quả nghiên cứu, những nhận định về tiền sử Lai Châu và miền Tây Bắc đã công bố cùng ý kiến đóng góp của đề tài giúp cho việc tìm hiểu về vùng đất này đầy đủ và sâu sắc hơn. Đề tài là chuyên khảo đầy đủ nhất về khảo cổ học tiền sử Lai Châu và là phác thảo rõ nét nhất bức tranh kinh tế-xã hội của cư dân tiền sử ở đây cũng như giá trị lịch sử-văn hóa của các di tích được nghiên cứu.

Kết quả của đề tài không chỉ là cơ sở khoa học cho công tác trưng bày giai đoạn Tiền sử tại Bảo tàng Lai Châu hay chuyên ngành ở miền Tây Bắc mà còn cung cấp sử liệu cho việc biên soạn Địa chí, lịch sử không chỉ với các địa phương trong khu vực này.

Đề tài được Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao về mặt lý luận và thực tiễn. Dự kiến đề tài sẽ được in thành sách và ra mắt bạn đọc trong thời gian tới./.

 

PV.

 

Các tin đã đưa ngày: